Đầy Hơi Chướng Bụng Là Bệnh Gì? Có Nguy Hiểm Không? - Hello Bacsi

Chắc hẳn ai trong chúng ta đều từng bị chướng bụng đầy hơi sau khi ăn ít nhất vài lần. Việc bị chướng bụng khiến bạn bị căng tức bụng, gây cảm giác không thoải mái và khó chịu, xì hơi, thậm chí gây ợ nóng và sôi bụng ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. 

Vậy khi thường xuyên bị đầy bụng xì hơi hay chướng bụng đầy hơi khiến bụng căng tức khó chịu, bạn nên làm gì? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích qua bài viết sau của Hello Bacsi.

Đầy hơi chướng bụng là gì?

Chướng bụng đầy hơi là tình trạng khí (gas) bị tích tụ trong dạ dày và ruột làm cho bạn cảm thấy bị đầy bụng, tức bụng và trong một số trường hợp bụng có thể căng lên.

Tình trạng này thường xảy ra do bạn nuốt nhiều không khí trong khi ăn hoặc khí hình thành từ sự phân giải của thực phẩm trong quá trình tiêu hóa. Bạn có thể gặp phải cảm giác này một hoặc nhiều lần trong ngày.

Triệu chứng thường gặp

Những dấu hiệu và triệu chứng khi bị chướng bụng đầy hơi là gì?

Nhiều người thường thắc  mắc chướng bụng là gì? Hầu hết mọi người đều mô tả chướng bụng đầy hơi là cảm giác không thoải mái và khó chịu ở bụng, có khi đó là cảm giác căng chướng bụng, sình bụng, xì hơi, ợ nóng thường xuyên hoặc ợ hơi và sôi bụng. Đôi khi, bạn có thể bị đau quặn thắt từng cơn kèm nôn ói nếu nguyên nhân do sự tắc nghẽn ở ruột làm thức ăn và hơi bị ứ nhiều trong lòng ruột.

Nếu bạn thường xuyên bị đầy bụng xì hơi hay đầy bụng xì hơi nhiều lần trong ngày và có các dấu hiệu bệnh khác kèm theo hay các triệu chứng có vẻ ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt hằng ngày, hãy đi khám càng sớm càng tốt.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Người bị đầy hơi chướng bụng hay thường xuyên bị đầy bụng xì hơi cần đi khám khi nào? Thông thường tình trạng đầy bụng, ợ hơi hay đầy bụng xì hơi nhiều có thể tự hết. Bạn nên đi khám ngay lập tức nếu các triệu chứng không cải thiện mặc dù bạn đã thay đổi thói quen ăn uống để giảm tình trạng này. Ngoài ra, bạn nên đi khám nếu cảm thấy:

  • Tức ngực
  • Sụt cân
  • Tiêu chảy
  • Phân thay đổi màu sắc (có máu trong phân, phân bạc màu) hoặc tần suất đi ngoài thay đổi
  • Sốt cao
  • Đau bụng
  • Đi tiêu phân mỡ

Nếu bạn có bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào nêu trên hoặc có bất kỳ câu hỏi nào, xin vui lòng đi khám và tham khảo ý kiến bác sĩ. Cơ địa mỗi người là khác nhau. Những dấu hiệu trên đôi khi có thể là do một loại bệnh đường tiêu hóa khác nghiêm trọng hơn gây ra. Vì vậy, hãy đi khám sớm và hỏi ý kiến bác sĩ để được chỉ định phương pháp điều trị thích hợp nhất.

Có thể bạn quan tâm

Phân nhạt màu

Giải mã 3 nhóm nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị chướng bụng đầy hơi 

bị đầy hơi chướng bụng

Việc thường xuyên bị chướng bụng đầy hơi hay bị đầy bụng xì hơi khiến bạn băn khoăn không biết tình trạng này là do đâu không? Hãy lắng nghe lời giải mã nguyên nhân thường xuyên bị chướng bụng đầy hơi từ đội ngũ chuyên gia của Hello Bacsi ngay sau đây.

Việc thường xuyên bị chướng bụng đầy hơi có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, cụ thể như sau:

1. Tiêu thụ một số thực phẩm gây ra khí trong đường tiêu hóa

Chế độ ăn có các thực phẩm giàu chất xơ như các loại đậu, đậu Hà Lan, trái cây, rau, ngũ cốc… làm tăng lượng khí sản sinh trong đường tiêu hóa. Ngoài ra, bạn cũng có thể bị đầy bụng xì hơi nếu tiêu thụ các thực phẩm sau:

  • Đồ uống có gas chẳng hạn như soda và bia, làm tăng khí trong dạ dày.
  • Sử dụng chất bổ sung chất xơ có chứa psyllium, chẳng hạn như Metamucil, có thể làm tăng khí trong đại tràng.
  • Việc tiêu thụ chất thay thế đường hoặc chất làm ngọt nhân tạo, chẳng hạn như sorbitol, mannitol và xylitol có trong một số thực phẩm và đồ uống không đường có thể gây ra khí thừa trong ruột già.

2. Các vấn đề sức khỏe đường tiêu hóa

Theo các chuyên gia sức khỏe, việc gặp phải một trong các tình trạng y tế có thể làm tăng lượng khí trong lòng ruột dẫn đến chướng bụng đầy hơi, thậm chí là đau bụng bao gồm:

  • Bệnh đường ruột mãn tính: Khí dư thừa thường là triệu chứng của các tình trạng đường ruột mãn tính, chẳng hạn như viêm túi thừa, viêm loét đại tràng hoặc bệnh Crohn.
  • Sự phát triển quá mức của vi khuẩn ruột non: Sự gia tăng hoặc thay đổi vi khuẩn trong ruột non có thể gây ra đầy hơi, tiêu chảy và giảm cân.
  • Không dung nạp thực phẩm: Khí hoặc đầy hơi có thể xảy ra nếu hệ thống tiêu hóa của bạn không thể phá vỡ và hấp thụ một số loại thực phẩm, chẳng hạn như đường trong các sản phẩm từ sữa (lactose) hoặc protein như gluten trong lúa mì và các loại ngũ cốc khác.
  • Táo bón: Táo bón có thể gây khó khăn cho việc truyền khí.
  • Tăng lượng hơi trong lòng ruột: Do thức ăn bị ứ trệ và không xì hơi được trong trường hợp tắc ruột, hay ruột không hấp thu được một số loại thực phẩm (ăn thức ăn béo hoặc uống đồ uống có gas – đã được đề cập ở trên).
  • Khí trong lòng ruột không được hấp thu vào máu hoặc ngược lại được khuếch tán từ máu vào lòng ruột theo sự chênh lệch áp suất: Ví dụ: ở dạ dày áp lực khí CO2 ít hơn trong máu nên sẽ khuếch tán khí từ máu vào lòng ruột, nhưng ở tá tràng thì ngược lại.

3. Thói quen ăn uống

Thói quen ăn uống, chẳng hạn như ăn quá nhanh, uống bằng ống hút, nhai kẹo cao su, ngậm kẹo hoặc nói chuyện trong khi nhai khiến bạn nuốt nhiều không khí hơn. Điều này làm tăng lượng khí trong lòng ruột dẫn đến nguy cơ bị chướng bụng đầy hơi.

Nguy cơ mắc phải

bị chướng bụng đầy hơi

Những ai thường bị đầy hơi chướng bụng?

Hiện tượng đầy hơi chướng bụng hay bụng căng tức, khó chịu xảy ra rất phổ biến và thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh thường ảnh hưởng đến phụ nữ nhiều hơn là nam giới. Tình trạng đầy hơi chướng bụng không nghiêm trọng và có thể dễ dàng điều trị. Tuy nhiên, nếu bị đầy hơi kéo dài và không giảm dù đã áp dụng những biện pháp thông thường, bạn cần phải đi khám để có thể xác định được nguyên nhân.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị đầy hơi chướng bụng?

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ bị đầy hơi, ví dụ như:

  • Chế độ ăn uống bao gồm các loại thực phẩm chứa nhiều chất xơ như trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và các loại hạt từ cây họ đậu
  • Cơ thể bạn không thể tiêu hóa lactose hoặc gluten. Lactose có trong sữa và các sản phẩm làm từ sữa như phô mai và kem. Gluten là hỗn hợp các protein và có trong một số sản phẩm làm từ lúa mì như mì ống và bánh mì
  • Lối sống tĩnh tại, ít vận động làm cho hệ tiêu hóa hoạt động chậm lại (nhu động ruột bị giảm)
  • Đầy hơi chướng bụng có thể gặp ở người mắc bệnh lý trào ngược dạ dày – thực quản (GERD) hoặc hội chứng ruột kích thích (IBS), nhưng không phải là triệu chứng thường gặp, ợ hơi góp phần làm axit trào ngược trong một số trường hợp nên có thể kèm theo cảm giác nóng rát vùng ngực hay vùng bụng trên rốn.

Chẩn đoán và điều trị hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán chướng bụng đầy hơi?

Tình trạng thường xuyên bị đầy bụng xì hơi hay bụng căng tức, khó chịu thường được chẩn đoán và điều trị như thế nào? Câu trả lời sẽ có ngay sau đây!

Bước đầu tiên trong việc chẩn đoán tình trạng đầy hơi là khám lâm sàng và xem xét tiền sử bệnh. Bạn nên cung cấp thông tin chi tiết cho bác sĩ về những triệu chứng cũng như chế độ ăn uống của mình. Bạn cũng nên cho bác sĩ biết về bất cứ loại thuốc hoặc thảo dược nào đang dùng. Điều này sẽ giúp bác sĩ chẩn đoán bệnh chính xác hơn.

Phương pháp điều trị khi bị đầy hơi chướng bụng

Phương pháp điều trị khi bị đầy hơi chướng bụng

Cách chữa đầy hơi chướng bụng thường tập trung vào việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống. Những thay đổi này bao gồm:

  • Xác định các loại thực phẩm gây đầy hơi: Bạn nên chụp ảnh hoặc ghi chép lại mình đã ăn những món gì và cảm giác sau khi ăn món đó ra sao. Điều này sẽ giúp bạn xác định các loại thực phẩm làm bạn bị đầy hơi.
  • Hạn chế chất béo trong chế độ ăn: Chất béo có thể làm chậm quá trình tiêu hóa, làm cho dạ dày của bạn cảm thấy no nhanh hơn.
  • Tạm thời hạn chế các loại thực phẩm nhiều chất xơ: Việc tiêu thụ thực phẩm chứa chất xơ thường tốt cho cơ thể. Nhưng hiện tượng đầy hơi chướng bụng có thể xảy ra do cơ thể quá nhạy cảm với chất xơ nên bạn phải tạm thời hạn chế ăn thực phẩm giàu chất xơ để giảm triệu chứng. Đôi khi có thể mất 3 tuần để cơ thể điều chỉnh lại lượng chất xơ cần tiêu thụ.
  • Giảm uống sữa: Nếu có thói quen uống sữa, thay vì uống một ly sữa đầy mỗi lần, bạn nên uống từng chút một. Bạn cũng có thể dùng các sản phẩm giúp hỗ trợ cơ thể tiêu hóa lactose trong sữa như các loại thực phẩm chứa lactase, một enzyme phân hủy lactose.

Khi việc thay đổi chế độ ăn uống và lối sống không làm giảm triệu chứng đầy hơi, bạn hãy đi khám. Bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bằng thuốc:

  • Simethicone: Là loại thuốc không kê đơn có tác dụng giảm sức căng bề mặt của các bóng khí trong ống tiêu hóa, phá vỡ các bong bóng khí này và dễ tống hơi ra ngoài.
  • Than hoạt tính: Than hoạt tính có thể giúp hấp thu khí.
  • Bổ sung lactase: Lactase là một enzyme có thể giúp tiêu hóa thức ăn chứa đường lactose.

Ngoài ra, bạn nên tham vấn ý kiến bác sĩ về việc dùng men vi sinh nhằm bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa, giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh. Một nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng việc bổ sung một số men vi sinh có thể giúp cải thiện môi trường vi sinh vật trong đường ruột, từ đó đem lại hiệu quả trong việc giảm sản xuất khí, đầy hơi chướng bụng ở những người có vấn đề về tiêu hóa.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế đầy hơi chướng bụng?

Bạn sẽ có thể kiểm soát tình trạng chướng bụng đầy hơi bằng việc áp dụng các biện pháp sau:

  • Chia nhỏ bữa ăn và ăn thường xuyên hơn
  • Ăn chậm, nhai kỹ
  • Tránh các loại thực phẩm chiên rán và nhiều chất béo
  • Tránh uống bia rượu và các loại đồ uống có gas
  • Vận động và tập thể dục thường xuyên
  • Ngưng hút thuốc lá (nếu có)
  • Tránh nhai kẹo cao su, uống bằng ống hút hoặc ngậm kẹo cứng (vì chúng sẽ làm bạn nuốt nhiều không khí)

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

[embed-health-tool-bmr]

Từ khóa » Bụng Bị Chướng Khí