Đẩy Mạnh Xác Thực Thông Tin Tiêm Chủng COVID-19

Theo thông tin từ Sở Y tế, tính đến ngày 25-4, toàn tỉnh còn hơn 72,6 nghìn mũi tiêm chưa được cập nhật lên phần mềm quản lý tiêm chủng. Hiện, các đơn vị đang rà soát và cập nhật các mũi tiêm còn thiếu. Trong đó, các đơn vị tuyến tỉnh, gồm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, các Bệnh viện, đoàn tiêm lưu động vẫn còn hơn 11,8 nghìn mũi tiêm chưa nhập dữ liệu và hầu hết trong số này là mũi tiêm vắc-xin Verocell cho người Trung Quốc, không có thông tin cá nhân để nhập lên phần mềm.

Trong khi đó, tổng hợp từ số liệu báo cáo của 8 Trung tâm Y tế huyện, thành phố, toàn tỉnh đã có gần 1,54 triệu đối tượng được cập nhật lên hệ thống quản lý tiêm chủng COVID-19, tuy nhiên vẫn còn hơn 370 nghìn đối tượng vẫn còn sai hoặc thiếu thông tin. Các đơn vị này hiện vẫn đang tiếp tục phối hợp với Công an địa phương để chỉnh sửa, bổ sung các thông tin cá nhân nhằm “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng.

Các mũi tiêm được xác minh thông tin đúng góp phần “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

Tương tự như các địa phương khác, việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng tại tỉnh Bắc Ninh đang gặp không ít khó khăn. Đầu tiên phải kể đến là một phần trong số đối tượng của các đơn vị nhập trên hệ thống, bao gồm cả số công nhân đang sinh sống làm việc trên địa bàn còn thiếu nhiều thông tin cá nhân, khai báo thông tin không nhất quán, ảnh hưởng đến công tác “làm sạch” dữ liệu. Trong khi đó, dữ liệu tiêm chủng bị sai, thiếu thông tin phần lớn do trong giai đoạn đầu hệ thống chưa hoàn thiện, hệ thống cũ không yêu cầu nhập các trường thông tin như CMND/CCCD, số điện thoại. Ở giai đoạn sau là thông tin không khớp hoặc chưa đầy đủ khi thực hiện chuyển đổi giữa hệ thống hồ sơ sức khỏe và hệ thống quản lý tiêm chủng COVID-19 hiện tại.

Quá trình sử dụng cũng cho thấy, phần mềm quản lý tiêm chủng chưa tối ưu trong việc sử dụng, như: Tài khoản tuyến tỉnh, huyện không xem được dữ liệu cần “làm sạch”; việc chỉnh sửa, làm sạch dữ liệu trên phần mềm chủ yếu bằng phương pháp thủ công nên tiến độ chậm.

Tại Công văn số 5772/QĐ-BYT, Bộ Y tế đã hướng dẫn quy trình cấp “Hộ chiếu vắc-xin” được áp dụng thống nhất tại tất cả các cơ sở tiêm chủng trên cả nước. Theo đó, quy trình cấp gồm 3 bước, trong đó bước đầu tiên cần làm là các cơ sở tiêm chủng rà soát, xác minh, xác thực thông tin người dân tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19. Bước tiếp theo, các cơ sở tiêm chủng thực hiện ký số dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19. Nền tảng này kết nối, chia sẻ dữ liệu tiêm chủng với Hệ thống quản lý cấp chứng nhận tiêm chủng vắc-xin COVID-19 đáp ứng theo các quy định về kết nối dữ liệu y tế do Bộ Y tế ban hành. Dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 trên Nền tảng cần đáp ứng quy định: Đã tiêm đủ mũi vắc-xin phòng COVID-19 với 8 loại vắc-xin đã được Bộ Y tế cấp phép. Bước 3, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) thực hiện ký số giấy xác nhận tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 tập trung. Chứng nhận được cấp sử dụng định dạng mã QR theo tiêu chuẩn của EU quy định.

Như vậy, để được cấp “Hộ chiếu vắc-xin”, việc “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng có ý nghĩa quan trọng. Về tiến độ ký cấp “Hộ chiếu vắc xin”, Sở Y tế đã đề xuất Bộ Y tế cấp 16 USB token phục vụ ký số hộ chiếu vắc-xin. Trong khi chờ USB-token cấp về, các Trung tâm Y tế tuyến huyện và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh thực hiện ký số tập trung và sử dụng chữ ký số bằng USB-token của Hệ thống quản lý văn bản điều hành để ký “Hộ chiếu vắc-xin” điện tử. Tính đến cuối ngày 25-4, trên địa bàn tỉnh có tổng số hơn 77 nghìn mũi tiêm được ký duyệt, trong đó huyện Quế Võ cao nhất với hơn 24,5 nghìn mũi tiêm, huyện Thuận Thành thấp nhất với hơn 3 nghìn mũi tiêm. Hiện nay, các đơn vị ngành Y tế tiếp tục ký duyệt các mũi vắc-xin của các đối tượng đã được xác minh thông tin trên hệ thống. Tuy nhiên, nhiều người dân trên địa bàn vẫn sai hoặc thiếu thông tin dẫn đến việc chưa thực hiện ký số được với những đối tượng này, trong khi đó phần mềm vẫn thường xuyên phát sinh các lỗi…

Để việc ký cấp “Hộ chiếu vắc-xin” trên địa bàn thuận lợi, người dân cần chủ động khai báo đầy đủ và chính xác thông tin cá nhân, phản ánh trên hệ thống PC COVID nếu thiếu/ sai thông tin để được giải quyết. Các địa phương cần chỉ đạo quyết liệt thực hiện quy trình “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19.

Từ khóa » Hệ Thống Quản Lý Tiêm Vắc Xin