Đề 16. Đề Thi Thử TN THPT Môn Văn Theo Cấu Trúc đề Minh Họa 2021

ĐỀ THI THỬ CHUẨN CẤU TRÚC MINH HỌA

ĐỀ SỐ 16

(Đề thi có 02 trang)

KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2021

Bài thi: Ngữ Văn

Shape1 Thời gian làm bài: 120 phút không kể thời gian phát đề

Đề bài

Phần I. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau

...Có gì đâu, có gì đâu

Mỡ màu ít chắt dồn lâu hóa nghèo

Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù

Vươn mình trong gió tre đu

Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành

Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh

Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Thương nhau tre không ở riêng

Lũy thành từ đó mà nên hỡi người

Chẳng may thân gãy cành rơi

Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng

Nòi tre đâu chịu mọc cong

Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường

Lưng trần phơi nắng phơi sương

Có manh áo cộc tre nhường cho con..”

(Tre Việt Nam, Nguyễn Duy)

Câu 1. Xác định thể thơ và phương thức biểu đạt của văn bản?

Câu 2. Đoạn thơ trên đã nói đến loài cây gì?

Câu 3. Chỉ ra và cho biết tác dụng của biện pháp tu từ trong hai cau thơ sau

Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm

Câu 4. Qua hình ảnh cây tre, anh chị thấy những phẩm chất cao quý nào của con người Việt Nam?

Phần I. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 đim)

Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa của những khát khao yêu thương trong cuộc sống con người.

Câu 2. (5,0 đim)

Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng với chiếc máy ảnh, đi quá mươi bước sâu vào phía trong có một chiếc xe rà phá mìn của công binh Mỹ, chiếc xe sơn màu vàng tươi và to lớn gấp đôi một chiếc xe tăng. Hai người đi qua trước mặt tôi. Họ đi đến bên chiếc xe rà phá mìn. Người đàn bà đứng lại, ngước mắt nhìn ra ngoài mặt phá nước chỗ chiếc thuyền đậu một thoáng, rồi đưa một cánh tay lên có lẽ định gãi hay sửa lại mái tóc nhưng rồi lại buông thõng xuống, đưa cặp mắt nhìn xuống chân.

Lão đàn ông lập tức trở lên hùng hổ, mặt đỏ gay, lão rút trong người ra một chiếc thắt lưng của lính ngụy ngày xưa, có vẻ như những điều phải nói với nhau họ đã nói hết, chẳng nói chẳng rằng lão trút cơn giận như lửa cháy bằng cách dùng chiếc thắt lưng quật tới tấp vào lưng người đàn bà, lão vừa đánh vừa thở hồng hộc, hai hàm răng nghiến ken két, cứ mỗi nhát quất xuống lão lại nguyền rủa bằng cái giọng rên rỉ đau đớn: “Mày chết đi cho ông nhờ. Chúng mày chết hết đi cho ông nhờ!”.

Người đàn bà với một vẻ cam chịu đầy nhẫn nhục không hề kêu một tiếng, không chống trả, cũng không tìm cách trốn chạy.

Tất cả mọi việc xẩy đến khiến tôi kinh ngạc đến mức, trong mấy phút đầu, tôi cứ đứng há mồm ra mà nhìn. Thế rồi chẳng biết từ bao giờ, tôi đã vứt chiếc máy ảnh xuống đất chạy nhào tới.

Bóng một đứa con nít lao qua trước mặt tôi. Tôi vừa kịp nhận ra thằng Phác – thằng bé trên rừng xuống vừa nằm ngủ với tôi từ lúc nửa đêm. Thằng bé cứ chạy một mạch, sự giận dữ căng thẳng làm nó khi chạy qua không nhìn thấy tôi. Như một viên đạn trên đường lao tới đích đã nhắm, mặc cho tôi gọi nó vẫn không hề ngoảnh lại, nó chạy tiếp một quãng ngắn giữa những chiếc xe tăng rồi lập tức nhảy xổ vào cái lão đàn ông.

Cũng y hệt người đàn bà, thằng bé của tôi cũng như một người câm, và đến lúc này tôi biết là nó khỏe đến thế!

Khi tôi chạy đến nơi thì chiếc thắt lưng da đã nằm trong tay thằng bé, không biết làm thế nào nó đã giằng được chiếc thắt lưng, liền dướn thẳng người vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần vạm vỡ cháy nắng có những đám lông đen như hắc ín, loăn xoăn từ rốn mọc ngược lên. Lão đàn ông định giằng lại chiếc thắt lưng nhưng chẳng được nữa, liền dang thẳng cánh cho thằng bé hai cái tát khiến thằng nhỏ lảo đảo ngã dúi xuống cát.

(Chiếc thuyền ngoài xa, Nguyễn Minh Châu, SGK Ngữ văn 12, NXBGD 2008, tr 72-73)

Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu

HƯỚNG DẪN TRẢ LỜI

Phần

Câu/Ý

Nội dung

Điểm

I

Đọc hiểu

3.0

1

Thể thơ: tự do

Phương thức biểu đạt: biểu cảm

0.5

2

Đoạn thơ trên đã nói đến loài cây: tre Việt Nam

0.5

3

Biện pháp tu từ trong hai câu thơ trên: nhân hóa (tre- tay) :Tre ở đây như được nhân hóa có tay có tình cảm của con người ẩn dụ (tre – con người Việt Nam) Tre không đứng một mình, không ở riêng mà sống thành lũy thành khóm. Và khi tre có gẫy cành rụng lá thì vẫn để lại cái gốc cho măng mọc lên tiếp tục sinh trưởng phát triển mạnh mẽ.

Tác dụng: Làm câu thơ gợi hình, gợi cảm, gây ấn tượng và thêm sinh động. Những cây tre ôm lấy nhau níu lấy nhau vượt qua giông tố của cuộc đời.. Thể hiện sự đoàn kết gắn bó yêu thương của con người.

1.0

4

Hình ảnh so sánh tre như chông thể hiện sự sắc nhọn và thẳng tắp của cây tre.

Hình ảnh những lá bao bọc măng của tre được ẩn dụ thành manh áo cộc thể hiện cây tre ấy như một người mẹ yêu thương con; giống như người mẹ Việt Nam có cái gì cũng nhường nhịn và dành hết cho con. Phẩm chất ngay thẳng, truyền thống nối nghiệp cha ông, duy trì nòi giống “ tre già măng mọc” của nhân dân ta được thể hiện rõ.

Qua hình ảnh cây tre ta thấy được sự đoàn kết của nhân dân Việt Nam, chúng ta sống thành những quần thể (gia đình lớn), không hề ở riêng lẻ, trước những giông tố và sóng gió cuộc đời thì luôn cưu mang và bao bọc lấy nhau “ lá lành đùm lá rách”. Tác giả ca ngợi phẩm chất của con người Việt Nam: luôn vượt qua khó khăn, gian khổ bằng sức sống bền bỉ, bằng tinh thần đoàn kết dẻo dai mãnh liệt.

1.0

II

Làm văn

1

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ ý nghĩa của những khát khao yêu thương trong cuộc sống con người.

2.0

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng -phân-hợp, song hành hoặc móc xích.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận về một vấn đề xã hội: ý nghĩa của những khát khao yêu thương trong cuộc sống con người.

0.25

0.25

c. Thí sinh lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ ý nghĩa của những khát khao yêu thương trong cuộc sống con người.Có thể triển khai theo hướng sau:

nghĩa của những khát khao yêu thương trong cuộc sống con người.:

-Khát khao yêu thương là ước muốn, khát vọng nhận được sự quan tâm, che chở, bảo vệ từ trong trái tim mỗi người dành cho nhau.

- Khát khao yêu thương có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với mỗi người chúng ta:

+Đối với bản thân, gia đình, khi được yêu thương, chúng ta sẽ sống vui vẻ, hạnh phúc, có tinh thần lạc quan và niềm tin vào cuộc sống.

+Đối với xã hội, khao khát được yêu thương từ mọi người sẽ giúp con người hướng tới suy nghĩ tích cực, tạo sức mạnh tinh thần để vượt qua những thử thách, khó khăn trong cuộc đời.

+ Khát khao yêu thương sẽ giúp mọi người sống đoàn kết, nhân ái, vị tha và lương thiện.

+ Người có khát khao yêu thương là người có trái tim ấm áp luôn được mọi người yêu quý và gần gũi.

- Phê phán con người trong cuộc sống không có khát khao yêu thương, sống ích kỉ, hẹp hòi, vụ lợi cá nhân.

- Bài học nhận thức và hành động.

+ Mỗi người cần có nhận thức đúng đắn về giá trị của tình thương, luôn vun đắp đời sống tâm hồn của chính mình, sống đẹp, sống có ích, mở rộng tấm lòng yêu thương con người.

1.00

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

0,25

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.

0,25

2

Phân tích phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm.

5,0

1. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận về một đoạn văn xuôi

Có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài. Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài kết luận được vấn đề.

(0,25)

2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phát hiện của nghệ sĩ Phùng được thể hiện ở đoạn trích; tình huống nhận thức trong tác phẩm của nhà văn Nguyễn Minh Châu.

(0,25)

3. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; thể hiện sự cảm nhận sâu sắc và vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Cụ thể:

3.1.Mở bài: 0.25

- Nguyễn Minh Châu là nhà văn khoác người lính- người lính viết văn. Ông rất thành công với nhiều tác phẩm mang cảm hứng lãng mạn và khuynh hướng sử thi trước 1975; sau 1975 lại tiếp tục sáng tác với nhiều trăn trở về cách khám phá hiện thực cũng như phương thức thể hiện. Nhờ những nỗ lực không ngừng của một người lao động nghệ thuật dũng cảm và đầy bản lĩnh, Nguyễn Minh Châu đã có mặt trong hàng ngũ những nhà văn tiên phong trong công cuộc đổi mới văn học.

- Chiếc thuyền ngoài xa xuất hiện vào đầu những năm 80 của thế kỷ XX. Truyện ngắn là thành công mới trong phong cách tự sự triết lý.

- Đoạn trích Từ chỗ chiếc xe tăng mà tôi đang đứng(…)lảo đảo ngã dúi xuống cát diễn tả phát hiện của nhân vật Phùng, làm nên thành công nghệ thuật tạo tình huống nhận thức của Nguyễn Minh Châu.

3.2.Thân bài: 3.50

a. Khái quát về truyện ngắn, đoạn trích:

- Chiếc thuyền ngoài xa (1983) rút ra từ tập truyện ngắn cùng tên (in 1987). Đây là một trong những truyện ngắn xuất sắc của Nguyễn Minh Châu mang đậm phong cách tự sự - triết lí của nhà văn.

-Với ngôn từ dung dị, đời thường, truyện kể lại chuyến đi thực tế của một nghệ sĩ nhiếp ảnh và những chiêm nghiệm sâu sắc của người nghệ sĩ đó về nghệ thuật - cuộc đời.

- Đoạn trích thuộc phần đầu của truyện, kể lại bức tranh đời sống mà nhiếp ảnh Phùng trực tiếp chứng khi chiếc thuyền vào đến bờ.

b. Phân tích phát hiện của nhân vật Phùng trong đoạn trích

b.1. Về nội dung:

- Giới thiệu sơ lược về tình huống truyện và phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng

+Tình huống được xây dựng trong truyện là tình huống nhận thức.

+Phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng là phát hiện về nghệ thuật đầy thơ mộng, lãng mạn.

- Phân tích phát hiện (thứ hai) của nghệ sĩ Phùng trong văn bản:

+Ngược lại với phát hiện trước đó, khi khoảng cách giữa Phùng và chiếc thuyền đã thu hẹp lại, Phùng lần lượt chứng kiến những cảnh tượng vô cùng đau lòng: Cảnh gã đàn ông hàng chài ra sức đánh người vợ khốn khổ một cách tàn bạo, dã man và cảnh thằng Phác - con trai gã đàn ông - chạy tới giật chiếc thắt lưng từ tay cha nó, vung chiếc khóa sắt quật vào giữa khuôn ngực trần của cha để che chở cho người mẹ đáng thương.

+Những cảnh tượng đó khiến cảm giác, cảm xúc trong Phùng hoàn toàn thay đổi: Không còn thấy hạnh phúc tràn ngập tâm hồn nữa mà kinh ngạc, đau lòng, nhận ra ngay sau cảnh đẹp của chiếc thuyển ngoài xa là sự bạo hành của cái xẩu, cái ác.

+Phát hiện thứ hai của nghệ sĩ nhiếp ảnh đầy nghịch lí. Nó bất ngờ và trớ trêu như trò đùa quái ác của cuộc sống. Đó chính là phát hiện về cuộc đời - một- cuộc đời thực trần trụi, đau đớn.

- Đánh giá:

Với phát hiện (thứ hai) này, Nguyễn Minh Châu muốn gửi gắm một thông điệp: Nghệ thuật đích thực không thể xa rời cuộc đời, dù cuộc đời đó có đau đớn, trần trụi và mỗi người, đặc biệt là người nghệ sĩ không nên nhìn nhận cuộc sống từ một phía mà phải nhìn từ nhiều phía, nhiều góc độ để cảm nhận được nhiều hơn về nó.

- Về nghệ thuật:

Thông điệp đó được thể hiện sâu sắc qua tình huống truyện độc đáo, có ý nghĩa khám phá, phát hiện về đời sống và lời văn giản dị mà sâu sắc, đa nghĩa.

c. Nhận xét tình huống nhận thức trong tác phẩm.

- Biểu hiện: Đó là tình huống nhân vật Phùng đang trong những giây phút thăng hoa của cảm xúc, bất ngờ chứng kiến cảnh người đàn ông đánh vợ một cách vô lí, dã man. Từ đây, nhận thức, suy nghĩ về con người, về cuộc sống của Phùng có những thay đổi: từ chỗ khám phá cái đẹp của bức tranh thiên nhiên qua cảnh chiếc thuyền ngoài xa, anh đã phát hiện ra những nghịch lí của cuộc đời, để rồi cuối cùng nhận thức được nhiều điều:những vấn đề đầy nghịch lí, nghịch lí giữa cái đẹp của nghệ thuật với sự trần trụi, bi đát của cuộc sống hiện thực. Nghịch lí giữa người vợ tốt bị hành hạ nhưng vẫn không bỏ chồng, nghịch lí giữa sự vũ phu tàn bạo của anh hàng chài với vợ nhưng không bỏ vợ.

- Ý nghĩa:Với tình huống của truyện, nhà văn đã đặt ra một vấn đề rất quan trọng để người đọc suy nghĩ, đó là mối quan hệ giữa văn chương, nghệ thuật với cuộc sống. Nghệ thụật là một cái gì xa vời như chiếc thuyền ngoài xa trong màng sương sớm mờ ảo, còn cuộc sống thì rất cần như con thuyền khi đã vào tới bờ. Hay nói một cách khác, Nguyễn Minh Châu cho rằng nghệ thuật trước hết phải gắn liền với cuộc sống, phải phản ánh chân thật cuộc sống và góp phần cải tạo cuộc sống, làm cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

3.3.Kết bài: 0.25

- Kết luận về sự thật cuộc đời qua cảnh nhân vật Phùng chứng kiến trực tiếp khi chiếc thuyền vào bờ ở cự li rất gần;

- Nêu cảm nghĩ trách nhiệm của nghệ sĩ trước cuộc sống con người.

(4.00)

4. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.

( 0,25)

5. Chính tả, dùng từ, đặt câu

Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu

( 0,25)

Từ khóa » đọc Hiểu Tre Việt Nam Có Gì đâu Có Gì đâu