Đây Là 7 Cơ Quan Nội Tạng Trên Người Có Thể Cắt Bỏ Mà Vẫn Sống Sót

Nếu bạn muốn tìm một thứ gì đó đàn hồi hơn cả bóng tennis, thì đó chính là cơ thể của bạn. Dù nhiều người có tin hay không, thực tế con người là sinh vật cực kỳ linh hoạt. Chẳng hạn khi hiến máu, bạn sẽ mất khoảng 3,5 tỷ hồng cầu, nhưng rồi cơ thể sẽ sớm sinh ra 3,5 tỷ hồng cầu khác để bù đắp vào đó.

Và nếu bạn còn chưa bị thuyết phục, một người có thể sống mà không cần đến nửa bộ não, một quả thận, cả dạy dày hay đại tràng và túi mật. Dưới đây là danh sách cả 7 cơ quan mà bạn có thể không cần đến mà vẫn sống tốt:

1. Lách

Cơ quan này nằm ở phía bên trái của bụng, dưới xương sườn và lệch về phía sau lưng. Nếu nhìn từ phía trước tới thì sau xương sườn trái là dạ dày, sau dạ dày là tới lách.

Trong nhiều vụ tai nạn, lách thường là bộ phận dễ bị tổn thương nhất. Lí do là bởi nó nằm gần xương sườn, lại có màng rất mỏng. Một khi bị rách, lá lách có thể gây chảy máu dẫn đến tử vong. Trường hợp này, các bác sĩ buộc phải chỉ định cắt bỏ để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

Ở một lá lách bình thường, khi bạn nhìn vào sẽ thấy nó có màu đỏ đậm cùng những túi nhỏ màu trắng. Những màu sắc này liên quan đến chức năng của lách. Phần màu đỏ lưu trữ và tái chế hồng cầu. Trong khi đó, túi trắng sẽ chứa bạch cầu và tiểu cầu.

Một sự thật là bạn có thể sống bình thường mà không có lá lách. Điều này bởi vì có một cơ quan khác là gan cũng đúng vai trò tái chế hồng cầu. Tương tự, các mô bạch huyết khác trong cơ thể cũng có thể làm thay nhiệm vụ của lá lách với bạch cầu.

2. Dạ dày

Dạ dày thực hiện bốn chức năng chính: tiêu hóa cơ học bằng cách co bóp để nghiền nhỏ thức ăn, tiêu hóa hóa học bằng cách tiết axit giúp phân giải cách chất và sau đó hấp thụ và bài tiết.

Thế nhưng, đôi khi dạ dày cũng được chỉ định phải cắt bỏ vì ung thư hoặc chấn thương. Sau đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ nối trực tiếp thực quản của người bệnh vào ruột non. Nếu ca phẫu thuật thành công và người bệnh phục hồi tốt, họ có thể trở lại cuộc sống bình thường, ăn uống bình thường với thực phẩm bổ sung vitamin.

3. Cơ quan sinh sản

Các cơ quan sinh sản chính của con người là tinh hoàn và buồng trứng. Đây là điểm quan trọng, nam giới có 2 tinh hoàn và buồng trứng của phụ nữ cũng có 2 bên. Một người vẫn có thể sinh sản bình thường nếu bị mất một nửa cơ quan sinh sản, trong khi phần còn lại hoạt động tốt.

Loại bỏ một bên hoặc toàn bộ cơ quan sinh sản thường là kết quả của bệnh ung thư. Ở nam giới, tinh hoàn của họ còn có thể dễ chấn thương do bạo lực, hoạt động thể thao hoặc tai nạn giao thông.

Ở nữ giới, tử cung cũng có thể được loại bỏ. Thủ tục này khiến họ không thể có con và cũng dừng chu kì kinh nguyệt ở phụ nữ tiền mãn kinh. Thế nhưng, nghiên cứu cho thấy tuổi thọ của những người phụ nữ cắt bỏ buồng trứng không bị ảnh hưởng.

Thật thú vị, ở nam giới, việc cắt bỏ tinh hoàn có thể giúp gia tăng tuổi thọ.

4. Đại tràng

Đại tràng hay còn gọi là ruột già có chiều dài khoảng 1,8 m. Chức năng chính của nó là rút nước từ chất thải sau khi tiêu hóa và nén chặt chúng lại thành phân.

Ung thư hoặc một số căn bệnh khác có thể khiến một người phải cắt bỏ một phần hoặc hoàn toàn ruột già.

Hầu hết mọi bệnh nhân sau khi thực hiện thủ tục này đều có thể bình phục, mặc dù họ có thể nhận thấy một vài sự thay đổi với thói quen đại tiện. Sau phẫu thuật, để hồi phục tốt hơn, bệnh nhân được đề nghị ăn một chế độ chỉ gồm các loại thực phẩm mềm.

5. Túi mật

Túi mật nằm dưới gan, ở phần trên bên phải của bụng, ngay dưới xương sườn. Túi mật chứa một dịch lỏng gọi là mật.

Mật được sản xuất liên tục bởi gan để giúp phân giải chất béo. Nhưng ngoài quá trình tiêu hóa, mật không dùng đến sẽ được lưu trữ tại túi mật.

Khi ruột phát hiện ra chất béo, một hooc-môn được giải phóng khiến túi mật co lại. Nó đẩy mật vào ruột để giúp tiêu hóa chất béo. Tuy nhiên, đôi khi mật tích trữ cholesterol tạo thành sỏi mật. Các viên sỏi làm tắc nghẽn các ống truyền mật mật.

Khi điều này xảy ra, bệnh nhân có thể cần phải phẫu thuật để cắt bỏ túi mật. Chỉ riêng tại Anh, mỗi năm có khoảng 70.000 người phải cắt túi mật.

6. Ruột thừa

Ruột thừa trông có hình con giun, dài từ 3-13 cm nằm ở vị trí giao giữa giữa ruột non và ruột già.

Quan niệm xưa nay cho rằng ruột thừa chẳng có chức năng gì cho cơ thể. Tuy nhiên, một nghiên cứu mới đây cho thấy ruột thừa chính là nơi trú ẩn cho những lợi khuẩn trong hệ thống tiêu hóa. Chẳng hạn, trong trường hợp tiêu chảy nặng, lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa bị thất thoát sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn có hại phát triển sau đó.

Tuy nhiên, bởi còn có những lợi khuẩn trú ẩn trong ruột thừa, chúng có thể tái chiếm lại đường ruột và hạn chế sự nhân lên của vi khuẩn có hại.

Mặc dù vậy, bởi ruột thừa nằm ở vị trí ngã ba, nó dễ bị tù đọng và dẫn đến viêm nhiễm. Đây chính là nguyên nhân gây đau ruột thừa, trường hợp nặng cần phải phẫu thuật cắt bỏ. Cắt bỏ ruột thừa gần như không gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

7. Thận

Hầu hết mọi người có hai quả thận, nhưng bạn có thể sống sót chỉ với một bên thận hoặc thậm chí bị mất cả hai (với sự trợ giúp của máy chạy thận nhân tạo).

Chức năng của thận là lọc máu, nhằm duy trì sự cân bằng nước và điện giải, cũng như sự cân bằng axit-bazơ trong cơ thể.

Thận hoạt động như một cái sàng, lọc qua nhiều lớp để giữ lại được những thành phần hữu ích như protein, tế bào và chất dinh dưỡng. Ngoài ra, nó loại bỏ rất nhiều chất thải mà cơ thể không cần và bài tiết qua đường nước tiểu.

Có nhiều lý do khiến một người phải cắt bỏ một bên thậm chí là cả hai thận: bệnh di truyền, tổn thương thận do ma túy và rượu, thậm chí viêm thận dẫn đến nhiễm trùng.

Nếu một người bị cắt bỏ cả hai thận, họ sẽ phải lọc máu bằng máy để duy trì sự sống. Tuổi thọ của người không có thận phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Một nghiên cứu cho thấy người cắt bỏ cả hai thận ở tuổi 20 có thể sống thêm 16-18 năm. Trong khi nếu làm điều này ở tuổi 60, bệnh nhân chỉ có thể sống được thêm khoảng 5 năm.

Tham khảo ScienceAlert

Vạch trần 8 hiểu lầm phổ biến về cơ thể người: Dấu vân tay của bạn không là duy nhất

Từ khóa » Bộ Phận Lòng Người