đẩy Mạnh Phổ Biến, Hướng Dẫn Chính Sách Hỗ Trợ Người Dân Gặp ...

Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh

Trước những tác động của dịch bệnh, nhằm chia sẻ khó khăn, đảm bảo cuộc sống của nhân dân, người lao động, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ như: Nghị quyết số 42/NQ-CP ngày 09/4/2020 về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19/10/2020), Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 126/NQ-CP ngày 08/10/2021), Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 24/9/2021 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, qua đó góp phần hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động ổn định và duy trì sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội.

Báo cáo trước Đoàn khảo sát của Uỷ ban Xã hội về việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh cho biết Bộ đã tổ chức triển khai, tuyên truyền, hướng dẫn và đôn đốc các cơ quan, đơn vị nhằm giải quyết kịp thời các chế độ cho người lao động và người sử dụng lao động theo quy định tại các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Các địa phương đã triển khai đồng bộ tới các cấp, các ngành và chi trả kinh phí hỗ trợ trực tiếp tới người dân. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt là Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo, phân công trách nhiệm cụ thể cho các bộ, ban, ngành thực hiện.

Đánh giá về tình hình thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, việc ban hành chính sách kịp thời, bám sát thực tiễn, đúng đối tượng góp phần hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hỗ trợ người sử dụng lao động giảm chi phí, duy trì sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động.

Cùng với đó, việc triển khai thực hiện chính sách minh bạch, khẩn trương, đúng đối tượng, đúng mục đích, đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ quy định tại Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết của Chính phủ và điều kiện quy định tại Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dựa trên cơ sở dữ liệu sẵn có nên việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ đề nghị hỗ trợ của người lao động và người sử dụng lao động đã được thực hiện nhanh chóng, thủ tục nhanh gọn.

Tuy nhiên, công tác này vẫn còn một số khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. Công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn chính sách hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi các quy định về giãn cách, phong tỏa, một số địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số, địa bàn rộng, việc tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế. Việc rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ gặp khó khăn do người lao động có nhiều Sổ bảo hiểm xã hội, quá trình tham gia và bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp phức tạp; mượn sổ tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp;…

Để nâng cao hiệu quả, tạo được kết quả thực chất cho công tác này trong thời gian tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban xã hội tiếp tục tăng cường công tác giám sát về tình hình triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid đang thực hiện cũng như đối với các chính sách hỗ trợ phục hồi thị trường lao động và đảm bảo an sinh cho người dân sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới.

Cùng với đó, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Lao động, Thương binh Xã hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động, khẩn trương giải quyết dứt điểm các hồ sơ mà người sử dụng lao động đã nộp. Tổ chức kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo của các doanh nghiệp đã được phê duyệt. Rà soát những khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để thực hiện trong thời gian tới với tinh thần tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động và người lao động trong đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm khi phục hồi sản xuất. Hướng dẫn, chỉ đạo các cơ sở GDNN chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với người sử dụng lao động xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo để duy trì việc làm cho người lao động.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng, không để xảy ra trục lợi chính sách. Tăng cường thu thập và phổ biến thông tin thị trường lao động để người lao động có đầy đủ thông tin về nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh; Tăng tần suất tổ chức các phiên giao dịch việc làm cố định, di động phù hợp với từng địa phương; tổ chức các hoạt động giao dịch việc làm có sự liên kết giữa các địa phương trong vùng, liên vùng hoặc trên toàn quốc để kết nối cung cầu lao động. 

Ngoài ra, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung triển khai các nhiệm vụ giải pháp về phát triển thị trường lao động, việc làm và đảm bảo an sinh xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2021 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình; Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/2/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030./.

Từ khóa » Bộ Lao đông Thương Binh Xã Hội Hỗ Trợ Covid