Dây Gắm: Vị Thuốc Chữa đau Xương Khớp - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Mô tả dược liệu và phân bố thực vật
  • 2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản
  • 3. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý của dây Gắm
  • 4. Công dụng của dây Gắm
  • 5. Một số bài thuốc từ dây Gắm

Kho tàng dược liệu dân tộc luôn rất phong phú. Từ loài rau cỏ trong sân vườn nhà, đến cây gỗ lâu năm cao lớn nơi rừng sâu núi thẳm. Từ loài thực vật ưa nắng nóng khô hanh, đến loài cây ưa mưa, ưa râm mát. Tất cả góp phần làm nên những vị thuốc âm thầm bảo vệ sức khỏe cho người dân ta từ bao đời nay. Một trong những vị thuốc đó là một loài cây, có thân mình dây, mang tên là: Dây gắm. Bài viết sau đây sẽ làm rõ về đặc điểm, công dụng, cách sử dụng của loài cây này.

1. Mô tả dược liệu và phân bố thực vật

1.1. Mô tả

Dây gắm có tên khoa học Gnetum montanum, thuộc họ Dây gắm (Gnetaceae). Nó là loại thân leo trườn hóa gỗ, mọc cao, thân dài tới 10 – 12m. Thân cành có tiết diện tròn hoặc bầu dục, có nếp nhăn dọc. Thân cây to, phình lên ở các đốt.

Lá Gắm là loại lá đơn, mọc đối, có kích thước và hình dạng thay đổi, có thể hình thuôn dài hoặc hình bầu dục. Vật liệu phiến lá là da hoặc bán da. Lá to bản, dài 10–25 cm, rộng 4–11 cm, đầu là tù hơi có mũi nhọn. Lá dày, mặt trên nhẵn bóng.

Hoa Gắm mọc từ thân cành. Hoa đực và hoa cái khác gốc, tập hợp thành nón. Nón đực mọc thành chùy dài 8 cm ở các mấu cành, phân nhánh 2 lần. Nón cái mọc thành chùm. Mỗi nón cái gồm nhiều hoa, mọc thành vòng 20 cái. Quả hình bầu dục, bóng, mặt ngoài phủ một lớp như sáp, khi chín có màu vàng đỏ. Quả có cuống ngắn. Hạt to, kích thước dài 1,5–2 cm, đường kính 1-1,2 cm. Cây ra hoa tháng 6 – 8, có quả tháng 10 – 12.

Vỏ cho sợi có thể làm dây buộc. Hạt ăn được, có thể dùng rang lên hoặc ép lấy dầu.

 Dây Gắm là dạng dây leo hóa gỗ
Dây Gắm là dạng dây leo hóa gỗ

1.2. Phân bố

Dây Gắm mọc tự nhiên trong rừng thường xanh, ở độ cao 200 – 1200 m. Phân bố ở các tỉnh: Sapa, Hà Giang, Vĩnh Phúc (Tam Đảo), Hà Nội (Ba Vì), Quảng Trị, Đà Nẵng, Lâm Đồng, Tây Ninh, Long An, Bến Tre, An Giang, Kiên Giang (Đảo Phú Quốc)…

2. Bộ phận dùng, thu hái, chế biến, bảo quản

Người ta sử dụng rễ và dây để làm thuốc. Có thể thu hái quanh năm ở những cây đã trưởng thành. Tuy nhiên nên hái vào những ngày trời khô ráo để dược liệu thu về không bị ẩm ướt, tiện cho việc phơi phóng thuốc.

Rễ và dây hái về đem giũ sạch đất cát, rửa sạch rồi phiến miếng nhỏ, phơi hay sấy khô để sử dụng. Dược liệu nên được bảo quản nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát. Tránh những chỗ ẩm thấp. Nên thường xuyên kiểm tra để kịp thời phát hiện tình hình mối mọt, ẩm mốc làm ảnh hưởng đến chất lượng thuốc.

 Dược liệu Gắm
Dược liệu Gắm

3. Thành phần hóa học và tác dụng dược lý của dây Gắm

3.1. Thành phần hóa học

Qua nghiên cứu cho thấy trong dây Gắm có sự hiện diện của tinh dầu, chất béo, Triterpenoid, Anthraquinon, Antraglycosid, Alkaloid, Flavonoid, Tannin, Saponin, chất khử và acid hữu cơ.

Hàm lượng Alkaloid, Flavonoid, Saponin toàn phần trung bình trong dây Gắm lần lượt là 3,29%, 1,94%, 2,13%

3.2. Tác dụng dược lý của dược liệu

Qua nghiên cứu cho thấy:

Các cao chiết từ dây Gắm có hoạt tính kháng khuẩn đối với E.coli, Pseudomonas aeruginosa, Staphylococus aureus, Salmonella typhimurium. Trong đó cao ethyl acetat thể hiện hoạt tính kháng khuẩn tốt nhất.

Các cao chiết đều thể hiện hoạt tính chống oxy hóa theo cơ chế đánh bắt gốc tự do DPPH, hoạt tính ức chế α-Amylase và α-glucosidase. Điều này góp phần cho việc phòng ngừa và hỗ trợ điều trị nhiễm khuẩn, đái tháo đường và các bệnh liên quan đến gốc tự do.

 Gắm là vị thuốc chữa Gout hiệu quả
Gắm là vị thuốc chữa Gout hiệu quả

4. Công dụng của dây Gắm

Theo Y học cổ truyền, dây Gắm có vị đắng, tính mát, có tác dụng giải độc, tiêu viêm, thư giãn gân cốt, hoạt huyết, sát trùng.

  • Vị thuốc này được sử dụng nhiều nhất để điều trị các chứng đau nhức xương khớp, chữa phong tê thấp, hỗ trợ trong điều trị bệnh gout.
  • Nó có thể giải các chất độc (ngộ độc thức ăn, sơn ăn da, rắn cắn,…)
  • Làm thuốc chữa sốt và sốt rét

Dây Gắm một ngày dùng 15 – 20gr, có thể lên tới 30gr. Dùng dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu uống.

5. Một số bài thuốc từ dây Gắm

5.1. Bài thuốc trị vàng da, ăn kém, chóng mặt sau sinh

Rễ gắm 25g, Ích mẫu 20g, Hương phụ 10g, Ngải cứu 8g, Nhân trần 12g, Nghệ đen 15g. Tất cả sắc nước uống. Ngày uống 2 lần, trong 10 ngày liên tiếp.

5.3. Bài thuốc chữa phong thấp

Rễ gắm, Rễ cây cà gai leo, vỏ cây chân chim, rễ dây đau xương, rễ cây cỏ xước, rễ cây tầm xuân – Mỗi vị 20g. Sắc chung với 500ml nước đến khi cạn còn 200ml, ngày uống 2 lần, không để qua ngày, uống liền 15 ngày.

Hi vọng sau bài viết này, mọi người sẽ có thêm kiến thức về một vị thuốc từ thiên nhiên: dây Gắm. Tuy nhiên nếu muốn sử dụng vị thuốc này để chữa bệnh, bệnh nhân cần có sự thăm khám và tư vấn từ thầy thuốc để sử dụng thuốc cho phù hợp với bệnh cảnh. Không nên tự ý dùng thuốc bừa bãi, có thể đưa đến những tác dụng không mong muốn. Rất mong nhận được những phản hồi cũng như sự đồng hành của các bạn ở những bài viết kế tiếp. YouMed luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn!

Từ khóa » Gắm Núi