Dãy Núi Huyền Đinh - UBND Tỉnh Bắc Giang

Với độ cao trung bình trên dưới sáu trăm mét, địa hình hiểm trở, kỳ thú. Nhiều công trình kiến trúc chùa tháp cổ có quy mô bề thế ở vùng núi Huyền Đinh do chính các Tổ của Trúc Lâm phái xây dựng vào hồi thế kỷ 13-14. Tuy nhiên, do thời gian những những biến cố của lịch sử dân tộc, nhiều ngôi chùa cổ trong số này đã bị hoang phế, đổ nát chỉ còn lại nền móng kiến trúc và vật liệu cổ.

Chùa Sơn Tháp: thuộc địa phận xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang. Chùa được xây dựng vào thế kỷ 13, hiện nay vẫn còn dấu tích của nền móng và một ngọn tháp cổ. Đây chính là nơi mà Thiền sư Pháp Vân đã viên tịch. Chùa có một ngôi bảo tháp của Hoà thượng Huyền cơ Thiên thọ Pháp Vân, ngày nay tháp đã đổ chùa đã tan, nhân dân địa phương xây dựng lại thành một am nhỏ trên nền cũ để du khách thập phương đến lễ Phật.

Dấu tích của Sơn Tháp Tự

Chùa Yên Mã: nằm cách chùa Sơn Tháp không xa chỉ chừng 1km đường rừng núi nhưng chùa Yên Mã thuộc xã Bắc Lũng, huyện Lục Nam là cả một quần thể nền móng các công trình kiến trúc đồ sộ gồm các toà: Tam bảo, nhà bếp, nhà khách…các nền móng xây dựng, sân, bậc thềm, vật liệu xây dựng, giếng nước cổ, dấu chân Phật... chùa nhìn về hướng Côn Sơn-Kiếp Bạc. Đặc biệt, nơi đây còn lưu dấu chân Phật tổ Bồ Đề Đạt Ma trên một tảng đã lớn cạnh chiếc giếng cổ. Bên cạnh đó một số vật dụng của nhà chùa còn lại ở đây như:cối đá, đồ gốm, chân tảng, các vật liệu gạch ngói đất nung thời Trần còn lại rất nhiều. Tiếc rằng ngôi chùa này ở quá xa khu dân cư nên những gì còn lại chỉ là sự hoang phế.

Chùa Bát Nhã (Bình Long tự): thuộc xã Huyền Sơn, Lục Nam, chùa nằm trên núi Bát Nhã ngọn núi do chính các vị cao tăng tu thiền tại đây đặt tên, cho nên thường gọi là chùa Bát Nhã. Chùa đã bị đổ, cây cỏ mọc um tùm, chùa xưa có quy mô lớn nay còn nền chùa, giếng nước cổ, và những cây cổ thụ xung quanh.

Chùa Hồ Bấc: thuộc xã Nghĩa Phương, Lục Nam, nằm trên độ cao chừng 600m, chùa được xây dựng thời Trần, nằm trong quần thể khu danh thắng Suối Mỡ, giữa núi rừng bạt ngàn, cảnh quan chốn thiền này đẹp như một bức tranh. Chùa Hồ Bấc có một hồ nước lớn, xung quanh bốn bề rừng núi thâm u. Chùa bị đổ nát hoàn toàn và chưa được khôi phục lại. Hiện nay chỉ còn các dấu tích vật chất của công trình cổ xưa như: vật liệu xây dựng, gạch, đá, bậc thềm…

Những công trình kiến trúc chùa tháp cổ kính nguy nga một thời đó đã được sử sách ghi lại rất rõ, đây đều là những ngôi chùa lớn và có tầm ảnh hưởng sâu rộng đối với nhân dân trong vùng tây Yên Tử.

Dãy Huyền Đinh còn có khu danh thắng Suối Mỡ là một khu du lịch sinh thái, nhân văn và tâm linh nổi tiếng của tỉnh Bắc Giang, khu du lịch Suối Mỡ là địa chỉ cho nhiều đoàn khách vãn cảnh, viếng thăm, lễ bái cầu an với các khu đền Hạ, đền Trung, đền Thượng…Du khách có thể thưởng ngoạn các phong cảnh đẹp của miền núi rừng, ghé thăm các địa danh như Đấu Đong Quân, bãi Quần Ngựa-tương truyền là nơi luyện kỵ mã của quân đội nhà Trần nên có địa danh trên, thăm cổng Xanh, đền Trò… tất cả tạo nên một bức tranh kỳ vĩ, mênh mang giữa chốn núi rừng bạt ngàn.

Không chỉ có vậy, non thiêng Huyền Đinh và những khu vực xung quanh còn chứa đựng nhiều câu chuyện huyền bí khác gắn với các địa danh như: Hòn Tháp, Đèo Heo, Hút Gió, Hòn Trứng, thuyền thuyết Ông Cộc, Ông Dài…

Di tích chùa Trản dưới chân dãy Huyền Đinh

Từ khóa » Thung Lũng Huyền đinh Bắc Giang