Đệ Nhất Danh Cầm Giutar Phím Lõm - Vĩnh Long Online
Có thể bạn quan tâm
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Văn Giỏi là nhạc sĩ khiếm thị, nổi danh từ trước năm 1975. Trong các danh cầm cải lương Nam bộ, ông đã tạo cho mình phong cách riêng từ tư chất lẫn nghệ thuật diễn tấu, đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng giới mộ điệu. Gần 60 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, Nhạc sĩ - NSND Văn Giỏi đã có nhiều đóng góp cho sân khấu nước nhà.
Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Văn Giỏi là nhạc sĩ khiếm thị, nổi danh từ trước năm 1975. Trong các danh cầm cải lương Nam bộ, ông đã tạo cho mình phong cách riêng từ tư chất lẫn nghệ thuật diễn tấu, đã tạo được chỗ đứng vững chắc trong lòng giới mộ điệu. Gần 60 năm gắn bó với âm nhạc dân tộc, Nhạc sĩ - NSND Văn Giỏi đã có nhiều đóng góp cho sân khấu nước nhà.
NSND Văn Giỏi tên thật Trần Văn Giỏi, sinh năm 1947 ở xã Long Trung, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ông lớn lên trong một gia đình có 2 bên nội, ngoại đều đờn rất giỏi; ba ông có ngón đờn cò rất hay. Người thầy dạy đờn bài bản cho ông là ông Sáu Hoanh. 12 tuổi ông đã đờn rành 6 câu và một số bản nhỏ, 17 tuổi thành thạo 20 bài bản tổ.
Năm 22 tuổi ông lên Sài Gòn lập nghiệp. 24 tuổi ông được Nhạc sĩ Hai Thơm giới thiệu vào đờn cho Hãng dĩa Continental, dĩa hát đầu tiên ông đờn là Mùa Sao Sáng, do Ca sĩ Mộng Tuyền ca. Còn ở Hãng đĩa Việt Nam, bài hát đầu tiên ông đờn là Tha La xóm Đạo. Thuở nhỏ Văn Giỏi không bị mù, hằng ngày đi làm ông vẫn chạy xe gắn máy bình thường. Một thời gian sau mắt ông bị bệnh và mù hẳn.
Tuy được gia đình dạy đờn rất căn cơ, nhưng ông mê nhất đệ nhất danh cầm Văn Vĩ. Thời ấy rất nhiều người đờn ghi-ta phím lõm hay như: Hoàng Ân, Hoàng Thành, Phụng Hoàng, Hữu Hạnh…, nhưng ông chọn đi theo phong cách đờn của Văn Vĩ. Với bản tính hiền lành, khiêm tốn, ham học hỏi, chỉ một thời gian ngắn ông đã chiếm được cảm tình của những bậc danh cầm: Năm Cơ, Văn Vĩ...
Sau năm 1975, tài năng của ông ngày càng được tỏa sáng qua những vở cải lương của các đoàn cải lương Thanh Nga, Trần Hữu Trang, Nhân dân Kiên Giang. Đồng thời, ông dạy đàn, ca tại nhà và đàn chính cho Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh trong khoảng 15 năm. Đây là giai đoạn vàng son nhất trong nghiệp cầm ca của người nghệ sĩ tài hoa này.
Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hiệp và Bí thư Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh tôn vinh danh cầm Văn Giỏi. |
Ngón đờn của ông lúc mượt mà trẻ trung, lúc thì lả lướt, phóng khoáng, giàu sáng tạo. Văn Giỏi tạo dấu ấn sâu sắc cho người nghe bởi tiếng đờn mang nhiều màu sắc mới, nhiều kiểu luyến láy, biến hóa khôn lường và đặc biệt là lối đờn chặn các dây trên tạo tiếng basse trầm ấm, lôi cuốn. Phong cách này đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhạc công cải lương trẻ lúc bấy giờ.
Năm 2020, Nhà Văn hóa Thanh niên TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức Chương trình “Ngày Sân khấu Việt Nam”, cũng là dịp Giỗ Tổ truyền thống ngành Sân khấu với nhiều hoạt động tôn vinh các văn nghệ sĩ. Đặc biệt, lần đầu tiên, các thầy đờn, nhạc công cải lương được vinh danh thật trang trọng. Cả 6 thầy đờn được tôn vinh trong chương trình là: NSND Văn Giỏi, NSND Thanh Hải, NSƯT Hoàng Thành, NSƯT Khải Hoàn, Nhạc sĩ Bảy Dư và Nhạc sĩ Văn Hải. 6 thầy đờn trên đều có bề dày từ 50 năm hoạt động nghệ thuật, đã đờn cho khoảng 300 vở cải lương, hàng ngàn bản vọng cổ và sáng tác nên những làn điệu mới, nhiều chặp cải lương và bài ca cổ. |
Trong giai đoạn năm 1976 -1980, tuy bị sự cố về đôi mắt, nhưng ông đã phấn đấu không ngừng trong việc trau chuốt và gửi gắm tình cảm của mình vào tiếng đàn như sự khẳng định “tàn nhưng không phế”.
Cũng trong thời gian này, dựa trên nền nhạc thang âm ngũ cung của cải lương, Nghệ sĩ Văn Giỏi đã sáng tác 2 giai điệu mới: Phi Vân điệp khúc và Đoản khúc lam giang. Kết hợp với âm hưởng của ca nhạc Huế và dân ca Nam bộ, 2 giai điệu trữ tình này lúc man mác du dương, lúc dịu êm sâu lắng nên nhanh chóng tạo hiệu ứng mạnh mẽ trong lĩnh vực cải lương.
Sau đó, ông cùng Nghệ sĩ Thanh Hải cải biên lớp dạo đầu giai điệu Vọng kim lang của làn điệu dân ca Liên khu 5, làm nên một phong cách mới. Từ đó đến nay, hầu hết các tác giả viết vọng cổ và kịch bản cải lương đều chú ý đến 3 giai điệu này.
Chính phong cách sáng tạo, trẻ trung, đầy quyến rũ, Nhạc sĩ Văn Giỏi đã thu hút số lượng môn đệ đông đảo, có khoảng 200 học trò ca, vài ngàn học trò đờn khắp nơi. Trong số đó, nhiều người đã thành danh, góp phần đáng kể cho nghệ thuật cải lương. Đặc biệt, hiện nay, nhiều môn đệ của ông ở nước ngoài đem âm nhạc cải lương của quê hương làm hành trang tinh thần cho người viễn xứ và truyền bá ra các cộng đồng dân cư khác.
Ngoài ra, danh cầm Văn Giỏi còn cộng tác với nhiều hãng băng từ, các chương trình của HTV như: “Vầng trăng cổ nhạc”, “Chung kết giải giọng ca hằng tuần”, “Bông lúa vàng của Đài Tiếng nói nhân dân TP. Hồ Chí Minh”... Gần đây, danh cầm Văn Giỏi chuyển sang một phong cách diễn tấu mới hơn, ngón đờn trầm lắng, tuy không bay bướm như trước nhưng từng âm sắc được nắn nót sâu hơn, nhất là chữ “Xang” màu sắc tươi trẻ được thay vào dư âm mùi mẫn, dịu dàng hơn trước.
Sau khi Đệ nhất Danh cầm Văn Vĩ qua đời, Nhạc sĩ Văn Giỏi được trong giới tôn vinh là “Đệ nhất danh cầm giutar phím lõm”, kế vị cố danh cầm Văn Vĩ. Không những được công chúng mến mộ ngón đờn tài hoa, mà các danh cầm đương thời và như những nghệ sĩ tài danh cũng đều mến phục tài nghệ của ông. Không chỉ nhạc cụ guitar phím lõm đã đưa Văn Giỏi lên đỉnh vinh quang, mà các nhạc cụ khác ông cũng đờn hay, ngón đờn đạt đến điêu luyện “bậc thầy”, từ kìm, sến, violon, đến cò, gáo... Riêng guitar, ngón đờn của ông ngày càng đĩnh đạc hơn, nét nhấn sâu sắc, lắng dịu hơn.
Với cách làm việc nghiêm túc, đặt trọn tâm huyết của mình vào nghệ thuật, năm 2007 Nghệ sĩ Văn Giỏi được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú. Qua quá trình hoạt động nghệ thuật hăng say, ông được phong tặng danh hiệu NSND vào năm 2019.
Theo Báo Ấp Bắc