Để Dự án Vành đai 3 TP.HCM Về đích đúng Tiến độ - VOV Giao Thông

Đây vừa là áp lực vừa là động lực để TP.HCM và các địa phương lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Dương phát huy tối đa vai trò lẫn trách nhiệm để có thể đưa dự án về đích đúng tiến độ, đáp ứng kỳ vọng của hàng chục triệu người dân trong khu vực.

Giữa tháng 6 vừa qua, với hơn 95% đại biểu biểu quyết tán thành, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Với chiều dài khoảng 76,34km cùng tổng mức đầu tư hơn 75.000 tỷ đồng, đường Vành đai 3 TPHCM sẽ được xây dựng từ vốn đầu tư công và dự kiến hoàn thành năm 2025, đưa vào khai thác từ giữa năm 2026.

Việc Quốc hội phê chuẩn chủ trương đầu tư đường Vành đai 3 TP.HCM đã thổi một luồng gió mới với nhiều tín hiệu tích cực cho hàng chục triệu người dân khu vực Đông Nam Bộ và các tỉnh thành lân cận.

Anh Võ Hồng Bảo – ngụ thành phố Thủ Đức, TP.HCM bày tỏ: "Dự án trọng điểm quốc gia này sẽ tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao cuộc sống người dân. Chúng tôi mong muốn các bộ ngành liên quan và các địa phương cùng cố gắng chung tay góp sức để dự án Vành đai 3 triển khai đúng thời gian đề ra".

Đại diện cộng đồng doanh nghiệp, ông Lê Duy Hiệp – Chủ tịch hiệp hội doanh nghiệp logistics chia sẻ: "Vành đai 3 kết nối được tất cả các địa phương với nhau và làm giảm đi phần di chuyển trong nội đô các đô thị.

Tôi thấy cộng đồng doanh nghiệp hết sức vui mừng khi mà Quốc hội thông qua. Tuy nhiên, để thực hiện đi đến thành hiện thực thì còn rất nhiều vấn đề, đặc biệt là nguồn vốn.

Tôi nghĩ là sớm muộn thì mình cũng phải làm mà làm càng sớm càng tốt cho quốc kế dân sinh".

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7 km thuộc địa bàn tihr Bình Dương hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Vneconomy

Dự án đường Vành đai 3 TP.HCM đoạn Bình Chuẩn - Tân Vạn dài 16,7 km thuộc địa bàn tihr Bình Dương hiện đã hoàn thành và đưa vào sử dụng. Ảnh: Vneconomy

 

Đánh giá cao vai trò của đường Vành đai 3 trong tổng thể chương trình phát triển kinh tế xã hội TP.HCM, khu vực Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TS Trần Du Lịch – thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để tạo ra nhiều cú hích lớn trong tương lai.

"Dự án Vành đai 3 TP.HCM có ý nghĩa rất chiến lược phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tôi cho rằng đây là tín hiệu rất tốt,, một cơ hội để có thể liên kết phát triển lâu nay mà lâu nay đây là điểm nghẽn", TS Trần Du Lịch nói.

Ngay sau khi Quốc hội thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 3 TPHCM, một tổ công tác đặc biệt bao gồm lãnh đạo Bộ GTVT, nhiều bộ ngành khác cùng lãnh đạo 4 địa phương cũng đã được thành lập để điều hành tổng thể quá trình triển khai dự án. Qua rà soát và đánh giá tất cả các yếu tố liên quan, TP.HCM và các địa phương đã thống nhất sẽ quyết tâm khởi công dự án vào tháng 6/2023, tức là sớm hơn nửa năm so với kế hoạch.

Ông Trần Quang Lâm – Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết thêm về mục tiêu này: "Với vai trò đầu mối, TP.HCM thường xuyên trao đổi, thống nhất cao với các tỉnh những chính sách, đề xuất, kiến nghị cũng như cách làm.

Sắp tới sẽ xây dựng quy chế phối hợp để triển khai dự án, giải quyết các vấn đề về kỹ thuật cũng như ứng dụng công nghệ, vật liệu, các cơ chế về chuyên gia tham gia hỗ trợ, bảo đảm đúng tiến độ và chất lượng dự án".

Hệ thống đường Vành đai hoàn thiện sẽ giải tỏa rất lớn áp lực giao thông đang ngày càng trầm trọng tại TP.HCM. Ảnh: Thanh niên

Hệ thống đường Vành đai hoàn thiện sẽ giải tỏa rất lớn áp lực giao thông đang ngày càng trầm trọng tại TP.HCM. Ảnh: Thanh niên

Vấn đề về giải phóng mặt bằng và bố trí tái định cư được xem là một trong vướng mắc lớn nhất rất cần được tập trung tháo gỡ. Dự kiến sẽ có gần 4000 hộ dân bị ảnh hưởng với tổng chi phí cho công tác này vào khoảng 41.600 tỷ đồng ( chiếm hơn 55% tổng mức đầu tư dự án).

Để tạo đột phá trong công tác giải phóng mặt bằng cho dự án đường Vành đai 3, ông Võ Trung Trực – Phó giám đốc Sở TNMT TPHCM cho biết TPHCM đã trình Thủ tướng đề án xin thí điểm bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất đối với những trường hợp giải toả nhà thay vì theo cách thông thường là phải chi trả tiền tạm cư cho người dân ở tạm…

Ngoài ra, TPHCM và các địa phương cần thành lập các ban chỉ đạo về bồi thường giải phóng mặt bằng, cũng như thường xuyên phối hợp, thống nhất về đơn giá đền bù cho người dân:

"Phải thống nhất được với nhau đơn giá bồi thường đất giáp ranh giữa hai tỉnh. Nếu lệch quá, một bên cao quá một bên thấp quá, mà nó không phù hợp thì sẽ phát sinh những hệ quả hết sức phức tạp", ông Võ Trung Trực cho biết.

Giáo sư – tiến sĩ Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học – kỹ thuật TP.HCM cho rằng cần có 1 cơ chế giám sát đặc biệt đối với các nhà thầu để kịp thời loại bỏ các đơn vị thiếu năng lực dẫn đến chậm tiến độ toàn dự án: "Trong nghiên cứu chi tiết, chúng ta phải đánh giá, lựa chọn quy mô năng lực các nhà thầu sao cho phù hợp. Cần có những cơ chế, giải pháp, cân đối lựa chọn các nhà thầu. Đặc biệt là đưa ra yêu cầu về trách nhiệm, ràng buộc rõ ràng, tránh trường hợp lợi ích nhóm có thể làm kéo dài dự án này".

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, sau nhiều cuộc họp cấp tập với lãnh đạo các tỉnh Long An, Đồng Nai, Bình Dương, chủ tịch UBND TPHCM đã ký các quyết định thành lập Ban chỉ đạo, Ban chỉ huy, Tổ giúp việc cũng như Hội đồng cố vấn dự án đường Vành đai 3…

Ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng cần phải hết sức khẩn trương nhưng cũng phải đảm bảo sự chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất giữa các ban ngành, địa phương trên cơ sở lấy lợi ích của người dân là cao nhất:

"Đây là một dự án rất lớn. Chúng ta cần phải xây dựng một kế hoạch thật tỉ mỉ, phối hợp thật là đồng bộ, nhịp nhàng, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để làm sao người dân, nhất là những người có quyền lợi liên quan tham gia ủng hộ, chia sẻ, đồng thuận để chúng ta triển khai dự án đạt được kết quả, đạt mục tiêu.

Việc phải phối hợp nhiều địa phương, khối lượng công việc lớn trong khoảng thời gian ngắn rõ ràng là có khó khăn, nhưng với trách nhiệm và kinh nghiệm trong thời gian qua, TP.HCM sẽ làm tốt việc này".

Đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76,34 km , đi qua 4 địa phương là TP. HCM, Đồng Nai , Bình Dương , Long An (ảnh minh họa)

Đường Vành đai 3 TP. HCM có tổng chiều dài 76,34 km , đi qua 4 địa phương là TP. HCM, Đồng Nai , Bình Dương , Long An (ảnh minh họa)

Dự án Vành đai 3 TP.HCM vừa là áp lực cũng vừa là động lực để các địa phương nơi tuyến đường đi qua phát huy tối đa vai của mình. Ở đó không chỉ có tinh thần trách nhiệm cao độ, mà còn cần đến một tư duy làm việc hoàn toàn mới dựa trên tinh thần phối hợp vô cùng chặt chẽ từ các tỉnh thành liên quan.

Đây cũng là nội dung bài Bình luận: “Đừng là chiếc đũa riêng lẻ”.

Sau 11 năm hoài thai thì mới đây tuyến đường Vành đai 3 TP.HCM đã chính thức được Quốc hội bật đèn xanh để có thể nên vóc nên hình. Không thể phủ nhận rằng, dự án có chiều dài hơn 76km này khi hoàn thành sẽ là một trục xương sống vô cùng quan trọng không chỉ đối với TP.HCM, Long An, Đồng Nai, Bình Dương mà còn với cả khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam – khu vực được xem là đầu tàu kinh tế, là chiếc máy kiếm tiền của cả nước.

Dù đã được phê duyệt chủ trương đầu tư song vẫn còn một chặng đường rất dài với một khối lượng công việc khổng lồ cần phải vượt qua nếu muốn đưa tuyến đường này đi vào hoạt động.

Không quá khó để chỉ ra những chướng ngại vật chắc chắn sẽ gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai dự án. Ấy là việc thu xếp nguồn vốn, lựa chọn nhà thầu đủ năng lực, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư…

Tuy nhiên theo chúng tôi, điểm mấu chốt mang tính quyết định đến thành bại của toàn dự án này chính là “sự kết nối” trong quyết tâm và hành động của 4 địa phương nơi tuyến đường này đi qua.

Còn nhớ thời điểm này năm ngoái, khi dịch COVID-19 bùng phát dữ dội tại TP.HCM thì đã xảy ra tình trạng “quyền anh quyền tôi”, “mạnh ai nấy làm” và thậm chí là “ngăn sông cấm chợ”…

Mượn bài học kinh nghiệm trong công tác phòng chống và ứng xử với dịch bệnh COVID-19 cách đây chưa lâu để thấy rằng vẫn còn quá nhiều “điểm nghẽn” ngay trong chính nội bộ khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Nhiều ý kiến cho rằng đây là thời cơ “không thể thuận lợi hơn” để triển khai đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác dự án đường Vành đai 3 TP.HCM. Thiên đã đến thời, địa đang được lợi và quan trọng nhất là lòng nhân đã hòa. Thế nhưng để tất cả các lơi thế trên có thể thăng hoa thì rất cần các địa phương liên quan phải nhìn chung về 1 hướng, gác cái tôi sang 1 bên để cùng dồn sức dồn lực tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc sớm đưa dự án vào khởi công, xây dựng và đi vào khai thác.

Vẫn còn gần 50 tháng nữa để hơn 20 triệu đồng bào trong khu vực có thể thực chứng được liệu đường Vành đai 3 TP.HCM có thể vững vàng về đích như 1 bó đũa cứng cáp, hiên ngang, hay lại èo uột thất bại không khác gì những chiếc đũa riêng lẻ dễ dàng bị bẽ gãy, chia cắt.

Từ khóa » Tiến độ đường Vành đai 3 Tp Hcm