Để Phát Triển Bền Vững Ngành Hàng Cá Tra - Báo Cần Thơ Online
Có thể bạn quan tâm
Bài, ảnh: KHÁNH TRUNG
Ngành cá tra đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nhờ nhu cầu tiêu thụ cá tra tại nhiều thị trường phục hồi sau đại dịch. Giá cá tra nguyên liệu cũng đã tăng lên ở mức cao, kích thích người dân, doanh nghiệp phát triển nuôi. Tuy nhiên, ngành hàng cá tra vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn và nguy cơ rủi ro, cần ngành chức quan tâm tháo gỡ kịp thời để phát triển ổn định, bền vững.
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ.
Thuận lợi đan xen khó khăn
Nước ta và nhiều quốc gia trên thế giới đang chuyển sang trạng thái bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt gắn với kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19, ngành cá tra có nhiều điều kiện phục hồi và phát triển. Ðặc biệt, nhu cầu tiêu thụ cá tra tại nhiều thị trường đang phục hồi sau đại dịch, đồng thời nước ta cũng có điều kiện đẩy mạnh xuất khẩu nhờ tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước và đối tác trên thế giới. So với những tháng cuối năm 2021, hiện giá cá tra nguyên liệu tăng từ 4.000-5.000 đồng/kg, lên ở mức 29.500-30.000 đồng/kg. Giá cá tra tăng cũng đang kích thích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất, chế biến và tiêu thụ các sản phẩm cá tra trong năm 2022.
Tuy nhiên, ngành cá tra vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khi dịch COVID-19 và nhiều loại dịch bệnh trên thủy sản còn diễn biến phức tạp, cùng với các tác động ngày càng tăng của biến đổi khí hậu và hạn mặn. Cạnh tranh trên thị trường quốc tế ngày càng tăng và nhiều nước gia tăng các rào cản kỹ thuật trong thương mại. Ðáng lo là giá thành nuôi cá tra thương phẩm đang tăng do giá thức ăn chăn nuôi và nhiều chi phí đầu vào tăng, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của sản phẩm. Tỷ tệ hao hụt trong nuôi cá tra còn cao do điều kiện sản xuất bất lợi và nguồn con giống chưa đảm bảo tốt cả về giá cả và chất lượng.
Theo Tổng Cục thủy sản thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), năm qua, với sự quan tâm kịp thời của Bộ NN&PTNT, cùng các bộ ngành Trung ương và địa phương trong việc kịp thời tháo gỡ khó khăn và nỗ lực kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19, ngành cá tra đã đạt những kết quả rất ấn tượng. Diện tích thả nuôi cá tra trong năm 2021 đạt hơn 5.856ha, tăng hơn 10% so với năm trước. Sản lượng nuôi cá tra năm qua đã đạt 1,52 triệu tấn, tăng 1,63% và kim ngạch xuất khẩu đạt 1,62 tỉ USD, tăng 8,4% so với năm trước.
Năm 2022, dự kiến sản lượng cá tra thương phẩm của nước ta đạt 1,6-1,7 triệu tấn và kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,6 tỉ USD. Giá cá tra nguyên liệu đang ở mức cao là tiền đề quan trọng để phát triển sản xuất, tiêu thụ trong năm 2022 nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro về sự phát triển ổn định của ngành hàng. Ðặc biệt, là nguy cơ về sự tăng trưởng "nóng" về diện tích, sản lượng nuôi cá tra có thể gây mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng đến giá cả và khả năng bùng phát những vấn đề về môi trường, dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Ðồng thời, tình hình thời tiết, khí hậu diễn biến bất thường và khả năng hạn mặn diễn ra sớm có thể làm tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh và gây khó cho sản xuất. Vì vậy, cần có những giải pháp khắc phục khó khăn, phát triển ngành hàng cá tra hiệu quả và bền vững.
Tránh phát triển "nóng"
Ðể ổn định và phát triển bền vững ngành hàng cá tra, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, các bộ ngành và địa phương cần phối hợp làm tốt công tác quy hoạch và tổ chức sản xuất để đảm bảo cân đối cung cầu gắn với nhu cầu chế biến và xuất khẩu. Ðặc biệt, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác và liên kết theo chuỗi để ổn định sản xuất và đầu ra sản phẩm, tránh tình trạng giá cá tra nguyên liệu "sốt ảo" dẫn tăng trưởng nóng về diện tích, sản lượng và kéo theo nhiều hệ lụy sau đó như đã từng xảy ra. Các doanh nghiệp cần liên kết chặt với nông dân để đảm bảo có các vùng nguyên liệu ổn định, phát triển chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm chế biến gắn xây dựng thương thiệu để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Ðồng thời, ngành chức năng quản lý điều kiện sản xuất và kiểm soát chặt từ các quá trình sản xuất đầu vào như diện tích thả nuôi, chất lượng con giống, chất lượng và giá cả thức ăn chăn nuôi… đến việc chế biến, tiêu thụ sản phẩm…
Ông Trần Văn Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hùng Cá, cho rằng: "Giá cá tra nguyên liệu đang tăng mạnh nhưng nhiều người cũng có lo ngại về việc một số doanh nghiệp "chơi bài" nâng giá lên, mua một phần thôi để dân ùn ùn nuôi và cung sẽ vượt cầu… Do vậy, ngành chức năng quan tâm rà soát, nắm kỹ tình hình nuôi trồng và chế biến cá tra xuất khẩu tại địa phương, đảm bảo các doanh nghiệp khi mở nhà máy chế biến phải có vùng chăn nuôi, vùng nguyên liệu và liên kết, hợp tác với người nuôi".
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra năm 2022 dự báo có sự tăng trưởng tốt nhờ 4 thị trường chính gồm: Trung Quốc, Mỹ, khối các nước tham gia CPTPP và EU đều có khả năng tăng trưởng mạnh mẽ. Theo đó, xuất khẩu cá tra năm nay dự báo tăng từ 20-25% so với năm 2021. Giá cá xuất khẩu dự báo sẽ tăng khoảng 5% do chi phí nuôi trồng, chế biến, logistics và vận tải tăng. Tuy nhiên, do giá xuất khẩu cá tra đã ở mức khá cao (đơn cử xuất thị trường Mỹ 3,95 USD/kg) nên giá tăng cao thêm nữa rất khó xảy ra, nhất là đối với các hợp đồng đã ký trước đây. Ngành chức năng cần có những đánh giá kỹ và có định hướng cụ thể cho việc nuôi trồng cá tra. Ðặc biệt, giá cá tra nguyên liệu đang tăng rất cao, cần kịp thời định hướng cho người nuôi và doanh nghiệp để cân đối giữa cung và cầu để tăng lợi nhuận cho toàn bộ chuỗi giá trị cá tra, tránh tình trạng phát triển nóng như năm 2018. Hiện dịch bệnh COVID-19 chưa chấm dứt vẫn là thách thức cho chuỗi cung ứng. Trong khi chi phí sản xuất, vận tải biển tăng và cần tiếp tục có các giải pháp gỡ khó kịp thời.
Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành cá tra năm 2022 vừa diễn ra tại TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc bộ và các địa phương, hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và đơn vị có liên quan kịp thời thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ổn định và nâng cao chuỗi giá trị ngành cá tra. Đặc biệt, liên kết theo chuỗi để đảm bảo phát triển bền vững và chú ý đầu tư, phát triển chế biến sâu và xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng cao giá trị. Ngoài việc làm tốt công tác quy hoạch, cần kiểm soát, quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất đến nuôi trồng, chế biến và phát triển thị trường tiêu thụ. Đảm bảo và nâng cao chất lượng nguồn con giống, nguồn thức ăn chăn nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nuôi trồng đạt hiệu quả cao, ít hao hụt, giảm giá thành sản xuất. Kịp thời tháo gỡ các rào cản của thị trường, phát triển xuất khẩu gắn với việc chú trọng tiêu thụ hàng tại nội địa…
Từ khóa » Cầu Cá Tra Hiện đại
-
Nhu Cầu Cá Tra Xuất Khẩu Tăng Mạnh, Giá Cá Nguyên Liệu Lên đến ...
-
Nhu Cầu Tiêu Thụ Dồn Nén Hai Năm Sắp Bung Ra, Xuất Khẩu Cá Tra Dự ...
-
Cầu Cá Tra Miền Tây
-
Cá Tra Toàn Cầu Tăng Và 6 Giải Pháp Trong Nước - Tạp Chí Thủy Sản
-
Tái Hiện "CẦU CÁ TRA" Trong Hồ Cá Mini - YouTube
-
Cầu Tõm (thói Quen) – Wikipedia Tiếng Việt
-
Ngành Hàng Cá Tra Hướng Tới Xuất Khẩu Trên 1,6 Tỷ USD Năm Nay
-
Ngành Cá Tra Việt Nam Hứa Hẹn Bước Vào Chu Kỳ Phát Triển Mới
-
Cá Tra Tận Dụng đà Phục Hồi, Chớp Cơ Hội Xuất Khẩu Mới
-
Đột Phá Cho Ngành Hàng Cá Tra Từ ứng Dụng Công Nghệ Cao
-
Tập Trung Sản Xuất, Nâng Cao Giá Trị Ngành Hàng Cá Tra
-
Kéo Dài Chu Kỳ Tăng Trưởng Ngành Cá Tra: Phát Triển ổn định, Bền Vững
-
TRỢ LỰC CHO NGÀNH HÀNG CÁ TRA - Vemedim