Để Đảng Thực Sự Là Hạt Nhân Lãnh đạo Xây Dựng Nền Dân Chủ Xã Hội ...

(ĐCSVN) - Vấn đề dân chủ, từ lâu đã là đối tượng nghiên cứu của nhiều chuyên ngành khoa học xã hội và nhân văn; và đến nay vẫn thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều lực lượng khác nhau trong xã hội và trở thành tiêu điểm của cuộc đấu tranh tư tưởng, lý luận giữa hệ tư tưởng vô sản và hệ tư tưởng tư sản. Trong Từ điển Tiếng Việt, dân chủ được hiểu: Có tính chất của chế độ dân chủ, nhằm thực hiện chế độ dân chủ; phương thức công tác - tôn trọng và thực hiện quyền mọi người tham gia bàn bạc và quyết định các công việc chung. Tác phong, dân chủ thảo luận dân chủ; chế độ dân chủ hoặc quyền dân chủ - Đấu tranh cho hoà bình và dân chủ. Phát huy dân chủ. Mở rộng dân chủ(1).

Theo cách hiểu thông thường, dân chủ có nghĩa là “quyền lực của nhân dân”, toàn bộ quyền lực thuộc về nhân dân. Nội dung quyền lực của dân chủ rất rộng, nhưng từ khi xã hội loài người có sự phân chia thành giai cấp, nội dung cốt lõi của dân chủ là quyền lực chính trị của một giai cấp, lực lượng xã hội nhất định tổ chức ra dựa trên sức mạnh của quyền lực kinh tế. Với nghĩa đó, “dân chủ” trước hết và chủ yếu là một phạm trù thuộc về chính trị; là hình thức tổ chức quyền lực nhà nước dựa trên nguyên tắc nhân dân là chủ thể duy nhất của mọi quyền lực. Từ nhu cầu, khát vọng dân chủ đến thành quả thực tế của dân chủ đều phải trải qua những chặng đường đấu tranh lâu dài, gian khổ, nhằm xoá bỏ áp bức, bóc lột đem lại lợi ích thực sự cho người dân. Do vậy, mỗi thành tựu về dân chủ là một nấc thang đánh dấu sự phát triển của mỗi kiểu tổ chức xã hội, khẳng định giá trị của tiến bộ xã hội, văn minh nhân loại.

Yêu cầu cơ bản và phổ biến về dân chủ trên lĩnh vực chính trị: tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhân dân là chủ thể chân chính và duy nhất của quyền lực xã hội; mọi người đều bình đẳng trước pháp luật; có quyền tự do tư tưởng, tự do ý chí; hoạt động tuân theo các nguyên tắc cơ bản: thiểu số phục tùng đa số; bảo đảm các quyền cơ bản của con người; bầu cử tự do và công bằng; hạn chế quyền năng bằng Hiến pháp; thống nhất trong tính đa dạng các khuynh hướng xã hội; hòa giải, hợp tác, khoan dung và đối thoại khi giải quyết các xung đột trong xã hội... Nhưng từ yêu cầu đến thực tế, hiệu quả dân chủ còn tùy thuộc vào bản chất chế độ chính trị và trình độ văn hóa của nhân dân.

Thấm nhuần sâu sắc những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lênin về sứ mệnh lịch sử của giai cấp vô sản, lịch sử phát triển của dân chủ trong xã hội, hiểu rõ thực chất của dân chủ tư sản, Hồ Chí Minh đã làm nổi bật tư tưởng cơ bản của dân chủ trong mối quan hệ thống nhất giữa các quyền của cá nhân và cộng đồng. Trên cơ sở đó, Người đã nêu lên quan niệm "dân chủ" trong mối quan hệ không tách rời với các quan niệm "dân là gốc", "dân là chủ", "dân làm chủ" ở một nước dân chủ. Một khi đã khẳng định địa vị là chủ xã hội của dân, thì cần phải làm cho nhân dân được hưởng quyền làm chủ xã hội trên thực tế. Từ "dân là chủ" đến "dân làm chủ" là một bước tiến căn bản về dân chủ; phải làm cho người dân có điều kiện và biết hưởng quyền dân chủ, biết dùng quyền dân chủ đúng lúc, đúng chỗ, dám nói, dám làm, phát huy hết khả năng của mình; mỗi người dân cần có năng lực thực hiện quyền làm chủ. Đó là cái đích cao nhất của dân chủ, tránh tình trạng dân chủ hình thức, dân chủ cửa miệng.

Hơn nữa, không thể có dân chủ mà lại thiếu hệ thống pháp luật, trật tự, kỷ cương để điều chỉnh các mối quan hệ xã hội. Những yêu cầu dân chủ phải được thể chế hóa thành các chuẩn mực mang tính quy phạm, thành nguyên tắc tổ chức và vận hành của Nhà nước cũng như các tổ chức xã hội khác tạo thành chế độ dân chủ. Hồ Chí Minh đã dạy: “Dân chủ là thế nào? Là dân làm chủ. Dân làm chủ thì Chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng, ủy viên này khác là làm gì? Làm đày tớ. Làm đày tớ cho nhân dân, chứ không phải là làm quan cách mạng”(2).

Hồ Chí Minh đã vận dụng sáng tạo, các nguyên lý dân chủ của chủ nghĩa Mác - Lênin cùng những thành tựu dân chủ của nhân loại từ đó đưa ra yêu cầu rất cao về dân chủ của Đảng trong quan hệ với nhân dân: Đảng "phải xứng đáng là người lãnh đạo, người đày tớ thật trung thành của nhân dân"; lấy việc chăm lo cho quyền lợi của nhân dân làm mục đích tự thân của mình. Đảng đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam. “Ngoài lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, Đảng ta không có lợi ích gì khác”(3). Đó chính là cơ sở xã hội bền vững của mối quan hệ giữa Đảng và nhân dân, nguồn gốc của dân chủ, đoàn kết và thắng lợi của cách mạng Việt Nam hơn 80 năm qua. Trên cơ sở đó, duy trì mối quan hệ không thể tách rời giữa tăng cường vai trò Đảng lãnh đạo, hiệu lực quản lý của Nhà nước và nhân dân làm chủ, mọi quyền lực thuộc về nhân dân. Mọi hoạt động của các cơ quan quyền lực và công chức Nhà nước đều phải chịu sự kiểm tra, giám sát của nhân dân. Các tổ chức và cá nhân đại diện cho nhân dân có nghĩa vụ báo cáo trước nhân dân mọi hoạt động liên quan đến lợi ích của họ; nhân dân có quyền chất vấn; các cơ quan và công chức có nghĩa vụ trả lời một cách trung thực, kịp thời; mọi yêu cầu dân chủ chính đáng của dân phải được thể chế hóa và thực thi trên thực tế.

Dân chủ là bản chất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Do vậy, mở rộng dân chủ trong Đảng, làm cho những nội dung cơ bản, bản chất tốt đẹp của Đảng không ngừng được củng cố, phát triển góp phần tăng cường năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Bản chất dân chủ trong Đảng là "hạt nhân" xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay. Bài học thành công về xây dựng Đảng trong cách mạng giải phóng dân tộc có ý nghĩa xuyên suốt trong công tác xây dựng Đảng, cần được tiếp tục giữ vững, phát huy trong hoàn cảnh mới. Từ năm 1927, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Cách mệnh trước hết phải có cái gì? Trước hết phải có đảng cách mệnh, để trong thì vận động và tổ chức dân chúng, ngoài thì liên lạc với dân tộc bị áp bức và vô sản giai cấp mọi nơi. Đảng có vững cách mệnh mới thành công, cũng như người cầm lái có vững thuyền mới chạy”(4). Trong suốt tiến trình cách mạng, Người luôn chăm lo xây dựng Đảng ngang tầm nhiệm vụ cách mạng, là hạt nhân lãnh đạo giai cấp công nhân, nhân dân lao động và dân tộc, phát huy sức mạnh toàn dân tộc đứng lên đấu tranh làm chủ vận mệnh của mình.

Ra đời trong phong trào yêu nước, phong trào công nhân và lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, từ một Đảng chính trị trở thành một Đảng cầm quyền, vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo hệ thống chính trị thực hành dân chủ trong xã hội. Do vậy, chăm lo xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức, thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, sức mạnh chiến đấu và năng lực lãnh đạo của các tổ chức đảng và từng đảng viên là cơ sở để Đảng tồn tại, phát triển. Mở rộng dân chủ trong Đảng làm cơ sở tăng cường vai trò hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, tạo lập và định hướng hoạt động của xã hội theo hướng ngày càng mở rộng các quyền và quy chế thực thi dân chủ.

Dân chủ trong Đảng là cơ sở tăng cường năng lực lãnh đạo xã hội, thực hành quyền lực thuộc về nhân dân, chăm lo lợi ích của nhân dân. Sự thống nhất về tư tưởng và hành động của Đảng, giai cấp công nhân và dân tộc là cơ sở để thực hành, mở rộng dân chủ trong Đảng và trong xã hội. Dân chủ là thành quả của quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ, lâu dài của quần chúng nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng đã trở thành tài sản quý báu nhất của Đảng và nhân dân ta. Có thực hành dân chủ rộng rãi mới có tự do sáng tạo, khơi dậy, phát huy được tiềm năng trí tuệ của mỗi tổ chức và cá nhân trong toàn Đảng, làm cho Đảng trở nên sáng suốt đủ sức làm tròn sứ mệnh lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”(5).

Dân chủ luôn gắn liền với kỷ cương, có khuôn khổ, trong vòng trật tự; chỉ có thể thực hiện dân chủ đi đôi với kiên quyết chống các biểu hiện đối lập với dân chủ. Thực hành dân chủ trong Đảng là làm cho tính dân chủ trong Đảng được mở rộng, phát huy cao độ trí tuệ tập thể xây dựng nghị quyết lãnh đạo đúng đắn, sáng tạo để đưa sự nghiệp cách mạng đi đúng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân chủ trong Đảng xa lạ với những tư tưởng thủ cựu, độc đoán, chuyên quyền, độc quyền chân lý, không chịu lắng nghe các ý kiến khác nhau của đảng viên, cán bộ; cũng như thói quen tự do vô kỷ luật, không chấp hành nghị quyết, không phục tùng chân lý. Như vậy, dân chủ gắn với tập trung, chấp hành kỷ luật nghiêm minh, tự giác của Đảng.

Thực hành nguyên tắc tổ chức cơ bản của Đảng là tập trung dân chủ (hay dân chủ tập trung). Đây là nguyên tắc tổ chức cơ bản của chính đảngkiểu mới của giai cấp công nhân (theo đường lối Quốc tế III của V.I.Lênin), yếu tố cơ bản để phân biệt một Đảng cách mạng chân chính với các đảng phái cơ hội, hữu khuynh trong phong trào công nhân (theo đường lối của Quốc tế II). Các đảng cơ hội, hữu khuynh chỉ nhấn mạnh yếu tố dân chủ không đặt dưới sự lãnh đạo tập trung, mục tiêu đấu tranh cải lương, nửa vời, tổ chức đảng lỏng lẻo không đủ sức vượt qua những thử thách của cuộc đấu tranh giai cấp trước các đòn tấn công phá hoại của giai cấp tư sản. Trên thực tế, chỉ có chính Đảng kiểu mới của giai cấp công nhân do Lênin sáng lập, tổ chức theo nguyên tắc tập trung dân chủ mới đủ sức để lãnh đạo cách mạng trong đấu tranh giành và giữ vững chính quyền cách mạng.

Dân chủ và tập trung là hai mặt thống nhất không tách rời nhau của một nguyên tắc. Đảng chỉ có thể trở thành một tổ chức vững chắc khi được xây dựng và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ để tạo ra sức mạnh tập thể, đủ sức lãnh đạo quần chúng nhân dân vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ chính trị. Mỗi tổ chức, đảng viên đều phải chấp hành nghiêm túc nguyên tắc, tạo sự thống nhất về tư tưởng và tổ chức, nhận thức và hành động của Đảng nhằm phát huy tính tích cực và tính sáng tạo của mọi tổ chức của Đảng và đảng viên trong việc tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng; mặt khác bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng.

Tập trung trên cơ sở dân chủ hoàn toàn khác với tập trung quan liêu - người lãnh đạo áp đặt ý chí chủ quan của mình buộc mọi người thực hiện. Dân chủ có sự bảo đảm của tập trung hoàn toàn khác với dân chủ vô chính phủ, tự do vô kỷ luật. Tập trung càng vững chắc, dân chủ càng được bảo đảm. “Phủ nhận nguyên tắc này là phủ nhận Đảng Cộng sản từ bản chất. Đảng chống tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, song triệt để tuân theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Chỉ có thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ mới... bảo đảm sự thống nhất ý chí và hành động của Đảng, chỉ có như vậy Đảng mới có sức mạnh và sức chiến đấu”(6).

Mở rộng sinh hoạt dân chủ, tăng cường lãnh đạo tập thể trong Đảng. Đảng lãnh đạo bằng nghị quyết. Do vậy, mở rộng sinh hoạt dân chủ để phát huy được trí tuệ tập thể là điều kiện cơ bản xây dựng được nghị quyết đúng đắn, làm cơ sở để tổ chức hoạt động thực tiễn thực hiện thắng lợi nghị quyết của Đảng. Các cấp lãnh đạo cần nghiên cứu kỹ kinh nghiệm sáng tạo của các tổ chức cơ sở đảng, lắng nghe ý kiến của quần chúng, các chuyên gia và cán bộ khoa học. Các chủ trương, quyết sách quan trọng của Đảng đều phải được bàn bạc và giải quyết tập thể. Những ý kiến khác nhau phải được nói hết, nói thẳng và thông qua thảo luận dân chủ mà đi đến chân lý, hết sức tránh chủ quan, độc đoán, giản đơn trong việc ra quyết định. Phải tăng cường chất lượng sinh hoạt của các cấp ủy đảng với những thông tin đầy đủ, có tính thời sự làm cơ sở để thảo luận dân chủ, kết luận rõ ràng, sau khi đã có quyết nghị cần nghiêm túc triển khai nói và làm đúng nghị quyết đã ban hành. Đó là cơ sở duy trì sức mạnh của Đảng, phát huy vai trò lãnh đạo của từng cấp ủy, đảng viên xây dựng và triển khai thực hiện nghị quyết.

Đảng phải thực sự là tấm gương về dân chủ trong xã hội. Phát huy dân chủ trong điều kiện Đảng cầm quyền là điều kiện giữ vững và tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng - nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng hiện nay. Đảng phải thường xuyên tự đổi mới, tự chỉnh đốn, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng về mọi mặt, tăng cường bản chất giai cấp công nhân và tính tiền phong của Đảng. Chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức; mỗi đảng viên, cán bộ có đạo đức cách mạng trong sáng, có tầm trí tuệ cao, có phương thức lãnh đạo khoa học, gắn bó máu thịt với nhân dân, đủ sức đoàn kết, lãnh đạo toàn dân, vượt qua khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Mọi hoạt động của Đảng luôn hướng vào chăm lo lợi ích cho nhân dân - nhân tố có ý nghĩa quyết định tới dân chủ hóa hệ thống chính trị và dân chủ hóa xã hội.

Đẩy mạnh dân chủ trong sinh hoạt Đảng, đổi mới nâng cao hiệu quả, quy trình ra nghị quyết đúng đắn là điều kiện để nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị. Đổi mới hệ thống tổ chức, hội nghị, các hình thức sinh hoạt Đảng các cấp từ Trung ương đến cơ sở, dân chủ hóa hoạt động xây dựng Đảng là giải pháp quan trọng nhất để nâng cao hiệu quả hoạt động đổi mới phương thức lãnh đạo, để Đảng thực sự là mẫu mực về thực hành dân chủ, từ đó tác động mạnh mẽ tới quá trình dân chủ hoá đời sống xã hội. Kiên trì giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, nhất là trong điều kiện mới có nhiều biến động phức tạp, bất lợi cho các lực lượng cách mạng. Tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân, tổ chức lấy ý kiến nhân dân đối với mọi cán bộ lãnh đạo và tổ chức đảng; xây dựng và vận hành hệ thống phản biện xã hội đối với đường lối, chính sách của Đảng. Qua đó, Đảng biết để khắc phục những hạn chế của mình.

Trong công tác tư tưởng, sinh hoạt chính trị: khuyến khích tự do tư tưởng, không được áp đặt, khi có các ý kiến khác nhau, thậm chí đối lập nhau; cần biết lắng nghe, tôn trọng ý kiến đa số, đồng thời có cơ chế bảo lưu ý kiến của thiểu số; tôn trọng ý kiến cấp trên nhưng cũng có cơ chế bảo lưu ý kiến cấp dưới; định rõ thời hạn xem xét, kết luận, thông báo về các ý kiến thiểu số. Nghiêm cấm việc lạm dụng quyền tự do, dân chủ tuyên truyền quan điểm cá nhân đối lập với đường lối, nghị quyết của Đảng.

Trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cần chú ý khắc phục những yếu kém tồn tại ở các cơ sở; khắc phục tình trạng thiếu trật tự, kỷ cương, kỷ luật, mất đoàn kết kéo dài ở không ít cấp ủy, tổ chức đảng các cấp. Quan hệ giữa Đảng và nhân dân có lúc, có nơi chưa chặt chẽ. Dân chủ trong Đảng và trong xã hội còn bị vi phạm(7). Tình trạng suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, bệnh cơ hội, chủ nghĩa cá nhân và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận cán bộ, đảng viên còn diễn ra nghiêm trọng. Thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất, tăng cường kỷ cương của Đảng, chủ động phòng ngừa vi phạm kỷ luật Đảng của các tổ chức và đảng viên góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh.

Xây dựng, mở rộng dân chủ trong Đảng nhằm hoàn thiện những thuộc tính bản chất của Đảng, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức mạnh chiến đấu của Đảng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân nhưng trước hết, trách nhiệm thuộc về mỗi tổ chức đảng và từng đảng viên. Những thành tựu đã đạt được về mở rộng dân chủ trong điều kiện mới sẽ nâng cao hiệu lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, rèn luyện nâng cao phẩm chất đảng viên, đáp ứng yêu cầu của cách mạng nước ta trong giai đoạn hiện nay.

----------------------(1) Xem: Viện Ngôn ngữ học - Trung tâm Từ điển học, Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 2000, tr.246.

(2),(5) Hồ Chí Minh: Toàn tập, t.8, NXB CTQG, Hà Nội, 2000, tr.375, 216.

(3) Sđd, t.9, tr.286.

(4) Sđd, t.2, tr 267-268.

(6) ĐCSVN: Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ VII, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr.130.

(7) Bài phát biểu của Đồng chí Nông Đức Mạnh với Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ngày 13-11-2007, http://vietnamnet.vn/chinhtri.

Từ khóa » Hạt Nhân Lãnh đạo Là Gì