DẠY PHÂN MÔN HỌC VẦN Ở LỚP 1. - TRƯỜNG TH QUẢNG AN

Tiếng Việt là một trong những môn học quan trọng và cần thiết nhất ở bậc tiểu học. Bên cạnh việc học toán để phát triển tư duy logic cho con, việc học tiếng việt sẽ giúp các con hình và phát triển tư duy ngôn ngữ. Thông qua môn Tiếng Việt, các con sẽ được học cách giao tiếp, truyền đạt tư tưởng, cảm xúc của mình một cách chính xác và biểu cảm.

Trong môn Tiếng Việt, phân môn Học vần có vị trí rất quan trọng ở tiểu học vì nó là phân môn mở đầu của lớp đầu tiên ở bậc Tiểu học. Từ việc nắm được mặt chữ, biết đọc đúng chính âm, viết đúng chính tả; biết đọc trơn tiếng, từ, câu, toàn bài; biết nói hoặc kể theo chủ đề... giúp các em có phương tiện để học tốt môn Tiếng Việt cũng như các môn học khác và học lên lớp trên. Ngoài ra phân môn Học vần còn có một số nhiệm vụ khác như: phát triển vốn từ cho học sinh, tập cho các em nói viết đúng mẫu các câu ngắn, bồi dưỡng lòng ham thích thơ văn, mở rộng vốn hiểu biết về tự nhiên xã hội và giáo dục đạo đức, tư cách, tình cảm, tâm hồn… cho các em, góp phần giúp các em phát triển toàn diện.

Với vị trí quan trọng như vậy nên khi dạy Học vần, ngoài việc được trang bị những kiến thức cơ bản về phương pháp dạy – học theo chuẩn kiến thức, kĩ năng, người giáo viên cần quan tâm hơn đến những vấn đề liên quan đến đặc điểm tâm sinh lí lứa tuổi cũng như đặc thù của ngôn ngữ tiếng Việt liên quan đến dạy học vần, cụ thể như sau:

-  Đi học lớp 1 là một giai đoạn mới trong cuộc đời của trẻ. Từ giai đoạn chơi mà học chuyển sang giai đoạn học mà chơi, trẻ phải thực hiện một loạt hoạt động có tính kế hoạch, có tổ chức, có ý thức: Ngồi nghe bài, phải học bài, phải làm theo các yêu cầu của giáo viên…trong khi khả năng chú ý lâu của các em trong học tập còn yếu. Những thay đổi này khiến đa số các em bỡ ngỡ, chưa thích nghi được, dẫn đến không tập trung, rụt rè, còn ham chơi trong giờ học, thậm chí chán nản hoặc sợ đi học… Vì vậy, dựa vào tâm lí thích tìm hiểu cái mới, thích hoạt động, giáo viên cần chú ý tạo động cơ học tập cho học sinh một cách nhẹ nhàng, giúp các em hứng thú với việc học vần bằng phương pháp đàm thoại kết hợp với trò chơi học tập (trò chơi tô chữ trên tranh để nhận diện mặt chữ ghi âm, vần mới và đọc trơn tiếng chứa âm, vần vừa học; trò chơi nhìn ra xung quanh để tìm nhanh các tiếng có chứa âm và vần mới; trò chơi nối chữ với chữ để tạo thành từ có nghĩa....).

- Tri giác của học sinh lớp 1 đã phát triển hơn so với tuổi mẫu giáo, nhưng chủ yếu vẫn mang tính chất nhận biết tổng quát và gọi tên hình dáng, màu sắc của sự vật (các dấu hiệu bề ngoài, cụ thể, trực quan). Trẻ lớp 1 cũng chưa có khả năng phân tích có hệ thống những thuộc tính và những phẩm chất của các đối tượng được tri giác. Vậy nên hiện tượng phổ biến ở học sinh là đọc được cả tiếng nhưng không rõ các bộ phận của tiếng, không phân biệt được sự khác nhau của các vần, tiếng, giữa các con chữ ghi âm, vần, tiếng. Do đó, giáo viên cần coi trọng khâu hướng dẫn phân tích vần, tiếng, từ (bằng phương pháp trực quan là hữu hiệu nhất), sau đó cho học sinh tổng hợp (dùng con chữ ghi âm để ghép vần, tiếng, từ).

- Tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập

+ Về mặt phát âm, mỗi âm tiết Tiếng Việt gắn với một thanh điệu nhất định. Nhờ vậy, trong chuỗi lời nói, ranh giới các âm tiết được thể hiện rõ ràng. Âm tiết Tiếng Việt không nối dính vào nhau như các ngôn ngữ khác. Ngay cả với những trường hợp đặc biệt là những tiếng ríu, tức là những tiếng do hai tiếng đi liền nhau bị rút lại thành một tiếng như hai mươi mốt – hăm mốt, ông ấy - ổng, bọn mày – bay… dù tính cố định của âm tiết bị phá vỡ, ranh giới của hai âm tiết bị xóa bỏ để tạo thành âm tiết mới thì âm tiết mới này lại có đầy đủ đặc điểm đơn lập như các âm tiết khác.

+ Về mặt cấu tạo, âm tiết Tiếng Việt là một tổ hợp âm thanh có tổ chức chặt chẽ. Cách miêu tả âm tiết có cấu trúc hai bậc (âm đoạn và siêu âm đoạn) là cách miêu tả phù hợp với cảm thức tự nhiên của người bản ngữ. Vì vậy, người Việt dễ nhận ra phụ âm đầu, vần và thanh của các âm tiết Tiếng Việt.

Đặc điểm này của âm tiết Tiếng Việt ảnh hưởng đến việc lựa chọn các phương pháp thích hợp để dạy cho học sinh từ âm đến chữ trong dạy Học vần. Ví dụ như khi dạy làm quen âm, vần mới thì sử dụng phương pháp gợi mở - vấn đáp; dùng phương pháp trực quan bằng việc làm mẫu của mình khi đánh vần, viết mẫu…

- Chữ viết Tiếng Việt là chữ ghi âm

            Tiếng Việt về cơ bản có sự tương ứng giữa âm và chữ (mỗi âm ghi một con chữ, mỗi con chữ chỉ có một cách phát âm) nên khi dạy phải kết hợp dạy chữ trên cơ sở dạy âm, dạy âm để dạy chữ, phát âm đúng thì mới nhận diện đúng chữ, từ đó đọc đúng và viết đúng. Do đó, việc dạy chữ cho học sinh lớp 1 có nhiều thuận lợi. Tuy vậy, tiếng Việt cũng có những ngoại lệ, có một số trường hợp một âm được ghi bằng nhiều con chữ. Ví dụ: âm /k/ được ghi bằng 3 con chữ (c, k, q); âm /z/ được ghi bằng hai con chữ (d, gi),… Bên cạnh đó là sự ảnh hưởng của phương ngữ đến cách phát âm của cả thầy và trò. Đây là một khó khăn không chỉ ở môn Học vần mà còn đối với việc dạy Tập viết, dạy Chính tả cho học sinh, đòi hỏi giáo viên phải phát âm chuẩn để học sinh cũng đọc đúng chuẩn bên cạnh việc giúp học sinh ghi nhớ những trường hợp đặc biệt như vừa nêu.

Với yêu cầu đến cuối lớp 1, học sinh thuộc mặt chữ, biết viết chữ, biết đọc bài thì khi dạy học vần đòi hỏi giáo viên phải sử dụng thật linh hoạt những phương pháp dạy học phù hợp, tích cực theo đối tượng cũng như yêu cầu của từng bài, giúp học sinh có cơ hội bình đẳng trong lĩnh hội kiến thức và kĩ năng. Và để thực hiện tốt yêu cầu này thì mỗi giáo viên cần phải có những kiến thức nhất định về tâm sinh lí lứa tuổi, về ngữ âm tiếng Việt.

Mặt khác, môn Tiếng Việt ở lớp 1 góp phần hình thành vàphát triển cho học sinh những phẩm chất chủ yếu, cụ thể là:

- Yêu nước: Yêu gia đình, quê hương.

- Nhân ái: Yêu thích cái đẹp, cái thiện; Kính trọng, lễ phép vớiông bà, cha mẹ và người trên; Yêu quý bạn bè; Yêu thích và có ý thức bảo vệ các con vật có ích.

- Chăm chỉ: Có hứng thú học tập, yêu thích lao động.

- Trung thực: Thật thà, ngay thẳng trong học tập và đời sống.

- Trách nhiệm: Có ý thức thực hiện trách nhiệm với bản thân,gia đình, cộng đồng và môi trường xung quanh; Biết giữ vệ sinhthân thể; Giữ vệ sinh nơi học tập và sinh hoạt; Bảo vệ môi trườngxung quanh; Giữ gìn đồ dùng học tập và sinh hoạt.

 Bồi dưỡng tình yêu tiếng Việt và hình thành thói quen giữ gìn sự trong sáng, giàu đẹp của tiếng Việt cần được thực hiện từ khi các em bắt đầu được làm quen với con chữ và môn Học vần sẽ là môn học đầu tiên giúp chúng ta làm điều đó.

Từ khóa » Các Vần Học Lớp 1