Đẩy Mạnh Sản Xuất Và Sử Dụng Vật Liệu Xây Dựng Không Nung

Cán bộ Công ty cổ phần Xi măng - Xây dựng công trình Cao Bằng chia sẻ về chất lượng gạch không nung.

Từ những năm 2008 - 2010, trên địa bàn tỉnh đã có một số cơ sở sản xuất và sử dụng VLXDKN. Tuy nhiên, thời điểm đó, các cơ sở sản xuất theo phương thức thủ công với công suất nhỏ, phục vụ gia đình và các hộ dân xung quanh, chủ yếu sử dụng xây dựng tường rào, các công trình phụ trợ. Khi có Quyết định số 567 của Thủ tướng Chính phủ, cùng với chủ trương của tỉnh, phong trào sản xuất VLXDKN trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu phát triển.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, việc phát triển VLXDKN đã góp phần giảm dần sử dụng gạch đất sét nung. Các đơn vị doanh nghiệp đã tham gia đầu tư sản xuất VLXDKN, được hỗ trợ ưu đãi đầu tư bằng các nguồn vốn từ chính sách khuyến công, đổi mới khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ.

Là một trong những doanh nghiệp đi tiên phong trong việc đầu tư dây chuyền công nghệ sản xuất gạch không nung, từ năm 2013, Công ty cổ phần Xi măng - Xây dựng công trình Cao Bằng đã triển khai xây dựng nhà xưởng, lắp đặt thiết bị với tổng mức đầu tư trên 5 tỷ đồng, hệ thống dây chuyền thiết bị sản xuất hiện đại, đồng bộ và có tính tự động hóa cao. Tổng công suất của nhà máy 40 triệu viên gạch/năm, sử dụng những nhiên liệu sẵn có như: đá, cát, xi măng... và chỉ cần sử dụng tối đa 20 công nhân vận hành trong 1 ca làm việc. Toàn bộ các chủng loại sản phẩm gạch của Công ty được đánh giá đạt tiêu chuẩn chất lượng của Bộ Xây dựng.

Ông Vi Văn Huân, quản lý phân xưởng Công ty cổ phần Xi măng - Xây dựng công trình Cao Bằng cho biết: Với nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, độ bền cao, cách âm, cách nhiệt tốt…, trong những năm gần đây, VLXDKN của Công ty sản xuất đã được nhiều đơn vị, cơ quan, người dân lựa chọn để xây dựng công trình, trụ sở các cơ quan làm việc, nhà dân và các công trình phụ trợ…

Cao Bằng có nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng phong phú như: đá vôi, cát, sỏi lòng sông, suối, cát đồi… có thể khai thác, chế biến thành các sản phẩm như đá dăm, cát nghiền, bột đá…, là các thành phần chính để sản xuất gạch bê tông.

Toàn tỉnh hiện có 13 đơn vị tham gia đầu tư, sản xuất VLXDKN với 15 nhà máy, dây chuyền, chủ yếu sản xuất chủng loại gạch bê tông cốt liệu, theo công nghệ ép rung thủy lực. Các đơn vị tham gia đầu tư, sản xuất VLXDKN đã được tạo điều kiện thuận lợi, được hỗ trợ, ưu đãi đầu tư bằng các nguồn vốn từ chính sách khuyến công, đổi mới và chuyển giao công nghệ, được ưu đãi về thuế theo quy định.

Trong các đơn vị tham gia sản xuất VLXDKN, có khoảng 4 - 6 đơn vị tiến hành đầu tư bổ sung dây chuyền, nhà máy, tăng sản lượng sản xuất, công suất thiết kế lên 30 - 40 triệu viên/năm (nếu đảm bảo được đầu ra cho sản phẩm). Việc sản xuất VLXDKN còn có thể kết hợp tiêu thụ chất thải từ các ngành khác, như: nhiệt điện, luyện kim, khai khoáng... góp phần giảm các chi phí xử lý chất thải, đem lại nhiều hiệu quả tích cực về các mặt kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường.

Từ những lợi ích thiết thực đó, việc sử dụng và sản xuất VLXDKN được quan tâm thực hiện. VLXDKN đã được sử dụng rộng rãi trên địa bàn tỉnh, tỷ lệ sử dụng VLXDKN đối với công trình sử dụng vốn nhà nước đạt theo quy định. Các lò gạch nung thủ công đã được xóa bỏ 100% theo lộ trình, kế hoạch đề ra…

Sử dụng vật liệu xây dựng không nung góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, do thị trường tiêu thụ còn hạn chế nên sản lượng sản xuất của các nhà máy trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa phát huy được tối đa công suất thiết kế. Trong năm 2019, sản lượng sản xuất của 15 nhà máy đạt 44,5 triệu viên, chiếm 31,01% so với tổng công suất thiết kế, trong đó, tiêu thụ được 43,92 triệu viên. Ngoài các nhà máy sản xuất VLXDKN (chủng loại xi măng - cốt liệu) còn có khoảng 95 - 100 cơ sở, hộ cá thể tham gia sản xuất tại tất cả các huyện, Thành phố trên địa bàn tỉnh, hằng năm cung ứng cho thị trường khoảng 30 - 40 triệu viên gạch bê tông.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nông Văn Trung cho biết: Để giải quyết khó khăn trong thúc đẩy sử dụng VLXDKN, ngành xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền tới các sở, ngành, địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội thấy được lợi ích của việc sử dụng VLXDKN. Tham mưu UBND tỉnh xây dựng các tiêu chí và tổ chức rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các mỏ sản xuất vật liệu xây dựng, tăng nguồn cung ứng vật liệu xây dựng, giảm giá vật liệu xây dựng nói chung, nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất VLXDKN nói riêng.

Tiếp tục thực hiện Thông tư 13 ngày 8/12/2017 của Bộ Xây dựng về quy định sử dụng VLXDKN trong các công trình, tạo đầu ra cho sản phẩm. Khuyến khích, áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia đầu tư sản xuất VLXDKN, đặc biệt là loại nhẹ, tấm tường...

Việc sử dụng VLXDKN mang lại nhiều lợi ích thiết thực như tiết kiệm tài nguyên đất; tiết kiệm nhiên liệu, năng lượng, giảm khí thải; giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền cùng nhiều lợi ích thiết thực của VLXDKN, hiện nay, tỷ lệ sử dụng gạch không nung trên địa bàn tỉnh đã lên đến 60%. Đây là hướng đi tích cực, phù hợp với xu thế, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường.

Từ khóa » Giá Xi Măng Cao Bằng