Dạy Trẻ đi Xe đạp : Hãy Nhớ Những Quy Tắc An Toàn - YouMed

Nội dung bài viết

  • 1. Dạy trẻ đi xe đạp và nắm rõ luật đi đường 
  • 2. Sử dụng thiết bị bảo vệ 
  • 3. Chọn đúng kích cỡ và loại xe đạp
  • 4. Bảo dưỡng xe đạp của bạn

Dạy trẻ đi xe đạp xe đạp có thể giúp con bạn tránh được nguy cơ bị chấn thương nghiêm trọng. Theo một thống kê tại Mỹ, trẻ em từ 5 đến 14 tuổi có tỷ lệ chấn thương liên quan đến xe đạp cao hơn so với những trẻ lớn. Ngoài ra, vị trí mặt và đầu  được xem là chấn thương nặng nhất đối với người đi xe đạp. Nếu con bạn đang tập đi xe hoặc đã biết đi xe đạp, dưới đây là những quy tắc giúp trẻ được an toàn.

1. Dạy trẻ đi xe đạp và nắm rõ luật đi đường 

Độ tuổi phù hợp để dạy cho trẻ những kỹ năng cần thiết khi chạy xe trên đường là khoảng 10 tuổi. Trẻ nhỏ hơn có thể chạy xe ở làn đường dành cho xe đạp hoặc trên vỉa hè. Những quy tắc an toàn sau đây sẽ giúp trẻ tránh gặp phải những điều đáng tiếc:

  • Không chạy xe đạp vào lúc chiều tối hoặc ban đêm, khi thời tiết xấu.
  • Không bao giờ chở bất cứ đồ vật hay ai khác trên xe đạp.
  • Lái xe bằng hai tay trừ khi trẻ cần giơ tay như tín hiệu muốn rẽ hướng.
  • Đi xe theo một hàng, không lấn làn để vượt lên và đi theo đường đã được chỉ dẫn trước. 
  • Luôn tuân thủ luật giao thông, nhất là đèn tín hiệu.
  • Nhìn phía sau trước khi bạn muốn qua làn đường khác hay cần rẽ hướng.
  • Cẩn thận với những chướng ngại vật trên đường như sỏi đá, cành cây. Hoặc đôi khi là xe từ hướng khác chạy ra đường, có người mở cửa xe khi bạn chạy xe ngang qua, thú cưng được dẫn đi dạo.
Dạy trẻ đi xe đạp và nắm rõ luật đi đường
Dạy trẻ đi xe đạp và nắm rõ luật đi đường

2. Sử dụng thiết bị bảo vệ 

Bạn nên chuẩn bị một chiếc mũ bảo hiểm cho trẻ trước khi dạy trẻ đi xe đạp lần đầu tiên. Hãy kiểm tra chắc chắn rằng mũ bảo hiểm sẽ vừa vặn với đầu của trẻ. Trẻ có thể rất khó chịu đến mức tự bỏ mũ bảo hiểm khi không có bạn bên cạnh. Vậy nên, bạn có thể thử nhiều cách để khuyến khích trẻ đội mũ bảo hiểm như:

  • Luôn tạo thói quen đội mũ bảo hiểm khi bạn đi xe đạp. Nhất là khi bạn đi cùng con.
  • Hãy để con bạn lựa chọn kiểu mũ bảo hiểm phù hợp cho riêng mình.
  • Hãy để con bạn trang trí mũ bảo hiểm bằng những nhãn dán dễ thương.
  • Dành những lời khen ngợi khi con bạn tự giác đội mũ bảo hiểm.

Một trong những điểm quan trọng  khác là nhắc nhở con bạn cần mang giày có quai hậu khi đi xe đạp. Không nên đi chân trần hoặc dép. Ngoài ra, con bạn cũng không nên mặc quần áo quá rộng hay luộm thuộm. Điều này có thể làm trẻ té do đồ bị cuộn vào bánh xe. Trẻ cần phải tập trung khi chạy xe, vì thế bạn nên nhắc trẻ không nên đeo tai nghe.

Dùng nón bảo hiểm để bảo vệ con bạn khỏi va đập
Dùng nón bảo hiểm để bảo vệ con bạn khỏi va đập

3. Chọn đúng kích cỡ và loại xe đạp

Nếu cho trẻ tập đi với kích thước xe đạp quá lớn so với vóc dáng của chúng có thể dẫn đến khả năng gặp chấn thương. Con bạn chưa được dạy các kỹ năng và cách phối hợp cần thiết để xử lý vấn đề khi chạy chiếc xe đạp lớn hơn. Do đó, trẻ có thể mất kiểm soát. 

Cách chọn tốt nhất là phù hợp với độ tuổi và chiều cao của trẻ. Bạn nên đưa trẻ đến cửa hàng xe đạp để có được lựa chọn tốt nhất. Con bạn có thể chạm hai chân xuống đất thoải mái khi ngồi trên yên xe đạp. Tay lái của chiếc xe đạp đường trường nên thấp hơn đáy quần từ 2 đến 5 cm khi trẻ đang đứng. Tay lái của chiếc xe đạp leo núi nên thấp hơn đáy quần từ 6 đến 10 cm khi trẻ đang đứng.

>> Bạn muốn tăng chiều cao cho trẻ và đang băn khoăn rằng liệu có nên cho trẻ uống thuốc tăng chiều cao không? Tìm hiểu ngay thông qua bài viết của bác sĩ nhé!

Ghế phải được để ngang bằng. Điều chỉnh ghế sao cho con bạn có gấp nhẹ đầu gối khi chân được mở rộng hoàn toàn. Chiều cao tay lái ở mức phù hợp sao cho trẻ có thể chạm vào tay lái một cách thoải mái khi chạy xe.

Dạy trẻ đi xe đạp trên đường nên sử dụng xe đạp có phanh chân. Bởi vì cơ tay của trẻ chưa có sự phối hợp nhịp nhàng để kiểm soát phanh tay. Phanh chân giúp trẻ an toàn hơn, nhất là trong giai đoạn mới tập đi. Trẻ lớn hơn có thể sử dụng xe đạp với phanh tay.

4. Bảo dưỡng xe đạp của bạn

Bạn nên thường xuyên kiểm tra phanh, dây xích và bánh xe của xe đạp con bạn. Vệ sinh sạch sẽ xe đạp ít nhất 1 lần mỗi tuần. Đừng bao giờ bỏ qua tiếng kêu khó chịu phát ra từ xe của trẻ. Điều đó hoàn toàn không nên vì khi xe phát ra những tiếng bất thường, đó là lúc xe đang có vấn đề và cần được sửa chữa. Không nên để xe đạp ở ngoài trời. Việc tiếp xúc trực tiếp với môi trường như ánh nắng, gió sẽ nhanh làm hỏng xe và gây rỉ sét.

Chạy xe đạp là một sở thích rất có lợi cho sức khỏe của trẻ. Khi trẻ biết đi xe đạp, trẻ sẽ học được kĩ năng giữ cân bằng, điều chỉnh tốc độ và xử trí tình huống khi lái xe. Tuy nhiên, để giúp trẻ có được nhiều lợi ích từ ​​việc đi xe đạp, trước hết bạn cần dạy trẻ về sự an toàn khi chạy xe đạp. Trong đó quan trọng là luật giao thông và những nguyên tắc an toàn khi đi xe. 

Bác sĩ : Huỳnh Nguyễn Uyên Tâm

Từ khóa » Cách Dạy Trẻ Em đi Xe đạp