Đề Số 10 - Đề Kiểm Tra 45 Phút (1 Tiết) - Học Kì 1 - Ngữ Văn 6

Đề bài

I.TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm)

Trả lời các câu hỏi dưới đây bằng cách khoanh tròn chữ cái trước câu trả lời đúng. (Mỗi câu đúng được 0,25 điểm)

1. Dòng nào dưới đây nêu nhận xét không đúng ?

A.Loại truyện dân gian kể về các nhân vật và sự kiện có liên quan đến lịch sứ thời quá khứ của dân tộc

B.Truyện thường đan xen những yếu tố tưởng tượng kì ảo để tăng tính hấp dẫn

C.Lịch sử dân tộc được phản ánh sinh động và chân thực qua những chi tiết nghệ thuật kì ảo

D.Thể hiện thái độ và cách đánh giá của nhân dân đối với các sự kiện và nhân vật lịch sử được kể

2. Dòng nào dưới đây nêu lên ý nghĩa nổi bật nhất của hình tượng “cái bọc trăm trứng” trong truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên ?

A.Giải thích bằng tượng tượng, hư cấu về sự ra đời của các dân tộc Việt Nam

B.Ca ngợi sự hình thành nhà nước Văn Lang và những người con ưu tú có công dựng xây đất nước

C.Thể hiện sâu sắc tình yêu đất nước đặc biệt là thái độ tự tôn về nguồn gốc giống nòi

D.Mọi người, mọi dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam phải thương yêu nhau như anh em một nhà

3. Dòng nào dưới đây thể hiện cách mà tác giả dân gian đã ca ngợi cội nguồn tổ tiên người Việt trong truyện Con Rồng cháu Tiên ?

A.  Có cha mẹ đều là những người phi thường

B.  Thần tiên hoá nguồn gốc, giống nòi dân tộc

C.  Có sự nghiệp dựng xây đất nước oanh liệt

D.  Luôn biết yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau

4. Dòng nào dưới đây phản ánh đúng sự thực lịch sử trong truyền thuyết Thánh Gióng ?

A.Khi Tổ quốc lâm nguy, đứa trẻ lên ba cũng có thể trở thành tráng sĩ đi đánh giặc

B.  Người anh hùng Thánh Gióng đã hi sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống giặc Ân xâm lược

C.  Ngay từ buổi đầu dựng nước, cha ông ta đã phải đấu tranh kiên cường chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước

D.  Trong thời đại nào dân tộc Việt Nam cũng không vắng bóng những vị anh hùng xả thân cứu nước

5. Dòng nào dưới đây nêu lên ý nghĩa của hình tượng Thánh Gióng trong truyền thuyết cùng tên là gì ?

A.  Là hình tượng cao đẹp về người anh hùng dân tộc với tài năng, sức mạnh phi thường và ý thức bảo vệ đất nước

B.  Là tấm gương tuổi trẻ tài cao trong công cuộc dựng nước và giữ nước của cha ông ta

C.  Là thái độ vùng lên chống quân thù của dân tộc Việt Nam trước giờ phút đất nước lâm nguy

D. Là người anh hùng có nguồn gốc đặc biệt được nhân dân sáng tạo nên bàng trí tưởng tượng bay bổng

6. Dòng nào dưới đây thể hiện rõ nhất sự trỗi dậy của lòng yêu nước và chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam trong truyện Thánh Gióng ?

A.  Đứa bé lên ba vẫn không biết nói biết cười, cũng chẳng biết đi, đặt đâu nằm đấy, khi nghe sứ giả rao tìm người đánh giặc bỗng dưng cất tiếng nói bảo mẹ mời sứ giả vào

B.  Từ sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi, cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ

C.  Thế nước rất nguy, chú bé vùng dậy vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc

D.  Roi sắt gẫy, tráng sĩ nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc, giặc chết như rạ, đám tàn quân giẫm đạp lên nhau chạy trốn

7. Dòng nào dưới đây giải thích tại sao truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh có nhiều yếu tố thần linh, hoang đường nhưng vẫn được xếp vào nhóm truyện truyền thuyết ?

A.  Vì truyện phản ánh thực tế về công cuộc đấu tranh chống lũ lụt gian khổ mà hào hùng của cha ông ta

B.  Vì truyện gắn liền với thời đại Hùng Vương và các vị thần Núi, thần Nước tài ba lỗi lạc

C.  Vì truyện thể hiện mơ ước bình dị, gần gũi của nhân dân: muốn được sống yên ổn với thời tiết, khí hậu  thuận hoà

D.  Vì truyện mang dáng dấp của một bài ca trị thuỷ để bảo vệ đời sống thanh bình của muôn dân

8. Trong truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh xuất hiện những vị thần nào ?

A.Vua Hùng Vương thứ mười tám và con gái

B.Thần Núi (Sơn Tinh) và thần Nước (Thuỷ Tinh)

C. Sơn Tinh, Thuỷ Tinh và vua Hùng

D. Sơn Tinh, vua Hùng và Mị Nương

9.    Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh đề cập đến cuộc đấu tranh nào của cha ông ta?

A.  Cuộc đấu tranh dựng nước

B.  Cuộc đấu tranh giữ nước

C.  Cuộc đấu tranh chống ngoại xâm

D.  Cuộc đấu tranh chống thiên tai

10.  Sự tích Hồ Gươm cùng thể loại với truyện nào sau đây ?

A.  Bánh chưng, bánh giầy

B.  Sợ Dừa

C.  Thạch Sanh

D.  Em bé thông minh

11 .Trong truyện Sự tích Hồ Gươm, những hình ảnh nào thể hiện trí tưởng tượng kì ảo mà đầy ý nghĩa của tác giả dân gian ?

A.  Rùa Vàng, gươm thần, Long Quân

B.  Rùa Vàng, gươm thần, Lê Lợi

C.  Gươm thần, Lê Lợi, Lê Thận

D.  Lê Lợi, Lê Thận, Rùa Vàng

12.   Dòng nào sau đây nêu nhận xét không đúng về giá trị nội dung của truyện Sự tích Hồ Gươm ?

A.  Đề cao tính chất chính nghĩa và ngợi ca chiến thắng của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn

B.  Giải thích một cách hấp dẫn, thú vị, đầy niềm tự hào, tự tôn dân tộc về tên gọi hồ Hoàn Kiếm

C.  Thể hiện khát vọng về một cuộc sống hoà bình, không có chiến tranh, không có đổ máu và chết chóc

D.  Thể hiện trí tưởng tượng bay bổng đến diệu kì của nhân dân ta khi lí giải về cội nguồn lịch sử dân tộc

II.TỰ LUẬN (7,0 điểm)

1.    Có ý kiến cho rằng truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên giải thích, suy tôn nguồn gốc giống nòi cao quý và thế hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất cộng đồng của người Việt. Em có đồng ý với nhận xét đó không ? Vì sao ? (2,0 điểm)

2.   Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh có bố cục gồm mấy phần ? Nội dung chính của từng phần là gì ? (2,0 điểm)

3.    Viết một đoạn văn ngắn (từ 7 - 10 câu) trình bày suy nghĩ của em về cử chỉ của nhân vật Thánh Gióng : vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ oai phong lẫm liệt xông ra trận đánh giặc(3,0 điểm)

Lời giải chi tiết

I.TRẮC NGHIỆM (3,0 điểm, mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm)

1

2

3

4

5

6

C

D

B

C

A

C

7

8

9

10

11

12

A

B

D

A

A

D

II.TỰ  LUẬN

1.(2,0 điểm)

Đây là một nhận xét rất xác đáng về truyền thuyết Con Rồng cháu Tiên.

Lí do :

+ Bằng trí tưởng tượng kì diệu và phong phú của mình, tác giả dân gian đã dùng những yếu tố kì ảo để giải thích nguồn gốc giống nòi cao quý của dân tộc : người Việt chính là con cháu của Lạc Long Quân và Âu Cơ, tổ tiên chúng ta đã được sinh ra từ cái bọc trăm trứng của người mẹ Âu Cơ xinh đẹp tuyệt trần.

+ Truyện đã tôn vinh, ngợi ca nguồn gốc giống nòi dân tộc với sự lí giải mang đầy vẻ huyền thoại của người xưa. Người Việt chính là con cháu của cha Lạc Long Quân, vị thần nòi Rồng có sức khoẻ vô địch, có nhiều phép lạ thường giúp dân diệt trừ yêu quái. Con người ấy hội đủ cả đức cả tài. Người Việt còn là con cháu của mẹ Âu Cơ thuộc dòng họ Thần Nông xinh đẹp, cũng đủ cả phép nhiệm màu (sinh ra cái bọc trăm trứng, đẻ ra một trăm người con, ai nấy đểu hồng hào khoẻ mạnh, không cần bú mớm mà cứ lớn như thổi,…). Tổ tiên chúng ta cao quý như vậy, làm sao chúng ta lại không tự hào về giống nòi của mình ?

+ Truyện thể hiện ý nguyện đoàn kết, thống nhất cộng đồng của người Việt. Cho dù là người miền non cao hay nước thẳm nhưng khi có việc gì thì giúp đỡ nhau và không bao giờ quên lời hẹn ước. Đó không chỉ là mong muốn của người cha đức độ, tài năng Lạc Long Quân mà còn là mong ước của con cháu muôn đời.

2. (2,0 điểm)

Truyện Sơn Tinh, Thuỷ Tinh có thể chia thành ba phần, nội dung chính của từng phần :

+ Phần 1 (từ đầu đến “mỗi thứ một đôi”) : Cách vua Hùng kén con rể để chọn người tài đức.

+ Phần 2 (tiếp theo đến “đành rút quân”) : Cuộc giao tranh ác liệt của Sơn Tinh và Thuỷ Tinh.

+ Phần 3 (đoạn còn lại) : Mối thù sâu sắc, dai dẳng của Thuỷ Tinh sau khi thua trận.

3. (3,0 điểm)

HS cần trình bày được những suy nghĩ riêng của mình về chi tiết nghệ thuật này. Nội dung đoạn văn xoay quanh các ý :

Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết : Giặc đến chân núi, thế nước rất nguy, vừa lúc đó những vật mà chú bé yêu cầu được sứ giả mang đến : ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt. Chú liền vùng dậy vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt xông ra trận đánh giặc.

Cái vươn vai kì diệu này dường như đã được tích luỹ, ấp ủ từ những phẩm chất cao đẹp vốn tiềm tàng trong sâu thẳm tâm hồn của chú bé làng Gióng, đó là lòng yêu nước, là sự căm thù quân xâm lược, là quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù.

Cử chỉ “vươn vai” của Gióng cũng là biểu tượng của sức mạnh dân tộc, khi đất nước có giặc ngoại xâm thì sức mạnh ấy trỗi dậy mạnh mẽ, mãnh liệt đến không ngờ. Công cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước là nơi hội tụ tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường và thái độ cương quyết trong việc bảo vệ độc lập chủ quyền của dân tộc ta.

Lưu ý :

Điểm trừ tối đa đối với đoạn văn không đảm bảo kiểu bài và bố cục bài văn phát biểu cảm nghĩ là 1 điểm.

Điểm trừ tối đa đối với bài viết không đúng về ý, lập luận bài văn phát biểu cảm nghĩ là 0,5 điểm.

Điểm trừ tối đa đối với bài viết có nhiều lỗi chính tả, diễn đạt, dùng từ, đặt câu là 0,5 điểm.

Loigiaihay.com

Từ khóa » Trong Truyện Thánh Gióng Chi Tiết Nào Không đúng Khi Nói Về Sự Ra đời Của Giống