Đề Tài Cấp Bộ “Nghiên Cứu Khảo Cổ Học Tiền Sử Hang động ở Miền ...

Mục tiêu của Đề tài là: (1) Hệ thống hóa tư liệu khảo cổ đã công bố, thẩm định trên hiện trường các tư liệu cũ, phát hiện các di tích mới, xác lập bản đồ khảo cổ hang động vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An, làm căn cứ cho việc nghiên cứu, quản lý di sản văn hóa khảo cổ trong tỉnh. (2) Nghiên cứu đặc trưng, niên đại, diễn trình văn hóa tiền sử và giá trị di sản văn hóa khảo cổ hang động ở vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An trong bối cảnh rộng hơn. (3) Thu thập hiện vật, chuyển giao kết quả nghiên cứu phục vụ trưng bày ở Bảo tàng tỉnh Nghệ An, đào tạo cán bộ trẻ tiếp cận khảo cổ hang động, chuẩn bị cho các chương trình nghiên cứu tiếp theo của Viện khảo cổ học và của ngành khảo cổ học.

Nhiệm vụ đặt ra của Đề tài là: (1) Hệ thống hóa tư liệu khảo cổ hang động miền núi Nghệ An. (2) Điều tra thẩm định các tư liệu cũ, phát hiện mới các di tích hang động. (3) Nghiên cứu đặc trưng, tính chất, niên đại, diễn trình lịch sử văn hóa và giá trị di sản văn hóa tiền sử ở vùng núi Nghệ An. (4) Đề xuất giải pháp bào vệ và phát huy di sản khảo cổ học hang động ở miền núi biên giới tỉnh Nghệ An.

Ngoài Mở đầu và Kết luận, nội dung nghiên cứu của đề tài được trình bày trong 4 chương, ngoài ra, còn có trên 200 tài liệu tham khảo, tập Phụ lục gồm: 10 trang thống kê các di tích khảo cổ vùng núi Nghệ An và 75 trang minh họa (10 bản đồ, 14 sơ đồ, 39 bản vẽ và 266 ảnh).

Chương 1: Tổng quan tư liệu. Đề tài đã thẩm định trên thực địa 24 di tích hang động cũ và phát hiện mới 21 hang động gồm các loại di tích cổ sinh hóa thạch, các di tích cư trú thời đại Đá cũ, Đá mới và Kim khí. Trên cơ sở điều tra, thám sát thăm dò đã xác lập bảng thống kê chi tiết 37 di tích khảo cổ trong vùng, xây dựng 10 bản đồ phân bố di tích cho từng huyện, từng giai đoạn tiền sử, khảo tả, đo vẽ, chụp ảnh toàn bộ tư liệu mới phát hiện, tổng kết những ý kiến chính, bàn thảo chính về khảo cổ học, nêu lên những vấn đề chính đã giải quyết và những vấn đề mới đặt ra cho vùng này.

Chương II: Thời đại Đá cũ ở vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An. Trên cơ sở tư liệu cấu tạo trầm tích, thành phần động vật, bào tử phấn hoa, dao động mực nước biển…, công trình xác định từ 80.000 đến 40.000 BP, khí hậu vùng núi Nghệ An không khác gì vùng Đông Nam Á rộng lớn. Thành phần động vật hang Thẩm Ồm và một số hang khác như Hang Hùm, Làng Tráng giống với một số hang trên đảo Indonesia. Sau 40.000 năm, nước biển bắt đầu dâng, một số vùng đất thấp bị biển nhấn chìm, một vài nơi ở Đông Nam Á bị chia cắt khỏi đất liền, tạo thành các đảo. Một số loài động vật giai đoạn này bị tuyệt diệt hoặc trở nên khan hiếm. Thành phần động vật vùng núi Nghệ An nói riêng và Bắc Việt Nam nói chung khác với thành phần động vật các đảo ngoài khơi của Đông Nam Á. Các di tích hậu kỳ Đá cũ vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An là một trong các nhóm địa phương của kỹ nghệ Sơn Vi; tương ứng với một thị tộc. Có thể ở vùng núi Nghệ An tồn tại 2 nhóm thị tộc: một là vùng núi đá vôi (Thẩm Ồm - Thẩm Chàng) và hai là vùng đồi gò thềm sông (Làng Vạc - Xóm Đình). Các nhóm này gần nhau về địa lý, giống nhau về di tích và di vật, liên kết với nhau thành bộ lạc; một hình thái cộng đồng tộc người và tổ chức xã hội nguyên thủy, cùng huyết thống, cùng lãnh thổ chung và ngôn ngữ chung.

Chương III: Thời đại Đá mới ở vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An. Cư dân Đá mới sớm đều cư trú trong hang hoặc dưới mái đá. Hoạt động kiếm sống của cư dân Đá mới sớm ở vùng núi Nghệ An là săn bắt và thu hái. Thành tựu nổi bật là thu lượm các loài ốc núi, ốc suối và ốc ruộng, cùng các loại quả, hạt và rau củ khác. Trong giai đoạn này con người liên kết nhau trong một tổ chức xã hội, có thể tương ứng với chế độ công xã thị tộc dòng mẹ. Đối với cư dân Đá mới muộn ở đây, ngoài săn bắt, đánh cá, còn có các hoạt động thủ công chế tác rìu đá, làm đồ trang sức, chế tạo đồ gốm, kéo sợi dệt vải (qua dọi se sợi), có thể đã biết đến việc chăm sóc cây củ ven sông. Với nền tảng kinh tế hỗn hợp ấy, có thể có sự thay đổi nào đó trong cơ cấu tổ chức xã hội, ở đây vai trò của gia đình nhỏ, của người phụ nữ là rất quan trọng trong việc thu hái, chăm sóc cỏ cây, làm gốm và là hạt nhân gắn kết gia đình.

Chương IV: Nhận thức di sản văn hóa tiền sử hang động vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An. Các hình khắc lỗ vũm tròn và hình người trong tư thế động ở Mái đá Bò 1 còn nguyên vẹn, kết tinh ở đỉnh cao kỹ thuật chạm khắc đá, phản ánh tư duy, cảm nghĩ của con người đương thời, cung cấp nguồn sử liệu khách quan, trung thực bằng hình ảnh về hoạt động vật chất và tinh thần của con người, một khía cạnh quan trọng trong diễn trình mỹ thuật tiền sử nước nhà vốn còn rất non trẻ và hạn chế về tư liệu mỹ thuật. Những di tích khắc đá này còn là kết quả hoạt động nghệ thuật tạo hình của con người trong điều kiện thiên nhiên cụ thể và của một cộng đồng người nhất định; phản ánh nhận thức cái đẹp, sáng tạo nghệ thuật trong quá trình lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng và trong các mối liên hệ với các cộng đồng khác. Giá trị mỹ thuật, niên đại các di tích này hiện chưa giải mã. Do vậy, chúng cần được bảo vệ, nghiên cứu và phát huy trong tương lai.

Từ những kết quả nghiên cứu của Đề tài, các tác giả nhận định:  (1) Đặc trưng văn hóa Đá mới sớm ở vùng núi biên giới Nghệ An là sự tồn tại duy nhất di tích hang động, mái đá với tổ hợp công cụ chặt thô, nạo cắt, công cụ hình rìu, nạo hình đĩa, chày, mũi nhọn, dao và công cụ mảnh tước. Ở đây hầu như không gặp rìu ngắn, rìu mài lưỡi như các di tích Văn hóa Hòa Bình điển hình khác ở Việt Nam. Các di tích Đá mới sớm ở vùng núi biên giới Nghệ An là một bộ phận không thể tách rời thời đại Đá mới Bắc Trung Bộ Việt Nam, tiêu biểu là Mái đá Điều và hang Con Moong (Thanh Hóa) ở phía bắc, cũng như các di tích Yên Lạc, Kim Bảng, Xóm Thâm, Xóm Thón và Đức Thi (Quảng Bình) ở phía nam. Những cư dân Đá mới sớm vùng núi ở Bắc Trung Bộ có mối liên hệ với nhau và với các nhóm cư dân Đá mới sớm ở Lào, đều mang đặc trưng cơ bản của Văn hóa Hòa Bình ở Đông Nam Á lục địa. Ở vùng núi biên giới Nghệ An hiện chưa tìm thấy di tích trung kỳ Đá mới kiểu văn hóa Đa Bút và văn hóa Quỳnh Văn, cũng như văn hóa hậu kỳ Đá mới kiểu Văn hóa Bàu Tró, vốn phân bố đậm đặc ở đồng bằng ven biển Bắc Trung Bộ Việt Nam. Dấu tích văn hóa giai đoạn Đông Sơn được thể hiện rõ nhất ở các sưu tập cuốc đá, rìu đồng, giáo đồng, trống đồng và chuông đồng tìm thấy ở một số địa bàn vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An, mà đỉnh cao là di tích Làng Vạc. 

(2) Văn hóa tiền sử vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An là thành tố cơ bản của văn hóa tiền sử Bắc Trung Bộ Việt Nam, có vị trí quan trọng trong diễn trình phát triển văn hóa tiền sử Việt Nam và Đông Nam Á. Điều này được khẳng định qua đặc thù phát triển tiền sử vùng núi biên giới Nghệ An. Nơi mà, thời đại Đá cũ hoàn toàn vắng mặt kỹ nghệ rìu tay và mảnh tước, tồn tại đậm nét kỹ nghệ cuội ghè hậu kỳ Đá cũ với 2 mức sớm muộn khác nhau: Mức sớm thuộc kỹ nghệ đá quartz độc tôn và mức muộn thuộc kỹ nghệ cuội ghè Sơn Vi. Chủ  nhân của giai đoạn sớm là các hóa thạch Homo sapiens ở hang Thẩm Ồm. Di cốt hóa thạch người giai đoạn này đã tìm thấy ở hang Tam Paling (Lào) có tuổi tuyệt đối là 60.000 năm BP, song chưa thấy công cụ đá như Thẩm Ồm. Hai di tích Thẩm Ồm (Nghệ An) và Tam Paling (Lào) đều nằm cùng khối núi đá vôi, minh chứng cho vùng đất cổ, cái nôi hình thành Người hiện đại đầu tiên ở Đông Nam Á.

(3) Các di tích thời đại Đá mới vùng núi biên giới Nghệ An duy nhất là loại hình hang động, mái đá. Những di tích sớm mang đặc trưng Văn hóa Hòa Bình, đã xuất hiện yếu tố địa phương rõ nét. Chúng gợi mở dạng trung chuyển giữa yếu tố Hòa Bình sớm ở vùng Thanh Hóa - Hòa Bình với yếu tố Hòa Bình muộn ở vùng Quảng Bình - Quảng Trị. Cùng với các di tích Hòa Bình ở Bắc Trung Bộ, Đá mới sớm vùng núi Nghệ An là một thành tố của Hòa Bình cổ điển, từ đây phát triển ra khu vực xung quanh như Lào, Campuchia, Thái Lan và Myanmar, tham góp tạo dựng văn hóa Đá mới Đông Nam Á thống nhất trong đa dạng.

(4) Các di tích này là một văn hóa khảo cổ, một phức hợp văn hóa hay phức hợp kỹ thuật cũng cần tiếp tục thảo luận trong tương lai. Các di tích Đá mới sau Hòa Bình ở vùng núi biên giới tỉnh Nghệ An đã có những đóng góp nhất định cho việc thành tạo các di tích văn hóa Trung kỳ Đá mới Đa Bút, Quỳnh Văn và các di tích văn hóa hậu kỳ Đá mới Thạch Lạc, Bàu Tró ở vùng đồng bằng ven biển Bắc Trung bộ Việt Nam.

(5) Giá trị của di tích khắc đá Mái đá Bò 1 trong hệ thống các di tích khắc đá cổ Việt Nam như hang Đồng Nội (Hòa Bình), hang Thượng Phú (Quảng Bình) và các bãi khắc đá cổ Sa Pa (Lào Cai), Xín Mần (Hà Giang), Pá Màng và Khe Hổ (Sơn La) cho thấy, Mái đá Bò 1 là di tích khắc đá hang động nguyên vẹn nhất; chứa đựng một số giá trị nổi bật về văn hóa nghệ thuật; kết tinh ở đỉnh cao kỹ thuật chạm khắc đá, tư duy, cảm nghĩ của con người bằng các chủ đề hiện thực.

(6) Trong quá trình tồn tại và phát triển, cư dân tiền sử vùng núi biên giới Nghệ An đã để lại cho nhân loại những giá trị di sản văn hóa nổi bật về sự hình thành đầu tiên của Người hiện đại, sự tương thích của con người với những biến động khắc nghiệt của môi trường vùng thượng lưu sông Lam. Sự thích ứng này được thể hiện rõ nhất ở mô thức cư trú hang động, chiến lược khai thác thức ăn trong thung lũng, hành vi và kỹ thuật chế tác công cụ đá và việc xuất hiện đồ gốm đất nung vào giai đoạn muộn. Sự đa dạng văn hóa và tập tính, truyền thống của con người trong cư trú hang động, trong sử dụng khai thác thung lũng đá vôi ven sông Lam và sự tương thích của con người với môi trường nhiệt đới gió mùa khắc nghiệt vốn nằm sâu trong lục địa để sinh tồn và phát triển, đã được hun đúc lâu đời và trở thành truyền thống quý giá của cư dân Xứ Nghệ.

Kết quả nghiên cứu của Đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao về ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Đề tài có đóng góp mới cho nghiên cứu thời đại Đá, nhất là thời đại Đá cũ Việt Nam, gợi mở nhiều vấn đề trong phương pháp tiếp cận và định hướng nghiên cứu về quá trình xuất hiện và tiến hóa của loài người ở Việt Nam và khu vực. Mặt khác, những phát hiện và kết quả nghiên cứu này giúp cho địa phương có cơ sở pháp lý để tiến hành quy hoạch, bảo vệ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa lịch sử tại địa phương./. 

Nguyễn Thu Hà

Từ khóa » Hậu Kỳ đá Mới Là Gì