Đề Thi Cuối Học Kì 2 Lớp 4 Môn Tiếng Việt Có đáp án

Đề thi cuối học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt Có đáp án năm 2024Đề thi lớp 4 cuối kì 2 môn Tiếng ViệtBài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Đề thi cuối học kì 2 lớp 4 môn Tiếng việt có đáp án chi tiết giúp các em học sinh ôn tập củng cố kiến thức các dạng bài tập ôn thi cuối học kì 2 đạt kết quả cao. Đồng thời đây là tài liệu chuẩn các mức độ đề thi giúp các thầy cô khi ra đề thi học kì 2 cho các em học sinh. Mời các em cùng các thầy cô tham khảo đề thi học kì 2 lớp 4 môn tiếng việt này.

>> Đề cương ôn tập học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 năm 2022 - 2023

Đề thi cuối học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt năm 2024

  • 1. Đề thi học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt
  • 2. Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4
  • 3. Đề thi học kì 2 lớp 4 Tải nhiều năm 2024

1. Đề thi học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Việt

A. Phần đọc

I. Đọc thành tiếng (3 điểm) GV cho học sinh bắt thăm đọc và trả lời câu hỏi theo phiếu in sẵn (có hướng dẫn riêng)

II. Đọc thầm và làm bài tập (7 điểm)

* Đọc thầm bài văn sau:

Ngụ ngôn về ngọn nến

Một tối mất điện, ngọn nến được đem ra đặt ở giữa phòng. Người ta châm lửa cho ngọn nến và nến lung linh cháy sáng. Nến hân hoan nhận ra rằng ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã đem lại ánh sáng cho cả căn phòng. Mọi người đều trầm trồ: “Ồ, nến sáng quá, thật may, nếu không chúng ta sẽ chẳng nhìn thấy gì mất.”. Nghe thấy vậy, nến vui sướng dùng hết sức mình đẩy lui bóng tối xung quanh.

Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra lăn dài theo thân nến. Nến thấy mình càng lúc càng ngắn lại. Đến khi chỉ còn một nửa, nến giật mình: “Chết mất, ta mà cứ cháy mãi thế này thì chẳng bao lâu sẽ tàn mất thôi. Tại sao ta phải thiệt thòi như vậy?”. Nghĩ rồi, nến nương theo một cơn gió thoảng để tắt phụt đi. Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm.

Mọi người trong phòng nhớn nhác bảo nhau: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?”. Ngọn nến mỉm cười tự mãn và hãnh diện vì tầm quan trọng của mình. Nhưng bỗng một người đề nghị: “Nến dễ bị gió thổi tắt lắm, để tôi đi tìm đèn dầu”. Mò mẫm trong bóng tối ít phút, người ta tìm được một chiếc đèn dầu. Đèn dầu được thắp lên còn ngọn nến cháy dở thì bị bỏ vào ngăn kéo tủ.

Ngọn nến buồn thiu. Thế là từ nay nó sẽ bị nằm trong ngăn kéo, khó có dịp cháy sáng nữa. Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người, dù chỉ có thể cháy với ánh lửa nhỏ và dù sau đó nó sẽ tan chảy đi.

Bởi vì nó là ngọn nến.

(Theo nguồn Internet)

*Dựa vào nội dung bài đọc, khoanh vào chữ cái trước ý trả lời đúng (Từ câu 1 đến câu 9) và làm theo yêu cầu.

Câu 1. (0,5 điểm) Vì sao khi được đốt sáng, ngọn nến rất vui sướng?

A. Vì khi đốt sáng, ngọn nến trở nên lung linh rất đẹp

B. Vì ngọn nến thấy ngọn lửa nhỏ nhoi của nó đã đem ánh sáng cho cả nhà, nó thấy mình có ích

C. Vì nó nhận ra mình có sức mạnh đẩy lùi, chiến thắng được cả bóng tối

Câu 2. (0,5 điểm) Vì sao ngọn nến lại nương theo gió để tắt đi không chiếu sáng nữa?

A. Vì khi cháy bị nóng quá, nến đau không chịu đựng được

B. Vì gió to, nến khó lòng chống chọi lại được

C. Vì nến sợ mình sẽ cháy hết, sẽ chịu thiệt thòi

Câu 3. (0,5 điểm) Ngọn nến có kết cục như thế nào?

A. Bị bỏ trong ngăn kéo, nằm buồn thiu, khó có dịp cháy sáng nữa

B. Được cắm trên một chiếc bánh sinh nhật

C. Được để trong hộp đồ khâu của bà dùng để chuốt cho săn chỉ

Câu 4. (0,5 điểm) Ngọn nến hiểu ra điều gì?

A. Ánh sáng của nến không thể so được với ánh sáng của đèn dầu

B. Là ngọn nến thì chỉ có thể được dùng khi mất điện

C. Hạnh phúc là được cháy sáng, sống có ích cho mọi người, dù sau đó có thể sẽ tan chảy đi

Câu 5. (0,5 điểm) Câu: “Nến tắt mất rồi, tối quá, làm sao bây giờ?” thuộc loại câu nào?

A. Câu kể

B. Câu hỏi

C. Câu cảm

D. Câu khiến

Câu 6. (0,5 điểm) Trong câu: “Thế nhưng, những dòng sáp nóng đã bắt đầu chảy ra lăn dài theo thân nến.”, bộ phận nào là vị ngữ?

A. đã bắt đầu chảy ra lăn dài theo thân nến

B. chảy ra lăn dài theo thân nến

C. lăn dài theo thân nến

Câu 7. (0,5 điểm) Từ “hạnh phúc” trong câu: “Nến chợt hiểu rằng hạnh phúc của nó là được cháy sáng vì mọi người.” thuộc từ loại nào?

A. Danh từ

B. Động từ

C. Tính từ

Câu 8. (0,5 điểm) Dòng nào dưới đây gồm các từ trái nghĩa với từ “lạc quan”?

A. tin tưởng, phấn khởi, hi vọng

B. tin tưởng, chán đời, thất vọng

C. rầu rĩ, bi quan, chán chường

Câu 9. (1 điểm) Trong câu: “Một sợi khói mỏng manh bay lên rồi nến im lìm trong bóng tối.” có mấy tính từ?

A. Một tính từ (Đó là: ........................................)

B. Hai tính từ (Đó là: .................................................................)

C. Ba tính từ (Đó là: ...................................................................................)

Câu 10. (1 điểm) Qua câu chuyện trên, em rút ra được bài học gì cho bản thân?

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

...............................................................................................................................

Câu 11. (1 điểm) Thêm trạng ngữ vào chỗ trống để hoàn thiện các câu sau:

a) Trạng ngữ chỉ địa điểm:

.............................................................., nến đã được thắp lên.

b) Trạng ngữ chỉ thời gian:

..................................................................., nến được thắp lên.

B. Phần viết

I. Chính tả (2 điểm): Nghe viết - 15 phút

Cây gạo

Mùa xuân, cây gạo gọi các loài chim đến. Chim nhỏ ở những cành thấp hơn. Chúng bay ríu rít, giọng cao, giọng trầm, chuyện trò với nhau tưng bừng, nhộn nhịp, lại tranh cãi với nhau như họp chợ. Nhưng cây gạo chỉ là câu lạc bộ để các đàn chim nghỉ ngơi trong chốc lát, chuẩn bị cho những chuyến bay dài mà thôi. Chúng không bao giờ làm tổ trên cây gạo. Vì cây gạo mềm dẻo, niềm nở đón và tiễn những làn gió qua lại.

(Theo Lý Khắc Cung)

II. Tập làm văn (8 điểm) - 35 phút

Học sinh chọn một trong hai đề sau:

Đề 1: Gia đình em có nuôi một con vật, hãy tả con vật đó.

Đề 2: Em đã từng được quan sát một con vật trong vườn thú, trong trang trại hay ở một nơi khác. Hãy tả con vật đó.

2. Đáp án Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4

A/ KIỂM TRA ĐỌC (10 điểm)

I. Đọc thành tiếng: (3 điểm)

- Đọc vừa đủ nghe, rõ ràng; tốc độ đọc đạt yêu cầu, giọng đọc có biểu cảm : 1 điểm

+ Giọng đọc bước đầu có biểu cảm (1 điểm)

+ Giọng đọc chưa thể hiện rõ tính biểu cảm (0,5 điểm)

+ Giọng đọc không thể hiện tính biểu cảm (0 điểm)

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa; đọc đúng tiếng, từ (không đọc sai quá 5 tiếng): 1 điểm

+ Đọc sai 2 đến 4 tiếng (0,5 điểm)

+ Đọc quá 2 phút, sai trên 5 tiếng (0 điểm)

- Trả lời đúng câu hỏi về nội dung đoạn đọc: 1 điểm

+ Trả lời chưa đủ ý hoặc diễn đạt chưa rõ ràng (0,5 điểm)

+ Trả lời sai hoặc không trả lời được (0 điểm)

II. Đọc hiểu: (7 điểm)

Câu 10: (1 điểm) HS nêu được các ý sau:

- Không nên sống ích kỉ, ích kỉ là một thói xấu hay gặp và dễ mắc phải. Không nên chỉ vì cái ích kỉ của bản thân mà không nghĩ đến người khác vì đem lại hạnh phúc cho người khác cũng là mang lại hạnh phúc cho chính mình

. - Dù ở vị trí nào chúng ta cũng phải biết cống hiến toàn bộ khả năng của mình để trở thành người sống có ích cho mọi người. Có như thế con người mới không hối tiếc vì đã sống hoài, sống phí.

Câu

1

2

3

4

5

6

7

8

9

Đáp án

B

C

A

C

B

A

A

C

B

Điểm

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

0,5

1 điểm: mỏng manh, im lìm

Câu 11: (1 điểm): HS đặt câu đúng yêu cầu, nội dung phù hợp mỗi phần được 0,5 điểm

a) Trạng ngữ chỉ địa điểm:

Trong ngôi nhà kia, nến đã được thắp lên.

b) Trạng ngữ chỉ thời gian:

Vào lúc chập tối, nến được thắp lên.

B/ PHẦN KIỂM TRA VIẾT (10 điểm)

I. Chính tả (2 điểm)

- Bài viết tốc độ đạt yêu cầu (0,25 điểm)

- Chữ viết rõ ràng (0,25 điểm)

- Viết đúng kiểu chữ, cỡ chữ (0,25 điểm)

- Trình bày đúng quy định (0,25 điểm)

- Viết sạch, đẹp (0,25 điểm)

- Viết đúng chính tả (không mắc quá 5 lỗi) : 1 điểm

2. Tập làm văn (8 điểm)

Bài viết rõ bố cục, đủ 3 phần mở bài, thân bài, kết bài: 1 điểm

* Mở bài: (1 điểm) giới thiệu được con vật em yêu thích

* Thân bài: (4 điểm), trong đó:

- Nội dung : + Tả ngoại hình: 1 điểm

+ Tả các hoạt động: 1 điểm

- Kĩ năng : + Trình tự miêu tả hợp lí: 1 điểm

+ Diễn đạt câu trôi chảy 1 điểm

* Kết bài: (1 điểm) Nêu được tình cảm….

Bài viết có sáng tạo, có hình ảnh (1 điểm)

- Tùy theo mức độ sai sót về ý, về diễn đạt và chữ viết, giáo viên vận dụng phù hợp để cho điểm học sinh

* Bài được 7,5 -> 8 điểm (điểm giỏi) phải là bài văn hay, không mắc lỗi chính tả.

(Nếu bài văn viết mắc từ 3 lỗi chính tả trở lên – không ghi điểm giỏi)

Lưu ý:

* Bài kiểm tra được giáo viên sửa lỗi, nhận xét, cho điểm theo thang 10 điểm, không cho điểm 0, không cho điểm thập phân

- Khi chấm chính tả, GV cần gạch chân chữ viết sai. Lỗi do viết thiếu chữ GV ghi bổ sung các chữ còn thiếu bằng bút đỏ.

- Khi chấm TLV, cần gạch chân hoặc ghi kí hiệu lỗi về câu, từ, CT… Dựa vào hướng dẫn chấm, giáo viên cần có lời nhận xét cả bài chính tả và TLV.  Lời nhận xét cần để HS hiểu lí do mình bị trừ điểm.

Đề 1: Gia đình em có nuôi một con vật, hãy tả con vật đó

Bài làm 1:

Phía sau vườn nhà em, mẹ có nuôi một đàn gà. Trong đó em đặc biệt yêu thích chú gà trống choai to lớn, vì chú ta chính là thủ lĩnh của cả đàn gà.

Chú gà ấy mới chỉ hơn tám tháng tuổi mà đã to lớn và oai vệ nhất đàn rồi. Thân chú ta to và chắc nịch như một quả dừa lớn. Khắp thân được bao phủ bởi bộ lông mềm mượt màu đồng ánh đỏ. Từng sợi lông dài xếp chồng lên nhau tạo thành bộ áo giáp bảo vệ chú khỏi mưa, gió rét. Cái cổ chú dài chừng nửa gang tay, to chừng cái ống nước. Trên cùng là chiếc đầu to và bướng với cái mỏ khoằm màu vàng cứng cáp, đôi mắt đen nhỏ nhưng sắc bén. Trên đầu chú là chiếc mào đỏ tươi, hệt như cái vương miện của những chàng hoàng tử nhỏ. Cặp chân của chú thì dài và to hơn hẳn các chú gà khác trong đàn, những cựa, móng sắc nhọn, đủ để khiến mấy chú chó nghịch ngợm phải sợ hãi. Cái đuôi của chú ta thì vừa to vừa dài, bóng mượt. Chỉ cần tưởng tượng mái tóc buộc đuôi gà của các chị là ta nghĩ ra ngay. Đôi cánh của chú to và dài, thường cụp vào y như các loài chim vẫn thường làm. Mỗi khi chú ta duỗi cánh rồi vỗ phành phạch tạo ra từng luồng gió lớn. Chú ta khỏe đến mức, có thể bay được từng quãng ngắn. Tuy không cao nhưng cũng đủ khiến đàn gà phải khiếp sợ.

Mỗi sáng, khi mặt trời mọc, chú gà trống lại thức dậy, bay lên ngọn cây xoài cao nhất rồi cất tiếng gáy dõng dạc Ò… ó… o… để đánh thức mọi người. Trong ngày, ngoại trừ lúc ăn ra thì chú ta luôn đi một mình chứ chẳng tụ tập với mấy chú gà khác. Thế nhưng chỉ cần có người lạ hay động vật đi vào vườn chú ta sẽ xuất hiện ngay như một người hùng.

Em thích chú gà trống choai này lắm. Mỗi ngày, em đều dành thời gian ra vườn cho gà ăn để được trông thấy chú. Em mong rằng càng ngày chú sẽ càng to lớn và khỏe mạnh.

Bài làm 2:

Bà em có nuôi một con mèo mướp già. Vì lúc bà đón nó về nhà trời đang có mưa dông, nên bà đặt tên cho nó là Bão.

Bão năm nay đã năm tuổi rồi, một độ tuổi đáng kể với loài mèo. Nhưng vì được bà em yêu thương, chăm sóc chu đáo nên nó vẫn rất khỏe mạnh và béo tốt. Bão nặng hơn 6kg, khi được bà bế thì trông như em bé vậy. Vì mập mạp, nên chẳng thể thấy rõ cổ của Bão đâu. Chỉ thấy cả một cục lông màu vàng cam tròn xoe mà thôi. Khi ôm thì thấy chú ta cực kì mềm mại. Đã vậy nó còn có thể uốn thành đủ mọi tư thế như một loại chất lỏng nữa cơ. Đầu Bão khá to, tròn như cái bánh dày. Đôi tai nhỏ hình tam giác thường vểnh lên để nghe ngóng. Đôi mắt xanh to tròn như viên ngọc thường lim da lim dim. Cái miệng nhỏ xinh hay keeo meo meo, để lộ cái lưỡi hồng đáng yêu. Bốn cái chân của Bão cũng mập mạp lắm. Còn cái bàn chân thì y như cái bánh mô-chi mà bà thường mua cho em ăn. Bão có cái đuôi khá dài, to gần bằng ba ngón tay. Mỗi khi nó tỏ vẻ khoái chí, thì sẽ nhẹ nhàng đong đưa chóp đuôi. Riêng cái bụng của Bão thì đúng là tuyệt vời. Nó vừa tròn, lại to và mềm mại nữa chứ. Tuy nhiên chỉ có bà em mới được sờ vào bụng của Bão thôi. Còn lại em và mọi người trong nhà chỉ được chạm vào đầu của nó thôi.

Bão rất kiêu kì nhưng cũng rất ngoan. Nó xem bà em như người thân của nó. Lúc nào Bão cũng quân quýt bên bà, thoải mái cho bà bồng bề hay xoa nắn. Em mong nó sẽ luôn khỏe mạnh để sống với bà thật là lâu.

>> Chi tiết: Tả một con vật nuôi trong gia đình em 

Đề 2: Em đã từng được quan sát một con vật trong vườn thú, trong trang trại hay ở một nơi khác. Hãy tả con vật đó.

Bài làm 1

Tuần vừa rồi, vườn thú gần nhà em đã đón một gia đình khỉ về sinh sống. Trong gia đình đó, có một chú khỉ con vô cùng đáng yêu.

Khi em đến xem, chú khỉ con đang ngồi chơi trên cành cây. Chú có dáng vẻ như một đứa bé khoảng gần hai tuổi. Toàn thân bao phủ một lớp lông mềm mịn vàng nhạt. Những sợi lông ấy bông xù lên khiến chú khỉ con càng thêm mập mạp. Riêng khuôn mặt và lòng bàn tay, bàn chân của chú thì không có lông, mà có một lớp da dày màu hồng nhạt. Khuôn mặt chú khá nhỏ, nổi bật với đôi mắt đen láy to tròn và cái mũi thấp cùng cái miệng nhỏ. Đôi tai của chú khá tròn và hơi mỏng. Mỗi khi nghe ngóng điều gì sẽ khẽ nhúc nhích. Tay chân của chú khỉ con còn hơi nhỏ nhưng bù lại rất nhanh nhẹn và linh hoạt. Vừa thấy em vẫy gọi bằng quả chuối chín, là chú liền tụt xuống đất và chạy lại ngay. Cầm lấy quả chuối chín, chú nhanh chóng bóc vỏ rồi ăn thật ngon lành.

Chú khỉ con vừa đáng yêu lại ngoan ngoãn nên ai cũng yêu thích. Em mong chú sẽ luôn khỏe mạnh và lớn lên thật nhanh.

Bài làm 2

Cuối tuần vừa rồi, em được bố mẹ dẫn đi tham quan vườn thú. Ở đó, em đã lần đầu tiên được nhìn thấy một chú hổ dũng mãnh bằng xương, bằng thịt.

Con hổ được sống trong một khu vườn rộng lớn như sân trường của em vậy. Ở đó có hồ nước, có các bụi cây, hang động và cả bãi cỏ với các cây cổ thụ cao lớn nữa. Nó như là một khu rừng thu nhỏ lại vậy. Từ hang động và trong tiếng reo hò của du khách, chú hổ dũng mãnh bắt đầu bước ra. Con hổ có vẻ ngoài như một chú mèo nhưng to lớn hơn rất nhiều lần. Nếu chồm lên, nó còn cao lớn hơn cả một người trưởng thành. Toàn thân chú hổ được bao phủ bởi một bộ lông siêu dày và trông rất mềm mại. Bộ lông ấy có màu đỏ cam và đen đan xen nhau thành các đường vằn vện nguy hiểm. Còn phần bụng thì lại là một lớp lông trắng tinh trông thật mềm mại. Khuôn mặt chú như một chú mèo nhưng loại toát lên vẻ oai nghiêm và hung dữ với đôi mắt to và lạnh lùng. Đáng sợ nhất chính là hàm răng to, sắc nhọn cùng bộ móng vuốt của chú hổ. Nhìn chú sung sướng ăn một cái đùi lớn được đưa vào, em mới hiểu được sức mạnh của lực cắn xé từ chú hổ.

Nhìn chú hổ trong vườn thú, em vừa thích thú lại có chút tiếc nuối. Bởi vì nếu được ở trong tự nhiên thì có lẽ chú đã có cuộc sống thoải mái và hạnh phúc hơn.

>> Chi tiết: Tả một con vật nuôi trong vườn thú Hay nhất (73 mẫu)

Ngoài ra các bạn có thể luyện tập thêm: Đề thi học kì 2 lớp 4 môn Toán; Đề thi học kì 2 lớp 4 môn Tiếng Anh; Đề thi học kì 2 lớp 4 môn Khoa học,.... như sau:

3. Đề thi học kì 2 lớp 4 Tải nhiều năm 2024

  • Đề thi học kì 2 môn Toán lớp 4 Tải nhiều
  • Đề thi học kì 2 môn Tiếng Việt lớp 4 Tải nhiều
  • Đề thi học kì 2 lớp 4 môn tiếng Anh có đáp án
  • Đề thi học kì 2 môn Khoa học lớp 4 Tải nhiều
  • Đề thi học kì 2 môn Lịch sử - Địa lý lớp 4 Tải nhiều
  • Đề thi học kì 2 môn Tin học lớp 4 Tải nhiều

Từ khóa » Truyện Ngụ Ngôn Về Ngọn Nến