Đề Cương Tuyên Truyền Kết Quả Kỳ Họp Thứ Nhất, Quốc Hội Khóa XV

Ban Tuyên giáo Trung ương ban hành Đề cương tuyên truyền kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, Cổng TTĐT Đảng bộ tỉnh giới thiệu toàn văn bản Đề cương.

I. BỐI CẢNH, NỘI DUNG CỦA KỲ HỌP

1. Bối cảnh

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 9 ngày từ ngày 20/7/2021 đến ngày 28/7/2021. Đây là kỳ họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid -19 diễn biến phức tạp, có tính chất nguy hiểm của biến thể vi rút mới, bùng phát mạnh tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực, Quốc hội làm việc rất khẩn trương, liên tục, không có ngày nghỉ để hoàn thành, bảo đảm chất lượng nội dung, chương trình đề ra; kỳ họp đã kết thúc sớm 3 ngày so với chương trình đã được thông qua, tạo điều kiện cho các đại biểu Quốc hội là lãnh đạo các địa phương, các bộ, ngành tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch.

2. Nội dung kỳ họp

Đây là kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ mới, Quốc hội đã dành nhiều thời gian xem xét, thảo luận dân chủ, quyết định những vấn đề quan trọng, gồm: xem xét cho ý kiến các báo cáo về tổng kết cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và xác nhận tư cách đại biểu Quốc hội khóa XV trúng cử; xem xét, quyết định cơ cấu tổ chức và bầu, phê chuẩn nhân sự cấp cao của bộ máy nhà nước, bảo đảm đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; xem xét, thông qua 29 Nghị quyết, trong đó có 17 Nghị quyết về tổ chức bộ máy và nhân sự; 11 Nghị quyết chuyên đề (về các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025; về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công, đầu tư công trung hạn; phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019; hai chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, chương trình giám sát của Quốc hội, thành lập Đoàn giám sát chuyên đề năm 2022) và Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV. Xem xét kỹ lưỡng về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

II. KẾT QUẢ CỦA KỲ HỌP

1. Về các báo cáo kết quả tổng kết bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 và xác nhận tư cách của đại biểu Quốc hội khóa XV

Quốc hội khẳng định dưới sự lãnh đạo sâu sát của Bộ Chính trị, sự chỉ đạo tổ chức thực hiện quyết liệt, khoa học, kịp thời, chuyên nghiệp, sáng tạo của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử quốc gia, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp, ngành, các Tổ phụ trách công tác bầu cử từ Trung ương đến địa phương, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công rất tốt đẹp, đã bầu được 499 đại biểu Quốc hội, 266.022 đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Các đại biểu được bầu bảo đảm tiêu chuẩn, chất lượng, cơ cấu, thành phần đại diện của các tầng lớp Nhân dân trong Quốc hội; tỷ lệ đại biểu kiêm nhiệm làm việc trong các cơ quan hành pháp, tư pháp giảm; tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách tăng; tỷ lệ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trúng cử là người dân tộc thiểu số, phụ nữ đạt cao hơn so với nhiệm kỳ trước; trình độ chuyên môn của những người trúng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp cao hơn so với nhiệm kỳ trước.

Quốc hội trân trọng cử tri và Nhân dân cả nước đã hưởng ứng, tham gia rất tích cực và có trách nhiệm, góp phần thành công của cuộc bầu cử. Đồng thời, yêu cầu các vị đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân nêu cao trách nhiệm của người đại biểu Nhân dân, phát huy tối đa năng lực, bản lĩnh, trí tuệ, không ngừng đổi mới sáng tạo, bám sát thực tiễn, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan dân cử, kịp thời hiến kế để ban hành các quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

2. Về công tác tổ chức, nhân sự

Quốc hội đã quyết định số lượng thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (gồm Chủ tịch Quốc hội, 04 Phó Chủ tịch Quốc hội, 13 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội); cơ cấu tổ chức của Chính phủ (gồm 18 Bộ[1] và 04 cơ quan ngang Bộ[2]); cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ (gồm Thủ tướng Chính phủ, 4 Phó Thủ tướng Chính phủ và 22 bộ trưởng, thành viên khác).

Quốc hội đã bầu, phê chuẩn 50 chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước (Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm 09 Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, 04 Phó Thủ tướng Chính phủ, 18 Bộ trưởng, 04 Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, 01 Phó Chủ tịch, 04 Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh). Đồng thời, phê chuẩn 04 Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp, thể hiện rõ trách nhiệm, cam kết mạnh mẽ, quyết tâm cao hoàn thành trọng trách mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó và đáp ứng kỳ vọng của cử tri.

Công tác tổ chức, nhân sự là nội dung quan trọng của kỳ họp, có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước trong cả nhiệm kỳ đã được Quốc hội chuẩn bị cẩn trọng, bài bản, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật. Quốc hội tin tưởng các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn nêu cao tinh thần trách nhiệm, cống hiến hết sức mình phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân, tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, tích cực lắng nghe, linh hoạt, đổi mới, sáng tạo quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; xây dựng bộ máy nhà nước liêm chính, kỷ luật, kỷ cương, hiệu lực, hiệu quả, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, tạo bứt phá về phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2021-2026, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra của Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

3. Về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước

3.1. Quốc hội đã thảo luận, xem xét các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm và các giải pháp thực hiện 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Quốc hội khẳng định trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, dưới sự lãnh đạo của Đảng và sự giám sát, đồng hành của Quốc hội, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cấp ủy và chính quyền, các đoàn thể, (đặc biệt là lực lượng tuyến đầu của ngành Y, quân đội, công an, tình nguyện viên, cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân…) chủ động phòng, chống hiệu quả dịch bệnh; 6 tháng đầu năm 2021 chúng ta đã thực hiện tốt “mục tiêu kép” vừa bảo vệ sức khỏe Nhân dân, vừa duy trì phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; các giải pháp tiết kiệm chi được thực hiện triệt để nhằm bảo đảm nguồn lực cho việc phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội; giữ vững quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; tiếp tục tăng cường quan hệ đối ngoại,…

Quốc hội ghi nhận những kết quả tích cực nêu trên, đồng thời, yêu cầu Chính phủ, các cấp, ngành và địa phương chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường cácgiải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để vừa kiểm soát tốt dịch Covid-19 vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; đồng thời chủ động điều hành ngân sách nhà nước năm 2021 phù hợp thực tiễn của đất nước; thực hiện tốt chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

3.2. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh dự toán chi ngân sách nhà nước và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019, trong đó, tổng số thu cân đối ngân sách nhà nước là 2.139.639.446 triệu đồng; tổng số chi cân đối ngân sách nhà nước là 2.119.541.763 triệu đồng; bội chi ngân sách nhà nước là 161.490.730 triệu đồng, bằng 2,67% tổng sản phẩm trong nước (GDP). Quốc hội đề nghị Chính phủ tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính, nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; cải cách chính sách thu - chi; chấn chỉnh tình trạng trốn thuế, nợ đọng thuế; chỉnh đốn công tác quản lý chi đầu tư; quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn; xử lý nghiêm các trường hợp để nợ đọng xây dựng cơ bản, chuyển nguồn, tạm ứng ngân sách sai quy định, đồng thời có giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường kiểm soát nợ công, đẩy mạnh thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Đồng thời kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước. Nghiên cứu rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước so với quy định hiện hành để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm vào kỳ họp cuối năm tiếp theo, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn lực tài chính - ngân sách của nhà nước.

3.3. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 với 23 chỉ tiêu và 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, như: Tập trung thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm sức khỏe, tính mạng của Nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát triển kinh tế số, xã hội số. Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại. Phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm gắn kết hài hoà giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và năng lực kiến tạo phát triển; thực hiện cải cách tiền lương; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính đi đôi với tạo dựng môi trường đổi mới sáng tạo...

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước xây dựng chương trình hành động của nhiệm kỳ, trong đó xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng năm của nhiệm kỳ; thực hiện hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết giữa nhiệm kỳ (cuối năm 2023).

3.4. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tổng thu ngân sách nhà nước cả giai đoạn khoảng 8,3 triệu tỷ đồng; tổng chi ngân sách nhà nước khoảng 10,26 triệu tỷ đồng; tỷ trọng chi đầu tư phát triển hằng năm đạt 28%; tỷ trọng chi thường xuyên bình quân khoảng 62-63% tổng chi ngân sách nhà nước; phấn đấu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 29%, giảm tỷ trọng chi thường xuyên xuống khoảng 60%; tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 bình quân 3,7% GDP, phấn đấu giảm tỷ lệ này xuống dưới 3,7% GDP.

Tổng mức vay trong giai đoạn 2021-2025 của ngân sách Trung ương khoảng 3,068 triệu tỷ đồng. Nợ công hằng năm không quá 60% GDP, nợ Chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP; nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không bao gồm cho vay lại) không quá 25% tổng số thu ngân sách nhà nước; nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia (không bao gồm nghĩa vụ trả nợ gốc ngắn hạn dưới 12 tháng) không quá 25% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, đề ra một số giải pháp cơ bản, như: Nghiên cứu, sửa đổi Luật ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật liên quan phù hợp với thực tiễn, tăng vai trò chủ đạo của ngân sách Trung ương. Khẩn trương sửa đổi, hoàn thiện một số luật thuế, nhất là thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế tiêu thụ đặc biệt,... Tiếp tục cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng bền vững, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển. Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước, nợ công, quản lý tài sản công, tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán,...

3.5. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; trong đó tổng mức vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 là 2.870.000 tỷ đồng (vốn ngân sách trung ương là 1.500.000 tỷ đồng, vốn cân đối ngân sách địa phương là 1.370.000 tỷ đồng); bố trí 100.000 tỷ đồng để thực hiện 03 Chương trình mục tiêu quốc gia; 65.795,847 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện 03 dự án quan trọng quốc gia, 38.738 tỷ đồng để đầu tư dự án quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam tuyến phía Đông gia đoạn 2021-2025. Quốc hội giao chính phủ chỉ đạo khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án quan trọng quốc gia và mức vốn bố trí cho từng dự án theo đúng quy định của Luật Đầu tư công, không chia nhỏ dự án đối với số vốn 78.719 tỷ đồng để đầu tư các dự án đường bộ cao tốc, dự án trọng điểm khác. Đồng thời, yêu cầu đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đồng bộ, hiện đại, sớm hoàn thành đưa các công trình đi vào sử dụng, phát huy hiệu quả thực tế. Tập trung đầu tư cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo đột phá thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công tư. Khắc phục tình trạng đầu tư phân tán, dàn trải, giảm tối đa số lượng các dự án khởi công mới. Đầu tư công phải bám sát và phục vụ cho việc thực hiện tốt các mục tiêu, định hướng phát triển tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của quốc gia, ngành, lĩnh vực, địa phương, quy hoạch quốc gia, vùng, ngành, tỉnh được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Bảo đảm cơ cấu đầu tư hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, miền, lĩnh vực, trong đó ưu tiên vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước cho các vùng động lực, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khu vực chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thiên tai, bão lũ và các vùng, khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn…

3.6. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu đến năm 2025, phấn đấu trên cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, không còn xã dưới 15 tiêu chí, 50% huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh và 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương); 60% số thôn, bản, ấp thuộc các xã đặc biệt khó khăn khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Ngân sách Trung ương bố trí cho Chương trình là 39.632 tỷ đồng, trong đó có 30.000 tỷ vốn đầu tư phát triển.

3.7. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; giao Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, điều hành, rà soát, bảo đảm không để trùng lặp, bỏ sót nội dung, đối tượng hỗ trợ; có cơ chế lồng ghép chính sách, tích hợp nguồn lực giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm hiệu quả nguồn lực đầu tư; cân đối, bổ sung ngân sách trung ương để thực hiện tín dụng chính sách xã hội hỗ trợ giảm nghèo và có giải pháp huy động hợp lý các nguồn vốn ODA, vốn đầu tư của các thành phần kinh tế, vốn xã hội hóa cho Chương trình; nâng cao nhận thức, tạo đồng thuận của các cấp, các ngành và toàn xã hội về giảm nghèo bền vững, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân. Giao Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư Chương trình theo đúng quy định tại Luật Đầu tư công; chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình; rà soát, điều chỉnh, sắp xếp các dự án, tiểu dự án theo hướng bảo đảm sự liên kết, phù hợp với mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình; quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình; chỉ đạo công tác tổ chức, giám sát, đánh giá Chương trình và công tác điều phối giữa các bộ, ngành và địa phương; thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ở cấp Trung ương cho 3 Chương trình (giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030).

4. Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội

4.1. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết vềChương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021. Điều chỉnh bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; điều chỉnh thời gian trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) từ kỳ họp thứ 2 sang kỳ họp thứ 3. Chương trình năm 2022 gồm 09 dự án luật, 01 dự thảo nghị quyết[3] trình Quốc hội thông qua và 02 dự án luật[4] trình Quốc hội cho ý kiến, trong đó, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội cho ý kiến hai lần.

Quốc hội yêu cầu các cơ quan xây dựng pháp luật đề cao trách nhiệm, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong công tác; thực hiện nghiêm quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua; phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 2; nghiên cứu để kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào Chương trình sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các luật, pháp lệnh, nghị quyết nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

4.2. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập 02 Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022, các hoạt động giám sát tối cao theo quy định (xem xét báo cáo của các cơ quan, chất vấn và trả lời chất vấn, xem xét kiến nghị giám sát…); Quốc hội tiến hành giám sát tối cao chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành” tại kỳ họp thứ 3 và “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021” tại kỳ họp thứ 4. Đồng thời, giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Đề án đổi mới hoạt động giám sát để triển khai trong năm 2022 và các năm tiếp theo.

5. Về Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ nhất, trong đó ghi nhận toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị đã chung sức, đồng lòng, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, triển khai quyết liệt, đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt nhiều biện pháp để kiểm soát, ngăn chặn đại dịch Covid-19 và thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân.

Trước tính chất nguy hiểm của biến chủng mới của dịch Covid -19, đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe, đời sống của Nhân dân và tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương cần chủ động bám sát tình hình thực tế, tiếp tục tăng cường cácgiải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để kiểm soát tốt dịch Covid-19, thực hiện cắt giảm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước còn lại của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021; thu hồi các khoản chi thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để bổ sung dự phòng ngân sách trung ương và địa phương, tập trung cho công tác phòng, chống dịch. Giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định và chịu trách nhiệm về việc thực hiện một số giải pháp cấp bách trong phòng, chống dịch, như: áp dụng biện pháp giãn cách, hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định tại một số khu vực, địa bàn cần thiết; tổ chức các lực lượng để bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong vùng có dịch; biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn hiệu quả dịch bệnh lây lan. Ưu tiên sử dụng ngân sách nhà nước và huy động mọi nguồn lực hợp pháp khác cho công tác phòng, chống dịch. Bảo đảm an sinh xã hội, việc làm, chăm lo sức khỏe và đời sống Nhân dân; quan tâm hỗ trợ người có công, gia đình chính sách, người nghèo, phụ nữ, trẻ em, người cao tuổi, người khuyết tật, người yếu thế và lực lượng tuyến đầu chống dịch; tiếp tục có giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch…

6. Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân

Sau kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV đến nay, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước. Thông qua các hội nghị tiếp xúc cử tri vận động bầu cử và báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ niềm vui mừng, phấn khởi về kết quảĐại hội XIII của Đảng, kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, đặc biệt kết quả tích cực trong phòng, chống dịch Covid -19; triển khai Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng,... Đồng thời, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm tạo đột phá trong điều hành để phát triển kinh tế - xã hội, phòng, chống Covid -19, bảo đảm an sinh xã hội, giải quyếtvướng mắc, bất cập, chồng chéo về cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật,…

III. ĐỊNH HƯỚNG CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN

1. Tuyên truyền làm nổi bật kết quả và ý nghĩa của kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, nhất là kết quả công tác tổ chức, nhân sự nhiệm kỳ 2021- 2026 và sự điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo của Đoàn Chủ tịch, sự nỗ lực, trách nhiệm, tâm huyết, trí tuệ đóng góp nhiều ý kiến sâu sắc, chất lượng của đại biểu Quốc hội đã góp phần thành công của kỳ họp. Khẳng định vai trò, trách nhiệm của Quốc hội, đại biểu Quốc hội trong triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội khóa XV về phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, cũng như trong đổi mới, hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.

- Tiếp tục tuyên truyền Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch Covid-19, Kết luận số 07-KL/TW ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng chống dịch Covid -19 và phát triển kinh tế - xã hội và Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp bách phòng, chống dịch Covid – 19 thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15, ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV.

- Tuyên truyền các nghị quyết, quyết định đã được Quốc hội thông qua, nhất là các nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm giai đoạn 2021 – 2025, kế hoạch tài chính quốc gia, vay, trả nợ công, kế hoạch đầu tư công trung hạn, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025…, và các giải pháp trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021; công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020.

BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG – VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

[1] Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nội vụ; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Xây dựng; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế.

[2] Ủy ban Dân tộc; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Văn phòng Chính phủ.

[3]Bao gồm: (1) Luật Cảnh sát cơ động; (2) Luật Điện ảnh (sửa đổi); (3) Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); (4) Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); (5) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; (6) Luật Dầu khí (sửa đổi); (7) Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); (8) Luật Thanh tra (sửa đổi); (9) Luật Thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; (10) Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 (và điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 - nếu có).

[4]Bao gồm: (1) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); (2) Luật Đất đai (sửa đổi).

Từ khóa » Tin Họp Quốc Hội Mới Nhất