Đẩy Mạnh Công Nghiệp Hoá, Hiện ... - Tạp Chí Quốc Phòng Toàn Dân

TCQPTD Tòa soạn: 38A Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội ĐT: (0243)8.457.044; (069)552.364 Fax: (0243)7.473.956 ISSN 2815-6277
  • tcqp
  • tcqp
  • Những chủ trương công tác lớn
    • Tin tức - Thời sự
    • |
    • Chuyên luận chỉ đạo
  • tcqptd
  • Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
    • Quán triệt, thực hiện nghị quyết
    • |
    • Bảo vệ Tổ quốc
    • |
    • Theo gương Bác
  • tcqptd
  • Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm
    • Thực tiễn và kinh nghiệm
    • |
    • Giáo dục QP và AN - Giáo dục pháp luật
  • tcqptd
  • Bình luận - Phê phán
    • Phòng, chống "DBHB"; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng
    • |
    • Quốc phòng, quân sự nước ngoài
    • |
    • Sinh hoạt tư tưởng
  • tcqptd
  • Nghiên cứu - Tìm hiểu
    • Nghiên cứu - Trao đổi
    • |
    • Lịch sử Quân sự Việt Nam
  • tcqptd
  • Biển đảo Việt Nam
    • Bảo hiểm xã hội
    • |
    • Bảo hiểm y tế
    • |
    • Văn bản, chính sách mới
    • |
    • Chính sách Quân đội
    • |
    • Tư liệu
  • tcqptd
  • Tạp chí và Tòa soạn
    • Tạp chí
    • |
    • Tòa soạn
    • |
    • Cấu trúc Website

Thứ Hai, 02/12/2024, 13:59 (GMT+7)

Ấn phẩm tạp chí in

QPTD -Chủ Nhật, 11/12/2011, 22:16 (GMT+7)Đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với phát triển kinh tế tri thức

Đối với nước ta, một nước nông nghiệp lạc hậu đi lên CNXH bỏ qua chế độ TBCN, cái thiếu nhất là cơ sở vật chất - kỹ thuật của một nền sản xuất hiện đại. Vì thế Đảng ta xác định công nghiệp hoá (CNH) là nhiệm vụ trung tâm của suốt thời kỳ quá độ.

Sau 10 năm đổi mới, tại Đại hội toàn quốc lần thứ VIII, Đảng khẳng định rằng, nước ta đã chuyển sang thời kỳ mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá (CNH, HĐH) đất nước. Mục tiêu của CNH, HĐH là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại". Đến năm 2020, ra sức phấn đấu đưa nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp". Đại hội IX lại nhấn mạnh "đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại". CNH là bước đi tất yếu của tất cả các nước trong quá trình tiến lên hiện đại. Trên phạm vi toàn thế giới, CNH đã bắt đầu từ gần hai thế kỷ, lực lượng sản xuất xã hội đã phát triển vượt bậc, của cải xã hội tăng gấp hàng trăm lần, đem lại sự giàu có, cường thịnh cho nhiều quốc gia; nhưng đồng thời cũng để lại nhiều hậu quả trên phạm vi toàn cầu: tài nguyên cạn kiệt, môi trường suy thoái, gia tăng nhanh khoảng cách giàu-nghèo và bất công xã hội, nhiều giá trị văn hóa, đạo đức bị mất đi... Rõ ràng, không thể tiếp tục con đường CNH như trước đây được nữa mà phải điều chỉnh chiến lược, vận dụng tối đa công nghệ mới, tri thức mới, giảm thiểu tiêu hao nguyên liệu, cơ cấu lại công nghiệp, chuyển hướng sang CNH sinh thái, nhằm bảo vệ “ngôi nhà chung” của nhân loại. CNH theo kiểu cổ điển không còn phù hợp nữa; và nhân loại đang bước vào thời kỳ “hậu công nghiệp” mà thực chất là một thời kỳ phát triển mới, từ dựa vào tài nguyên thiên nhiên chuyển sang dựa nhiều hơn vào nguồn lực trí tuệ con người. Xã hội công nghiệp đang chuyển lên xã hội tri thức. Tiền đề cho bước phát triển nhảy vọt đó là do chính CNH trong các nước TBCN tạo ra, đó là sự phát triển mạnh mẽ của khoa học và công nghệ. Sự phát triển kỳ diệu của khoa học và công nghệ, đặc biệt là cách mạng thông tin, cách mạng tri thức, đã cho ra đời các công nghệ cao, như công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ nanô; các công nghệ này hội tụ với nhau tạo thành nền tảng cho một hệ thống công nghệ mới của thế kỷ 21, công nghệ của nền kinh tế tri thức. Hệ thống công nghệ mới ấy đang làm biến đổi sâu sắc các quá trình sản xuất, cách thức sản xuất, kinh doanh và mọi lĩnh vực của đời sống xã hội loài người, làm cho nền kinh tế tri thức toàn cầu đang hình thành trên thực tế. "Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế sử dụng có hiệu quả tri thức cho phát triển kinh tế và xã hội, bao gồm cả việc khai thác kho tri thức toàn cầu, cũng như làm chủ và sáng tạo tri thức cho những nhu cầu của riêng mình"1. Trong nền kinh tế công nghiệp, việc tạo ra giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh chủ yếu là dựa vào sự tối ưu hoá, hoàn thiện cái đã có; còn trong kinh tế tri thức thì tạo ra giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh chủ yếu là do tìm ra cái chưa biết; cái chưa biết là cái có giá trị nhất. Tìm ra cái chưa biết, tạo ra cái mới cũng tức là loại trừ cái đã biết. Vòng đời của một sản phẩm, một công nghệ từ lúc nảy sinh, phát triển, chín muồi đến tiêu vong ngày càng rút ngắn. Tốc độ đổi mới rất nhanh chóng. Nền kinh tế tri thức hình thành và phát triển là nhờ năng lực sáng tạo của con người, năng lực tạo ra tri thức mới và vận dụng tri thức, biến tri thức thành của cải, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển con người và phát triển xã hội. Sáng tạo và đổi mới là động lực của sự phát triển kinh tế-xã hội, là nguồn gốc của nền kinh tế tri thức ngày nay. Tài nguyên là có hạn, năng lực sáng tạo của con người là vô hạn; một khi nền kinh tế dựa chủ yếu vào năng lực trí tuệ của con người, thì khả năng của nền kinh tế là hết sức to lớn. Các nước phát triển đi tới kinh tế tri thức là một quá trình tự nhiên hợp qui luật; các nước đi sau ý thức được sự vượt trội của kinh tế tri thức so với kinh tế công nghiệp, đã chủ động đề ra chiến lược, chính sách, giải pháp để phát triển kinh tế tri thức ngay trong quá trình CNH. Phát triển kinh tế tri thức là xu thế phát triển tất yếu khách quan, lôi cuốn tất cả các quốc gia, không loại trừ ai. Kinh tế tri thức đang tạo ra những điều kiện và khả năng mới để Việt Nam rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước. Trong bối cảnh quốc tế mới, Việt Nam có thể bỏ qua các thế hệ công nghệ trung gian để đi thẳng vào các công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, nhằm phát triển nhanh nền kinh tế, sớm bắt kịp xu thế chung của kinh tế thế giới. Đó là lợi thế các nước đi sau, là thời cơ lớn không thể bỏ lỡ. Biết kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chúng ta nhất định chiến thắng được nghèo nàn, lạc hậu như đã từng chiến thắng giặc ngoại xâm. Thực hiện CNH, HĐH rút ngắn là bắt buộc đối với chúng ta, nếu muốn đuổi kịp các nước trong khu vực và trên thế giới. Khả năng của con người Việt Nam nắm bắt và vận dụng công nghệ mới, tri thức mới của thế giới cho sự phát triển của đất nước mình là khả quan hơn nhiều nước có cùng trình độ kinh tế. Trí tuệ sáng tạo, sự năng động của các chủ thể kinh tế, nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân, ngày càng thể hiện tiềm năng to lớn, sự bứt phá vươn lên. Đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế phát triển dựa vào tri thức ở nước ta. Yếu tố cơ bản đưa đến thành công của các mô hình này là: đã biết nắm bắt và sử dụng tri thức mới nhất trong hoạch định chiến lược kinh doanh, lựa chọn công nghệ, tạo sản phẩm mới, cách tổ chức sản xuất kinh doanh mới có hiệu quả, tạo được sự bứt phá mà bằng các con đường phát triển truyền thống không thể đạt được. Điều đó cũng chứng minh rằng chính sách chuyển sang nền kinh tế thị trường, hội nhập kinh tế thế giới, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân... là rất đúng đắn, đó là những động lực to lớn cho phát triển mọi năng lực sáng tạo. Báo cáo chính trị tại Đại hội X của Đảng đã chỉ ra: "Tranh thủ cơ hội thuận lợi do bối cảnh quốc tế tạo ra và tiềm năng, lợi thế của nước ta để rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với phát triển kinh tế tri thức, coi kinh tế tri thức là yếu tố quan trọng của nền kinh tế và CNH, HĐH”2. Phát triển kinh tế tri thức ở nước ta không có nghĩa là chuyển ngay sang các ngành công nghệ cao để có cơ cấu kinh tế như các nước phát triển đã đạt tới, mà thực thi chiến lược phát triển dựa vào tri thức, thực chất là vận dụng tri thức mới vào tất cả các lĩnh vực, các ngành kinh tế, làm tăng nhanh giá trị gia tăng; giảm tiêu hao nguyên liệu và lao động; tăng hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm; dịch chuyển nhanh cơ cấu kinh tế theo hướng HĐH, sớm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Theo đó, mục tiêu năm 2020 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại được hiểu là nền kinh tế tri thức đã bắt đầu hình thành, có nền công nghệ tiên tiến, tốc độ tăng trưởng hai con số, giá trị do tri thức tạo ra trong GDP chiếm khoảng 40-50%, công nhân tri thức chiếm trên 30% lực lượng lao động, đã hình thành xã hội thông tin, xã hội học tập, có nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, an ninh - quốc phòng vững mạnh. Mô hình phát triển của Việt Nam là tiến hành đồng thời và lồng ghép nhau hai quá trình: chuyển từ kinh tế nông nghiệp sang kinh tế công nghiệp và từ kinh tế công nghiệp lên kinh tế tri thức, trong khi đối với các nước đi trước đó là hai quá trình kế tiếp nhau. Nền kinh tế Việt Nam đi theo mô hình kinh tế hai tốc độ, kết hợp các bước đi tuần tự với các bước phát triển nhảy vọt. Một mặt tận dụng lao động, cơ sở vật chất hiện có, sử dụng tri thức mới, công nghệ mới để phát triển sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Mặt khác, đi thẳng vào hiện đại ở những khâu, những lĩnh vực, những ngành có lợi thế, phát triển các ngành, các vùng kinh tế mũi nhọn tạo thành đầu tàu có sức kéo mạnh toàn bộ nền kinh tế. Nhiệm vụ trung tâm là sử dụng tri thức mới của thời đại kết hợp với sáng tạo tri thức mới để nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh các ngành công nghiệp và dịch vụ hàm lượng tri thức cao, giá trị gia tăng cao trên cả ba hướng: tăng cường sử dụng tri thức để đẩy nhanh CNH, HĐH nông nghiệp và nông thôn; đẩy nhanh tốc độ đổi mới công nghệ, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin trong các ngành công nghiệp và dịch vụ truyền thống; tập trung sức để phát triển nhanh có chọn lọc các ngành kinh tế dựa vào công nghệ cao. Để có thể phát triển kinh tế tri thức ở nước ta, phải cấp thiết tiến hành một cuộc đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực: 1- Đổi mới căn bản cách thức phát triển kinh tế: Chuyển đổi triệt để từ kinh tế tập trung bao cấp sang kinh tế thị trường, từ kinh tế hiện vật sang kinh tế giá trị, từ dựa chủ yếu vào nguồn lực vật chất sang dựa chủ yếu vào nguồn lực trí tuệ, chuyển trọng tâm đầu tư từ đầu tư hữu hình sang đầu tư vô hình. Coi tri thức là nguồn vốn quan trọng nhất. 2- Đổi mới thể chế, chính sách, tổ chức quản lý: Tạo môi trường kinh doanh sôi động, thúc đẩy sự cạnh tranh. Chính sách, pháp luật rõ ràng, công khai, minh bạch, thúc đẩy dân chủ, khuyến khích mạnh mẽ các khả năng sáng tạo. Vai trò của Nhà nước chuyển từ chức năng điều khiển, chỉ huy sang chức năng kiến trúc sư của nền kinh tế tri thức, định hướng phát triển, tạo môi trường thuận lợi và động viên mọi người, mọi lực lượng phát huy năng lực sáng tạo xây dựng nền kinh tế tri thức. Thể chế chính sách phải nhằm tạo lập một không gian (môi trường) thuận lợi cho các quá trình đổi mới, thúc đẩy hình thành hệ thống đổi mới quốc gia hữu hiệu. Đó là điều kiện để tiến nhanh vào kinh tế tri thức. 3- Cải cách triệt để nền giáo dục, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao - yếu tố quyết định sự thành công của chiến lược phát triển kinh tế tri thức. Trong nền kinh tế tri thức, con người phải biết tự đào tạo, luôn tiếp thu tri thức mới, có năng lực sáng tạo, thường xuyên đổi mới cách nghĩ, cách làm, luôn thích nghi với sự phát triển. Giáo dục, đào tạo có ý nghĩa vô cùng quan trọng – sản xuất vốn tri thức. Nhà nước phải có chính sách trọng dụng nhân tài, thực sự coi "hiền tài là nguyên khí quốc gia", tạo điều kiện làm việc thuận lợi, phát huy năng lực của những cán bộ giỏi, đầu đàn trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, quản lý kinh doanh, văn học-nghệ thuật… Nhiệm vụ cấp bách là tiến hành ngay một cuộc cách mạng toàn diện trong giáo dục: cải cách triệt để, sâu sắc cả về mục tiêu, nội dung, phương pháp dạy học, hệ thống giáo dục, phương thức tổ chức quản lý giáo dục - đào tạo. Chuyển trọng tâm của giáo dục từ trang bị kiến thức sang bồi dưỡng, rèn luyện phương pháp tư duy, phương pháp giải quyết vấn đề, năng lực sáng tạo, khả năng tự đào tạo, thích nghi sự phát triển. Chuyển từ mô hình giáo dục truyền thống sang mô hình giáo dục mới: hệ thống học tập suốt đời, phát triển nghề nghiệp liên tục. 4- Tăng cường năng lực khoa học và công nghệ quốc gia, thiết lập hệ thống đổi mới quốc gia hữu hiệu - động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế tri thức. Chú trọng đặc biệt năng lực nghiên cứu cơ bản để tiếp thu, làm chủ và sáng tạo công nghệ mới. Đồng thời, đổi mới cơ chế quản lý kinh tế và quản lý khoa học - công nghệ, phát triển mạnh thị trường khoa học- công nghệ, thiết lập hệ thống đổi mới quốc gia hữu hiệu. Hệ thống đổi mới quốc gia bao gồm các thiết chế, các hệ thống tổ chức ở tầm quốc gia nhằm gắn bó chặt chẽ khoa học với sản xuất, thúc đẩy việc tạo ra và ứng dụng nhanh chóng các kết quả nghiên cứu sáng tạo để đổi mới sản xuất, phát triển kinh tế. Hiện nay, ở các nước phát triển, quan hệ khoa học - sản xuất đang chuyển từ mô hình tuyến tính sang mô hình tác động qua lại giữa nhiều yếu tố. Trong hệ thống đổi mới quốc gia theo mô hình tương tác, các yếu tố nghiên cứu triển khai, nỗ lực đổi mới, phân tích thị trường, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao kỹ năng công nhân... gắn bó nhau, tác động qua lại lẫn nhau. 5- Phát triển và ứng dụng rộng rãi công nghệ thông tin trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội - động lực mạnh mẽ thúc đẩy đổi mới và phát triển, tiến vào kinh tế tri thức. Công nghệ thông tin là chìa khoá để đi vào kinh tế tri thức. ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin sẽ góp phần giải phóng sức mạnh vật chất, trí tuệ và tinh thần của toàn dân tộc, tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển hệ thống đổi mới, phát triển nhanh và HĐH các ngành kinh tế, tăng cường năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, hỗ trợ hữu hiệu quá trình chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, đảm bảo an ninh, quốc phòng, tạo khả năng đi tắt đón đầu để thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH gắn với phát triển kinh tế tri thức. GS, VS. Đặng Hữu 1- Theo UNDP-APDIP. 2- ĐCSVN - Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb CTQG, H, 2006, tr.87.
In bài Ý kiến bạn đọc (0) Các tin, bài đã đưa

Trao đổi ý kiến giữa Tạp chí quốc phòng toàn dân với bạn đọc, cộng tác viên Quân khu 5 12/12/2011

Nghệ thuật tổ chức, sử dụng lực lượng quân sự trong những ngày đầu kháng chiến toàn quốc 12/12/2011

“Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” với việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc hiện nay 12/12/2011

Một số vấn đề về nghệ thuật chiến dịch phòng ngự trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc 12/12/2011

Hưng Yên không ngừng nâng cao hiệu quả công tác giáo dục quốc phòng 12/12/2011

Kết quả và kinh nghiệm tiến hành công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của lực lượng vũ trang Quân khu 5 12/12/2011

Đoàn B.90 nâng cao chất lượng xây dựng lực lượng dự bị động viên - một số kinh nghiệm bước đầu 12/12/2011

Trường Quân sự Binh đoàn Cửu Long phấn đấu nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và huấn luyện 11/12/2011

Kết hợp kinh tế với quốc phòng, tạo lập thế trận phòng thủ vững chắc trên địa bàn tỉnh ven biển Thái Bình 11/12/2011

Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga phát huy nội lực, mở rộng hợp tác, nâng cao hiệu quả hoạt động 11/12/2011

ENGLISH 中文 Đọc tạp chí in Tiêu điểm mucluc 11/2024
  • tcqp
  • |
  • Những chủ trương công tác lớn
  • |
  • Sự kiện lịch sử
  • |
  • Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống
  • |
  • Tổng kết thực tiễn và kinh nghiệm
  • |
  • Bình luận - Phê phán
  • |
  • Nghiên cứu - Tìm hiểu
  • |
  • Biển đảo Việt Nam
  • |
  • Tạp chí và Tòa soạn
Giấy phép số 478/GP-BTTTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, cấp ngày 27/7/2021. Tổng Biên tập: Thiếu tướng, ThS. TẠ QUANG CHUYÊN Phó Tổng Biên tập: Đại tá, ThS. HOÀNG VĂN TRƯỜNG; Đại tá, PGS, TS. NHÂM CAO THÀNH; Đại tá, ThS. NGUYỄN MẠNH TUẤN © 2013 Bản quyền thuộc về Tạp chí Quốc phòng toàn dân. Bảo lưu mọi quyền Địa chỉ: 38A - Lý Nam Đế - Hoàn Kiếm - Hà Nội; ĐT: (024)38.457.044; (069)552.364 Fax: (024)37.473.956 - Email: thukytoasoan.qptd@gmail.com Đại diện phía Nam: 161-163, Trần Quốc Thảo, Quận 3, TP Hồ Chí Minh; Fax: (028) 62.905.671; ĐT: (069) 667.446

Từ khóa » đẩy Mạnh Cnh-hđh Gắn Với Phát Triển Tri Thức