Dạy Tiếng Dân Tộc - Không đơn Giản Là Người Biết ... - Báo Hòa Bình

Dạy tiếng Mường, chữ Mường rất cần thiết, nhất là đối với học sinh dân tộc Mường

Quách Đình Hải

Phó Hiệu trưởng trường PTDTNT THPT tỉnh

Khoảng 20% học sinh người dân tộc thiểu số đang học tại trường PT DTNT THPT tỉnh không nghe và không nói được tiếng của dân tộc mình, rất đông trong số đó là học sinh người dân tộc Mường. Đa số các em đều sinh ra ở thành phố Hòa Bình hoặc thị trấn của các huyện và ngay trong gia đình cũng ít sử dụng tiếng Mường. Việc học sinh dân tộc thiểu số nói chung, học sinh dân tộc Mường nói riêng mà lại không biết tiếng của dân tộc mình là điều rất đáng tiếc, cần suy ngẫm. Do đó, chúng tôi hoàn toàn ủng hộ việc dạy tiếng dân tộc Mường trong các nhà trường. Thông qua việc học tiếng Mường, các em sẽ hiểu hơn về dân tộc mình, quê hương mình, thêm yêu và tự hào cũng như giữ gìn được bản sắc văn hóa dân tộc.

Cần tạo điều kiện cho giáo viên tham gia bồi dưỡng, học tiếng dân tộc

Nguyễn Thị Đương

Hiệu trưởng trường PTDTNT THCS B Đà Bắc

Trường PTDTNT THCS B Đà Bắc có khoảng 50% học sinh là người dân tộc Tày, 47% học sinh là người dân tộc Mường, còn lại là học sinh người dân tộc Dao nhưng hiện chỉ có khoảng 50% giáo viên là người dân tộc thiểu số. Trong khi đó, học sinh lớp 6 mới tuyển sinh vào học có nhiều em vẫn nói tiếng dân tộc mình, chưa thực sự tự tin khi sử dụng tiếng Việt, nhất là các em học sinh dân tộc Mường thuộc một số xã như: Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng. Do đó, nhà trường phải lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm, hiểu và nói được tiếng dân tộc để giảng dạy. Giáo viên phụ trách nội trú cũng phải là người dân tộc thiểu số để giao tiếp tốt được với các em trong đời sống hàng ngày. Từ thực tế đó cho thấy, giáo viên trường dân tộc nội trú cần được tạo điều kiện học, bồi dưỡng tiếng nói, chữ viết dân tộc thiểu số để có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đây cũng là đội ngũ có thể truyền dạy tiếng dân tộc cho học sinh nhà trường thông qua hoạt động giảng dạy trên lớp hoặc ngoại khóa.

Xem xét đưa chữ Mường trở thành môn học tự chọn trong các trường phổ thông ở Hòa Bình

Nguyễn Thị Đào

Tổ 5, phường Tân Thịnh, TP Hòa Bình

Chữ Mường giúp cho con em dân tộc Mường ở Hòa Bình có thể học, hiểu, bảo tồn và phát huy tiếng mẹ đẻ. Tuy chiếm tỷ lệ khá đông ở Hòa Bình nhưng người Mường là người dân tộc thiểu số nên có thể xem xét đề xuất đưa tiếng Mường trở thành môn học tự chọn trong các trường phổ thông ở Hòa Bình theo quy định của Bộ GD&ĐT, không nên coi việc học chữ Mường là yêu cầu bắt buộc. Vì chỉ khi thực sự đam mê, yêu thích thì các em mới say mê, thích thú khi học, tích cực áp dụng vào đời sống. Có như vậy mới giúp tiếng Mường thực sự "sống” trong đời sống xã hội. Không nên tổ chức dạy chữ Mường, tiếng Mường một cách ồ ạt, áp đặt trên mọi đối tượng vì như thế hiệu quả sẽ không đạt được như mong đợi.

Từ khóa » Chứng Chỉ Tiếng Dân Tộc Mường