“Daỵ Hát Ca Khúc Việt Nam Theo Phong Cách Bán Cổ điển Cho Sinh ...

Trang chủ
Giới thiệu
Tổ chức
Ba công khai
Hoạt động
Tuyển sinh
Đào tạo
Biểu diễn
Nghiên cứu
Hợp tác quốc tế
Liên hệ
Kỷ niệm 65 năm thành lập Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam
Giảng viên
Sinh viên
Quản lý Đào tạo
Thư điện tử Bộ VHTTDL
Thư điện tử Học viện
e-VNAM
Học bạ điện tử
Tin ảnh
Lượt truy cập: 13560304
Tin tức hoạt động Thứ hai, 25/11/2024
Tác giả: Nguyễn Hương Giang Tên đề tài: “Daỵ hát ca khúc Việt Nam theo phong cách bán cổ điển cho sinh viên khoa Âm nhạc Ứng dụng tại Trường đại học Thăng Long”. Chuyên ngành: Phương pháp giảng dạy chuyên ngành âm nhạc Mã số: 60 21 02 02 Cán bộ hướng dẫn khoa học: PGS.TS. Bùi Huyền Nga Ngày đăng: 25/07/2020 Toàn văn Luận văn Tóm tắt Luận văn

PHẦN MỞ ĐẦU

1. Lý do chọn đề tài

Nhìn vào xu thế phát triển âm nhạc hiện nay tại Việt Nam, các dòng nhạc đang chiếm ưu thế là Pop, R&B, Ballad, Hiphop,… đây đều là những dòng nhạc có nét độc đáo riêng, bắt kịp thị hiếu và rất thu hút khán giả. Vốn vẫn biết dòng nhạc cổ điển là cái nôi của nghệ thuật ca hát, là những gì tinh túy nhất, chuẩn mực nhất của âm nhạc nhưng thực tế là giới trẻ hiện nay lại đang quan tâm quá nhiều tới âm nhạc đại chúng.

Bán cổ điển là một phong cách hát đã xuất hiện từ lâu trên thế giới nhưng phải đến nửa sau thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI mới thực sự hình thành rõ nét và cũng du nhập về Việt Nam được một thời gian nhưng lại chưa thực sự có điều kiện mở rộng và phát triển. Vậy nên tôi muốn đi sâu vào tìm hiểu lĩnh vực này, một mặt để củng cố kiến thức chuyên môn của mình trong quá trình giảng dạy, mặt khác hy vọng góp phần nâng cao chất lượng dạy hát ca khúc VN theo phong cách bán cổ điển – một phong cách hát vừa mang tính học thuật, lại vừa phù hợp với thị hiếu người nghe. Đề tài nghiên cứu có tiêu đề: “Dạy hát ca khúc Việt Nam theo phong cách bán cổ điển cho sinh viên Khoa Âm nhạc ứng dụng tại Trường Đại học Thăng Long”.

2. Lịch sử nghiên cứu

Trong quá trình lựa chọn và tìm hiểu các nội dung, chúng tôi chưa được tiếp cận với bất kỳ công trình nào đề cập đến việc giảng dạy thanh nhạc theo phong cách bán cổ điển. Vì thế, đề tài mà chúng tôi lựa chọn không trùng lặp với các công trình đã được công bố.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

3.1. Đối tượng nghiên cứu:

Đối tượng nghiên cứu chính của đề tài là một số ca khúc Việt Nam được hát theo phong cách bán cổ điển và phương pháp giảng dạy kỹ thuật thanh nhạc cho các ca khúc này theo phong cách bán cổ điển.

3.2. Phạm vi nghiên cứu:

Trong luận văn này, đề tài chỉ giới hạn trong phạm vi giảng dạy các ca khúc Việt Nam theo phong cách thanh nhạc bán cổ điển và nơi áp dụng thể nghiệm phương pháp giảng dạy cũng như đối tượng áp dụng là sinh viên Khoa Âm nhạc ứng dụng tại Trường Đại học Thăng Long.

4. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

4.1. Mục đích nghiên cứu

Thông qua việc nghiên cứu đặc điểm phong cách thanh nhạc bán cổ điển, để từ đó đưa ra được một số phương pháp giảng dạy thanh nhạc cho các ca khúc hát theo phong cách bán cổ điển.

4.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

- Nghiên cứu cơ sở lý luận về phong cách thanh nhạc bán cổ điển.

- Nghiên cứu phương pháp dạy hát ca khúc Việt Nam theo phong cách bán cổ điển.

- Giảng dạy thực nghiệm cho sinh viên Khoa Âm nhạc ứng dụng, Trường Đại học Thăng Long để đánh giá kết quả nghiên cứu.

5. Phương pháp nghiên cứu

- Phương pháp nghiên cứu lý thuyết: Bằng việc sưu tầm tư liệu, thu thập các nguồn thông tin, kiến thức bao gồm các tài liệu giảng dạy, giáo trình, giáo án, hệ thống lại bằng các phương pháp luận, phân loại và phân tích để hình thành cơ sở lý luận cho đề tài qua các diễn giải, so sánh, tổng hợp để đi đến những kết luận cuối cùng.

- Phương pháp nghiên cứu thực nghiệm: tiến hành tổ chức dạy thực nghiệm đối chứng, chứng minh cho các giải pháp.

- Phương pháp nghiên cứu phi thực nghiệm: quan sát, trao đổi, thu thập ý kiến của một số bạn bè đồng nghiệp, tổ chức thăm dò ý kiến của học sinh nhằm đánh giá một cách khách quan kết quả các thực nghiệm đã triển khai.

6. Đóng góp mới của đề tài

Đây là công trình đầu tiên nghiên cứu về phương pháp giảng dạy thanh nhạc phong cách bán cổ điển và được thực nghiệm ở bậc Đại học tại Đại học Thăng Long.

7. Cấu trúc của luận văn

Ngoài phần Mở đầu, Kết luận, Phụ lục và Tài liệu tham khảo, phần nội dung của luận văn gồm có hai chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực trạng giảng dạy.

Chương 2: Phương pháp xử lý ca khúc Việt Nam theo phong cách thanh nhạc bán cổ điển.

CHƯƠNG 1.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TRẠNG GIẢNG DẠY

1.1. CƠ SỞ LÝ LUẬN

1.1.1. Thuật ngữ bán cổ điển” được sử dụng trong luận văn

Khái niệm “Semi-classical” và “Classical crossover” có sự khác biệt nhưng không nhiều. Nếu “Semi-classic” hay “Semi-classical” (“bán cổ điển”) với hàm nghĩa dùng để nói về những tác phẩm âm nhạc mang phong cách gần giống với nhạc cổ điển, nhưng không phức tạp, có cấu trúc đơn giản và nhiều tính đại chúng, dễ nghe, dễ cảm; thì, “Classical crossover” (nhạc cổ điển giao thoa) được hiểu với nghĩa rộng hơn, đó là một phong cách âm nhạc bao gồm cả âm nhạc cổ điển và mọi loại âm nhạc phổ cập nói chung trong xã hội, được biểu diễn bởi sự hợp tác giữa các nghệ sĩ cổ điển và đại chúng.

1.1.2. Khái quát về quá trình hình thành và phát triển phong cách thanh nhạc bán cổ điển trên thế giới và tại Việt Nam

1.1.2.1. Quá trình hình thành và phát triển phong cách thanh nhạc bán cổ điển trên thế giới

Phong cách bán cổ điển nói chung, tuy xuất hiện khá sớm nhưng phải đến nửa sau thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI mới thực sự hình thành rõ nét bởi các nhạc sĩ đương thời.

Và về sau này, các ca sĩ vẫn thường sử dụng các tác phẩm âm nhạc cổ điển và làm mới lại, từ biến các bản romance, aria thành ca khúc, tới viết lời cho các tác phẩm nhạc không lời... Họ thường làm mới lại các aria. Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, vào năm 1999 người nghệ sĩ mù Andrea Bocelli đã rất thành công với phong cách thanh nhạc bán cổ điển khi được đề cử giải Oscar và nhận giải Grammy cho phần thể hiện ca khúc The Prayer. Và cũng chính từ cảm hứng sau đêm nhạc của ông, mà bốn chàng trai trẻ cùng chung niềm yêu thích với phong cách này đã tìm đến nhau và thành lập nhóm Il Divo, ngay từ lần đầu tiên biểu diễn năm 2004 đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của khán giả. Tác phẩm O sole mio cũng là 1 ví dụ điển hình cho sự thành công của phong cách bán cổ điển khi được nhóm Il Volohát lại vào năm 2011.

1.1.2.2. Quá trình hình thành và phát triển phong cách thanh nhạc bán cổ điển tại Việt Nam

Thật khó để khẳng định được chính xác thời gian mà phong cách thanh nhạc BCĐ có mặt tại VN, nhưng có thể nhận thấy rằng giai đoạn đầu xuất hiện là từ cuối những năm 1999, đầu năm 2000.

Vào tháng 9 năm 2005, ca sĩ Mỹ Linh từng đưa Prince Igor (A. Borodin) vào album “Chat với Mozart” và phối lại thành bài hát Sớm nay mùa Xuân, do nhạc sĩ Dương Thụ soạn lại lời Việt. Một năm sau đó, là một giọng ca rất trẻ, nhưng đã tự định hướng cho mình đi theo phong cách thanh nhạc bán cổ điển, ca sỹ Đức Tuấn cho ra đời album đầu tay mang tên “Yêu trong ánh sáng” (2006). Nhưng trên hết, niềm đam mê phong cách thanh nhạc bán cổ điển được thể hiện rõ nét nhất khi anh ra album Music of the Nights (The Broadway Album) vào năm 2009. Sau thập kỷ đầu tiên của năm 2000, sự giao thoa âm nhạc bắt đầu có nhiều tiến triển mạnh mẽ hơn và để lại nhiều dấu ấn hơn sau những đêm nhạc bán cổ điển thành công nhưNhững ngày mộng mơ (2011), Mỹ Linh và Đức Tuấn đã thể hiện 2 ca khúc bất hủ: Bóng ma trong nhà hát (the Phantom of the opera) và Mặt trời của tôi (O sole mio) rất mỹ mãn. Và, với sự chuyển biến của phong cách thanh nhạc bán cổ điển khá đa dạng, năm 2013, một ca sĩ được mệnh danh là "họa mi bán cổ điển" hay được người ta nhắc tới là Phạm Thu Hà cũng đã tạo được những ấn tượng khó quên với 2 đề cử và 1 giải Cống Hiến "Album của năm" và "Nghệ sĩ mới của năm".

1.1.3. Một số đặc điểm của phong cách thanh nhạc bán cổ điển trong mối quan hệ với phong cách thanh nhạc cổ điển và đại chúng

1.1.3.1. Phong cách thanh nhạc cổ điển

a - Đặc trưng trưng của các tác phẩm thanh nhạc cổ điển (aria, ca khúc): các sáng tác thanh nhạc cổ điển thường có kết cấu phức tạp, và sử dụng nhiều kỹ thuật thanh nhạc khó. Thể loại tiêu biểu cho phong cách này là: aria, romance, ca khúc thính phòng, ...

b - Đặc trưng về kỹ thuật thanh nhạc:

Tất cả các kỹ thuật thanh nhạc cổ điển đều được các nhạc sĩ vận dụng một cách tinh tế vào trong các tác phẩm của mình.

c - Đặc trưng về phong cách trình diễn:

- Về biểu diễn: các ca sĩ hát cổ điển thường ít phải di chuyển, chủ yếu là đứng tại chỗ.

- Phần nhạc đệm: Piano hoặc dàn nhạc giao hưởng cổ điển.

- Trang phục: mang tính chất truyền thống nghiêm túc.

- Trang âm:, không sử dụng trang âm, micro.

- Sân khấu: chủ yếu trong nhà hát.

- Khán giả: Thông thường là sự nghiêm túc, giữa khán giả và ca sĩ có một khoảng cách nhất định.

1.1.3.2. Phong cách thanh nhạc đại chúng

a - Đặc trưng của các ca khúc mang phong cách đại chúng: các ca khúc này thường có đặc điểm dễ nghe, dễ hát, không quá đòi hỏi về kỹ thuật cũng như giọng hát; cấu trúc âm nhạc đơn giản.

b - Đặc trưng về kỹ thuật thanh nhạc:

Kỹ thuật thanh nhạc không cần quá coi trọng, miễn sao khi hát có thể truyền tải được cảm xúc và làm người nghe hứng thú.

c - Đặc trưng về phong cách trình diễn:

- Về biểu diễn: chú trọng tới biểu diễn hình thể, đa dạng

- Phần nhạc đệm: chủ yếu là nhạc cụ điện tử.

- Trang phục: đa dạng và phóng khoáng.

- Trang âm: sử dụng nhiều thiết bị khuyếch đại âm thanh

- Sân khấu: sân khấu thường được bài trí công phu

- Khán giả: đối tượng đông đảo nhất là giới trẻ.

1.1.3.3. Phong cách thanh nhạc bán cổ điển

a- Đặc trưng của ca khúc: ca sĩ có thể sử dụng cả ca khúc cổ điển hoặc ca khúc đại chúng.

b- Đặc trưng của kỹ thuật thanh nhạc:

Sử dụng tất cả các kỹ thuật của thanh nhạc cổ điển ở mức nhẹ hơn.

c- Đặc trưng về phong cách trình diễn

- Về biểu diễn: các ca sĩ ít di chuyển, hoặc di chuyển nhẹ nhàng và có thể kết hợp với nhóm minh họa, nhóm hát bè.

- Phần nhạc đệm: thường là sự kết hợp giữa những giai điệu cổ điển với hòa âm, phối khí hiện đại hoặc sự kết hợp dàn dây với nhạc cụ điện tử.

- Trang phục: đảm bảo được tính chất sang trọng, nhã nhặn, lịch sự.

- Trang âm: có sử dụng thiết bị khuyếch đại âm thanh như loa, micro,...

- Sân khấu: miễn sao đảm bảo tính sang trọng, lịch sự

- Khán giả: không giới hạn độ tuổi, ai cũng có thể nghe được.

=> Kết luận: Vậy tác phẩm cổ điển và tác phẩm đại chúng sẽ phải xử lý như thế nào thì ra được phong cách thanh nhạc BCĐ? Ta có thể tạm gói gọn lại theo công thức như sau:

* Tác phẩm cổ điển + kỹ thuật thanh nhạc giảm tải + yếu tố nhạc điện tử + phong cách trình diễn tăng cường = Phong cách thanh nhạc BCĐ

* Tác phẩm đại chúng + kỹ thuật thanh nhạc căn bản + yếu tố nhạc giao hưởng đơn giản + phong cách trình diễn sang trọng = Phong cách thanh nhạc BCĐ

Từ những phân tích trên, luận văn xin phép đưa ra một danh sách gồm: 10 CA KHÚC CÓ THỂ DÙNG TRONG GIẢNG DẠY THEO PHONG CÁCH THANH NHẠC BÁN CỔ ĐIỂN để làm ví dụ.

Stt

Tên bài hát

Tác giả

Phong cách

thanh nhạc gốc

1

Giấc mơ trưa

Giáng Son

Pop

2

Đêm nằm mơ phố

Giáng Son

Pop

3

Hà Nội 12 mùa hoa

Giáng Son

Pop

4

Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh

Châu Đăng Khoa

Pop

5

Hãy đến với em

Duy Thái

Pop

6

Họa mi hót trong mưa

Dương Thụ

Pop

7

Bài ca hy vọng

Văn Ký

Thính phòng cổ điển

8

Bài ca bên cánh võng

Nguyên Nhung

Thính phòng cổ điển

9

Ru con mùa đông

Đặng Hữu Phúc

Romance - cổ điển

10

Giấc mơ mùa lá

Trần Mạnh Hùng

Romance - cổ điển

1.2. Vài nét về Khoa Âm nhạc ứng dụng Trường ĐH Thăng Long và thực trạng giảng dạy

1.2.1. Giới thiệu về trường ĐH Thăng LongKhoa Âm nhạc ứng dụng

1.2.1.1. Trường ĐH Thăng Long

Trường Đại học Thăng Long tọa tại đường Nghiêm Xuân Yêm – Quận Hoàng Mai – Hà Nội. Trường quy tụ 240 giảng viên cơ hữu, trong đó có 13 giáo sư, 17 phó giáo sư, 23 tiến sĩ, 124 thạc sĩ. Bên cạnh đội ngũ giảng viên cơ hữu, trường còn ký hợp đồng thỉnh giảng với 177 giảng viên thỉnh giảng là các nhà khoa học có uy tín lớn.

Trường hiện nay có 6 khoa. Với 19 mã ngành đào tạo Đại học chính quy, với truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển không ngừng, Đại học Thăng Long đã khẳng định tên tuổi và chất lượng đào tạo với gần 2000 sinh viên tốt nghiệp mỗi năm.

1.2.1.2. Khoa Âm nhạc ứng dụng

Khoa Âm nhạc ứng dụng chính thức được Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định thành lập vào ngày 28/6/2016 vừa qua.

-Mục tiêu đào tạo:

Sau khi tốt nghiệp, các cử nhân có thể trở thành các ca sĩ, các nghệ sĩ đa năng của dòng âm nhạc giải trí vừa có thể hát, chơi nhạc cụ, vừa có vũ đạo, biết sáng tác, sử dụng phòng thu, hòa âm phối khí hoặc đảm nhiệm các công việc chuyên môn tại các đơn vị nghệ thuật, tham gia giảng dạy tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật; các trung tâm đào tạo âm nhạc trong khu vực và cả nước.

-Về cơ sở vật chất:

15 phòng học hiện đại được trang bị đầy đủ dụng cụ phục vụ cho tất cả các môn học. 4 phòng học tập thể có sức chứa từ 4 - 20 chỗ ngồi & 7 phòng học cá nhân phục vụ giảng dạy, học tập. Riêng phòng học chuyên ngành thanh nhạc với mô hình đào tạo “1-1” – một thầy một trò giúp cho sinh viên học tập trung và hiệu quả.

- Về sinh viên:

Hiện tại khoa mới bước sang năm thứ tư hoạt động, với tổng số 65 sinh viên. Sinh viên Khoa Âm nhạc ứng dụng Đại học Thăng Long chủ yếu là các bạn trẻ năng động đến từ Hà Nội, số ít đến từ tỉnh lân cận. Tiêu chí đào tạo của nhà trường gần với nhu cầu thị trường nên khâu tuyển sinh cũng đề cao việc lựa chọn sinh viên không chỉ có “thanh” mà cần có cả “sắc”, ngoài giọng hát là chính, các em còn cần có ngoại hình hoặc vũ đạo bổ trợ cho việc biểu diễn.

- Về đội ngũ giảng viên:

Khoa gồm có 5 giảng viên giảng dạy chuyên ngành thanh nhạc gồm: 1 phó giáo sư và 4 thạc sĩ.

Nhìn chung về số lượng đội ngũ giảng viên Thanh nhạc có thể đáp ứng được yêu cầu giảng dạy cho số lượng sinh viên hiện tại.

1.2.2. Thực trạng giảng dạy

1.2.2.1. Chương trình đào tạo

Chương trình môn thanh nhạc cho các năm học khái quát như sau [1]:

Học kỳ

Học kỳ 1

Học kỳ 2

Học kỳ 3

Năm I

-Ca khúc VN (phong cách thính phòng)

-Bài nước ngoài

-Ca khúc VN (phong cách thính phòng)

-Bài nước ngoài

-Ca khúc VN (phong cách thính phòng)

-Bài nước ngoài

Năm II

Hát bài Việt Nam và nước ngoài theo phong cách Pop

-Hát bài Việt Nam và nước ngoài theo phong cách Ballad

- Bài hát nhóm

- Hát bài Việt Nam và nước ngoài theo phong cách Rock

- Bài hát nhóm

Năm III

- Hát bài VN và nước ngoài theo phong cách R&B

- Bài hát nhóm

- Hát bài VN và nước ngoài theo phong cách Dance & Hiphop

- Bài hát nhóm

- 2 bài Việt Nam

- 2 bài tự chọn (hoặc 2 bài hát nhóm)

Năm IV

Chương trình biểu diễn Tốt nghiệp

1 chương trình thời lượng từ 20 – 30 phút do sinh viên tự biên tập và biểu diễn.

Nhìn vào chương trình đào tạo ban đầu cho thấy phong cách BCĐ chưa có trong chương trình đào tạo của khoa. Sau 2 năm đào tạo, từ năm học 2018-2019, Khoa Âm nhạc ứng dụng đã bắt đầu triển khai đào tạo thanh nhạc theo phong cách BCĐ. Để đáp ứng cho việc giảng dạy thanh nhạc theo phong cách BCĐ, chương trình mới đã được biên soạn song song với chương trình cũ.

  • Chương trình mới cụ thể như sau:

Học kỳ

Học kỳ 1

Học kỳ 2

Học kỳ 3

Năm I

- 1 bài luyện thanh

- 1 bài nước ngoài hoặc 1 bài VN

- 1 bài luyện thanh

- 1 bài nước ngoài hoặc 1 bài VN

- 1 bài luyện thanh

- 1 bài nước ngoài hoặc 1 bài VN

Năm II

- 1 bài Luyện thanh

- 1 bài nước ngoài

- 1 bài VN

- 1 bài Luyện thanh

- 1 bài nước ngoài

- 1 bài VN

- 1 bài Luyện thanh

- 1 bài nước ngoài

- 1 bài VN

Năm III

- 1 bài Luyện thanh

- 1 bài Romance

- 1 bài VN

- 1 bài Luyện thanh

- 1 bài Romance

- 1 bài VN

- 1 bài Luyện thanh

- 1 bài Romance

- 1 bài VN

Năm IV

- 1 bài nước ngoài

- 1 bài Romance

- 2 bài VN

- 1 bài nhóm

- 1 bài nước ngoài

- 1 bài Romance

- 2 bài VN

- 1 bài nhóm

- 1 bài nước ngoài

- 1 bài Romance

- 2 bài VN

- 1 bài nhóm

1.2.2.2. Giáo trình, tài liệu giảng dạy.

Đối với SV học phong cách thanh nhạc BCĐ, trường đã có bộ giáo trình riêng bao gồm: Tuyển tập những bài luyện thanh, Tuyển tập những bài hát nước ngoài (từ thế kỷ XVIII trở về trước), Tuyển tập những bài hát nước ngoài (từ thế kỷ XIX đến nay). Bộ giáo trình này do PGS. TS Trần Ngọc Lan biên soạn. Các ca khúc VN giảng dạy theo phong cách này do GV lựa chọn bài học phù hợp cho sinh viên.

1.2.2.3. Phương pháp giảng dạy

Phong cách BCĐ tuy đã được đưa vào trong chương trình dạy học nhưng mới chỉ diễn ra trong năm học này, số học sinh lựa chọn theo phong cách BCĐ ít (một, hai SV), hơn nữa mới trải qua năm học đầu tiên, SV chủ yếu vẫn là học kỹ thuật ca hát cổ điển nên chúng tôi chưa có dịp tiếp cận với các giờ dạy học theo phong cách này. Vì thế, chúng tôi chưa thể đưa ra được nhận xét về phương pháp giảng dạy cũng như kết quả học tập của SV liên quan đến phong cách thanh nhạc BCĐ.

*TIỂU KẾT CHƯƠNG 1

"Classical crossover" là một phong cách âm nhạc đã xuất hiện từ lâu trên thế giới và cũng du nhập vào VN được một thời gian, nhưng một vài năm trở lại đây mới bắt đầu được chú trọng đến và tạo nên thành công nhất định cho các ca sĩ tại VN hiện nay.

Trong chương 1, ngoài việc phân tích và làm rõ các đặc trưng của phong cách thanh nhạc BCĐ, chúng tôi còn đặc biệt quan tâm đến Khoa Âm nhạc ứng dụng tại Trường Đại học Thăng Long - nơi có đội ngũ GV đạt chuẩn và mục tiêu đào tạo cũng như nội dung đào tạo luôn bám sát với nhu cầu đòi hỏi của thực tế cuộc sống đương thời.

Khoa Âm nhạc ứng dụng của Trường ĐH Thăng Long tuy mới được thành lập được 4 năm nhưng đã dần hoàn thiện chương trình đào tạo với việc bổ sung nội dung giảng dạy phong cách thanh nhạc BCĐ

CHƯƠNG 2.

PHƯƠNG PHÁP XỬ LÝ CA KHÚC VIỆT NAM THEO

PHONG CÁCH THANH NHẠC BÁN CỔ ĐIỂN

2.1. Xử lý kỹ thuật thanh nhạc

2.1.1. Hơi thở và khẩu hình

* Về hơi thở

Do đặc tính muốn hướng tới việc gần gũi người nghe, thể hiện cách hát gần với nói để diễn tả tâm tư tình cảm nên chủ yếu phong cách thanh nhạc BCĐ sử dụng cách thở ngực và cách thở ngực kết hợp với bụng. Những đoạn hát thấp từ nốt g1, a1 trở xuống có thể áp dụng cách thở ngực.

Với bước nhảy quãng 4 (từ g1 lên c2), chuyển giọng pha nhẹ nhàng ở những nốt c2, d2, phù hợp với cách thở ngực kết hợp bụng.

* Về khẩu hình:

Còn với các đặc tính của phong cách thanh nhạc BCĐ thì thường sẽ sử dụng khẩu hình trung bình, nhìn giống như lúc nói chuyện, giao tiếp bình thường, không mở không quá to.

Những nhịp đầu bài Đêm nằm mơ phố có thể sử dụng khẩu hình trung bình, như đang kể chuyện, miêu tả với người nghe khung cảnh phố về đêm.

Ở phần điệp khúc bài Đêm nằm mơ phố có thể dùng khẩu hình hơi mỉm cười để thể hiện những nốt cao cho âm thanh sáng hơn.

2.1.2. Chất lượng âm thanh

* Về âm thanh: Đối với người ca sĩ khi hát theo phong cách BCĐ tuy vẫn cần phải cộng minh nhưng là cộng minh để tạo ra những khoảng vang ở vị trí vừa phải để cho giọng hát có âm thanh đẹp hơn, tròn trịa hơn, chứ không cần phải sử dụng cộng minh quá nhiều, quá mạnh mẽ.

- Để thực hiện kỹ thuật này, GV có thể cho SV luyện 2 bài tập sau:

Bài tập 1: Âm "ngậm"

Giữ hai môi dính vào nhau sao cho không khí không lọt ra ngoài được, hàm răng trên và hàm răng dưới không cho chạm nhau mà cách ra một khoảng vừa phải, lưỡi nằm sát hàm dưới một cách bình thường, đồng thời phát ra tiếng “ừm...” lớn và kéo dài.

ừm..... (âm ngậm)

Bài tập 2: Âm "ngậm" và “mở”

Cách làm tương tự Bài tập 1, sau khi thực hiện âm “ngậm”, chúng ta chỉ việc mở miệng phát ra âm “Ma...” trong cùng một hơi.

* Về nhả chữ: người hát cần đưa âm thanh lên trên. Vị trí âm thanh lúc này không cần quá cao, chỉ ở mức vừa phải, miễn sao hướng ra phía trước để tạo âm thanh trước mặt (âm thanh mặt nạ).

2.1.3. Các kỹ thuật thanh nhạc căn bản

* Kỹ thuật hát liền giọng (cantilenna)

Để tập luyện kỹ thuật này, lúc đầu SV nên tập những bài có giai điệu đơn giản như những bài luyện thanh, những bài xướng âm trước và tập hát liền các nguyên âm theo giai điệu với tốc độ chậm; sau đó mới hát cùng các phụ âm để tập phát âm nhanh hơn, gọn hơn để bộ phận truyền âm hoạt động trơn tru, linh hoạt.

* Kỹ thuật hát âm nảy (staccato):

Hát âm nảy là một yêu cầu kỹ thuật của các giọng.

Đối với phong cách thanh nhạc BCĐ cũng ít khi người hát chọn các ca khúc có sử dụng tới kỹ thuật hát nảy, để xử lý kỹ thuật này cần chú ý buông lỏng hàm dưới, môi trên hơi mở ngang sang hai bên để lộ hàm răng trên, càng lên cao vị trí âm thanh càng phải nông, như phát ra ở chân răng hàm trên.

* Kỹ thuật hát lướt nhanh (passage):

Các ca khúc VN được xử lý theo phong cách thanh nhạc BCĐ thường sẽ biến đổi từ bài có tiết tấu rất nhanh thành vừa phải hoặc từ tiết tấu rất chậm thành có tiết tấu linh hoạt hơn nên kỹ thuật hát lướt nhanh trong phong cách này sử dụng là không nhiều. Nếu có gặp, cách xử lý tốt nhất là nên xướng âm trước rồi hát chậm giai điệu, sau khi thuộc thật kĩ mới bắt đầu tăng dần tốc độ lên để tránh hát phô chênh hoặc hát ríu nốt.

* Kỹ thuật hát sắc thái to, nhỏ

Trong phong cách thanh nhạc BCĐ ca sĩ sẽ sử dụng phương pháp này ở mức độ giảm nhẹ hơn, hơi thở sâu vừa phải kết hợp với khẩu hình miệng khi hát to dần cần phải thay đổi từ hẹp tới mở rộng dần ra, không làm đột ngột tránh bị vỡ tiếng. Còn với việc hát nhỏ dần lại cần sự thận trọng, nén hơi để âm thanh không thay đổi tính chất, tránh việc bị vỡ tiếng.

Từ những phân tích trên, tác giả luận văn xin đưa ra một số tổng kết cơ bản như sau:

Bảng so sánh một số kỹ thuật đặc trưng giữa phong cách thanh nhạc cổ điển và phong cách thanh nhạc BCĐ

Kỹ thuật

Phong cách cổ điển

Phong cách BCĐ

Hơi thở & Khẩu hình

Chủ yếu là thở bụng; thở ngực dưới và bụng.

Thường mở khẩu hình trong và ngoài hết cỡ, vành miệng tròn chữ "o".

Chủ yếu là thở ngực; thở ngực kết hợp với bụng.

Mở khẩu hình trung bình như nói chuyện hoặc mở kiểu hơi mỉm cười.

Âm thanh &

Nhả chữ

Độ vang khỏe

Cộng minh nhiều

Âm lượng lớn, vang khỏe, mạnh mẽ

Vị trí âm thanh cao

Nhả chữ rõ ràng, chú trọng phát âm tròn vành rõ chữ.

Độ vang vừa phải

Cộng minh vừa phải

Âm lượng vừa đủ truyền tải cảm xúc.

Vị trí âm thanh cao vừa phải

Nhả chữ mềm mại đủ để phát âm thuận lợi.

Hát liền giọng

Đạt tiêu chí liền hơi, liền từ, giọng uyển chuyển.

Ứng dụng vào những tác phẩm khó và phức tạp.

Đạt tiêu chí liền hơi, liền từ, truyền cảm.

Ứng dụng vào tác phẩm có độ khó trung bình, hoặc trên trung bình.

Hát âm nảy

Bật chắc cơ bụng dưới, âm thanh nét, sắc bén, nảy cao.

Hơi thở linh hoạt.

Âm vực rộng.

Ứng dụng vào các tác phẩm khó, có khả năng hát staccato ở những quãng nhảy xa, kịch tính.

Bật cơ bụng dưới, âm thanh nét, nhẹ nhàng, bay bổng.

Hơi thở linh hoạt.

Âm vực rộng vừa phải.

Ít sử dụng hoặc nếu có sẽ ứng dụng vào các tác phẩm có độ khó vừa phải, quãng nhảy gần hơn.

Hát lướt nhanh

Đạt độ tinh xảo khi chạy nốt với tốc độ nhanh, rất nhanh mà không bị dính nốt, mất nốt ở quãng. Hơi thở chắc chắn, linh hoạt với cơ thể thả lỏng.

Ứng dụng vào các tác phẩm khó và rất khó.

Đạt tiêu chí liền hơi, chạy nốt linh hoạt, thống nhất âm thanh ở một vị trí từ thấp lên cao, từ cao xuống thấp với tốc độ vừa phải.

Ít ứng dụng vào các tác phẩm, nếu có có thể xử lý, chuyển biến thành đơn giản hơn.

Hát sắc thái to, nhỏ

Hát từ nhỏ đến to một cách đột ngột gây ấn tượng mạnh, kịch tính.

Hát từ to vuốt xuống nhỏ nhanh và ngay lập tức tạo sự tương phản mạnh mẽ.

Hát từ nhỏ tới to một cách từ từ, dần dần, không quá đột ngột.

Hát từ to vuốt xuống nhỏ dần vẫn tạo cảm giác dễ chịu, không quá chênh lệch.

2.2. Xử lý tác phẩm

2.2.1. Yếu tố tiết tấu, nhịp độ

Như đã nói ở trên, các ca khúc VN được xử lý theo phong cách thanh nhạc BCĐ thường sẽ biến đổi từ bài có tốc độ rất nhanh vừa phải hoặc từ nhịp độ chậm thành nhịp độ chậm vừa.

Vẫn lấy ví dụ như trên, ở bài Bài ca hy vọng với nhịp độ chậm, chỉ khoảng tempo 80 ở phong cách thanh nhạc cổ điển. Còn sang phong cách thanh nhạc BCĐ, như ca sĩ Khánh Linh và Trần Thu Hà đã từng thể hiện là biến đổi sang nhịp độ nhanh hơn (tempo ~110 ) khiến bài hát trở nên thanh thoát, linh hoạt và nhè nhàng hơn.

Còn đối với những bài hát ở nhịp độ nhanh hơn như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Châu Đăng Khoa với tempo khoảng 100 thì lại có thể xử lý tốc độ chậm lại, chỉ cần khoảng tempo 80 để làm rõ màu sắc thướt tha, nhẹ nhàng, bay bổng của bài hát.

2.2.2. Yếu tố sắc thái, tình cảm

Có thể xử lý yếu tố này qua các bước sau:

- Bước 1: Tìm hiểu sơ lược về tác giả, tác phẩm

- Bước 2: Hóa thân vào tác phẩm, sống cùng tác phẩm, tìm ra nội dung chính của tác phẩm

- Bước 3: GV có thể khuyến khích SV sáng tạo

2.2.3. Kỹ năng hát với nhạc đệm

Để xây dựng phong cách BCĐ từ những tác phẩm cổ điển, người nhạc công thường hay pha trộn với một trong các loại nhạc khác như: jazz, pop, rock,... Và, trong mỗi sự pha trộn cần có những kỹ năng hát riêng. Chẳng hạn:

- Khi xây dựng phong cách BCĐ trên nền nhạc jazz, người ca sĩ cần phải làm chủ nhịp điệu trước những tiếng trống cajon hoặc kèn, guitar điện,... có thể hát đảo phách hoặc hát lệch nhịp một chút, pha thêm sự ngẫu hứng,...

- Khi xây dựng phong cách BCĐ trên nền nhạc rock, nhạc đệm chủ yếu và những tiếng trống mạnh, bass dày, thì người ca sĩ lại cần khôn khéo để vừa giữ được kĩ thuật thanh nhạc lại vừa làm câu hát có tiết tấu hơn, đôi khi còn cần phải thể hiện phần cao trào bằng những âm hơi "gằn" cổ.

- Khi xây dựng phong cách BCĐ trên nền nhạc pop, thường với nhạc đệm là piano hoặc tiết tấu nhẹ nhàng thì người ca sĩ nên chú trọng tới sự mềm mại, thong thả và êm ái trong từng câu hát.

Còn đối với phong cách BCĐ được xây dựng từ những ca khúc đại chúng, người ca sĩ lại cần phải đảm bảo kĩ thuật thanh nhạc nhất định cho ca khúc, cách hát đều đặn, nghiêm túc và sang trọng hơn, tinh tế hơn. Phần tiết tấu nếu đang rộn ràng, sẽ điều chỉnh để nhẹ nhàng hơn.

2.3. Xử lý sân khấu

2.3.1. Kỹ năng biểu diễn

* Giải phóng hình thể:

Giải phóng hình thể sẽ giúp cho SV tự tin thể hiện mình trên sân khấu, làm chủ sân khấu với các động tác biểu diễn, vũ đạo thích hợp sẽ tăng tính chuyên nghiệp và thu hút người xem. Giải phóng hình thể sẽ tạo tinh thần sảng khoái, biểu đạt cảm xúc tốt hơn. Vì vậy, SV cần được rèn luyện những thói quen tốt về tư thế, tác phong biểu diễn.

* Làm chủ sân khấu:

Để làm chủ sân khấu, GV cần hướng dẫn SV cách truyền cảm hứng và nắm bắt cảm xúc của người xem. Khi diễn, phải thả lỏng cơ thể, linh hoạt, sinh động theo âm nhạc. GV cũng có thể cho SV xem một số trích dẫn biểu diễn của các ca sĩ biểu diễn chuyên nghiệp; phân tích những ưu, khuyết điểm của họ để rút kinh nghiệm cho bản thân mình.

2.3.2. Kỹ năng sử dụng micro

GV hướng dẫn SV cách cầm micro không được để tay bao trùm lên phần lưới micro, cũng không nên cầm chặt tay vào phần đuôi mic khiến tư thế cầm bị thiếu tính thẩm mỹ. Cách cầm chính xác nhất và thuận lợi nhất sẽ là dùng tay nắm vào phần thân giữa của micro.

Khoảng cách tốt nhất từ micro tới miệng là 2,5cm đến 5cm và nên để mic hướng thẳng tới miệng chếch một góc tối đa 35 độ. Đa số các ca sỹ là khi hát nốt thấp thì micro sẽ được đưa vào gần miệng và hơi cúi người xuống để âm trầm dễ thoát ra. Ngược lại, khi hát nốt cao hay cần ngân nga một câu hát thì ta cần hơi ngửa người ra sau một chút và đưa micro xa thêm một đoạn để âm thanh phát ra không bị gắt.

2.3.3. Nâng cao khả năng ứng dụng công nghệ vào biểu diễn thanh nhạc

* Sử dụng dụng cụ tạo tiếng hát bè Vocal Harmonist (Phơ giọng):

Đây là dụng cụ để tạo tiếng hát bè cho ca sĩ, sản phẩm là sự kết hợp lý tưởng giữa âm thanh tinh tế với cách thức hoạt động đơn giản, đặc biệt hiệu quả với những người biểu diễn với cây đàn guitar. Máy có rất nhiều kiểu hát bè ví dụ: bè quãng 3, quãng 5, quãng 8,...

* Sử dụng công nghệ màn hình Led, 3D Mapping:

Hoặc gần đây là công nghệ 3D Mapping cũng được du nhập vào VN khoảng hơn 4 năm trước, đó là công nghệ trình chiếu hình ảnh 3D tuyệt sắc lên bề mặt của mọi chất liệu như: trang phục, tường nhà, màn sân khấu, thậm chí là cả da mặt người,...

Bởi vậy mới thấy người ca sĩ làm nghệ thuật không phải điều đơn giản, quan trọng nhất là trau dồi kĩ năng về chuyên môn, nhưng bên cạnh đó cũng luôn phải làm mới mình, cập nhật xu hướng mới.

2.4. Thực nghiệm sư phạm và đánh giá kết quả

2.4.1. Thực nghiệm sư phạm

Chúng tôi đã tiến hành dạy thực nghiệm 2 ca khúc VN thuộc 2 dòng nhạc khác nhau là: Bài ca hy vọng (Văn Ký) - ca khúc thuộc dòng nhạc thính phòng (phong cách cổ điển) và ca khúc Hãy đến với em (Duy Thái) - ca khúc pop (phong cách đại chúng), cho nhóm gồm 04 SV có chất giọng và khả năng tương đương nhau. Trong đó, 02 SV giảng dạy theo đúng phong cách (1 cổ điển và 1 đại chúng) và 02 SV giảng dạy theo phong cách BCĐ để thấy sự khác biệt.

*Dạy hát ca khúc: Hãy đến với em của nhạc sỹ Duy Thái.

- Thời lượng: 2 tiết/ tuần

- Thời gian thực hiện: 50’/tiết. Bài học diễn ra trong 4 tuần (16 tiết).

- Sinh viên: năm thứ 1

- Mục tiêu bài học: Hát chính xác cao độ, tiết tấu với kỹ thuật thanh nhạc căn bản, xử lý tốt sắc thái, cảm xúc bài hát kết hợp biểu diễn.

Nội dung phần dạy học thực nghiệm được thực hiện qua các bước sau:

- Bước 1: Khởi động và luyện tập hơi thở (5’)

GV cho SV làm một vài động tác khởi động để làm ấm cơ thể, trò chuyện vui vẻ để tinh thần hưng phấn tích cực bước vào buổi học. Đối với bài hát này, phần đầu với các âm khu thấp, HS có thể sử dụng hơi thở ngực, từ điệp khúc sẽ kết hợp thở ngực và bụng. GV cho SV tập nén hơi và hướng dẫn tập ở nhà.

- Bước 2: Tìm hiểu ca khúc Hãy đến với em (7’)

Tác giả cũng gửi gắm thông điệp của bài hát: là dẫu cuộc đời này thời gian trôi đi rất nhanh trong nỗi vui hay buồn, thì người ta vẫn ánh lên trong trái tim là tình yêu, là khát vọng hạnh phúc. Điều này được thể hiện ở điệp khúc “Hãy đến với em dù chỉ một lần nữa”. Đó là sự níu gọi trong nỗi buồn, sự hẫng hụt khi suy ngẫm thân phận và tình duyên, khi lời ca đã cất lên thay tiếng lòng.

Bước 3: Luyện thanh (13’)

GV đã chọn mẫu luyện thanh rèn luyện kỹ năng hát liền giọng, âm vực và quãng phù hợp với tầm cữ giọng SV, có thể cao nhất ở E2 F2 với giọng pha nhẹ nhàng, sau đó bổ sung thêm một số mẫu luyện thanh nhảy quãng 3 quãng 5 để tập chuẩn bị cho nhiều đoạn nhảy quãng xa có trong bài hát.

- Bước 4: Học bài hát ( 20’).

Chủ đạo trong bài vẫn là kỹ thuật hát liền hơi, liền giọng và hát sắc thái to nhỏ. Giai điệu đi liền bậc càng chú trọng tới việc hát mềm mại và kĩ thuật liền giọng.

Sử dụng kĩ thuật hát sắc thái to dần ở những từ "nhắc", từ "anh" trong câu "giờ này vẫn cháy trong em, lòng em luôn nhắc tên anh". Có thể kết hợp kĩ thuật cộng minh đầu nhẹ nhàng ở câu "Hãy đến với em" để làm tăng độ vang, độ thống thiết của tính chất âm nhạc.

- Bước 5: Tóm tắt buổi học và rèn luyện phong cách biểu diễn (5’)

GV nhận xét, đánh giá buổi học và nhắc lại những chỗ cần thiết về nhà luyện tập tiếp liên quan đến kỹ thuật. Từ những buổi sau, GV bỏ qua bước 2, thời gian của bước này dành cho việc ghép nhạc và rèn luyện phong cách biểu diễn trong bước cuối cùng.

Sau khi dạy thực nghiệm ca khúc Hãy đến với em với 02 bạn SV, chúng tôi đã đưa ra bảng so sánh dưới đây:

SV hát theo

phong cách thanh nhạc BCĐ

SV hát theo

phong cách đại chúng

Hơi thở

Nén hơi và sử dụng thở ngực kết hợp với bụng.

Sử dụng thở ngực. Hơi thở ngắn.

Âm thanh

Âm thanh có độ vang sáng hơn, nhả chữ tròn trịa, sử dụng cộng minh nhẹ ở những nốt cao.

Âm thanh thiên về hát nói,

nhả chữ có phần tự do và thoải mái hơn.

Kỹ thuật thanh nhạc

Hát giọng ngực và bụng, hát giọng pha nhẹ nhàng kết hợp kỹ thuật hát liền hơi. Sắc thái to nhỏ rõ ràng, được thể hiện có ý đồ.

Hát giọng ngực là chủ yếu.

Các câu hát không chú trọng đến sự liền mạch. Sắc thái to nhỏ tuỳ thuộc vào cảm hứng của ca sĩ khi hát.

Phong cách trình diễn

Lịch sự, nhẹ nhàng.

Thoải mái, tự nhiên thể hiện sự gần gũi với khán giả.

*Dạy hát ca khúc: Bài ca hy vọng của nhạc sỹ Văn Ký.

- Thời lượng: 2 tiết/ tuần

- Thời gian thực hiện: 50’/ tiết. Bài học diễn ra trong 4 tuần (16 tiết).

Ω- Sinh viên: năm thứ 2

- Mục tiêu bài học: Hát chính xác cao độ, tiết tấu nhẹ nhàng, linh hoạt với kỹ thuật thanh nhạc vừa đủ không quá khó, xử lý tốt sắc thái mềm mại, cảm xúc bài hát kết hợp phong cách biểu diễn.

Nội dung phần dạy học thực nghiệm được thực hiện qua các bước sau:

- Bước 1: Khởi động, xác định tone giọng và luyện tập hơi thở (5’)

GV cho SV làm một vài động tác khởi động để làm ấm cơ thể. Theo phong cách thanh nhạc cổ điển thính phòng, thường các ca sĩ sẽ thể hiện ca khúc này ở tone Ab_dur. Còn đối với phong cách thanh nhạc BCĐ chỉ cần hát ở F_dur hoặc E_dur là được. Phần đầu với các âm khu tầm trung, SV có thể sử dụng hơi thở ngực, từ điệp khúc sẽ kết hợp thở ngực và bụng. GV cho SV tập nén hơi và hướng dẫn tập ở nhà.

- Bước 2: Phân tích ca khúc Bài ca hy vọng (7’)

Nhạc sỹ Văn Ký tên thật là Vũ Văn Ký (1928). Ông từng tâm sự: "Tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng con người ta phải có niềm tin vào tương lai. Tương lai là màu xanh hy vọng. Nó như một ý chính của tác phẩm". Ngày ấy, khi "Bài ca hy vọng" vang lên trên làn sóng điện Đài Tiếng nói Việt Nam thì nó như một "cơn sốt". Âm thanh bài ca như những cánh chim bay đi đến khắp mọi miền đất nước.

Bước 3: Luyện thanh (13’)

Chủ yếu trong ca khúc này là kĩ thuật hát liền giọng và hát sắc thái to nhỏ, nên GV đã chọn mẫu luyện thanh rèn luyện kỹ năng hát liền giọng, âm vực và quãng phù hợp với tầm cữ giọng SV, cao nhất ở f2 với giọng chuyển nhẹ nhàng, sau đó bổ sung thêm một số mẫu luyện thanh nhảy quãng 3 quãng 5 để tập chuẩn bị cho nhiều đoạn nhảy quãng xa có trong bài hát.

Bước 4: Học bài hát (20')

Phần mở đầu bài, chủ yếu là cách hát liền hơi, liền từ.

Trong phong cách thanh nhạc BCĐ người ca sĩ có thể thu hẹp khoảng cách cường độ từ ff xuống mp mức độ bớt gay gắt hơn.

- Bước 5: Tóm tắt buổi học và rèn luyện phong cách biểu diễn (5’)

Cuối buổi học, GV nhận xét, đánh giá buổi học và nhắc lại những chỗ cần thiết về nhà luyện tập tiếp liên quan đến kỹ thuật. Từ những buổi sau, GV qua bước 2, thời gian của bước này dành cho việc ghép nhạc và rèn luyện phong cách biểu diễn trong bước cuối cùng.

Sau khi dạy thực nghiệm ca khúc Bài ca hy vọng với 02 bạn SV, 1 bạn dạy theo phong cách thanh nhạc BCĐ, và 1 bạn dạy theo phong cách cổ điển, chúng tôi có những nhận xét như sau:

SV dạy theo

phong cách thanh nhạc BCĐ

SV dạy theo phong cách thanh nhạc cổ điển

Hơi thở

Biết cách nén hơi và sử dụng được thở ngực kết hợp với bụng.

Hơi thở và nén hơi rất tốt.

Biết cách thở ngực kết hợp bụng & thở bụng.

Âm thanh

Âm thanh có độ vang vừa phải, cộng minh nhẹ nhàng ở những nốt cao, khẩu hình mở thoải mái.

Âm thanh có độ vang sáng, cộng minh nhiều, khẩu hình tròn trịa.

Kỹ thuật thanh nhạc

Hát giọng ngực và bụng, hát giọng chuyển nhẹ nhàng kết hợp kỹ thuật hát liền hơi, hát sắc thái to nhỏ ở mức vừa phải.

Hát giọng bụng, giọng óc là chủ yếu. Các câu hát đạt kỹ thuật liền hơi tốt, sắc thái to nhỏ có sự tương phản rõ nét, chú trọng kịch tính

Phong cách trình diễn

Mang tính chất lịch sự, nhẹ nhàng, gần gũi hơn.

Mang tính chất trang trọng, nghiêm túc.

2.4.2. Đánh giá kết quả thực nghiệm

Quá trình dạy thực nghiệm, chúng tôi có mời SV và một số GV trong khoa đến dự để tham khảo ý kiến về quá trình dạy và học hát theo phong cách BCĐ, giúp chúng tôi kiểm chứng phần nào kết quả nghiên cứu.

Số phiếu phát ra: 30

Số phiếu thu vào: 30

Tổng hợp kết quả điều tra như sau (Phụ lục 3)

Qua bảng tổng hợp kết quả điều ta, ta thấy: số SV hứng thú khi học các ca khúc VN dạy theo phong cách BCĐ là: tỉ lệ rất thích chiếm 53%, thích chiếm 30%, thích vừa chiếm 17% và không thích chiếm 0%.

Về việc hưởng ứng khi đưa các ca khúc VN theo phong cách BCĐ vào chương trình đào tạo đạt kết quả rất khả quan với tỉ lệ 83% hưởng ứng, 0% không hưởng ứng và 17% có những ý kiến đóng góp xây dựng khác. Bên cạnh đó SV cũng nhận ra tầm quan trọng đối với việc học tập các ca khúc VN theo phong cách BCĐ với tỉ lệ 60% thấy rất quan trọng, 27% quan trọng và 4% cho rằng không quan trọng.

Sau 4 tuần áp dụng phương pháp giảng dạy phong cách BCĐ, 2 SV trên đã hiểu và nắm được cách hát, hát ca khúc pop và ca khúc thính phòng theo phong cách BCĐ.

Đối với đội ngũ GV, chúng tôi cũng đã tiến hành xin ý kiến liên quan đến các nội dung sau:

-Về nội dung dạy học với các vấn đề liên quan đến việc xử lý kỹ thuật thanh nhạc, xử lý tác phẩm

-Về phương pháp dạy học được phản ánh qua các bước dạy học.

-Về việc lựa chọn ca khúc để thực nghiệm sư phạm.

Về cơ bản, đa phần các GV ủng hộ cách xử lý ca khúc VN hát theo phong cách BCĐ mà luận văn đưa ra, cũng như các bước dạy học cùng các phương pháp dạy học.

Tuy nhiên cũng còn có một số ý kiến cho rằng, cách xử lý các kỹ thuật thanh nhạc như hơi thở, chất lượng âm thanh... hay, xử lý tác phẩm như tiết chế tốc độ của ca khúc, sắc thái... sao cho vừa, cho đủ và phù hợp với phong cách BCĐ mà luận văn đưa ra chỉ mang tính tương đối vì điệu này còn phụ thuộc rất nhiều vào kinh nghiệm của mỗi GV khi dựng bài cho SV. Ngoài ra, lượng thời gian qui định trong các bước dạy học chỉ mang tính tham khảo.

*TIỂU KẾT CHƯƠNG 2.

Trong chương này, chúng tôi tập trung vào nghiên cứu một số vấn đề liên quan đến việc xử lý kỹ thuật thanh nhạc, xử lý tác phẩm và xử lý sân khấu cho SV trong quá trình dạy SV hát các ca khúc VN theo phong cách BCĐ. Một phần của những nghiên cứu trên đã được chúng tôi áp dụng vào quá trình thực nghiệm sư phạm. Thời gian thực nghiệm không nhiều nhưng với 2 ca khúc (1 ca khúc thuộc dòng thanh nhạc thính phòng-cổ điển và 1 ca khúc thuộc dòng thanh nhạc đại chúng) được dạy theo phong cách thanh nhạc BCĐ đã cho thấy những yêu cầu về kỹ thuật thanh nhạc, về xử lý tác phẩm cũng như xử lý sân khấu là rất khác nhau giữa các phong cách (cổ điển, BCĐ và đại chúng). Vì thế, tuỳ theo từng loại phong cách mà GV sẽ đưa ra những yêu cầu và phương pháp dạy học phù hợp cho từng đối tượng học. Kết quả của quá trình thực nghiệm cho thấy, SV tỏ ra hào hứng và cũng rất thích được học các ca khúc VN theo phong cách thanh nhạc BCĐ bên cạnh dòng ca khúc đại chúng mà họ đang theo đuổi. Đối với đội ngũ GV, tuy vẫn còn có ý kiến khác nhau nhưng về cơ bản, họ đều ủng hộ việc giảng dạy các ca khúc theo phong cách BCĐ với những thay đổi nhất định liên quan đến 3 vấn đề chính mà chúng tôi đã đưa ra ở trên là: kỹ thuật thanh nhạc, xử lý tác phẩm và xử lý sân khấu.

* KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

1. Kết luận

Cùng với sự phát triển của dòng nhạc hàn lâm, bác học thì dòng nhạc đại chúng với nhiều phong cách đa dạng lại đang phát triển mạnh mẽ, chiếm lĩnh nhiều thị phần trong đời sống âm nhạc đương đại. Để giới trẻ tiếp nối dòng nhạc chính thống, mang đậm bản sắc dân tộc và lành mạnh, thì việc định hướng cái đẹp trong thị hiếu âm nhạc cũng như phong cách âm nhạc cho công chúng nói chung, giới trẻ nói riêng hiện nay là rất cần thiết, và âm nhạc mang phong cách BCĐ đã phần nào giải quyết được vấn đề đó.

Trong chương 2, các vấn đề đặt ra đều tập trung vào Phương pháp xử lý ca khúc VN theo phong cách thanh nhạc BCĐ. Để tiến hành nghiên cứu, chúng tôi đã lựa chọn ra 10 ca khúc và một số mẫu luyện thanh (phụ lục 5 và 6) có thể áp dụng vào việc giảng dạy theo phong cách thanh nhạc BCĐ. Ẩn chứa trong 3 vấn đề lớn cần xử lý (kỹ thuật thanh nhạc, xử lý tác phẩm và xử lý sân khấu) ở các ca khúc này khi dạy theo phong cách thanh nhạc BCĐ là sự vận dụng hợp lý các phương pháp dạy học như: PP thuyết trình, PP đàm thoại, PP thị phạm, PP thực hành luyện tập... nhằm giải quyết các nội dung liên quan trong quá trình dạy học.

Mặc dù trình độ, kinh nghiệm nghề nghiệp, khả năng nghiên cứu khoa học có hạn, nhưng chúng tôi hy vọng luận văn "Dạy hát ca khúc Việt Nam theo phong cách bán cổ điển cho sinh viên khoa Âm nhạc ứng dụng tại trường Đại học Thăng Long" sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích trong quá trình giảng dạy ca khúc VN theo phong cách BCĐ, không chỉ ở trường ĐH Thăng Long, mà còn cho các trường đào tạo nghệ thuật khác.

2. Khuyến nghị

- Khuyến nghị khoa sớm hoàn chỉnh bộ giáo trình gồm các ca khúc Việt Nam có thể dùng để dạy theo phong cách BCĐ tại trường.

- Xây dựng tiêu chuẩn và lựa chọn một số mẫu luyện thanh và bài tập luyện thanh phù hợp với yêu cầu về kỹ thuật thanh nhạc BCĐ (có hướng dẫn và chỉ dẫn cụ thể để GV tiện sử dụng).

- Tăng cường đầu sách, tài liệu tham khảo có liên quan tới việc dạy và học thanh nhạc tại Khoa.

- Tăng cường mật độ tổ chức các gameshow ca hát tại trường để SV có thêm bản lĩnh sân khấu, kinh nghiệm thi các chương trình giải trí thực tế đang rất thịnh hành trên truyền hình.

- Tăng cường thêm số tín chỉ cho môn Ký xướng âm.

- Bổ sung các dạng bài tập vận động hỗ trợ cho SV.

- Động viên SV học thanh nhạc theo phong cách BCĐ

[1] Chương trình do khoa Âm nhạc ứng dụng, ĐH Thăng Long cung cấp.

Đầu trang
English
Các khoa, bộ môn
Khoa Piano
Khoa Dây
Khoa Kèn - Gõ
Khoa Accordion - Guitar- Organ
Khoa nhạc Jazz
Khoa Thanh nhạc
Khoa Âm nhạc Truyền thống
Khoa Sáng tác - Chỉ huy - Âm nhạc học
Khoa Kiến thức Âm nhạc
Khoa Văn hoá và Kiến thức cơ bản
Quảng cáo
Liên hệ quảng cáo
HỌC VIỆN ÂM NHẠC QUỐC GIA VIỆT NAM
77 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội
ĐT: +844 3851 4969 / 3856 1842 - Fax: +844 3851 3545
Website: www.vnam.edu.vn - Email: hvan@vnam.edu.vn

Từ khóa » Học Thanh Nhạc Gv Thanh Hòa