Đề Số 24 - Đề Thi Thử THPT Quốc Gia Môn Ngữ Văn

Đề bài

I. ĐỌC HIỂU

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu dưới đây:

     Mỗi người trên thế giới đều là những người khách bộ hành, mỗi ngày đều bước đi một cách chủ động hoặc bị động trên con đường mình đã chọn…

     Cuộc đời không chỉ là con đường đi khó, đôi khi chúng ta còn gặp phải những hố sâu do người khác đào ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh. Bất luận gian khó thế nào, chỉ cần chúng ta còn sống, chúng ta còn phải đối mặt. Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn…

     Trước muôn vàn lối rẽ, không ai có được bản đồ trong tay, cũng không phải ai cũng có kim chỉ nam dẫn đường, tất cả đều phải dựa vào sự phán đoán và lựa chọn của bản thân. Nếu bạn rẽ nhầm lối, khoảng cách với xuất phát điểm sẽ bị rút ngắn ngược lại, nếu rẽ đúng, con đường phía trước sẽ bằng phẳng, rộng rãi.

(Trích Bí quyết thành công của Bill Gates, Khẩm Sài Nhân, NXB Hồng Đức)

Câu 1: Xác định phong cách ngôn ngữ của văn bản trên.

Câu 2: Chỉ ra và phân tích tác dụng của các biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: "Cuộc đời không chỉ là con đường đi khó, đôi khi chúng ta còn gặp phải những hố sâu do người khác đào ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh".

Câu 3: Anh/ Chị hiểu như thế nào về câu nói: "Nếu bạn rẽ nhầm lối, khoảng cách với xuất phát điểm sẽ bị rút ngắn ngược lại, nếu rẽ đúng, con đường phía trước sẽ bằng phẳng, rộng rãi"?

Câu 4: Thông điệp nào trong đoạn trích có ý nghĩa nhất với anh/chị?

II. LÀM VĂN

Câu 1: Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến được nêu trong đoạn trích ở phần Đọc hiểu: “Sống tức là thực hiện một cuộc hành trình không thể trì hoãn”.

Câu 2: Cảm nhận của anh/chị về chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân (Vợ chồng A Phủ - Tô Hoài, Ngữ văn 12). Liên hệ với chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp Thị Nở (Chí Phèo – Nam Cao, Ngữ văn 11) từ đó anh/chị hãy đánh giá vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự.

Lời giải chi tiết

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1:

     Phong cách ngôn ngữ: chính luận

Câu 2:

- Biện pháp:

+ So sánh: cuộc đời – con đường đi khó.

+ Liệt kê (gặp phải những hố sau do người khác đào ra, gặp phải sự tấn công của thú dữ, gặp phải mưa bão và tuyết lạnh).

+ Ẩn dụ: hố sâu, thú dữ, mưa bão và tuyết lạnh: ẩn dụ cho những khó khăn, giông bão, trắc trở mà mỗi chúng ta phải trải qua trên đường đời.

- Tác dụng: biện pháp so sánh, liệt kê và ẩn dụ đã cho thấy vô vàn những khó khăn mà chúng ta sẽ gặp trên con đường đời. Bởi vậy cần có ý chí mạnh mẽ, niềm tin sắt đá và nghị lực để vượt qua mọi trở ngại đó.

Câu 3:

     Câu nói đã khẳng định trong cuộc đời nếu ta lựa chọn sai hướng đi sẽ khó có thể đi đến thành công, ngược lại nếu có quyết định lựa chọn đúng đắn sẽ mang đến những kết quả, thành công tốt đẹp.

Câu 4:

- Thông điệp của tác phẩm:

+ Trong cuộc đời sẽ phải trải qua rất nhiều khó khăn, vấp ngã, thậm chí thất bại nhưng khi còn sống, còn hơi thở thì ta không ngừng nỗ lực, cố gắng.

+ Cuộc đời của chúng ta ra sao, thành công hay thất bại đều do chính mỗi chúng ta lựa chọn.

+ Trước muôn vàn ngã rẽ của cuộc đời, chúng ta cần suy nghĩ chín chắn, lựa chọn cẩn thận để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất.

II. LÀM VĂN

Câu 1:

Giới thiệu vấn đề

Giải thích vấn đề

“Sống tức là thực hiện cuộc hành trình không thể trì hoãn”

- Cuộc hành trình: để nói về con đường đời của mỗi con người trong cuộc sống.

- Trì hoãn: chần chừ, do dự trước một dự định nào đó.

→ Câu nói đã khẳng định trên đường đời, con người không thể lựa chọn cách trốn tránh trước những khó khăn mà phải đối mặt, đương đầu để vượt qua chúng và đi đến thành công.

Bàn luận vấn đề

- Cuộc sống không phải bao giờ cũng thuận lợi, suôn sẻ, mà luôn có những khó khăn, thử thách vì vậy nếu sợ hãi, nếu “trì hoãn”, trốn tránh, con người sẽ không bao giờ có thể bước đến thành công.

- Cuộc đời của mỗi người là hữu hạn vì vậy nếu còn chần chừ, do dự ta sẽ bỏ lỡ thời gian và những cơ hội quý giá để xây dựng cuộc sống và tìm kiếm thành công.

- Dũng cảm bước đi, chấp nhận đương đầu với mọi khó khăn, thử thách, con người sẽ trưởng thành, được sống một cuộc đời phong phú, giàu trải nghiệm và có ý nghĩa.

Mở rộng vấn đề và liên hệ bản thân

- Phê phán những con người gặp khó khăn, thử thách là “trì hoãn”, không dám đương đầu, thậm chí là bỏ cuộc, buông xuôi.

- Cần phải có kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn của cuộc đời để trên một hành trình dài, chúng ta có thể từng bước rời xa xuất phát điểm, tiến về phía trước, đi đến đích của sự thành công. Đồng thời cần có ý chí, nghị lực, có quyết tâm để thực hiện những ước mơ, những dự định đã đặt ra.

- Cuộc sống của mỗi người là quý giá, vì vậy hãy sống sao cho không phải nuối tiếc vì những năm tháng sống hoài, sống phí.

Câu 2:

1. Mở bài

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, chi tiết

- Tô Hoài là một trong những cây bút văn xuôi hàng đầu của nền văn học Việt Nam hiện đại, là người có biệt tài nắm bắt rất nhanh nhạy những nét riêng trong phong tục, tập quán của những miền đất mà ông đã đi qua. Ông có giọng văn kể chuyện hóm hỉnh, rất có duyên và đầy sức hấp dẫn; có vốn ngôn ngữ bình dân phong phú và sử dụng nó rất linh hoạt, đắc địa.

- Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ được sáng tác năm 1952, in trong tập Truyện Tây Bắc – tập truyện được tặng giải Nhất – Giải thưởng Hội Văn nghệ Việt Nam 1954 – 1955. Tập Truyện Tây Bắc gồm ba truyện: Mường Giơn, viết về dân tộc Thái; Cứu đất cứu mường, viết về dân tộc Mường; Vợ chồng A Phủ, viết về dân tộc Mèo (Mông) – mỗi truyện có một dáng vẻ, sức hấp dẫn riêng, nhưng đọng lại lâu bền trong kí ức của nhiều người đọc là truyện Vợ chồng A Phủ.

- Chi tiết “Mị nghe tiếng sáo vọng lại, thiết tha bồi hồi” mà nhân vật Mị nghe được trong đêm tình mùa xuân là chi tiết đặc sắc của truyện ngắn này.

2. Thân bài

2.1 Giới thiệu nhân vật Mị

* Chân dung, lai lịch:

- Nhan sắc: “trai đến đứng nhẵn chân vách đầu buồng Mị” ⟶ nhan sắc rực rỡ ở tuổi cập kê.

- Tài năng: thổi sáo, thổi lá. Hay đến mức có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm thổi sáo đi theo Mị.

- Phẩm chất tốt đẹp: Khi bố mẹ Mị hết đời chưa trả được món nợ cho thống lí Pá Tra, thống lí Pá Tra định bắt Mị về làm con dâu gạt nợ.

* Số phận bi kịch: Do món nợ truyền kiếp mà Mị bị bắt về làm dâu gạt nợ.

2.2Phân tích chi tiết

* Hoàn cảnh xuất hiện chi tiết: mùa xuân về

- Màu sắc rực rỡ: cỏ gianh vàng ửng, những chiếc váy phơi trên mỏm đá xòe rộng ra như những cánh bướm sặc sỡ.

- Âm thanh náo nhiệt, tưng bừng: tiếng trẻ con chờ tết chơi quay cười ầm trên sân chơi trước nhà …

* Ý nghĩa chi tiết:

- Làm thức dậy sức sống tiềm tàng trong Mị: Dìu hồn Mị bềnh bồng sống lại với những khát khao yêu thương hạnh phúc của ngày xưa, dẫn Mị từ cõi quên trở về cõi nhớ.

- Trong Mị đã diễn ra một hành trình vượt thoát khỏi hoàn cảnh thực tại để tìm lại chính mình:

- Tương tranh, mẫu thuẫn giữa sức sống tiềm tàng và thực tại hiện hữu:

+ Sức sống tiềm tàng:

> Mị thấy “phơi phới” trở lại, “vui sướng”

> Thức dậy ý thức và khát vọng: “Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”.

+ Thực tại hiện hữu: Mị muốn đi chơi nhưng lại không đi chơi, Mị đi vào buồng. Trong hơi rượu ⟶ sức sống tiềm tàng lại trỗi dậy

+ Mị như ở trạng thái mộng du, vượt thoát hoàn cảnh để tìm lại chính mình.

> Lấy ống mỡ sắn một miếng để thắp đèn lên cho sáng ⟶ thắp sáng căn buồng cũng là thắp sáng khát vọng giải thoát cuộc đời mình.

> Chuẩn bị đi chơi: quấn lại tóc, với tay lấy cái váy hoa, rút thêm cái áo.

+ Hành động vượt thoát khỏi hoàn cảnh bị chặn đứng: Mị bị A Sử trói vào cột, không cho đi chơi.

→ A Sử chỉ trói được thân xác Mị chứ không trói được ý muốn đi chơi, không trói được khát vọng, sức sống của Mị.

→ Mị vẫn thả hồn theo tiếng sáo đến với những cuộc chơi.

2.3 Liên hệ với chi tiết “tiếng chim hót ngoài kia vui vẻ quá!” mà nhân vật Chí Phèo cảm nhận được sau đêm gặp Thị Nở

* Giới thiệu tác giả, tác phẩm, chi tiết

* Giới thiệu nhân vật Chí Phèo

- Xuất thân: là đứa trẻ mồ côi bị bỏ rơi ở lò gạch cũ, được anh đi thả ống lươn nhặt được, mang về cho một bà góa mù, bà góa mù bán cho bác phó cối không con, bác phó cối mất đi thì sống trong sự đùm bọc của dân làng.

→ Mồ côi, bị trao qua đổi lại, lớn lên trong sự cưu mang của cộng đồng.

- Khi lớn lên (20 tuổi): Chí Phèo làm canh điền cho nhà Bá Kiến, lành như đất. Chí là một con người lương thiện đích thực.

- Vì cơn ghen của Bá Kiến, Chí Phèo bị hắn tống vào tù. Sau 7, 8 đi tù về, Chí bị tha hóa, thay đổi cả nhân hình lẫn nhân tính, trở thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại.

* Phân tích chi tiết:

- Hoàn cảnh xuất hiện: Sau một đêm say gặp Thị Nở tỉnh dậy.

- Ý nghĩa chi tiết:

+ Thể hiện sự thức tỉnh về mặt nhận thức của Chí sau những chuỗi ngày dài say triền miên.

+ Đánh thức phần người trong Chí sau sự trượt dài của bi kịch tha hóa.

+ Qua chi tiết này Nam Cao khẳng định: chất người không bao giờ mất đi được ngay cả khi họ bị xã hội thối nát, tàn bạo cướp mất cả nhân hình lẫn nhân tính.

2.4 Điểm tương đồng và khác biệt của hai chi tiết

- Tương đồng:

+ Những chi tiết nghệ thuật đặc sắc.

+ Góp phần miêu tả thành công sự biến đổi trong tâm lí nhân vật.

- Khác biệt:

 + Ở tác phẩm Chí Phèo là những âm thanh quen thuộc của cuộc sống xung quanh, âm thanh ấy hôm nào cũng có. Nhưng hôm nay Chí mới nghe thấy vì chỉ đến hôm nay Chí Phèo mới hoàn toàn tỉnh táo, các giác quan mới trở lại hoạt động bình thường.

  + Chi tiết trong Vợ chồng A Phủ là tác nhân quan trọng nhất đã giúp cho Mị từ một con người tê dại, vô cảm về tâm hồn giờ đã muốn đi chơi. Nghĩa là muốn phá phách, muốn nổi loạn, để quên đi thực tại phũ phàng, nghiệt ngã, quay về với những tháng năm xưa êm đềm, hạnh phúc của tuổi trẻ và tình yêu. 

3. Kết luận

- Khái quát và mở rộng vấn đề.

Xem thêm: Đề và Lời giải chi tiết Đề thi thử THPT Quốc gia môn Ngữ văn mới nhất tại Tuyensinh247.com

 Loigiaihay.com

Từ khóa » đọc Hiểu Trích Cuộc đời Là Một Sự Lựa Chọn