Đề Bài: Hãy Tả Lại Quang Cảnh Của Một Phiên Chợ Ngày Tết Nguyên ...

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Hãy tả lại quang cảnh của một phiên chợ ngày Tết Nguyên đán ở quê em.

Đề bài: Hãy tả lại quang cảnh của một phiên chợ ngày Tết Nguyên đán ở quê em.

Dàn bài

1. Mở bài: phiên chợ Tết thực sự là điều em đợi chờ nhất trong một năm, vì đó là phiên chợ cuối cùng nói lời tạ từ năm cũ.

2. Thân bài:

  • Những ngày cuối năm, người người nhà nhà đều tất bật chuẩn bị gói bánh, dọn dẹp và trang trí nhà cửa.
  • Ở quê em, phiên chợ Tết cuối năm diễn ra vào sáng 28 Tết.
  • Sáng 28 Tết, em thường dậy sớm theo mẹ đi chợ.
  • Con đường dẫn ra chợ hôm đó phảng phất hương vị của đất trời, của sự giao thoa sắp diễn ra.
  • Khung cảnh chợ quê ngày Tết cũng khác hẳn mọi ngày:
    • Đông đúc và đa sắc màu như một bức tranh.
    • Người người chen chân nhau đi mua sắm.
    • Kẻ bán người mua vui cười hớn hở.
  • Hai bên con đường dẫn vào chợ là những nụ hoa đang chúm chím với đầy đủ màu sắc.
    • Những cánh đào màu hồng phớt nhẹ.
    • Những nụ tầm xuân khép mình lặng lẽ.
  • Mọi người háo hức chọn cho mình những cành hoa tươi thắm và rực rỡ nhất.
  • Những đứa trẻ con áo mới tinh tươm, nụ cười giòn vang.
  • Mùa xuân ùa về rộn rã trong những gian hàng bán bánh kẹo..
  • Chợ Tết quê em đông đúc đến tận trưa mới vãn
    • Ai cũng chất đầy túi những thứ cần thiết để đón năm mới.

3. Kết bài: cảm nghĩ của em về quang cảnh của phiên chợ ngày Tết.

Bài văn

Đêm hôm trước, tiếng ba mẹ nhỏ nhẹ ở dưới căn gác bếp bám đầy bụi bặm về việc sắm sửa đồ Tết trong phiên chợ cuối năm khiến lòng em háo hức đến lạ. Những ngày cuối năm, mọi thứ đều hối hả, tất bật và lòng người cũng vậy. Đối với em phiên chợ Tết thực sự là điều em đợi chờ nhất trong một năm, vì đó là phiên chợ cuối cùng nói lời tạ từ năm cũ. Đối với rất nhiều đứa trẻ xóm em thì phiên chợ Tết là dịp được mua quần áo mới, được ngắm hoa đào nở rộ, được lẽo đẽo theo mẹ vui đùa. Phiên chợ Tết ở quê em rất đặc biệt và ý nghĩa.

Những ngày cuối năm, người người nhà nhà đều tất bật chuẩn bị gói bánh, dọn dẹp và trang trí nhà cửa sạch đẹp nhất để đón một cái Tết tròn vẹn, ấm cúng nhất. Mấy đứa trẻ con cũng hí hửng góp sức, tiếng cười rộn rã xóm nghèo.

Ở quê em, phiên chợ Tết cuối năm diễn ra vào sáng 28 Tết chứ không phải sáng 30; ngày đó em cũng thắc mắc với mẹ, nhưng mẹ bảo 30 Tết người ta đang bận rộn chuẩn bị mâm cỗ đi cúng ông bà tổ tiên. Đứa trẻ lên 10 cũng không thắc mắc gì nhiều, miễn sao em thấy vui khi được đi chợ Tết.

Sáng 28 Tết, em thường dậy sớm theo mẹ đi chợ. Hình như ai cũng dậy sớm thì phải, vì đó là phiên chợ cuối cùng của một năm cũ. Con đường dẫn ra chợ quê ngày Tết hôm đó dường như phảng phất hương vị của đất trời, của sự giao thoa sắp diễn ra. Vì em thấy là lạ, hít căng lồng ngực sương mai rơi nhẹ.

Khung cảnh chợ quê ngày Tết cũng khác hẳn mọi người, đông đúc và đa sắc màu như một bức tranh tuyệt đẹp hiện lên giữa quê nghèo. Người người chen chân nhau đi mua sắm, kẻ bán người mua vui cười hớn hở. Họ không kì kèo, mặc cả om sòm như mọi ngày, vì ai cũng muốn có những giây phút cuối cùng của năm cũ bình yên và nhẹ nhàng, an lòng nhau nhất.

Lúc trước đi chợ với mẹ, thấy mấy cô bán thịt, bán cá lớn tiếng lắm nhưng hôm nay nhìn họ ngoan ngoãn như "đứa trẻ con" được cho quà.

Hai bên con đường dẫn vào chợ là những nụ hoa đang chúm chím với đầy đủ màu sắc rợp cả một vùng. Những cánh đào màu hồng phớt nhẹ còn vương vài giọt sương mai tinh khiết khoe sắc trong nắng sớm ban mai của mùa xuân. E ấp hơn là những nụ tầm xuân khép mình lặng lẽ. Em thích nhất là được chọn hoa với mẹ, hít hà hương vị của từng loại hoa thật dễ chịu. Mọi người háo hức chọn cho mình những cành hoa tươi thắm và rực rỡ nhất để bày biện trên bàn thờ ông bà tổ tiên. Ở chợ Tết vùng quê không nhiều hoa như ở thành phố, nhưng với người dân quê như thế này là quá sung túc, đủ đầy cho một năm mới sắp đến.

Những đứa trẻ con áo mới tinh tươm, nụ cười giòn vang khiến cho mùa xuân ấm áp và an lành hơn. Thực ra bọn trẻ con đi chợ Tết cuối năm cũng chỉ để xem người ta mua bán, xem không khí tết ùa về trên ngõ, xem những chiếc xe ô tô lớn chở đầy hoa đào.

Mùa xuân ùa về rộn rã trong những gian hàng bán bánh kẹo, năm nào cũng vậy, em thường giành phần chọn mua bánh kẹo. Những chiếc kẹo lấp lánh màu sắc, nằm ngoan ngoãn trong chiếc hộp nhỏ xinh khiến đứa trẻ háu ăn thèm thuồng. Và phiên chợ Tết mẹ cũng "hào phóng" hơn khi em đòi mua gì mẹ cũng cho.

Chợ Tết quê em đông đúc đến tận trưa mới vãn, ai cũng chất đầy túi những thứ cần thiết để đón năm mới. Ở gian hàng bán gia cầm dường như đông vui hơn vì có thêm âm thanh vui nhộn của những chú gà, vịt, ngan. Ngày Tết mọi người cũng phóng khoáng hơn trong việc mua sắm, mẹ em cũng mua rất nhiều thứ, và em thì cứ hí hửng theo sau xách đồ cho mẹ.

Ngày Tết đã về trên vùng quê nghèo miền Trung quanh năm vất vả nhưng chợ Tết cuối năm là dịp để mọi người trút bỏ nỗi lo, háo hức chuẩn bị đón một năm mới đến. Cho đến bây giờ, vào năm nào cũng vậy, em cứ chờ đến phiên chợ Tết để cảm nhận sự chuyển động của đất trời.

Bài mẫu 2: Hãy tả lại quang cảnh của một phiên chợ ngày Tết Nguyên đán ở quê em.

Đề bài: Hãy tả lại quang cảnh của một phiên chợ ngày Tết Nguyên đán ở quê em.

Dàn bài

1. Mở bài: Những ngày giáp tết chợ tết đông đúc, náo nhiệt khác hẳn ngày thường.

2. Thân bài:

  • Chợ tết vì thế đông vui hơn khác hẳn ngày thường.
    • Cổng chợ tấp nập ai cũng vội vã, nối chân nhau .
  • Chợ Tết không chỉ đồng người mua mà người bán cũng bận rộn.
    • Trẻ con thì thích thú với gian hàng đồ chơi và những quả bóng bay.
    • Người trẻ thì lại chen chúc trong những gian hàng bán quần áo.
    • Những món quà ăn vặt cũng được nhiều người ghé vào.
  • Không khí nhộn nhịp náo nhiệt mang hơi thở của tết.
    • Ngày thường hàng hóa đơn giản bao nhiêu thì ngày giáp tết chợ tết đa dạng bấy nhiêu.
    • Lá dong và thịt, đỗ là những nguyên liệu không thể thiếu được ở chợ tết.
  • Năm nào đi chợ tết cũng nhộn nhịp, đông vui:
  • Tiếng cười nói của những người bán, người mua, người đi chơi .
  • Ai cũng dành hết thời gian để mua sắm, để hòa vào dòng người.
    • Trẻ con náo nức đi chợ để được bố mẹ mua cho những bộ cánh thật đẹp.
    • Các bà, các mẹ đi chợ để mua đồ ăn.
    • Chợ tết đông đúc nhất có lẽ vẫn là những hàng quà dân dã.
    • Những cô hàng xén cũng đắt hàng không kém mỗi phiên chợ tết.
    • Gian hàng hoa quả cũng hút đông người tới mua sắm.

3. Kết bài: cảm nghĩ của em về quang cảnh của phiên chợ ngày Tết.

Bài văn

Tết là một ngày lễ quan trọng nhất trong năm vì thế mọi người thường chuẩn bị nhiều thứ để có một cái tết ấm cúng và trọn vẹn. Những ngày giáp tết chợ tết đông đúc, náo nhiệt khác hẳn ngày thường, nó mang đến không khí tết gần hơn với mỗi người.

Mỗi dịp tết đến xuân về mọi người đua nhau đi sắm tết. Chợ tết vì thế đông vui hơn khác hẳn ngày thường. Tôi cũng được mẹ cho đi chợ tết chơi và sắm sửa đồ đạc. Cổng chợ tấp nập ai cũng vội vã, nối chân nhau để chọn những món đồ thiết yếu phục vụ tết nguyên đán cận kề. Khác với những ngày thường khu chợ nhỏ xíu bỗng chốc đông đúc, có người còn chen lấn xô đẩy nhau. Chợ Tết không chỉ đồng người mua mà người bán cũng bận rộn không kém với những gian hàng của mình. Trẻ con thì thích thú với gian hàng đồ chơi và những quả bóng bay đủ màu sắc sặc sỡ. Người trẻ thì lại chen chúc trong những gian hàng bán quần áo, ai cũng muốn mua cho mình những bộ quần áo thật đẹp để đi chơi tết. Những món quà ăn vặt cũng được nhiều người ghé vào thưởng thức trong tiết trời đông lạnh giá.Không khí nhộn nhịp náo nhiệt mang hơi thở của tết, của một mùa xuân mới. Ngày thường hàng hóa đơn giản bao nhiêu thì ngày giáp tết chợ tết đa dạng bấy nhiêu, từ thịt, đến các hàng tạp hóa bánh kẹo phục vụ tết. Hàng thịt có lẽ thu hút nhiều người ghé mua hơn cả, bên cạnh đó là hàng lá dong chật kín người, những chiếc lá dong xanh mướt được gấp thành những tập nhỏ, người mua người bán rôm rả đáp lời nhau. Lá dong và thịt, đỗ là những nguyên liệu không thể thiếu được ở chợ tết, bởi không có bánh chưng thì không còn gọi gì là tết nữa.Năm nào đi chợ tết cũng nhộn nhịp, đông vui như được mùa, tiếng cười nói của những người bán, người mua, người đi chơi rộn ràng, hối hả. Ai cũng dành hết thời gian để mua sắm, để hòa vào dòng người chọn cho mình những món đồ về chuẩn bị đón năm mới. Chợ tết mang không khí của Tết đến gần hơn với mỗi người, ai đã từng một lần đi chợ tết chắc hiểu được điều đó. Trẻ con náo nức đi chợ để được bố mẹ mua cho những bộ cánh thật đẹp, các bà, các mẹ đi chợ để mua gói miến, hay gói măng, thịt lợn về nấu những món ăn truyền thống trong dịp tết. Chợ tết đông đúc nhất có lẽ vẫn là những hàng quà dân dã. Với đủ các món quà quê đơn giản là bát bún chan, bánh cuốn, phở gà, chè thập cẩm, trứng vịt lộn… Mọi người xúm lại những gian hàng này để ăn những thức quà nóng hổi giữa tiết trời se lạnh. Thường những phiên chợ đông như thế này chủ yếu là những thanh niên hay các cụ già mới có thời gian để ngồi ăn quà vặt, còn những người khác còn phải lo mua đồ. Những cô hàng xén cũng đắt hàng không kém mỗi phiên chợ tết. Hàng hóa bày la liệt nhưng người mua thì đông, đôi khi có cô còn tính nhầm tiền cho khách gọi với trong đám đông. Gian hàng hoa quả cũng hút đông người tới mua sắm. Những nải chuối xanh, chuối chín, đến những quả bưởi… được người ta dải ra bày bán trong những chiếc thúng nhỏ hay dải một tấm nilong nhỏ để đặt lên trên. Mọi người đều tất bật mua sắm, nhiều người tay xách nách mang vô số thứ nhưng vẫn nán lại để sắm một vài thứ để có một cái tết đầy đủ và ấm cúng.Phiên chợ cuối năm là sự kết thúc của năm cũ chào một năm mới, nhưng ở đó không khí tràn ngập sự đông vui.

Bởi chợ là nơi mang tết về gần hơn với mỗi người và là một nét đặc trưng trong mỗi dịp năm mới cận kề. Mỗi lần đi chợ tết là một lần được đón cái không khí của một mùa xuân đến sớm hơn, ai nấy đều vui tươi, phấn khởi đón một mùa xuân chuẩn bị bước sang.

Bài mẫu 3: Hãy tả lại quang cảnh của một phiên chợ ngày Tết Nguyên đán ở quê em.

Đề bài: Hãy tả lại quang cảnh của một phiên chợ ngày Tết Nguyên đán ở quê em.

Dàn bài

1. Mở bài: giới thiệu về cảnh chợ quê ngày tết.

2. Thân bài:

  • Bầu trời dần tươi sáng:
    • Mọi người đổ ra đường, người gồng gánh, kẻ bưng thúng,... Tất cả đều tiến về chợ huyện.
    • Phiên chợ Tết thật đông.
      • Tiếng lợn con en éc, tiếng gà gáy oát…oát, tiếng vịt cạc…cạc, tiếng người nói bi bô
      • Các gian hàng nhanh chóng được bày diện.
      • Trước cổng chợ, những bức tranh lợn, gà heo, chuột ếch,… được giải treo tiếp nối nhau
      • Không ai nói to cũng không ai nói nhiều
  • Mặt trời đã ngả về phía tây:
    • Chợ vẫn tưng bừng hàng hóa vẫn tấp nập các quầy.
    • Từ các nơi, các loài hoa nườm nượp đưa về.
    • Đây đó, một vài cụ đồ nho hí hoái viết thơ xuân, viết những câu đối đỏ
    • Có người mãi ngắm tranh, ngắm hoa, đọc thơ mà quên cả thời gian vận hành
  • Trời tối:
    • Chuông chùa văng vẳng ngân vang,
    • Mọi người tạm ngưng phiên chợ.
    • Khung cảnh tưng bừng nơi chợ Tết bắt đầu mờ dần
    • Phảng phất trong không khí có mùi hương quen thuộc, mùi lúa mới, mùi trái ngọt, hoa thơm…

3. Kết bài: cảm nghĩ của em về quang cảnh của phiên chợ ngày Tết.

Bài văn

Mặt trời tiết cuối đông nhọc nhằn chọc thủng màn sương sớm, từ từ nhô lên khỏi rặng tre của làng xa. Bầu trời dần tươi sáng, cảnh vật như bừng tỉnh để đón chào ngày mới, đón cháo một mùa xuân mới đang sắp sửa tới gần… Từ các xóm làng, từ các mái nhà còn sương lam ôm ấp, mọi người đổ ra đường, người gồng gánh, kẻ bưng thúng, xách giỏ, có người đẩy xe chở hàng. Họ lần lượt dồn lên con đường lớn. Vai kĩu kịt, tay vung vẫy, chân đi thoăn thoắt…Tất cả đều tiến về chợ huyện.Phiên chợ Tết thật đông. Tiếng lợn con en éc, tiếng gà gáy oát…oát, tiếng vịt cạc…cạc, tiếng người nói bi bô trong chợ. Các gian hàng nhanh chóng được bày diện. Nào áo, quần, giày dép nhiều loại, bánh mứt đủ màu, rau quả tươi roi rói, kẻ muôn người bán lon xon, chật ních. Trước cổng chợ, những bức tranh lợn, gà heo, chuột ếch,… được giải treo tiếp nối nhau trông thật đẹp mắt. Rồi bức tranh của làng quê cũng hiện lên từ xa: Biển lúa vàng óng ả, chú bé ngồi ngất nghểu trên lưng trâu ung dung thổi sáo, đàn cò trắng nhởn nhơ trên bầu trời xanh thẳm, chim én lượn vòng trên xóm chợ… Một bức tranh đầy quyến rũ, ấm áp lạ thường.Sương tan, nắng ấm rải nhẹ trên hoa lá, chợ đông nghẹt, đủ thứ màu sắc trà trộn, đủ thứ âm thanh chen lẫn. Không ai nói to cũng không ai nói nhiều. Nhưng lường phát âm của vô số người đã làm phiên chợ âm ầm giữa miền quê yên tĩnh và vô cùng vui tươi, trù phú. Sắc xuân rón rén đến gần, xuân phảng phất trong từng nụ hoa đang chúm chím. Mặt trời đã ngả về phía tây, chợ vẫn tưng bừng hàng hóa vẫn tấp nập các quầy. Từ các nơi, các loài hoa nườm nượp đưa về. Nào là hoa mai, hoa đào, hoa cẩm chướng, hồng nhung… Chúng rạng rỡ như cô thiếu nữ, chúng lay động dưới ánh xuân như tuổi đôi mươi. Đây đó, một vài cụ đồ nho hí hoái viết thơ xuân, viết những câu đối đỏ trên bức sáo, mọi người chen nhau đọc. Có người mãi ngắm tranh, ngắm hoa, đọc thơ mà quên cả thời gian vận hành, buổi chiều hửng ấm đã nhạt nhòa ngã xuống. Cho tới lúc trời tối, chuông chùa văng vẳng ngân vang, mọi người tạm ngưng phiên chợ. Họ lũ lượt trở ra về. Khung cảnh tưng bừng nơi chợ Tết bắt đầu mờ dần rồi mất hẳn, không còn trông thấy một cái gì nữa bởi sương đêm. Phảng phất trong không khí có mùi hương quen thuộc, mùi lúa mới, mùi trái ngọt, hoa thơm… Tất cả đều đặc biệt, đáng yêu, đáng quí bởi nó là mùi vị của một làng quê Việt Nam trù phú, thấm đượm nghĩa tình, ấm nồng hương đồng cỏ nội. Phiên chợ Tết đã đem đến cho con người bao điều thú vị. Ai cũng hối hả, khẩn trương với công việc của mình. Họ rạo rực đón xuân trong niền vui lao động. Tôi cũng hồi hộp đón xuân và lo nghĩ đến nhiệm vụ của chính mình.

Từ khóa » Tả Cảnh Chợ Tết Trên Quê Hương Em