Đề 5: Thuyết Minh Về Một Giống Vật Nuôi - Văn Mẫu 8 - Tech12h

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Thuyết minh về một giống vật nuôi - con chó

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu về giống vật nuôi em thích - con chó

2. Thân bài:

  • Nguồn gốc, xuất xứ của loài chó: là loại vật được tiến hóa đầu tiên, tổ tiền là loài cáo và chó sói...
  • Phân loại, đặc điểm nhận dạng riêng về các loài chó
  • Miêu tả đặc điểm các bộ phận của con chó (mũi, chân, mắt, đuôi, lưỡi, lông...)
  • Đặc tính nổi bật của chó: tai cực kì thính, mũi ngửi thấy rất nhiều mùi...
  • Qúa trình sinh trưởng và sinh sản của chó
  • Chó là vật nuôi trung thành nhất đối với con người...
  • Tiêm phòng cho chó thường xuyên để phòng một số bệnh, nhất là bệnh "dại"

3. Kết bài: Chó là vật nuôi đáng quý đối vớii con người, cần yêu thương và bảo vệ chó.

Bài làm

Cuộc sống mỗi con người là sự hài hòa nhiều mối quan hệ khác nhau. Đó không chỉ là những mối quan hệ giữa con người với con người mà đôi khi còn là giữa con người với con vật. Thân cận nhất là vật nuôi. Nhắc tới vật nuôi, chúng ta không thể không nhắc đến người bạn trung thành – con chó.

Chó là một trong số rất nhiều vật nuôi trong gia đình. Nó là giống vật nuôi mà con người thuần hóa đầu tiên vào thời kỳ đồ đá cách đây. Tổ tiên của loài chó là cáo và chó sói (loài động vật gần giống chồn). Loài chó hiện nay được tiến hóa từ một loài chó nhỏ, màu xám trước đây.

Trên thế giới có rất nhiều loại chó. Dựa vào đặc điểm khác nhau mà người ta đặt tên cho chúng. Tuy nhiên vẫn có những đặc điểm nhận dạng riêng về chó. Chó là loài có bốn chân: hai chân trước và hai chân sau. Chân nó thường có bốn ngón và một ngón treo, móng con. Giống như mèo, lòng bàn chân nó có lớp thịt đệm rất êm. Trên người chó có hai lớp lông, lớp bên ngoài mắt nhìn thấy, còn lớp lót bên trong có nhiệm vụ giữ ấm cho chúng trong những ngày mưa rét và “hạ nhiệt” trong những ngày oi bức rất kì diệu. Đầu nhỏ, mõm dài, răng nanh sắc nhọn tuy nhiên không sắc bén như khi chưa được thuần hóa. Bộ não nó phát triển và xương quai hàm thì cứng. Não chó nhỏ, thùy não kém phát triển. Mũi chó hình tam giác, lúc nào cũng ướt. Xung quanh mép và mõm có những đốm nhỏ. Lưỡi chó dài, thô ráp. Ngôn ngữ của chó đơn giản là những tiếng kêu "gâu gâu” - tiếng sủa. Chó càng trưởng thành, tiếng sủa càng lớn, vang hơn. Đuôi chó dài và tỷ lệ phù hợp với kích thước của cơ thể nó.

Đặc biệt là đôi mắt sáng được vi như “đèn pha ô tô” của nó. Mắt chó có 3 mí: mí trên, mí dưới và mí giữa. Mí nằm giữa hơi sâu vào phía trong, bảo vệ mắt chó khỏi bụi bẩn xung quanh. Tai chó thường lớn, hướng ra ngoài để âm thanh rọi vào màng nhĩ. Với khả năng cảm nhận được 35.000 âm rung trong vòng một giây, tai chúng cực kỳ thính, có thể nghe âm thanh ở rất xa. Mũi chúng có thể phân biệt tới gần 220 triệu mùi nên có thể ngửi thấy rất nhiều mùi trong tức khắc. Mắt chó sáng khi có ánh đèn phản chiếu nhưng thị giác của nó lại rất kém, nó nhận diện chuyển động tới ánh sáng xong mới đến hình dạng. Vào ban đêm, khả năng nhìn của nó tốt hơn ban ngày.

Chó sinh con, mỗi lứa sinh từ một đến khoảng năm, sáu con. Có loài sinh nhiều hơn. Khoảng15 ngày sau sinh, chó con mới mở mắt. Giống trẻ sơ sinh chó con ban đầu cũng không có răng. Nhưng bốn tuần sau, chúng có thể có tới 28 chiếc răng. Qúa trình sinh trưởng của chúng diễn ra khá nhanh nên tuổi thọ thường ngắn hơn so với con người. Khi phát triển đến một giai đoạn nhất định, chó sẽ thay lông mới, đổi màu sắc và lông mềm mươt hơn. Thường 2 tháng chúng rụng lông 1 lần.

Khả năng chạy của chó rất nhanh, chúng lao về phía trước với tốc độ khoảng từ bảy mươi đến tám mươi km một giờ. Khi mừng, chó vẫy đuôi. Chúng không phải loài kén ăn nên khá dễ nuôi. Ngoại trừ các giống chó quý hiếm, quý tộc được sống trong gia đình chỉu có điều kiện.

Chó là người bạn thân thiết của con người, là vật nuôi không thể thiếu trong cuộc sống. Trước hết, nhắc đến chó, người ta nghĩ ngay đến lòng trung thành của nó. Chó nuôi trong nhà làm nhiện vũ trông giữ nhà cửa. Loài chó này dữ dằn và rất thính, tiếng sủa vang và to. Nó sống trong gia đình và trở thành người bạn thân thiết của con người. Dù bị đưa đi xa, chi cần được thả nó chắc chắn sẽ tìm đúng đường về. Nhiều câu chuyện cảm động về chó cứu chủ đã chứng minh lòng trung thành, tình nghĩa của nó. Ngày nay, người ta còn nuôi chó làm cảnh, làm thú cưng, chăm sóc nó như con người. Những người cô đơn, già cả hay thích nuôi chó để làm bạn. Với những giống chó tốt như Bec – giê, người ta thuần hóa thành chó nghiệm vụ, phục vụ công tác truy bắt tội phạm, phá án điều tra. Chúng được huẩn luyện khả năng đánh hơi, tốc độ và cả khả năng chiến đấu. Ở một số nơi trên thế giới, chó còn chuyên để kéo xe.

Tuy nhiên, bên cạnh những công dung đó, nhiều con chó còn bị bênh “dại”. Chúng tấn công và gây nguy hiểm cho con người. Điều đó đòi hỏi người nuôi cần chú ý chăm sóc, phát hiện và chữa trị cho nó. Biện pháp tốt nhất là tiêm phòng cho nó thường xuyên.

Chó là vật nuôi đáng quý đối với con người. Hãy trân trọng và giữ gìn vai trò của những loài vật nhỏ bé trong cuộc sống của chúng ta hôm nay.

Bài mẫu 2: Thuyết minh về một giống vật nuôi - con vịt

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu về giống vật nuôi em thích - con vịt

2. Thân bài:

  • Phân loại giống vịt: vịt cỏ và vịt bầu:
  • Đặc điểm loài vịt cỏ: thân nhỏ, đầu và mỏ thanh tú, lông có nhiều màu: Đen, nâu, xám, xanh đen pha trắng... trọng lượng chỉ độ 1 kg đến 1,5 kg, thịt ngọt và đậm vị...
  • Đặc điểm loài vịt bầu: Vịt bầu lớn con hơn vịt đàn, cổ ngắn, chân thấp, lông nhiều màu, dáng đi lạch bạch, thịt mềm và ngọt, nhiều mỡ...
  • Kỹ thuật chăm sóc con vịt

3. Kết bài:

  • Vịt là loài gia cầm đem lại nhiều lợi ích cho đời sống của con người,
  • Là loài vật góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế của nước ta.

Bài làm

Vịt là loài gia cầm được người nông dân chăn nuôi từ lâu đời bởi nó mang lại rất nhiều lợi ích. Hình ảnh từng đàn vịt khoảng vài chục con thong dong bơi lội trên mặt ao, mặt đầm hay hàng ngàn con sục sạo kiếm mồi, kêu ồn ã cả một quãng đồng là hình ảnh quen thuộc ở làng quê.

Các giống vịt chủ yếu của nước ta gồm vịt đàn hay còn gọi là vịt tàu, vịt cỏ. Loại này thân nhỏ, đầu và mỏ thanh tú, lông có nhiều màu: Đen, nâu, xám, xanh đen pha trắng... trọng lượng chỉ độ 1 kg đến 1,5 kg. Vịt đàn thường được nuôi thành từng đàn lớn, hàng trăm hay hàng ngàn con. Chúng có sức chịu đựng kham khổ và ít mắc bệnh, kiếm mồi rất giỏi trên đồng ruộng. Vịt đàn đẻ nhiều, trứng nhỏ nhưng ngon. Thịt vịt đàn được nhiều người ưa thích vì có vị ngọt đậm và thơm. Nông dân ở các vùng đồng bằng miền Bắc, miền Nam thường nuôi vịt đàn theo lối chăn thả tự nhiên từ trước đến nay.

Bên cạnh giống vịt đàn còn có giống vịt bầu. Vịt bầu lớn con hơn vịt đàn, cổ ngắn, chân thấp, lông nhiều màu, dáng đi lạch bạch. Thịt vịt bầu cũng mềm và ngọt nhưng nhiều mỡ hơn vịt đàn. Các gia đình nuôi vịt bầu vừa phục vụ cho nhu cầu sử dụng ngày giỗ, ngày Tết, vừa bán để tạo nguồn thu nhập quanh năm. Đồng bào miền Nam trước đây nuôi rất nhiều giống vịt cổ lùn, có những đặc điểm tương tự như vịt bầu ngoài Bắc, để tận dụng nguồn thức ăn phong phú từ kênh rạch và đồng ruộng.

Hiện nay, các trại chăn nuôi quốc doanh và tư nhân đầu tư khá lớn về mặt vật chất để nuôi giống vịt nhập từ nước ngoài vào, gọi là vịt siêu thịt. Vịt siêu thịt được nuôi theo kiểu công nghiệp trong chuồng trại, ăn cám hỗn hợp, được theo dõi và tiêm chủng thường xuyên. Trọng lượng của giống vịt này khá lớn, sau 3 tháng có thể đạt tới trên 3 kg một con. Đặc điểm vượt trội của nó là chất lượng thịt đáp ứng được yêu cầu xuất khẩu, chế biến thành nhiều món ăn cao cấp.

Để việc chăn nuôi vịt ngày càng phát triển, đem lại hiệu quả cao, người nông dân phải nắm vững kĩ thuật chăm sóc, từ khâu chọn giống đến chế độ dinh dưỡng, chuồng trại, vệ sinh phòng bệnh... Vịt là loài thủy cầm ăn tạp. Thức ăn của chúng gồm nhiều loại. Loại cung cấp prô-tê-in có thóc, ngô, khoai, sắn, cám... Loại cung cấp chất khoáng có bột vỏ sò, bột xương... Thức ăn đầy đủ chất dinh dưỡng sẽ giúp cho vịt khỏe mạnh, tăng trưởng nhanh, đẻ nhiều và chất lượng thịt cao.

Trong giai đoạn hiện nay, ngành chăn nuôi trong đó có chăn nuôi vịt đã đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế chung của cả nước. Vịt là loài gia cầm đem lại nhiều lợi ích cho đời sống của con người, là nguồn thu nhập thường xuyên của nông dân.

Bài mẫu 3: Thuyết minh về một giống vật nuôi - con mèo

Dàn ý

1. Mở bài: Giới thiệu về giống vật nuôi em thích - con mèo

2. Thân bài:

  • Nguồn gốc loài mèo
  • Phân loại mèo và đặc điểm bộ lông của mỗi loại mèo.
  • Các đặc tính nổi bật của mèo: chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi rất giỏi...
  • Đặc điểm: chân và bộ móng vuốt, đuổi, tai...
  • Cách mèo săn mồi: nhìn con mồi không nháy mắt, đi lại từ từ, vồ lấy con mồi
  • Đặc tính sinh sống và cách mèo vệ sinh cơ thể mình...

3. Kết bài: Mèo là một loài vật cưng trong nhiều gia đình, con người và loài mèo sẽ ngày càng gắn bó hơn.

Bài làm

Có rất nhiều loài vật đã được con người thuần hoá, nuôi dưỡng và trở thành "thú cưng" trong mỗi gia đình. Nhưng trong số đó, có thể nói mèo là loài vật được yêu chiều, nâng niu nhất.

Mèo nhà là một phần loài trong họ mèo (trong họ mèo còn có báo, linh miêu..). Theo những căn cứ khoa học đáng tin cậy thì chúng đã sống gần gũi với loài người trong khoảng từ 3.500 năm đến 8.000 năm.

Có rất nhiều các giống mèo khác nhau, một số không có lông hoặc không có đuôi. Các màu lông mèo rất đa dạng: màu trắng, màu vàng, màu xám tro... Có những chú mèo mang nhiều màu lông nên có những tên gọi như mèo tam thể (có ba màu lông), mèo vằn (hai màu lông chạy xen nhau), mèo đốm,...

Mèo con từ 1 tháng tuổi trở lên đã được mèo mẹ dạy các động tác săn bắt mồi như chạy, nhảy, leo trèo, rình và vồ mồi. Mèo 4 tháng tuổi có thể bắt được chuột, gián, thạch sùng... Chúng giao tiếp bằng cách kêu "meo”, "mi-ao", "gừ-gừ", rít, gầm gừ và ngôn ngữ cơ thể. Mèo trong các bầy đàn sử dụng cả âm thanh lẫn ngôn ngữ cơ thể để giao tiếp với nhau.

Thông thường mèo nặng từ 2,5 kg đến 7 kg. Cá biệt, một số chú mèo từng đạt tới trọng lượng 23 kg vì được cho ăn quá nhiều. Trái lại, cũng có những chú mèo rất nhỏ (chưa tới 1,8 kg), ở tình trạng nuôi trong nhà, mèo thường sống được từ 14 năm tới 20 năm. Chú mèo già nhất từng biết đến trên thế giới đã sống 36 năm. Mèo giữ năng lượng bằng cách ngủ nhiều hơn đa số các loài động vật khác, đặc biệt khi chúng già đi. Thời gian ngủ hàng ngày có khác nhau, thường là 12 giờ đến 16 giờ, mức trung bình 13 giờ đến 14 giờ. Một số chú mèo có thể ngủ 20 giờ trong ngày. Vì thường chỉ hoạt động nhiều lúc mặt trời lặn, mèo rất hiếu động và hay đùa nghịch vào buổi tối và sáng sớm.

Mèo là những "vận động viên điền kinh" tài giỏi có thể chạy rất nhanh và nhảy xuống đất từ độ cao lớn. Có điều đó vì chúng có cấu tạo cơ thể rất đặc biệt.

Mèo có bốn chân, mỗi bàn chân đều có vuốt và đệm thịt ở phần tiếp xúc với mặt đất. Giống như mọi thành viên khác của họ mèo, vuốt của mèo thu lại được. Bình thường, ở vị trí nghỉ các vuốt được thu lại trong da và lông quanh đệm ngón. Điều này giữ vuốt luôn sắc bởi chúng không tiếp xúc với mặt đất cũng như cho phép mèo đi nhẹ nhàng rình mồi. Các vuốt chân trước thường sắc hơn so với phía sau. Mèo có thể giương một hay nhiều vuốt ra tùy theo nhu cầu. Khi rơi từ trên cao xuống, mèo có thể sử dụng cảm giác thăng bằng sắc bén và khả năng phản xạ của nó tự xoay thân tới vị trí thích hợp. Khả năng này được gọi là "phản xạ thăng bằng." Nó luôn chỉnh lại thăng bằng cơ thể theo một cách, khiến chúng luôn có đủ thời gian thực hiện phản xạ này khi rơi. Giống như chó, mèo là loài vật đi trên đầu ngón chân: chúng bước trực tiếp trên các ngón, các xương bàn chân của chúng tạo thành phần thấp nhìn thấy được của cẳng chân. Mèo có thể bước rất chính xác, bởi vì khi đi, chúng đặt bàn chân sau (hầu như) trực tiếp lên đầu của bàn chân trước, giảm thiểu tiếng ồn và dấu vết để lại. Điều này cũng giúp chúng có vị trí đặt chân sau tốt khi bước đi trên bề mặt ghồ ghề.

Hỗ trợ đắc lực cho mèo trong quá trình di chuyển, ngoài chân ra còn có đuôi. Đuôi mèo dài và uyển chuyển, chúng được dùng để xua đuổi ruồi muỗi. Nhưng chức năng chủ yếu là giữ thăng bằng khi chạy nhảy leo trèo.

Tai mèo khá thính. Đa số mèo có tai thẳng vểnh cao. Nhờ tính năng động cao của cơ tai mà mèo có thể quay người về một hướng và vểnh tai theo hướng khác. Mắt mèo cũng là một bộ phận khá đặc biệt. Nghiên cứu cho thấy tầm nhìn của mèo tốt nhất vào ban đêm so với người, và kém nhất vào ban ngày. Màu mắt của mèo khá đa dạng: màu vàng, màu đen, màu nâu, màu xanh... về thính giác, con người và mèo có tầm thính giác ở mức thấp tương tự như nhau, nhưng mèo có thể nghe được những âm thanh ở độ cao lớn hơn, thậm chí tốt hơn cả chó. Khi nghe âm thanh nào đó, tai mèo sẽ xoay về hướng đó; mỗi vành tai mèo có thể quay độc lập về hướng nguồn âm thanh. Khứu giác của mèo cũng rất phát triển. Nó mạnh gấp 14 lần so với của con người. Số lượng tế bào khứu giác ở mũi của chúng cũng nhiều gấp đôi, do dó mèo có thể ngửi thấy những mùi mà chúng ta không nhận thấy được.

Mèo là động vật ăn thịt thế nên đối tượng để nó săn mồi cho nhu cầu sinh tồn là những loài vật nhỏ như: chuột, rắn, cóc nhái, cá... Vũ khí để săn mồi là móng vuốt. Khi gặp con mồi, nó thường đứng từ xa cách con mồi khoảng chừng 5 đến 6 mét. Sau đó nó nằm bẹp hạ cơ thể xuống sát đất, mắt chăm chăm nhìn không nháy mắt đến đối tượng đồng thời bước tới con mồi cần săn rất nhẹ nhàng. Khi đến gần khoảng cách mà nó cảm thấy ăn chắc, loài mèo tung ra sức mạnh cuối cùng bằng cách đẩy mạnh 2 chân sau và đồng thời phóng mạnh toàn cơ thể tới phía trước và dùng móng sắc nhọn duỗi thẳng ra và chụp lấy con mồi. Ngày nay, loài mèo luôn sống với người qua nhiều thế hệ con cháu. Cho nên, thức ăn của loài mèo là cơm hoặc thức ăn sẵn. Nhưng thức ăn ưa thích nhất của loài mèo vẫn là món cá.

Mèo thường tránh nơi ẩm ướt và ở rất sạch sẽ. Để làm vệ sinh cho cơ thể, nó thường thè lưỡi ra, tiết nước bọt vào chân của nó rồi bôi lên mặt và toàn thân thể. Hành động này cho thấy mục đích nó muốn xóa sạch các vết bẩn, ngay cả hơi tay của con người vừa mới bồng hay vuốt ve nó. Loài mèo luôn tự làm lấy vệ sinh cho cơ thể nhiều lần trong ngày, thường là lúc nó mới ngủ dậy hay đi đâu đó về. Hành động đó đã trở thành thói quen thường thấy ở loài mèo ngay cả khi cơ thể của nó không có vết bẩn nào cả.

Trải qua một thời gian dài được con người thuần dưỡng, ngày nay, mèo đã trở thành một loài vật cưng trong nhiều gia đình, đặc biệt là các em nhỏ. Mèo không chỉ là một "người bảo vệ", một "dũng sĩ diệt chuột" mà còn là một loài vật cảnh hết sức dễ thương. Có lẽ bởi vậy, tinh cảm giữa con người và loài mèo sẽ ngày càng gắn bó hơn.

Từ khóa » Thuyết Minh Một Con Vật Nuôi Mà Em Yêu Thích