Đề án 500 Trí Thức Trẻ - Kết Quả Và Những Vấn đề đặt Ra
Có thể bạn quan tâm
- Dội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân
- đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân Ai Chỉ Huy
- đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân Chính Thức được Thành Lập Vào Thời Gian Nào
- đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân được Thành Lập Theo Chỉ Thị Của Ai
- đội Việt Nam Tuyên Truyền Giải Phóng Quân được Thành Lập Vào Ngày Tháng Năm Nào
1. Mục tiêu của Đề án 500
Đề án 500 có hai mục tiêu cơ bản: 1) Phấn đấu đến năm 2015, tuyển chọn được 500 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi để bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội góp phần xóa đói, giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; 2) Thông qua các hoạt động thực tiễn ở cơ sở tạo cơ hội, điều kiện để trí thức trẻ phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương.
Đề án được áp dụng đối với 500 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được quy định tại Nghị định số 116/2010/ NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; Quyết định số 615/QĐ-TTg ngày 25/4/2011 và Quyết định số 293/ QĐ-TTg ngày 05/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho 30 huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao được áp dụng cơ chế, chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng theo quy định của Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 63 huyện nghèo.
Đội viên được tăng cường về các xã thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án 500 không nằm trong số lượng cán bộ, công chức cấp xã quy định tại Nghị định số 92/2009/NĐ-CP quy định về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách và Nghị định số 29/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2009/NĐ-CP.
Theo lộ trình, từ năm 2014 Bộ Nội vụ sẽ tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí 300 trí thức trẻ; năm 2015 sẽ tuyển chọn, bồi dưỡng và bố trí thêm 200 trí thức trẻ, bảo đảm đủ số lượng trí thức trẻ để bố trí cho các xã khó khăn tại 34 tỉnh, 63 huyện với 500 xã trong cả nước. Căn cứ vào nhu cầu thực tế và chỉ tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao, ngày 13/3/2014, Bộ Nội vụ đã có quyết định phân bổ chỉ tiêu tuyển chọn trí thức trẻ tham gia Đề án 500 cho 34 tỉnh với cơ cấu các chức danh: văn phòng - thống kê có 114 chỉ tiêu; địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường có 189 chỉ tiêu; tài chính - kế toán có 45 chỉ tiêu; tư pháp - hộ tịch có 71 chỉ tiêu; văn hóa - xã hội có 81 chỉ tiêu. Các địa phương được giao nhiều nhất là tỉnh Hà Tĩnh (35 chỉ tiêu), Hòa Bình (32 chỉ tiêu), Thừa Thiên Huế (31 chỉ tiêu), Phú Yên (30 chỉ tiêu).
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại xã trong thời gian 05 năm (đủ 60 tháng), căn cứ vào năng lực chuyên môn, phẩm chất đạo đức và kết quả thực hiện nhiệm vụ, cơ quan có thẩm quyền xem xét, đánh giá nếu đủ điều kiện thì đội viên được xét chuyển thành cán bộ, công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên theo quy định của pháp luật nơi đội viên công tác. Trường hợp tham gia dự tuyển tại huyện khác trên địa bàn của tỉnh thì huyện đó phải thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án 500. Đồng thời, nếu trúng tuyển vào các chức danh công chức cấp xã ở những huyện nêu trên thì đội viên không phải bồi hoàn kinh phí đào tạo, tiền lương và các khoản phụ cấp đã được hưởng theo quy định tại Quyết định số 1758/QĐ-TTg.
Đội viên thuộc Đề án 500 được ưu tiên xem xét, quy hoạch vào các chức danh lãnh đạo, quản lý ở cơ sở để chuẩn bị nguồn nhân sự cho cấp ủy nhiệm kỳ 2020-2025 và Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp xã nhiệm kỳ 2021-2026; được xem xét, chuyển thành công chức cấp xã hoặc công chức cấp huyện theo quy hoạch của cấp có thẩm quyền nếu đáp ứng đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và nhu cầu sử dụng của địa phương. Đội viên được chính quyền địa phương ưu tiên sắp xếp, ổn định công việc, điều kiện về chỗ ở và các khoản hỗ trợ khác; được ưu tiên cấp hoặc thuê đất làm nhà để ổn định cuộc sống gia đình.
Bộ Nội vụ là cơ quan thường trực của Đề án 500, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, các bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai việc thực hiện.
2. Một số kết quả đạt được trong triển khai thực hiện Đề án 500
Thứ nhất, góp phần xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và cải cách hành chính ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế khó khăn.
Qua hơn 06 năm thực hiện Đề án 500, các đội viên đã phát huy được năng lực trên cương vị công tác và nhiệm vụ được giao, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới, cải cách hành chính và tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Các đội viên đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, yên tâm công tác; nhanh chóng tiếp cận với công việc được phân công, chịu khó học hỏi, trau dồi kinh nghiệm và đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, tạo được sự tin tưởng của cấp ủy và chính quyền địa phương nơi công tác. Bên cạnh đó, các đội viên còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội, các phong trào của đoàn, hội tại cơ sở.
Một số đội viên đã mạnh dạn, chủ động đề xuất, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện một số việc như: duy trì nề nếp làm việc, góp phần thay đổi tác phong và lề lối làm việc của cán bộ, công chức ở cơ sở,... hỗ trợ chính quyền xã hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch về lĩnh vực văn hóa - xã hội, kinh tế - nông lâm nghiệp, xóa đói, giảm nghèo (tăng cường công tác phổ cập giáo dục; triển khai chương trình hỗ trợ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, sửa chữa chuồng trại,...). Thực tế cho thấy, các đội viên thuộc Đề án 500 đã có nhiều cố gắng hoàn thành nhiệm vụ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đây cũng là cơ sở tốt để tạo nguồn bồi dưỡng phát triển đảng viên; nhiều đội viên đã thể hiện được bản lĩnh và năng lực hoạt động của bản thân, được lãnh đạo và nhân dân địa phương tín nhiệm. Ví dụ, tại tỉnh Cao Bằng, kết quả xếp loại thực hiện nhiệm vụ từ năm 2015 đến 2019 cho thấy có 11/13 đội viên được đánh giá xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên. Có 06 đội viên được kết nạp Đảng, chiếm 46%; có 02 đội viên đã tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng đang được theo dõi, giúp đỡ để kết nạp Đảng, chiếm 28,6%.
Thứ hai, bổ sung nguồn nhân lực phát triển nông thôn, miền núi.
Mặc dù đội viên tham gia Đề án 500 có tuổi đời còn trẻ (dưới 30 tuổi), song đều đáp ứng đủ các tiêu chuẩn như: có trình độ đại học trở lên thuộc các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu bố trí và sử dụng của chính quyền cơ sở; có phẩm chất đạo đức tốt, lý lịch gia đình rõ ràng; có sức khỏe tốt và có triển vọng trong đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn cán bộ, công chức cho các địa phương; tình nguyện đến làm việc tại vùng khó khăn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc và miền núi trong thời gian tối thiểu 05 năm (đủ 60 tháng).
Các đội viên Đề án 500 được tuyển chọn đúng tiêu chuẩn cho 5 vị trí công chức cấp xã (tài chính - kế toán, thống kê, tài nguyên - môi trường, tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội). Sau khi trúng tuyển, các đội viên đã được tham gia các lớp bồi dưỡng theo chương trình của Bộ Nội vụ. Bên cạnh đó, cấp ủy đảng và chính quyền các xã luôn quan tâm, tạo điều kiện để các đội viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ, về quản lý nhà nước, lý luận chính trị, kỹ năng làm việc.v.v. Đồng thời, các đội viên được bố trí thực hiện công việc của các chức danh theo nhu cầu sử dụng nhân lực của từng xã nhằm giúp cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương phát triển kinh tế - xã hội, góp phần xóa đói, giảm nghèo xây dựng nông thôn mới.
Thông qua hoạt động thực tiễn, các đội viên trẻ có điều kiện phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành, từ đó tạo nguồn cán bộ, công chức cho địa phương. Vì vậy, trong quá trình công tác tại địa phương, các đội viên luôn được đánh giá cao về chất lượng thực hiện nhiệm vụ cũng như thể hiện tốt vai trò tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành lĩnh vực được phân công đảm nhiệm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Đề án 500 cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện, như: công tác tuyên truyền ở một số nơi còn chưa được đầy đủ, kịp thời nên một số cấp ủy, chính quyền địa phương chưa nhận thức rõ về mục tiêu của Đề án; chưa phân công kịp thời, đúng công việc cho đội viên khi về xã công tác; chưa quan tâm, tạo điều kiện để đội viên thực hiện nhiệm vụ. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác của xã còn nhiều thiếu thốn, chưa đáp ứng được yêu cầu cơ bản của cán bộ, công chức cấp xã; điều kiện sinh hoạt chưa đảm bảo (chưa có nhà công vụ, đi lại khó khăn.v.v.). Ngân sách hỗ trợ từ nguồn vốn địa phương và vốn sự nghiệp theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP còn nhiều hạn chế, nên việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ vào hoạt động sản xuất; việc áp dụng, vận dụng và nhân rộng các mô mình kinh tế có hiệu quả ở địa phương bị hạn chế do chưa chủ động được nguồn vốn đầu tư...
Bên cạnh đó, hầu hết các đội viên có tuổi đời còn trẻ, mới tốt nghiệp đại học, chưa có kinh nghiệm công tác và hầu hết không phải là người địa phương, nên trong quá trình triển khai nhiệm vụ chưa nắm bắt được đầy đủ tâm tư, nguyện vọng của người dân do chưa hiểu hết phong tục tập quán, lối sống của địa phương. Đồng thời, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đội viên gặp một số khó khăn, hạn chế về kỹ năng quản lý, điều hành, giao tiếp với người dân địa phương; một số đội viên nắm bắt, triển khai các nghị quyết của cấp ủy, văn bản chỉ đạo, điều hành của chính quyền còn chưa kịp thời và đầy đủ.
Khó khăn lớn nhất có thể ảnh hưởng đáng kể đến hiệu quả của Đề án 500 là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đặc biệt là việc bố trí, sử dụng các đội viên sau khi Đề án kết thúc vào tháng 12/2020. Theo quy định tại Thông tư số 03/2019/TT-BNV ngày 14/5/2019 của Bộ Nội vụ về sửa đổi, bổ sung một số quy định về tuyển dụng công chức, viên chức, nâng ngạch công chức, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức và thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và Thông tư số 13/2019/TT-BNV ngày 06/11/2019 của Bộ Nội vụ hướng dẫn một số quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, thì điều kiện, tiêu chuẩn tuyển dụng công chức cấp xã trong trường hợp đặc biệt lại không quy định đối tượng là những người thuộc Đề án 500 trở thành công chức cấp xã hoặc công chức từ cấp huyện trở lên.
Do chưa có hướng dẫn chi tiết về công tác quy hoạch, bố trí sử dụng đội viên sau khi Đề án 500 kết thúc trong khi cả nước đang tập trung thực hiện tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy hành chính, nên nhiều địa phương không chủ động được trong việc lập các phương án bố trí sử dụng cụ thể (do không còn vị trí hoặc biên chế để tuyển dụng). Đây là vấn đề cần sớm được hướng dẫn cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương trong việc bố trí sử dụng đội viên khi Đề án 500 kết thúc.
3. Giải pháp bố trí việc làm cho các đội viên thuộc Đề án 500
Một là, các đội viên Đề án 500 trí thức trẻ đều được đánh giá cao về nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, hiệu quả công tác của các đội viên; đây là nguồn nhân lực có chất lượng so với mặt bằng chung của cán bộ, công chức cấp xã, đặc biệt là các xã nghèo, vùng dân tộc, miền núi; các đội viên đều có trình độ từ đại học trở lên, được đào tạo cơ bản, được sàng lọc qua quy trình tuyển chọn rất chặt chẽ; có kinh nghiệm công tác 05 năm tại cơ sở và thực tế đã làm việc có hiệu quả, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, do đó đội ngũ này cần được bố trí, sử dụng hợp lý để tránh lãng phí nguồn nhân lực cũng như ngân sách của Nhà nước đầu tư cho việc triển khai thực hiện Đề án. Vì vậy, trường hợp địa phương nào chưa sắp xếp, bố trí được công tác cho các đội viên sau khi kết thúc Đề án 500, cần sớm đề xuất với các cấp có thẩm quyền xem xét, có chính sách đảm bảo quyền lợi cho các đội viên sau khi tham gia thực hiện Đề án 500.
Hai là, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để đội viên thuộc Đề án 500 có môi trường làm việc tốt, phát huy được năng lực, trí tuệ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; quan tâm, quy hoạch tạo nguồn cán bộ, công chức cho địa phương sau khi kết thúc Đề án. Đối với trí thức trẻ có đủ 05 năm tham gia Đề án, sau khi hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện về các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc, miền núi, bãi ngang ven biển và hải đảo do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì có thể được xem xét, tuyển dụng đặc cách không qua thi tuyển.
Ba là, căn cứ từ nhu cầu thực tiễn của địa phương, các huyện, tỉnh có Đề án 500 cần bố trí một số biên chế nhất định để có thể sắp xếp các đội viên sau khi Đề án kết thúc. Bên cạnh đó, các đội viên cần tiếp tục trau dồi kiến thức chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ để có thể tiếp tục cống hiến, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương; đồng thời qua đó giúp địa phương sử dụng có hiệu quả nguồn lực cán bộ trẻ từ Đề án 500./.
----------------------------------
Tài liệu tham khảo:
1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 170/QĐ-TTg ngày 26/01/2011 phê duyệt Dự án thí điểm tuyển chọn 600 trí thức trẻ ưu tú, có trình độ đại học tăng cường về làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã thuộc 62 huyện nghèo.
2. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 1758/ QĐ-TTg ngày 30/9/2013 về việc phê duyệt Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.
3. Bộ Tài chính, Thông tư số 68/2014/TT-BTC ngày 21/5/2014 hướng dẫn quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013-2020.
4. Lê Bỉnh (2015), “Vai trò của Nhà nước đối với thực hiện về công bằng cơ hội phát triển trong điều kiện kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ở Việt Nam”, Tạp chí Triết học.
TS Lý Thị Huệ, Học viện Hành chính Quốc gia
tcnn.vn
Từ khóa » đội Viên đề án 500
-
Tuyển Dụng, Bố Trí đội Viên Đề án 500 Trí Thức Trẻ Xong Trước 31/12 ...
-
Giải Quyết Vướng Mắc Trong Bố Trí, Sử Dụng ... - Báo điện Tử Chính Phủ
-
Bố Trí Công Tác Cho đội Viên Đề án 500 Trí Thức Trẻ Về Nông Thôn
-
Tháng 12-2025, Hoàn Thành Phân Công Công Tác đối Với Các đội Viên ...
-
Bố Trí, Sử Dụng đội Viên Đề án 500 Trí Thức Trẻ - Sở Nội Vụ
-
Trước 31-12-2025: Hoàn Thành Bố Trí Tuyển Dụng đội Viên Đề án 500 ...
-
Dự án 500 - Bộ Nội Vụ
-
Đề án 500 Trí Thức Trẻ: Nhiều địa Phương Nêu Khó Bố Trí Biên Chế Cho ...
-
Kế Hoạch Tổng Kết Đề án Thí điểm Tuyển Chọn Trí Thức Trẻ Tình Nguyện ...
-
Lào Cai: 12/20 đội Viên Tri Thức Trẻ được Bố Trí Công Việc đầu Ra
-
Sắp Xếp Việc Làm Cho Trí Thức Trẻ - Cần Phù Hợp, ổn định
-
Chính Phủ Yêu Cầu Các địa Phương Bố Trí, Sử Dụng đội Viên Đề án ...
-
Chính Phủ đưa Giải Pháp Trong Bố Trí Sử Dụng đội Viên Đề án 500 Trí ...