Dây Macrame - Những điều Cần Biết Cho Người Mới Bắt đầu

Nên chọn dây macrame nào cho dự án của bạn? Tất tần tật về chất liệu, kích thước, màu sắc của các loại dây macrame.

1. DÂY MACRAME LÀ GÌ

Dây macrame không phải là một loại dây cố định, mà là được gọi tắt để chỉ dây (bất kể loại nào) được dùng để thắt các hoạ tiết theo kỹ thuật thắt nút macrame nhằm tạo nên những thành phẩm thủ công độc đáo và đẹp mắt.

Vậy, dây macrame gồm những loại dây gì, chất liệu từ đâu, kích thước và màu sắc như thế nào. Mình đã từng rất bối rối khi có ý định tìm dây thắt macrame nên mình hiểu đây là câu hỏi đầu tiên và cấp thiết của người mới làm quen với bộ môn này, và chắc chắn khi tìm hiểu sâu hơn một chút sẽ càng hoang mang với vô số loại dây ngoài thị trường. Do vậy, mình chia sẻ một số hiểu biết của mình tại đây, hy vọng giúp bạn mạnh dạn đến với môn nghệ thuật này.

Tham khảo thêm: 5 kinh nghiệm mua dây macrame

2. CHẤT LIỆU DÂY MACRAME

2.1. Dây cotton

Thông thường, chất liệu được sử dụng để làm dây macrame là cotton. Với những đặc tính như bền, đẹp, mềm mại, không gây đau tay khi thắt và được làm từ thành phần 100% cotton tự nhiên nên rất được các nghệ nhân ưu tiên gửi gắm những tác phẩm của mình.

Đó cũng là lý do khi nhắc đến dây macrame tức là nhắc đến dây cotton để làm macrame. Vì vậy, mình chủ yếu phân tích dây được làm từ chất liệu cotton nhé.

Dây macrame cotton có 3 loại chính:

2.1.1. Dây cotton se 1 xoắn (hay còn gọi là dây 1 xoắn)

Dây này thường được áp dụng làm các loại mành, rèm, tạo độ rũ và mềm mại. Hoạ tiết được tạo ra rất mịn màng. Các thành phẩm từ dây 1 xoắn phù hợp với phong cách cổ điển, vintage hoặc đơn giản, nhẹ nhàng.

Dây 1 xoắn luôn là lựa chọn hàng đầu khi làm lá macrame, vì khi chải 1 xoắn sẽ thẳng ra nhanh hơn các loại dây có nhiều kết nối. Một chú ý nhỏ là khi thắt, thỉnh thoảng nên xoắn dây lại để tránh bung thẳng ra khiến các sợi cotton nhỏ không được bện lại với nhau.

Dây cotton se 1 xoắn
Dây cotton se 1 xoắn

Mình rất thích dây cotton 1 xoắn này vì khi nhìn dây lên thành phẩm rất tinh tế và thanh thoát. Mình thường áp dụng đối với những thành phẩm ít tiếp xúc do ngại sợ bung từng sợi cotton nhỏ. Tuy nhiên, mình vẫn thử dùng dây này để làm túi xách, một loại vật dụng rất hay đụng chạm. Túi tạo ra có nét riêng, đẹp kiểu dịu dàng, quý phái, màu ngọt nhìn sẽ rất ra “công chúa”. Bởi vậy, đặc thù của dây tuy có đôi chút “khó tính” và “kén chọn”, nhưng thành quả nó mang lại khiến mình khó khước từ việc tiếp tục sử dụng cho các dự án khác. Nhưng rõ ràng điều này dẫn theo hệ quả là khi sử dụng vật phẩm từ dây 1 xoắn sẽ phải nâng niu, nhẹ nhàng, có vẻ cũng rất là “tiểu thư đài cát”. Cái gì cũng có cái giá của nó phải không các bạn? Song, khi bạn nâng niu thành phẩm macrame, cũng chính là lúc bạn hiểu handmade và giá trị của handmade. Đây cũng chính là thông điệp mình muốn lan toả đến mọi người.

Dây cotton 1 xoắn và nút thắt
Dây cotton 1 xoắn tạo ra những nút thắt rất mịn màng

Có thể bạn sẽ thích: Túi macrame đeo chéo Sweet (như hình trên)

2.1.2. Dây cotton se 3 xoắn (hay còn gọi là dây 3 xoắn)

Đây là loại dây macrame “quốc dân”, dễ dàng sử dụng cho tất cả các loại thành phẩm, được khuyên dùng cho các bạn mới bắt đầu vào nghề macrame.

Dây rất linh hoạt, khó bung do có 3 xoắn riêng lẻ được tiếp tục xoắn lại với nhau, nhưng lại mềm mại vừa phải chứ không cứng như một số loại dây bện. Nếu cần thiết vẫn chải 3 xoắn ra thành lá hay thành các mảng tạo hình được. Khi rút 3 xoắn ra riêng biệt thì có được 3 sợi cong cong xoăn xoăn nhìn rất hay ho, khác biệt trong một hệ thống toàn những sợi thẳng, rất lạ mắt và kích thích thị giác. Mình cho rằng loại dây này nếu biết cách phối màu khi lên ý tưởng cho các dự án sẽ tạo ra nhiều sáng tạo rất nghệ thuật, mang hơi hám hiện đại, hoặc các tông pastel sẽ rất thanh lịch, màu tự nhiên lại tối giản, phù hợp với nhiều phong cách khác nhau.

Có thể bạn cần: Mua dây tại Shopee, Lazada

Dây cotton se 3 xoắn
Dây cotton se 3 xoắn

2.1.3. Dây cotton dệt

Dây dệt là loại dây có nhiều nhóm sợi được bện với nhau. Dây macrame cotton dệt thường được sản xuất từ cotton kết hợp với một phần chất liệu khác, có hoặc không có lõi ở chính giữa, thường có 2 dạng là dệt tim và dệt mắc na. Tuy dây cùng một kích thước nhưng do cách chia các nhóm sợi ra để bện vào khác nhau nên kiểu mắc na sẽ tạo cảm giác to hơn kiểu dệt tim. Mình có vẻ chuộng dệt tim hơn, nhưng cả hai đều được dân macrame áp dụng cho nhiều mẫu mã.

Loại dây này giúp tạo độ cứng cáp cho thành phẩm, tạo dáng và giữ dáng, cố định vị trí hoạ tiết tốt và có độ đứng nhất định, phù hợp với túi xách hoặc có vật dụng chứa đồ.

Dây dệt
Dây dệt

2.2. Chất liệu khác

Đối với các loại chất liệu khác, phương thức sản xuất dây cũng chủ yếu là các kiểu như đã đề cập ở trên, gồm se 1 xoắn, se 3 xoắn, dệt, các loại dệt thì nhiều mẫu mã hơn, ngoài tim và mắc na còn dệt xương cá, dệt twill, double…

Các bạn khi đã quen thuộc với dây cotton và đã có kinh nghiệm thắt macrame, bạn có thể thử chuyển hướng sang một số chất liệu khác như sợi vải, len, sợi pha nylon, polyester, PP… để khám phá thêm, hoặc kết hợp tạo sự đa dạng cho các dự án handmade. Trên thị trường hiện có rất rất nhiều loại dây, nếu bạn trải nghiệm và thấy loại nào phù hợp với macrame, mình rất mong nhận được chia sẻ của bạn.

Dây macrame chất liệu khác
Một loại dây chất liệu tổng hợp mình đã từng sử dụng

Có thể bạn sẽ thích: Túi macrame đeo vai Tote (chất liệu dây như hình trên)

Còn đây là những loại dây macrame mình đã dùng:

2.2.1. Dây dù

Nói dây dù thôi đã là vô số loại rồi. Dây dù cũng được tạo nên bằng phương thức dệt, có lõi hoặc không. Loại này có thể bạn đã gặp nhiều, có thể kể đến như dây phơi đồ, dây cột vật liệu, dây leo núi, dây cắm trại, dây trong công nghiệp… Mình thử nghiệm dây dù dù để thắt các vật có công năng hơn là để trang trí, chẳng hạn dây treo cây, dây đựng bình nước, túi đi chợ… Trong macrame thì có thể sử dụng dây dù tương tự dây dệt bạn nhé! Nhưng chỉ nên chọn loại có kích thước 5-6mm trở lại, vì dây lớn có thể làm bạn đau tay do phải dùng nhiều sức để gút các nút thắt.

Một trong những ứng dụng nổi bật của dây dù đối với dân handmade là sử dụng dây dù paracord để thắt trang sức, chủ yếu là vòng đeo tay (còn gọi là vòng tay paracord) và chế tác những thành phẩm tương tự.

2.2.2. Dây sáp

Là loại dây có một lớp sáp (nến) bọc bên ngoài. Mình thường ưu tiên dùng dây này để thắt trang sức, do loại này có nhiều kích thước nhỏ, sáp chống nước và giúp định hình rất tốt.

Một số chất liệu dây nên hạn chế: Mình đề cập ở phần kinh nghiệm mua dây nhé.

3. KÍCH THƯỚC DÂY MACRAME

Tuỳ vào thành phẩm bạn dự định tạo ra mà quyết định kích thước của nguyên vật liệu sao cho phù hợp. Nếu thích một tấm rèm lớn, bạn có đủ kiên nhẫn để thắt quá nhiều nút với những dây nhỏ không? Việc đó sẽ không chỉ tiêu hao sức lực của bạn mà còn không làm nổi bật được những hoạ tiết bạn nhọc công đan thắt. Nó sẽ lọt thỏm và người nhìn khó nhận ra sự khác nhau giữa các chi tiết nhỏ. Ngược lại, nếu bạn làm trang sức mà dùng dây lớn, bạn có thể tưởng tượng được sự thô kệch của nó rồi đó. Lựa chọn kích thước dây macrame thích hợp để thắt được thành phẩm ưng ý và cân đối nhé.

Kích thước dây macrame
Dây macrame có nhiều kích thước khác nhau

Một số gợi ý:

3.1. Dây nhỏ 1-2mm

Những dây kích thước nhỏ này phù hợp để thắt các chi tiết nhỏ trong trang sức như vòng tay, dây chuyền, bông tai, nhẫn. Dây nhỏ có thể kết hợp xâu với các loại hạt, cườm, đá, gỗ, nút…; điều mà dây lớn không có khả năng làm được. Thêm vào đó, dây 1-2mm có thể được áp dụng thắt các đồ vật trang trí bé xinh, phụ kiện như móc khoá, cài tóc…

3.2. Dây trung bình 3-5mm

Kích thước này rất phổ biến, áp dụng với hầu hết các loại thành phẩm.

3.3. Dây lớn 6mm+

Được sử dụng cho những thành phẩm lớn, chẳng hạn như mành treo trên một mảng tường lớn, vách ngăn rộng… Bạn có thể dùng làm lõi để quấn các dây nhỏ bên ngoài khi làm cầu vồng.

Tham khảo thêm: 9 ứng dụng macrame trong trang trí nhà cửa

4. MÀU SẮC DÂY MACRAME

Bạn có thể tham khảo bảng màu của Enjoy handmade tại đây.

4.1. Màu tự nhiên

Macrame cơ bản sử dụng dây cotton với màu tự nhiên là kem, be hoặc trắng ngà. Chỉ với màu này thôi, macrame đã tạo được những hiệu ứng vô cùng ấn tượng với vô vàn mẫu mã đẹp đẽ rồi.

Màu trắng cũng được ưa chuộng, do tạo cảm giác tinh khôi, tươi sáng và mới mẻ. Nhưng đây không phải là màu tự nhiên bạn nhé. Muốn có được màu trắng, các xưởng sản xuất phải nhuộm trắng từ sợi tự nhiên màu kem đấy.

Một điều mà nhiều bạn ngại ngùng là tuy rất thích 2 màu cơ bản trắng và kem nhưng đôi khi lại sợ dơ nên ít dùng đến 2 màu này. Theo kinh nghiệm từ dân macrame mà hầu như ai cũng đã thắt đủ các món đồ với 2 màu này, dây macrame cotton chất lượng tốt sẽ khó bám bụi, treo lâu vẫn ổn, đương nhiên nếu tiếp xúc nhiều và sử dụng cho nhiều mục đích thì không thể tránh khỏi bị vấy bẩn. Điều này là hiển nhiên với tất cả mọi thứ, không riêng gì macrame. Bởi vậy, nếu thích, bạn cứ thoải mái sáng tạo với 2 tông màu đẹp một cách đơn giản mà hiệu quả này nhé.

Màu sắc dây macrame
Màu sắc dây macrame rất đa dạng

4.2. Màu nhuộm

Trong bối cảnh nhu cầu macrame ngày càng đa dạng, nhiều nhà sản xuất dây macrame cotton đã nhuộm màu và ngày càng có nhiều màu để đáp ứng sự sáng tạo của những nghệ nhân macrame. Màu sắc là do sở thích nên các bạn cứ thoải mái lựa chọn và thoả thích phối màu. Có nhiều bạn còn tự nhuộm tạo hiệu ứng ombre rất sinh động.

Tin vui là thị trường dây macrame hiện đã có rất nhiều màu, nhiều hơn 7 sắc cầu vồng rồi các bạn nhé. Các xưởng cũng rất tinh ý nhuộm những màu xu hướng và thịnh hành. Dù vậy, so với các loại chất liệu khác, dây cotton vẫn còn hạn chế hơn về màu sắc cũng như những hoạ tiết nhỏ hay các màu phối hợp trên cùng một dây. Nếu bạn thích đa sắc, có thể tìm chọn những loại dây màu độc đáo để thử nghiệm.

Trên đây là trải nghiệm của mình về dây macrame – một yếu tố cốt lõi tạo nên macrame, chia sẻ cùng bạn, hy vọng giúp bạn giảm bớt bối rối khi đến với môn nghệ thuật này, hoặc bạn có thể tham khảo thêm về kinh nghiệm mua dây macrame tại đây.

(Bài viết sẽ được mình cập nhật khi tìm hiểu được thêm những loại dây macrame khác.)

Từ khóa » Dây đan Macrame