Đẩy Mạnh Giải Ngân Vốn đầu Tư Công Trong 6 Tháng Cuối Năm 2022

 Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2022  - Ảnh 1.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có báo cáo về tình hình phân bổ, giải ngân vốn ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2022 và các giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công trong 6 tháng cuối năm 2022.

Ước thanh toán đến 30/6/2022 là 151.046,65 tỷ đồng, đạt 27,86% kế hoạch

Theo báo cáo, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022 và số 40/2021/QH15 ngày 13/11/2021 về phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022 là 526.105,895 tỷ đồng, trong đó vốn NSTW là 222.000 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương (NSĐP) là 304.105,895 tỷ đồng. Nếu tính cả 16.000 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) chuyển nguồn từ năm 2021 sang năm 2022, tổng kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 là 542.105,895 tỷ đồng.

Về tình hình phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tính đến ngày 28/6/2022, tổng số vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã có quyết định giao chi tiết cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, đủ điều kiện giải ngân trong năm 2022 là 485.924,036 tỷ đồng, đạt 93,8% số vốn Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Về tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN 6 tháng năm 2022, ước thanh toán đến ngày 30/6/2022 là 151.046,65 tỷ đồng, đạt 27,86% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Nếu không tính 24.000 tỷ đồng vốn kế hoạch đầu tư của 03 CTMTQG mới được Thủ tướng Chính phủ giao vào cuối tháng 5/2022 thì ước tỷ lệ giải ngân đến hết tháng 6/2022 đạt 29,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao đầu năm.

Về tình hình thực hiện 03 CTMTQG, căn cứ Nghị quyết số 517/NQ-UBTVQH ngày 22/5/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSTW giai đoạn 2021-2025 cho các địa phương là 92.057,861 tỷ đồng; còn lại 7.942,139 tỷ đồng chưa đủ điều kiện giao kế hoạch.

Có 11 địa phương báo cáo hoàn thành giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển NSNN giai đoạn 2021-2025 và dự toán NSNN năm 2022 (giao 100% kế hoạch vốn NSTW); 03 địa phương báo cáo đã trình HĐND, dự kiến HĐND thông qua Nghị quyết trước ngày 01/7/2022; 15 địa phương báo cáo đang trình HĐND cấp tỉnh phương án phân bổ sẽ thực hiện việc phân bổ, giao sau khi có Nghị quyết của HĐND; các địa phương còn lại chưa nhận được thông tin báo cáo.

Nguyên nhân phân bổ, giải ngân chậm bao gồm nguyên nhân tồn tại lâu nay chưa được khắc phục triệt để và cả nguyên nhân mới phát sinh, nguyên nhiên vật liệu khó khăn, giá cả nguyên nhiên vật liệu tăng, nguồn lao động bị thiếu hụt sau dịch. Mỗi một bộ, cơ quan trung ương, địa phương, dự án giải ngân chậm đều ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước. Do đó, các cấp, các ngành phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc quản lý, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công.

Phân công rõ lãnh đạo phụ trách từng dự án, kết quả giải ngân là cơ sở đánh giá mức hoàn thành nhiệm vụ

Để có các giải pháp triển khai trong 6 tháng cuối năm nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, Bộ Kế hoạch và Đầu tư yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân công rõ Lãnh đạo Bộ và Lãnh đạo địa phương phụ trách từng dự án; gửi báo cáo phân công đến Bộ Nội vụ để làm căn cứ đánh giá kết quả thi đua cuối năm; kết quả giải ngân của từng dự án là cơ sở để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công. Người đứng đầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên; rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư công, đất đai, xây dựng và pháp luật có liên quan theo hướng phân cấp, đơn giản hóa thủ tục; rà soát điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt…; chịu trách nhiệm giải trình về kết quả giải ngân cũng như hiệu quả đầu tư; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt kỷ cương, xỷ lý nghiêm các vi phạm.

Trong thời gian tới, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được phân công tiếp tục rà soát, hoàn thiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định pháp luật, cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động đầu tư công.

BL

  • Tham khảo thêm

    Giải ngân vốn đầu tư công: Đâu là biện pháp căn cơ, lâu dài?

    Giải ngân vốn đầu tư công: Đâu là biện pháp căn cơ, lâu dài?
  • Tham khảo thêm

    Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ODA: Nửa năm mới đạt hơn 9%

    Giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ODA: Nửa năm mới đạt hơn 9%
  • Tham khảo thêm

    Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lý giải nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công

    Bộ trưởng Bộ KH&ĐT lý giải nguyên nhân của chậm giải ngân vốn đầu tư công

Từ khóa » Giải Ngân đầu Tư Công 2022