ĐBSCL: Cẩn Trọng Khi Giá Cá Tra Tăng Ngất Ngưởng
Có thể bạn quan tâm
Giá trồi sụt bất thường
Theo các thương lái, giá cá tra tăng cao nhưng tìm mua không có bởi "bây giờ có tiền mua 100 lượng vàng thì được nhưng mua 100 tấn cá tra không phải dễ". Thật vậy, 3 năm qua, giá cá tra giảm không phanh, nông dân treo ao sợ lỗ. Thông thường, chi phí đầu tư nuôi cho ra 1kg cá tra thương phẩm phải từ 22.000 đồng/kg đến 23.000 đồng/kg. Hai năm qua, do dịch Covid-19 nên giá cá tra xuống còn 19.000 đồng/kg đến 23.000 đồng/kg, khiến người nuôi lỗ nặng hoặc chỉ hòa vốn. Nông dân treo ao hoặc chuyển đổi nghề.
Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, giá cá tra ở Đồng bằng sông Cửu Long tăng trở lại, với mức giá dao động khoảng 29.500-30.000 đồng/kg, tăng từ 5.000-5.500 đồng/kg so với cuối năm 2021, nông dân phấn khởi. Cao điểm như hiện nay, giá cá tra dưới 1kg xuất khẩu thị trường Mỹ, thương lái mua với giá 34.000 đồng/kg, nông dân lời hơn 10.000 đồng/kg, mức giá cao kỷ lục từ trước đến nay.
Người dân An Giang thu hoạch cáVì sao giá cá tra tăng cao? Các chuyên gia nhận định: do dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 2 năm, cá tra không thu hoạch được, người nuôi phải nuôi lưu trong ao, ảnh hưởng tới kế hoạch thả giống mới. Ngoài ra, giá thức ăn tăng cao, giá thu mua cá tra giảm sâu và kéo dài, nhiều người không thả cá nuôi hoặc giảm sản lượng. Do đó, khi xuất khẩu phục hồi và tăng tốc thì xảy ra tình trạng khan hiếm nguyên liệu đầu vào.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 2 tháng đầu năm, xuất khẩu cá tra tăng mạnh đạt 384 triệu USD, tăng 93% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo, xuất khẩu cá tra còn tiếp tục tăng. Đây cũng là thời điểm "ăn nên làm ra" của các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra.
Từ Tết Nguyên đán đến nay, cả 4 thị trường lớn nhập mặt hàng cá tra Việt Nam là Hoa Kỳ, Trung Quốc, EU và châu Á đều tăng lượng nhập khẩu. VASEP dự báo, giá xuất khẩu cá tra ở tất cả thị trường đều tăng, xuất khẩu cá tra trong năm 2022 tăng từ 20 - 25% so với năm 2021; giá cá tra xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5%. Đối với những thị trường như Mỹ đang ở mức giá cao (3,95 USD/kg), Trung Quốc cũng tăng cao. Thị trường nhập khẩu phục hồi, tăng trưởng tốt; trong đó chủ yếu ở 4 nhóm chính gồm Trung Quốc (31%), Mỹ (23%), CPTPP (13%) và EU (6,6%)...
Chỉ nửa đầu tháng 2-2022, tổng giá trị xuất khẩu cá tra sang EU đạt 20,2 triệu USD, tăng 40,2% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng lạc quan nhất sau nhiều tháng chững hoặc sụt giảm sâu. Hiện nay, Hà Lan, Bỉ, Đức và Tây Ban Nha là 4 thị trường xuất khẩu cá tra đơn lẻ lớn nhất trong khối của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam. Trong đó, Hà Lan là thị trường lớn nhất chiếm 36,6% tổng giá trị xuất khẩu sang thị trường này.
Cách đây hơn 10 năm, EU là thị trường xuất khẩu cá tra truyền thống và lớn nhất của các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi lên tới thời điểm "hoàng kim" vào những năm 2016-2018 thì xuất khẩu cá tra sang EU bắt đầu chững và giảm dần.
Doanh nghiệp xuất khẩu cá khó khăn thu mua nguyên liệuHiệp hội Cá tra Việt Nam nhận định, nguyên nhân giá cá tăng cốt lõi là nguồn cung giảm, trong khi nhu cầu của thế giới tăng nên giá tăng theo. Hiện nay thị trường tiêu thụ mặt hàng này có nhiều tín hiệu khởi sắc trở lại; trong đó, các thị trường Trung Quốc, Mỹ, EU, Đông Nam Á... bắt đầu có nhiều đơn đặt hàng nhiều hơn ở phía các doanh nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, dịch Covid-19 đang từng bước được kiểm soát, xuất khẩu cá tra hoạt động ổn định nên lượng hàng hóa tại các doanh nghiệp chế biến cá tra tiêu thụ mạnh trở lại.
Hiện nhiều thị trường đang có nhu cầu nhập cá tra cao, nhất là Mỹ. Vì vậy, dự báo trong năm nay, giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng mạnh. Tương tự, thị trường tiêu thụ các sản phẩm cá tra trên thế giới đã có những chuyển biến tích cực với đơn đặt hàng tăng liên tục và giá xuất khẩu cũng tăng theo. Giá xăng dầu tăng cao, giá cá biển thế giới tăng cao, đánh bắt biển cũng đã và sẽ tiếp tục bị giới hạn, do vậy cá nuôi nước ngọt (cá tra) của Việt Nam sẽ có chỗ đứng hơn trên thị trường thế giới.
Cẩn trọng khi người dân lại ồ ạt nuôi cá tra
Nhu cầu cá tra xuất khẩu tăng mạnh, giá cá nguyên liệu lên đến 34.000 đồng/kg, đây cũng là mức kỷ lục đã từng đạt được vào năm 2018 với giá 30.000 đồng, nhiều địa phương, nông dân rủ nhau nuôi cá. Thế nhưng các cơ quan chức năng khuyến cáo nếu thả nuôi ồ ạt sẽ lập lại chu kỳ rớt giá.
Các chuyên gia nhận định, mức giá hiện nay đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp, người nuôi ở thời điểm hiện tại. Thực tế, giá cả thị trường luôn biến động, người nuôi đang chịu nhiều rủi ro, bởi lẽ, chất lượng con giống năm nay không cao, hao hụt 30% đến 50%, giá cả thức ăn cũng tăng vọt ngay sau Tết, từ đó khiến chi phí giá thành của cá tra tăng và giảm một phần tính cạnh tranh.
Trong khi đó, phía cơ quan chức năng cũng khuyến cáo người nuôi cá tra cần hết sức bình tĩnh vì giá hiện nay có thể là "ảo" do "chiêu" của một số doanh nghiệp từ trước đến nay chưa có hợp đồng liên kết - họ thu mua cá ở nhiều nơi nhưng không được, buộc phải đẩy giá cao để mua được cá cho các hợp đồng đã ký. Các hộ nuôi có hợp đồng liên kết với doanh nghiệp vẫn được giữ giá ổn định.
Do đó, nếu người nuôi ào ạt nhập giống thì có thể "sập bẫy" về giá sau này. Hiện tượng cá sốt giá đã xảy ra nhiều năm rồi chứ không phải đến bây giờ mới có. Do đó, người nuôi cũng cần thận trọng, không nên vội vàng mở rộng diện tích khiến dư thừa sản lượng và dẫn tới giá sụt giảm.
Vụ Nuôi trồng thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho rằng, thị trường và rào cản thương mại cũng là thách thức đối với ngành cá tra. Các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới mà nước ta tham gia vừa là thách thức, vừa là cơ hội để sản phẩm cá tra Việt Nam tiếp tục xuất khẩu vào các thị trường EU, Hoa Kỳ... Những yêu cầu ngày càng khắt khe từ những thị trường nhập khẩu đòi hỏi ngành hàng cá tra nước ta phải nỗ lực để đáp ứng.
Sau khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát, hoạt động thanh tra, kiểm tra trực tiếp của FSIS đối với toàn chuỗi cá tra có thể sẽ nối lại. Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã ban hành Lệnh 248, 249 áp dụng đối với hoạt động xuất khẩu sản phẩm thủy sản sang Trung Quốc, có hiệu lực từ ngày 1-1-2022. Lệnh 248, 249 có thể sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản đông lạnh, trong đó có cá tra.
Người dân phấn khởi khi giá cá lên đến 34000 đồng/kgCần có chuỗi liên kết
Để tránh bị dội chợ, giá giảm, cần phải có sự liên kết trong sản xuất. Tỉnh Đồng Tháp đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung nuôi cá tra quy mô lớn tại các huyện Thanh Bình, Tam Nông, Tân Hồng, Châu Thành và huyện Cao Lãnh.
Tỉnh đã cấp mã số nhận diện vùng nuôi với gần 100% diện tích nuôi cá tra thương phẩm; trong đó, 60% diện tích thả nuôi cá tra đạt chuẩn quốc tế. Các vùng sản xuất đã được cấp 368 mã số nhận diện ao nuôi cá tra thương phẩm với diện tích 1.509,2ha; sản xuất theo quy trình, quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC và tương đương với diện tích 827ha chiếm trên 55% diện tích nuôi.
Chuỗi liên kết-hợp tác trong sản xuất cá tra tại tỉnh đã phát triển khép kín. Toàn tỉnh hiện có 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác và 1 Hội quán hoạt động sản xuất và dịch vụ phục vụ ngành hàng cá tra và 20 doanh nghiệp nuôi cá tra xuất khẩu. Các hộ nuôi nhìn chung đều có hợp đồng liên kết hoặc gia công cho các doanh nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh.
Hiện toàn tỉnh có hơn 60% nuôi cá tra theo quy trình khép kín từ ương giống, nuôi, chế biến và xuất khẩu là những doanh nghiệp có nguồn nguyên liệu ổn định, giảm được rủi ro thua lỗ vì có sẵn nguyên liệu và lãi từ chế biến xuất khẩu bù đắp vào việc nuôi.
Hiệp hội Cá tra Việt Nam cũng đề nghị, chính quyền địa phương cần phải có sự kiểm soát, bởi nếu không chu kỳ rớt giá mạnh có thể sẽ tái lập vào đầu năm 2023 khi nguồn cung rơi vào cảnh dư thừa do ồ ạt thả nuôi.
"Để phát triển bền vững, các chuyên gia khuyến cáo, các hộ nuôi cá cần liên kết chặt với các doanh nghiệp, nhằm đưa ra phương án nuôi, thời điểm thu hoạch... hợp lý, chất lượng đảm bảo. Trong sản xuất cũng cần cân đối sản lượng cá tra vừa đủ hoặc thiếu một ít thì sẽ hạn chế tình trạng sụt giảm về giá”, Hiệp hội Cá tra Việt Nam khuyến cáo.
Đăng Khoa - Xuân LanTừ khóa » Giá Cá Tra Khủng
-
Cảnh Giác Với “bẫy Giá” Cá Tra Cao Kỷ Lục
-
Giá Cá Tra Tăng Lên, 27.000 - 28.000 đồng/kg, Chi Phí Bà Con Nuôi Gần ...
-
Top Sale 7/2022 # Cá Tra Dầu Giá Bao Nhiêu Tiền 1 Kg Tại Tphcm
-
Cá Tra Trên 10kg/con Giá Cao Ngất!
-
Cá Tra Khủng Nhúng Mẻ - Hàng Dương Quán
-
Giá Cá Tra Xuất đi Mỹ Cao Hơn Cả Mức đỉnh Năm 2019 - Vasep
-
Cá Tra "khủng" Trên 10kg/con Giá Cao Ngất! - Tép Bạc
-
Giá Cá Tra Khủng - Tepbac
-
Giá Cá Tra Thương Phẩm đang ở Mức Cao
-
Giá Cá Tra Tăng - CafeF
-
Giá Cá Tra Nguyên Liệu Cao ở Mức Kỷ Lục Nhưng Vẫn Còn Nhiều Nỗi Lo
-
Cá Tra "cỡ Bự" Nặng Cả Yến Mỗi Con, Giá Cao Ngất Chỉ Bán Nhà Hàng
-
Giá Cá Tra Xuất Khẩu Sang Mỹ Lập đỉnh Mới - Tiền Phong
-
Giá Cá Tra Xuất Khẩu, Giá Cá Tra Giống Hôm Nay Năm 2022 - VietnamBiz