Đề Thi Học Kì 2 Tiếng Việt Lớp 4 Năm 2022 Có đáp án (50 đề)

Bộ đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm học 2024 - 2025 hay nhất, chọn lọc, có đáp án được biên soạn, chọn lọc từ đề thi của các trường Tiểu học. Hi vọng bộ đề thi này sẽ giúp học sinh ôn tập và đạt kết quả cao trong các bài thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2.

  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 Thông tư 27 có đáp án (10 đề)
  • Top 20 Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 có đáp án
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 có đáp án năm 2024 (10 đề)
  • Bộ 15 Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 năm 2024 tải nhiều nhất
  • Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học học kì 1 năm 2024 có ma trận (20 đề)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 1)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 2)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 3)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 4)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 5)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 6)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 7)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 8)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 9)
  • Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 (Đề 10)

Top 20 Đề thi Học kì 2 Tiếng Việt lớp 4 năm 2024 (có đáp án)

Xem thử Đề CK2 Tiếng Việt 4

Chỉ từ 150k mua trọn bộ đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 bản word có lời giải chi tiết:

  • B1: gửi phí vào tk: 0711000255837 - NGUYEN THANH TUYEN - Ngân hàng Vietcombank (QR)
  • B2: Nhắn tin tới Zalo VietJack Official - nhấn vào đây để thông báo và nhận đề thi

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 1)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng: 3 điểm.

II. Đọc thầm và làm bài tập: 7 điểm.

ĐƯỜNG ĐI SA PA

Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

Buổi chiều, xe dừng lại ở một thị trấn nhỏ. Nắng phố huyện vàng hoe. Những em bé Hmông, những em bé Tu Dí, Phù Lá cổ đeo móng hổ, quần áo sặc sỡ đang chơi đùa trước cửa hang. Hoàng hôn, áp phiên của phiên chợ thị trấn, người ngựa dập dìu chìm trong sương núi tím nhạt.

Hôm sau chúng tôi đi Sa Pa. Phong cảnh ở đây thật đẹp. Thoắt cái, lá vàng rơi trong khoảnh khắc mùa thu. Thoắt cái, trắng long lanh một cơn mưa tuyết trên những cành đào, lê, mận. Thoắt cái, gió xuân hây hẩy nồng nàn với những bông hoa lay ơn màu đen nhung quý hiếm.

Sa Pa quả là món quà tặng diệu kì mà thiên nhiên dành cho đất nước ta.

Nguyễn Phan Hách

Khoanh vào trước câu trả lời đúng:

Câu 1: Sa Pa là một địa danh thuộc vùng nào của đất nước? (0,5đ)

a) Vùng núi

b) Vùng đồng bằng

c) Vùng biển

d) Thành phố

Câu 2: Những bức tranh phong cảnh bằng lời trong bài thể hiện sự quan sát tinh tế của tác giả. Em hãy cho biết chi tiết nào thể hiện sự quan sát tinh tế ấy? (0,5đ)

a) Những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa.

b) Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo khiến du khách tưởng như đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời.

c) Nắng phố huyện vàng hoe.

d) Tất cả các câu trên đều đúng.

Câu 3: Vì sao tác giả gọi Sa Pa là “món quà kì diệu của thiên nhiên” (0,5đ)

a) Vì phong cảnh của Sa Pa rất đẹp.

b) Vì Sa Pa có phong cảnh đẹp và sự đổi mùa trong một ngày ở Sa Pa rất lạ lùng, hiếm có.

c) Vì Sa Pa có núi non hùng vĩ.

d) Vì Sa Pa ở thành phố

Câu 4: Bài văn thể hiện tình cảm của tác giả đối với cảnh đẹp Sa Pa như thế nào? (0,5đ)

a) Tác giả thể hiện sự ngưỡng mộ, háo hức trước cảnh đẹp Sa Pa và ngợi Sa Pa là món quà kì diệu thiên nhiên dành cho đất nước ta.

b) Tác giả ca ngợi vẻ đẹp của Sa Pa.

c) Tác giả thể hiện tình cảm yêu quý thiên nhiên khi đến Sa Pa.

d) Tác giả quê ở Sa Pa.

Câu 5: Em hãy cho biết câu nào trong bài có sử dụng biện pháp so sánh?(1đ)

Câu 6: Câu: “Nắng phố huyện vàng hoe” là kiểu câu kể nào? (0,5đ)

a) Câu kể Ai là gì?

b) Câu kể Ai làm gì?

c) Câu kể Ai thế nào?

d) Tất cả các câu kể trên.

Câu 7: Những con ngựa ăn cỏ trong vườn đào có những màu sắc nào? (1,5đ)

Câu 8: Những hoạt động nào sau đây được gọi là du lịch? (0,5đ)

a) Đi chơi ở công viên gần nhà.

b) Đi chơi xa để nghỉ ngơi, ngắm cảnh.

c) Đi làm việc xa nhà.

d) Đi học

Câu 9: Viết tiếp vào chỗ trống bộ phận vị ngữ, chủ ngữ còn thiếu để câu dưới đây cho hoàn chỉnh. (1đ)

a)Buổi chiều, xe……………………………………

b) … vàng hoe.

Câu 10: Phong cảnh ở Sa Pa thật đẹp có những mùa nào trong ngày. (0,5đ)

a) Mùa thu, mùa thu

b) Mùa thu, mùa đông, mùa xuân.

c) Mùa xuân, mùa hè.

d) Mùa hè, mùa thu.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (nghe – viết 15-20 phút) (2 điểm)

Giáo viên đọc cho học sinh (nghe viết) một đoạn trong bài “Con chuồn chuồn nước” (SGK TV4 – T2 trang 127).

Con chuồn chuồn nước

Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cánh khẽ rung rung như còn đang phân vân.

Nguyễn Thế Hội

II. Viết đoạn, bài (Khoảng 35-40 phút) (8 điểm)

Đề bài: Tả một con vật nuôi trong gia đình mà em yêu thích.

Đáp án

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng: (3 điểm).

- Đọc đúng tiếng, từ: 1điểm.

(Đọc sai 2 từ trở lên trừ 0,25 điểm.)

- Ngắt nghỉ hơi đúng ở các dấu câu, các cụm từ rõ nghĩa: 1điểm. (Đọc sai 2 từ trở lên trừ 0 điểm.)

- Tốc độ đọc đạt yêu cầu: 1điểm.

II. Đọc thầm và làm bài tập: (7 điểm).

Câu Đáp án Điểm
1 A 0,5
2 D 0,5
3 B 0,5
4 A 0,5
6 A 0,5
8 B 0,5
10 B 0,5

Câu 5: Em hãy cho biết câu nào trong bài có sử dụng biện pháp so sánh?

“Những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa” (1đ)

Câu 7: Những con ngựa ăn cỏ trong vườn đào có những màu sắc nào?

“Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son” (1,5đ)

Câu 9: Viết tiếp vào chỗ trống bộ phận vị ngữ còn thiếu để câu dưới đây cho hoàn chỉnh.

a) Buổi chiều, xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. (0,5đ)

b) Nắng phố huyệnvàng hoe. (0,5đ)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (nghe – viết 15-20 phút) (2 điểm)

Giáo viên đọc cho học sinh (nghe viết) một đoạn trong bài “Con chuồn chuồn nước” (SGK TV4 – T2 trang 127).

Con chuồn chuồn nước

- Bài viết không mắc lỗi chính tả, chữ viết rõ ràng, trình bày đúng đoạn văn: 2

điểm.

- Mỗi lỗi chính tả trong bài viết sai – lẫn phụ âm đầu hoặc vần, thanh không

viết hoa đúng qui định trừ: 0,25 điểm.

Lưu ý: Nếu chữ viết không rõ ràng, sai về độ cao, khoảng cách, hoặc trình bày bẩn,… bị trừ 0,5 điểm toàn bài (nếu phạm 1 nội dung trừ 0,25 điểm).

II. Viết đoạn, bài (khoảng 35-40 phút) (8 điểm)

Đề bài: Tả một con vật nuôi trong gia đình mà em yêu thích.

1. Nội dung: (3,5 điểm).

a. Mở bài: (1 điểm).

Giới thiệu được con vật (được nuôi ở nhà em hay em được nhìn thấy).

b. Thân bài: (1,5 điểm).

- Tả hình dáng: đầu, mắt, tai, mõm, lông…(1 điểm).

- Tả thói quen sinh hoạt và các hoạt động chính: lúc ăn, ngủ…(0,5 điểm).

* Lưu ý: trong phần thân bài, học sinh có thể không làm rạch ròi từng phần mà có thể lồng ghép, kết hợp các ý trên.

c. Kết luận: (1 điểm)

- Ích lợi của con vật và suy nghĩ của bản thân.

2. Kỹ năng: (1,5 điểm)

3. Cảm xúc: (1 điểm)

4. Sáng tạo: (1 điểm)

5. Hình thức: (1 điểm).

- Chữ viết, chính tả: (0,5 điểm).

- Dùng từ, đặt câu: (0,5 điểm).

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 2)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm bài văn sau và trả lời câu hỏi:

Chiều ngoại ô

Chiều hè ở ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh. Khi những tia nắng cuối cùng nhạt dần cũng là khi gió bắt đầu lộng lên. Không khí dịu lại rất nhanh và chỉ một lát, ngoại ô đã chìm vào nắng chiều.

Những buổi chiều hè êm dịu, tôi thường cùng lũ bạn đi dạo dọc con kênh nước trong vắt. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh. Rồi những rặng tre xanh đang thì thầm trong gió. Đằng sau lưng là phố xá, trước mặt là đồng lúa chín mênh mông và cả một khoảng trời bao la, những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao. Con chim sơn ca cất tiếng hót tự do, thiết tha đến nỗi khiến người ta phải ao ước giá mình có một đôi cánh. Trải khắp cánh đồng là ráng chiều vàng dịu và thơm hơi đất, là gió đưa thoang thoảng hương lúa chín và hương sen. Vẻ đẹp bình dị của buổi chiều hè vùng ngoại ô thật đáng yêu.

Nhưng có lẽ thú vị nhất trong chiều hè ngoại ô là được thả diều cùng lũ bạn. Khoảng không gian vắng lặng nơi bãi cỏ gần nhà tự nhiên chen chúc những cánh diều. Diều cốc, diều tu, diều sáo đua nhau bay lên cao. Tiếng sáo diều vi vu trầm bổng. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm. Những cánh diều như những mảnh hồn ấu thơ bay lên với biết bao khát vọng. Ngồi bên nơi cắm diều, lòng tôi lâng lâng, tôi muốn gửi ước mơ của mình theo những cánh diều lên tận mây xanh.

Theo NGUYỄN THỤY KHA

* Dựa vào nội dung bài đọc, hãy khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng nhất và hoàn thành tiếp các bài tập:

Câu 1 (0,5 điểm): Cảnh buổi chiều hè ở ngoại ô như thế nào?

A. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất đẹp, hấp dẫn.

B. Cảnh buổi chiều hè ở vùng ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật yên tĩnh.

C. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất ồn ào, náo nhiệt.

D. Cảnh buổi chiều ở vùng ngoại ô rất đẹp.

Câu 2 (0,5 điểm): Câu văn nào trong bài tả vẻ đẹp của ruộng rau muống?

A. Hai bên bờ kênh, dải cỏ xanh êm như tấm thảm trải ra đón bước chân người.

B. Qua căn nhà cuối phố là những ruộng rau muống.

C. Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh.

D. Những hoa rau muống tím lấp lánh thì thầm trong gió.

Câu 3 (0,5 điểm): Điều gì làm tác giả cảm thấy thú vị nhất trong những buổi chiều hè ở vùng ngoại ô?

A. Ngắm cảnh đồng quê thanh bình.

B. Được hít thở bầu không khí trong lành.

C. Ngắm cảnh đồng quê và thả diều cùng lũ bạn

D. Những cánh diều mềm mại như cánh bướm.

Câu 4 (0,5 điểm): Dòng nào dưới đây chỉ gồm các từ láy?

A. Mát mẻ, mơn mởn, lấp lánh, thì thầm, mênh mông.

B. Thiết tha, ao ước, thoang thoảng, vắng lặng, chen chúc.

C. Vi vu, trầm bổng, phố xá, mềm mại, lâng lâng.

D. Vi vu, thì thầm, thoang thoảng, phố xá, trầm bổng.

Câu 5 (0,5 điểm):Từ cùng nghĩa với từ “bao la” là:

A. Cao vút

B. Bát ngát

C. Thăm thẳm

D. Mát mẻ

Câu 6 (1 điểm): Câu văn sau: "Mùa hè, rau muống lên xanh mơn mởn, hoa rau muống tím lấp lánh." có mấy tính từ?

A. Một tính từ. Đó là: ..................................

B. Hai tính từ. Đó là: ...................................

C. Ba tính từ. Đó là: ....................................

D. Bốn tính từ: Đó là: ……………………

Câu 7 (0,5 điểm): Câu "Những cánh diều mềm mại như cánh bướm." thuộc mẫu câu nào đã học?

A. Ai làm gì?

B. Ai thế nào?

C. Ai là gì?

Câu 8 (1 điểm): Thêm trạng ngữ cho câu sau, viết lại câu đã thêm trạng ngữ.

Rau muống lên xanh mơn mởn.

...................................................................

Câu 9 (1 điểm): Xác định chủ ngữ, vị ngữ trong câu:

Chiều hè ở ngoại ô thật mát mẻ và cũng thật là yên tĩnh.

Chủ ngữ:........................................................

Vị ngữ: ..........................................................

Câu 10 (1 điểm): Tìm hình ảnh nhân hóa trong câu văn sau?

Đằng sau lưng là phố xá, trước mặt là đồng lúa chín mênh mông và cả một khoảng trời bao la, những đám mây trắng vui đùa đuổi nhau trên cao.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (Nghe - viết, 15 phút)

Đường đi Sa Pa

Xe chúng tôi leo chênh vênh trên dốc cao của con đường xuyên tỉnh. Những đám mây trắng nhỏ sà xuống cửa kính ô tô tạo nên cảm giác bồng bềnh huyền ảo. Chúng tôi đang đi bên những thác trắng xóa tựa mây trời, những rừng cây âm âm, những bông hoa chuối rực lên như ngọn lửa. Tôi lim dim mắt ngắm mấy con ngựa đang ăn cỏ trong một vườn đào ven đường. Con đen huyền, con trắng tuyết, con đỏ son, chân dịu dàng, chùm đuôi cong lướt thướt liễu rủ.

Trích: Đường đi SaPa (TV4 - Tập II - trang 102)

II. Tập làm văn (8 điểm): 30 phút

Đề bài: Hãy tả một một con vật mà em thích.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 3)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thầm và trả lời câu hỏi: (7 điểm)

Gu-li-vơ ở xứ sở tí hon

Một buổi sáng, ngài tổng tư lệnh bất ngờ đến thăm tôi. Đứng trong lòng bàn tay tôi, ngài báo tin nước láng giềng Bli-phút hùng mạnh đang tập trung hải quân bên kia eo biển, chuẩn bị kéo sang. Nhà vua lệnh cho tôi đánh tan hạm đội địch.

Thế là tôi đi ra bờ biển. Quan sát bằng ống nhòm, tôi thấy địch có độ năm mươi chiến hạm. Tôi bèn cho làm năm mươi móc sắt to, buộc vào dây cáp, rồi ra biển. Chưa đầy nửa giờ, tôi đã đến sát hạm đội địch. Quân trên tàu trông thấy tôi, phát khiếp, nhảy ào xuống biển, bơi vào bờ. Tôi lấy dây cáp móc vào từng chiếc hạm một rồi buộc tất cả đầu dây vào nhau, kéo về Li-li-pút.

Khỏi phải nói nhà vua mừng như thế nào. Ngài còn muốn nhân dịp này biến Bli-phút thành một tỉnh của nước ngài. Nhưng tôi cố thuyết phục ngài từ bỏ ý định ấy. Khoảng ba tuần sau, nước Bli-phút cử một đoàn đại biểu sang thương lượng và hai bên kí một hòa ước lâu dài.

Theo Xuýp (Đỗ Đức Hiểu dịch)

Dựa vào nội dung câu chuyện trên, hãy khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng và thực hiện các câu còn lại theo yêu cầu:

Câu 1. Nhân vật chính trong câu chuyện trên là ai?

A. Li-li-pút.

B. Gu-li-vơ.

C. Bli-phút.

D. Không có tên.

Câu 2. Vì sao trông thấy Gu-li-vơ quân địch “phát khiếp”?

A. Vì thấy người lạ.

B. Vì trông thấy Gu-li-vơ quá to lớn.

C. Vì thấy gu-li-vơ mang theo nhiều móc sắt lớn.

D. Vì thấy Gu-li-vơ chỉ có một mình.

Câu 3. Câu Nhà vua lệnh cho tôi đánh tan hạm đội địch là loại câu gì?

Câu 4. Em hãy nêu cảm nhận của mình về nhân vật Gu-li-vơ qua câu chuyện trên.

Câu 5. Chọn từ cho sẵn trong ngoặc đơn và điền vào chỗ trống trong các câu sau cho thích hợp:

(mùa đông, trên đường phố, vì mãi chơi, nhờ bác lao công)

A. ................. , cây chỉ còn những cành trơ trụi, nom cằn cỗi.

B. .................., xe cộ đi lại tấp nập.

C. ................. , Tuấn không làm bài tập.

D. ................. , sân trường lúc nào cũng sạch đẹp.

Câu 6. Tìm chủ ngữ của câu sau:

Quan sát bằng ống nhòm, tôi thấy địch có độ năm mươi chiến hạm.

A. Quan sát bằng ống nhòm.

B. Tôi.

C. Tôi thấy.

D. Tôi thấy địch.

Câu 7. Tìm vị ngữ của câu sau:

Nhưng không, dòng nhựa trẻ đang rạo rực khắp thân cây.

II. Đọc thành tiếng (3 điểm)

HS bốc thăm, đọc 1 trong các bài sau và trả lời câu hỏi do GV yêu cầu.

1. Thắng biển (trang 76, sách Tiếng Việt 4, tập 2)

2. Đường đi Sa Pa (trang 102, sách Tiếng Việt 4, tập 2)

3. Ăng-co Vát (trang 123, sách Tiếng Việt 4, tập 2)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả: (Nghe – viết):

Trăng lên

Ngày chưa tắt hẳn, trăng đã lên rồi. Mặt trăng tròn, to và đỏ, từ từ lên ở chân trời, sau rặng tre đen của làng xa. Mấy sợi mây con vắt ngang qua, mỗi lúc mảnh dần, rồi tắt hẳn. Trên quãng đồng rộng, cơn gió nhẹ hiu hiu đưa lại, thoang thoảng những hương thơm ngát.

Thạch Lam

II. Tập làm văn:

Đề: Em hãy tả một con vật mà em thích.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 4)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng : Đọc một trong các bài tập đọc đã học.

II. Đọc văn bản sau và làm bài tập.

Bông sen trong giếng ngọc

Mạc Đĩnh Chi người đen đủi, xấu xí. Nhà nghèo, mẹ con cậu nuôi nhau bằng nghề kiếm củi. Mới bốn tuổi, Mạc Đĩnh Chi đã tỏ ra rất thông minh. Bấy giờ, Chiêu quốc công Trần Nhật Duật mở trường dạy học, Mạc Đĩnh Chi xin được vào học. Cậu học chăm chỉ, miệt mài, sớm trở thành học trò giỏi nhất trường.

Kì thi năm ấy, Mạc Đĩnh Chi đỗ đầu nhưng vua thấy ông mặt mũi xấu xí, người bé loắt choắt, lại là con thường dân, toan không cho đỗ.

Thấy nhà vua không trọng người hiền, chỉ trọng hình thức bề ngoài, Mạc Đĩnh Chi làm bài phú “ Bông sen giếng ngọc’’nhờ người dâng lên vua. Bài phú đề cao phẩm chất cao quí khác thường của loài hoa sen, cũng để tỏ rõ chí hướng và tài năng của mình. Vua đọc bài phú thấy rất hay, quyết định lấy ông đỗ Trạng nguyên.

Về sau, Mạc Đĩnh Chi nhiều lần được giao trọng trách đi sứ. Bằng tài năng của mình, ông đã đề cao được uy tín đất nước, khiến người nước ngoài phải nể trọng sứ thần Đại Việt. Vua Nguyên tặng ông danh hiệu Trạng nguyên. Nhân dân ta ngưỡng mộ, tôn xưng ông là: Lưỡng quốc Trạng nguyên ( Trạng nguyên hai nước )

Theo Lâm Ngũ Đường

Chọn ý đúng nhất cho từng câu hỏi dưới đây:

Câu 1. (0,5 đ) Ngày còn nhỏ, Mạc Đĩnh Chi là người như thế nào?

a. Là người có ngoại hình xấu xí.

b. Là người rất thông minh.

c. Là người có ngoại hình xấu xí nhưng tỏ ra rất thông minh.

d. Là người dũng cảm.

Câu 2. (0,5 đ) Vì sao lúc đầu nhà vua toan không cho Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên?

a. Vì Mạc Đĩnh Chi là con nhà thường dân nghèo

b. Vì Mạc Đĩnh Chi xấu xí

c. Vì Mạc Đĩnh Chi là con nhà thường dân nghèo và xấu xí.

d. Vì Mạc Đĩnh Chi giàu có.

Câu 3. (0,5 đ) Vì sao cuối cùng nhà vua quyết định lấy Mạc Đĩnh Chi đỗ Trạng nguyên?

a. Vì bài phú “Bông sen giếng ngọc” ông dâng lên vua thể hiện phẩm chất cao quí của hoa sen.

b. Vì bài phú “Bông sen giếng ngọc” ông dâng lên vua thể hiện phẩm chất cao quí khác thường của hoa sen và tỏ rõ chí hướng tài năng của ông.

c. Vì bông hoa sen rất đẹp

d. Vì hoa sen được nhiều người yêu thích.

Câu 4. (0,5 đ) Vì sao Mạc Đĩnh Chi được gọi là “Lưỡng quốc Trạng nguyên”

a. Vì Mạc Đĩnh Chi là Trạng Nguyên của nước ta.

b. Vì Mạc Đĩnh Chi là người học giỏi nhất.

c. Vì ông được vua của hai nước phong tặng danh hiệu Trạng nguyên.

d. Vì ông được mọi người kính trọng.

Câu 5. (1 đ) Em hãy nêu những suy nghĩ của mình về nhân vật Mạc Đĩnh Chi.

Câu 6. (1 đ) Qua câu chuyện, em rút ra được bài học gì?

Câu 7. (0,5 đ) Trong câu: Hôm sau, chúng tôi đi Sa Pa.

Bộ phận nào là chủ ngữ ? (0,5 điểm)

a. Hôm sau b. chúng tôi c. đi Sa Pa d. Sa Pa

Câu 8. (0,5 đ) Trong các câu sau câu nào có sử dụng Trạng ngữ:

a. Ngày xưa, rùa có một cái mai láng bóng.

b. Hoa, Mai đều là học sinh giỏi

c. Mạc Đĩnh Chi là người thông minh, tài giỏi.

d. Bác ơi cho cháu mượn cái bơm nhé.

Câu 9. (1 đ) Em hãy nêu bốn động từ miêu tả hoạt động của con vật ( con mèo, con chó, con gà, con vịt,...)

Câu 10. (1 đ) Đặt một câu có dùng Trạng ngữ.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả (nghe – viết) (3 đ)

Giáo viên đọc cho học sinh viết một đoạn trong bài “Một đô thị miền sông nước”

II. Viết đoạn, bài (8 đ)

Em hãy tả một con vật nuôi trong nhà mà em yêu thích. ( chó, mèo, gà, vịt... )

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 5)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thầm và trả lời câu hỏi: (7 điểm)

Đọc thầm bài: “Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất” và khoanh tròn vào chữ cái trước câu trả lời đúng nhất.

Hơn một nghìn ngày vòng quanh trái đất

Ngày 20 tháng 9 năm 1519, từ cửa biển Xê-vi-la nước Tây Ban Nha, có năm chiếc thuyền lớn giong buồm ra khơi. Đó là hạm đội do Ma-gien-lăng chỉ huy, với nhiệm vụ khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

Vượt Đại Tây Dương, Ma-gien-lăng cho đoàn thuyền đi dọc theo bờ biển Nam Mĩ. Tới gần mỏm cực nam thì phát hiện một eo biển dẫn tới một đại dương mênh mông. Thấy sóng yên biển lặng, Ma-gien-lăng đặt tên cho đại dương mới tìm được là Thái Bình Dương.

Thái Bình Dương bát ngát, đi mãi chẳng thấy bờ. Thức ăn cạn, nước ngọt hết sạch. Thuỷ thủ phải uống nước tiểu, ninh nhừ giày và thắt lưng da để ăn. Mỗi ngày có vài ba người chết phải ném xác xuống biển. May sao, gặp một hòn đảo nhỏ, được tiếp tế thức ăn và nước ngot, đoàn thám hiểm ổn định được tinh thần.

Đoạn đường từ đó có nhiều đảo hơn. Không phải lo thiếu thức ăn, nước uống nhưng lại nảy sinh những khó khăn mới. Trong một trận giao tranh với dân đảo Ma-tan, Ma-gien-lăng đã bỏ mình, không kịp nhìn thấy kết quả công việc mình làm.

Những thuỷ thủ còn lại tiếp tục vượt Ấn Độ Dương tìm đường trở về châu Âu. Ngày 8 tháng 9 năm 1522, đoàn thám hiểm chỉ còn một chiếc thuyền với mười tám thuỷ thủ còn sống sót cập bờ biển Tây Ban Nha.

Chuyến đi đầu tiên vòng quanh thế giới của Ma-gien-lăng kéo dài 1083 ngày, mất bốn chiếc thuyền lớn, với gần hai trăm người bỏ mạng dọc đường. Nhưng đoàn thám hiểm đã hoàn thành sứ mạng, khẳng định trái đất hình cầu, phát hiện Thái Bình Dương và nhiều vùng đất mới.

Theo TRẦN DIỆU TẦN và ĐỖ THÁI

Câu 1: Đoàn thám hiểm do Ma-gien-lăng chỉ huy khởi hành từ đâu?

a. Châu Mĩ.

b. Châu Á.

c. Châu Âu.

Câu 2: Đoàn thám hiểm do Ma-gien-lăng chỉ huy bắt đầu khởi hành vào ngày tháng nào?

a. 20 / 7/1519.

b. 20 / 9/1519.

c. 20 / 8/1519.

Câu 3: Cuộc thám hiểm của Ma-gien-lăng có nhiệm vụ gì?

a. Khám phá con đường trên biển dẫn đến những vùng đất mới.

b. Khám phá những loại cá mới sống ở đại dương.

c. Khám phá dưới đáy biển.

Câu 4: Khi trở về, đoàn thám hiểm còn bao nhiêu chiếc thuyền?

a. Không còn chiếc nào.

b. 1 chiếc.

c. 2 chiếc.

Câu 5: Đoàn thám hiểm gặp khó khăn khi hết thức ăn và nước ngọt ở đại dương nào?

a. Đại Tây Dương.

b. Thái Bình Dương

c. Ấn Độ Dương.

Câu 6: Đoàn thám hiểm đi vòng quanh thế giới hết bao nhiêu ngày?

a. Chưa đến một nghìn ngày.

b. Một nghìn ngày.

c. Hơn một nghìn ngày.

Câu 7: Vì sao đoàn thám hiểm chỉ với 18 thuỷ thủ còn sống sót trở về?

a. Vì họ bị chết đói và chết khát.

b. Vì họ giao tranh với dân đảo.

c. Vì họ bị chết đói, chết khát và giao tranh với dân đảo.

Câu 8: Đoàn thám hiểm đi vòng quanh thế giới bằng?

a. Đường thuỷ.

b. Đường bộ.

c. Đường hàng không.

Câu 9: Những hoạt động nào được gọi là thám hiểm?

a. Đi tìm hiểu về đời sống của người dân.

b. Đi thăm dò, tìm hiểu những nơi xa lạ, khó khăn, có thể nguy hiểm.

c. Đi chơi xa để xem phong cảnh.

Câu 10: Câu nào giữ được phép lịch sự?

a. Chiều nay, đón em nhé!

b. Chiều nay, chị phải đón em đấy!

c. Chiều nay, chị đón em nhé!

Câu 11: Đặt một câu cảm trong tình huống sau: Cô giáo ra một câu hỏi khó, cả lớp chỉ có một bạn trả lời được.

Câu 12: Em có cảm nhận gì về nhân vật Ma-gien-lăng?

II. Đọc thành tiếng: ( 3 điểm )

* Học sinh bốc thăm đọc một đoạn (90 tiếng/ 1 phút) và trả lời 1 câu hỏi (do giáo viên chọn trong đoạn đọc đó) trong các bài sau:

Bài 1: Đường đi Sa Pa (TV 4, tập II, trang 102)

Bài 2: Ăng – co- Vát (TV4 tập 2 trang 123)

Bài 3: Con chuồn chuồn nước (TV4 tập 2 trang 127)

Bài 4: Vương quốc Vắng nụ cười (TV4 tập 2 trang 132)

Bài 5: Tiếng cười là liều thuốc bổ (TV4 tập 2 trang 153)

Bài 6: Ăn “mầm đá” (TV4 tập 2 trang 157)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả: (Nghe – viết): 15 phút

Con chuồn chuồn nước

Ôi chao! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thủy tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cái cánh khẽ rung như còn đang phân vân.

Rồi đột nhiên, chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên.

Nguyễn Thế Hội

II. Tập làm văn : 25 phút

Đề bài: Em hãy tả một con vật mà em yêu thích.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 6)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

- Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

- Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Đừng để lòng tham dụ dỗ mình

Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 có đáp án (Đề 1)

Ngày xưa, có đôi vợ chồng rất nghèo nhưng sống rất hòa thuận. Gia sản của họ chỉ là cái lưới, túp lều rách nát và máng lợn sứt mẻ. Chiều nào cũng vậy, ông lão chài lưới ra biển bắt cá còn bà vợ thì ngồi nhà kéo sợi. Một hôm, ông ra biển bắt cá thì thấy biển rộng mênh mông. Ông nghĩ: “Biển rộng mênh mông thế này chắc nhiều cá lắm đây!”

Lần thứ nhất, ông lão kéo lưới và chỉ thấy vài sợi rong biển. Buồn quá, ông lão kéo lần hai và càng thất vọng vì lưới không có gì. Sau lần kéo thứ ba, ông lão chỉ bắt được con cá vàng nhỏ. Cá van xin: “Xin ông lão tha cho tôi rồi ông muốn gì cũng được”.

“Tôi chẳng cần gì cả.” – Ông lão nói và thả cá về biển sâu.

Về đến nhà, ông thuật lại câu chuyện cho bà nghe. Bà vợ trợn mắt lên: “Ông không thấy cái máng lợn nhà mình hỏng rồi à? Ông xin ngay một cái máng lợn cho tôi.”

Ông lão lóc cóc quay lại biển và xin cá vàng cái máng mới. Cá vàng cười nói: “Ông cứ về đi.”

Ông lão về và thấy mụ vợ ngồi bên cái máng mới. Bà vợ lại quát ông lão: “Ông không thấy cái lều nhà mình rách nát rồi hả? Ông đi xin ngay cái nhà sang trọng, đủ tiện nghi cho tôi!”

Ông lại lóc cóc quay về biển. Lần này, biển đắm chìm trong những cơn sóng lăn tăn. Ông lại xin cá vàng ngôi nhà và khi về đến nơi, ông lão thấy một ngôi nhà rất khang trang, đẹp đẽ. Bà lại không vừa lòng, bắt ông lão xin cho mình làm hoàng hậu và ông lão lại ra biển xin cá vàng. Về đến nhà, ông thấy bao nhiêu là quân lính đang hầu hạ bà.

Chán cảnh ăn không ngồi rồi, bà lại lôi cổ ông và bảo ông bắt cá vàng về, biến mình thành Long Vương cai trị biển cả. Ông lão lại ra biển và xin cá cho bà làm Long Vương. Cá không nói gì, quay trở về biển cả mù mịt sương gió. Về đến nhà, ông lão chỉ thấy bà lão ngồi bên máng lợn sứt mẻ trong túp lều rách nát.

(Nguyễn Duy Nhật Huy – học sinh lớp 4A1, Kể chuyện sáng tạo câu chuyện “Ông lão đánh cá và con cá vàng”)

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời mà em chọn.

- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Cá van xin ông lão điều gì? (0,5 điểm)

A. Xin ông tha cho, ông muốn gì cũng được.

B. Xin ông đừng giết vì còn một đàn con đang đói.

C. Xin ông cho lên bờ sống.

D. Xin ông đừng làm hại các loài cá ở biển.

Câu 2. Ông lão có cần cá trả ơn không? (0,5 điểm)

Câu 3. Bà vợ ông lão không yêu cầu ông xin cá những gì? (0,5 điểm)

A. Một cái máng lợn mới.

B. Một ngôi nhà khang trang, đẹp đẽ.

C. Cho bà làm hoàng hậu, làm Long Vương.

D. Cho bà một bộ quần áo mới

Câu 4. Những đòi hỏi của bà vợ như thế nào? (0,5 điểm)

A. Chính đáng, hợp tình, hợp lý.

B. Càng ngày càng đòi hỏi cao hơn.

C. Bình thường, dễ dàng thực hiện.

D. Viển vông, thiếu thực tế, không thực hiện được.

Câu 5. Em hãy nêu ý nghĩa của câu chuyện trên? (1,0 điểm)

Câu 6. Đóng vai ông lão, em sẽ nói gì với bà vợ khi trở về và trông thấy bà ngồi bên cái máng lợn sứt mẻ trong túp lều rách? (1,0 điểm)

Câu 7. Em hãy chọn trạng ngữ thích hợp điền vào chỗ trống để hoàn thành câu sau: (0,5 điểm)

…, ông lão đã thả cá vàng về biển sâu mà không đòi hỏi điều gì.

A. Bằng lòng tốt của mình

B. Bằng sự hiểu biết của mình

C. Bằng một hành động chân tình

D. Bằng thái độ của mình

Câu 8. Đặt câu cảm cho các tình huống sau : (1,0 điểm)

a. Em cảm động trước tấm lòng nhân hậu của ông lão đánh cá, cứu giúp cá vàng mà không đòi trả ơn.

b. Em tức giận trước hành động của bà lão tham lam, bội bạc.

Câu 9. Xếp các từ sau vào hai nhóm và viết lại vào bảng: du canh, du khách, du cư, du lịch, du học, du xuân, du mục, du kí. (0,5 điểm)

Nhóm có tiếng du có nghĩa là “đi chơi” Nhóm có tiếng du có nghĩa là “không cố định”
M. Du lịch …………………………… M. Du cư …………………………

Câu 10. Sửa lại những câu dưới đây để đảm bảo phép lịch sự khi bày tỏ yêu cầu, đề nghị. (1,0 điểm)

a. Ông xin ngay một cái máng lợn cho tôi.

b. Ông đi xin ngay cái nhà sang trọng, đủ tiện nghi cho tôi!

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm – 15 phút)

Giấy và nghề in được phát minh như thế nào?

Thời cổ đại, trước khi phát hiện ra giấy và nghề in, tổ tiên chúng ta đã phải dùng những thanh tre, thanh gỗ để ghi chép lại và truyền bá văn hoá tri thức cho mọi người. Vào thời Tây Hán, Trung Quốc đã bắt đẩu phát minh ra giấy. Vì phương pháp sản xuất còn thô sơ, giấy hồi đó vẫn chưa được dùng để viết sách. Đến thời Đông Hán, nhà phát minh Sái Luân, trên cơ sở của giấy Tây Hán, vào năm 105, đã cải tiến nghề làm giấy. Ông dùng vỏ cây, dây đay, vải rách… để làm nguyên liệu sản xuất giấy.

(Theo 10 vạn câu hỏi vì sao?, sachvui.com)

II. Tập làm văn (8 điểm – 35 phút)

Tả lại một cây hoa mà em yêu thích.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 7)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

- Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

- Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Anh bù nhìn

Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 có đáp án (Đề 2)

Một cái que cắm dọc, một thanh tre nhỏ buộc ngang, thành hình chữ thập. Khoác lên đấy một cái áo tơi lá cũ, hoặc một mảnh bao tải rách, cũng có thể là một manh chiếu rách cũng được. Trên đầu que dọc là một mê nón rách lơ xơ. Thế là ruộng ngô, ruộng đỗ, ruộng vừng hoặc một ruộng mạ mới gieo… đã có một người bảo vệ, một người lính gác: một anh bù nhìn. Để cho đủ lệ bộ, anh bù nhìn cầm một cái vọt tre mềm như cần câu. Đầu cần buộc một túm nắm giấy, tốt hơn thì dùng một túm lá chuối khô tước nhỏ, giống như vẫn buộc ở đầu gậy của người chăn vịt trên đồng.

Có nhiều loài chim bị mắc lừa, rất sợ anh bù nhìn, sợ cái cần câu ấy, vì chỉ hơi thoảng gió thì từ tấm áo, cái nón, đến thanh roi ấy đều cử động, phe phẩy, đung đưa… Bọn trẻ chúng tôi đứng từ xa mà nhìn cũng thấy đúng là một người đang ngồi, tay cầm que để đuổi chim…

Những anh bù nhìn thật hiền lành, dễ thương, chăm chỉ làm việc của mình, chẳng đòi ăn uống gì và cũng chẳng bao giờ kể công. Các anh cũng không sợ nắng gắt, gió lạnh, mưa bão. Anh có bị gió xô ngã thì rồi cũng có người đỡ anh dậy, anh chẳng kêu khóc bao giờ.

Chỉ tiếc là cũng có những con chim ranh ma, một lần sà xuống biết đấy là anh bù nhìn, không có gì nguy hiểm, không có gì đáng sợ thế là lần sau nó cứ xuống và còn đi gọi cả đàn xuống, vừa tra ngô, tỉa đỗ, mà lại phải đi làm lại từ đầu, vì chúng đã ăn hết cả hạt vừa gieo. Người ta vốn khôn ngoan hơn, lại phải thay lại tấm áo, cái nón và cái cần câu mới, buộc thêm vào đấy nhiều mẩu giấy có các màu, làm như đó là một người bảo vệ mới.

Bọn trẻ chúng tôi thích các anh bù nhìn ấy vì các anh không bao giờ dọa chúng tôi, không bao giờ lên mặt hoặc cáu gắt, dù chúng tôi có ào xuống ruộng bắt châu chấu, đuổi cào cào, giẫm cả lên cái mầm ngô, mầm đỗ mới nhú…

Quả là các anh bù nhìn hiền lành đáng yêu, đã giúp người nông dân, trong đó có cha mẹ tôi, một cách khá tốt.

(Băng Sơn)

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời mà em chọn.

- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Những anh bù nhìn được làm từ nguyên liệu gì? (0,5 điểm)

A. Những thanh tre và đất sét.

B. Những thanh tre và mảnh áo, mảnh bao rách.

C. Quần áo cũ và những miếng xốp.

D. Đất sét và những mảnh áo, mảnh bao rách.

Câu 2. Anh bù nhìn có tác dụng gì? (0,5 điểm)

A. Giúp cây cối phát triển nhanh hơn.

B. Bảo vệ ruộng đỗ, ruộng ngô trước lũ chim.

C. Bảo vệ mùa màng trước sự khắc nghiệt của thời tiết.

D. Bảo vệ mùa màng trước sự tấn công của sâu bọ.

Câu 3. Điều gì khiến cho anh bù nhìn có thể cử động như con người? (0,5 điểm)

A. Những tia nắng.

B. Những cơn mưa.

C. Những đám mây.

D. Những làn gió.

Câu 4. Vì sao các anh bù nhìn rất dễ thương? (0,5 điểm)

A. Vì các anh luôn canh giữ cho mùa màng của người nông dân được bội thu.

B. Vì các anh làm việc chăm chỉ, không bao giờ kể công, không bao giờ đòi ăn uống.

C. Vì các anh làm việc suốt ngày đêm không ngừng nghỉ, không lấy tiền công.

D. Vì các anh luôn thân thiện, vui vẻ với các bạn nhỏ, giúp các bạn làm đồ chơi.

Câu 5. Hình ảnh anh bù nhìn thể hiện điều gì? (1,0 điểm)

Câu 6. Em thích phẩm chất nào của anh bù nhìn nhất? Vì sao? (1,0 điểm)

Câu 7. Câu nào dưới đây thuộc mẫu câu kể “Ai thế nào?” ? (0,5 điểm)

A. Anh bù nhìn bị gió xô ngã chẳng kêu khóc bao giờ.

B. Anh bù nhìn thật hiền lành, dễ thương.

C. Anh bù nhìn cầm một cái vọt tre mềm như cần câu.

D. Anh bù nhìn là người bạn thân thiết của người nông dân.

Câu 8. Gạch chân bộ phận trả lời cho câu hỏi “Ai (Cái gì, Con gì)?” trong câu dưới đây: (0,5 điểm)

Bù nhìn là người giả làm bằng rơm thường được đặt giữa ruộng lúa để doạ và xua đuổi chim chóc, chuột bọ cắn phá mùa màng.

Câu 9. Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống trong các câu sau cho thích hợp (1 điểm):

a) Anh bù nhìn rất … (tốt bụng, hào phóng, rộng lượng) khi luôn giúp đỡ các bác nông dân mà không đòi hỏi điều gì.

b) Anh bù nhìn … (nâng niu, giữ gìn, bảo vệ) ruộng đỗ, ruộng ngô trước sự phá hoại của lũ chim.

Câu 10. Viết câu văn miêu tả cánh đồng lúa trong đó có sử dụng từ ngữ gợi tả và hình ảnh so sánh. (1,0 điểm)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm – 15 phút)

Tầng ô-dôn hấp thụ 90% lượng tia tử ngoại của mặt trời, giúp cho bề mặt trái đất chỉ bị một lượng nhỏ tia tử ngoại chiếu tới và sinh vật có thể tự do sinh trưởng. Khi tầng ô-dôn bị phá hoại thì một lượng lớn tia tử ngoại sẽ chiếu thẳng xuống trái đất khiến cho mùa màng bị thất thu, giảm chức năng miễn dịch của cơ thể, dẫn đến nhiều loại bệnh, thậm chí dẫn đến bệnh ung thư da và bệnh bạch tạng…

(Theo Hỏi đáp về tài nguyên môi trường, Lê Văn Khoa chủ biên)

II. Tập làm văn (8 điểm – 35 phút)

Hãy viết một đoạn văn giới thiệu một cảnh đẹp trên quê hương em.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 8)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng (3 điểm)

- Ở mục này, các em có thể đọc một đoạn trích trong bài Tập đọc đã học trong SGK Tiếng Việt 4, tập 2 và trả lời câu hỏi hoặc đọc một đoạn văn thích hợp ở ngoài SGK.

- Đề không trình bày nội dung của phần Đọc thành tiếng.

II. Đọc hiểu và kiến thức tiếng Việt (7 điểm)

Đọc bài sau và thực hiện các yêu cầu nêu ở dưới:

Đôi cánh của Ngựa Trắng

Ngày xưa có một chú Ngựa Trắng, trắng nõn nà như một đám mây. Mẹ chú yêu chiều chú lắm, lúc nào cũng giữ chú bên cạnh, còn dặn: “Con phải ở bên cạnh mẹ và hí to khi mẹ gọi nhé!”. Ngựa Mẹ gọi Ngựa Con suốt ngày. Tiếng ngựa con hí làm Ngựa Mẹ hạnh phúc nên Ngựa Mẹ chỉ dạy con hí vang hơn là luyện cho con vó phi dẻo dai, đá hậu mạnh mẽ. Gần nhà Ngựa có Đại Bàng núi. Đại Bàng núi còn bé nhưng sải cánh đã vững vàng. Mỗi lúc nó liệng vòng, cánh không động, khẽ nghiêng bên nào là chao bên ấy, bóng cứ loang loáng trên mặt đất. Đại Bàng núi bay tài giỏi như một phi cơ chiến đấu điêu luyện thời nay. Ngựa Trắng ước ao được bay như Đại Bàng, chú nói:

- Anh Đại Bàng ơi! Làm sao để có cánh như anh? Đại Bàng núi cười:

- Phải đi tìm chứ, cứ quấn chặt lấy mẹ biết bao giờ mới có cánh.

Thế là Ngựa Trắng xin phép mẹ lên đường cùng Đại Bàng. Chưa trọn ngày đường. Ngựa Trắng thấy biết bao nhiêu là cảnh lạ. Trời mỗi lúc một tối, sao đã lấp lánh trên bầu trời. Ngựa Trắng thấy nơm nớp lo sợ. Bỗng có tiếng "hú... ú... ú" mỗi lúc một một gần, rồi từ trong bóng tối hiện ra một gã Sói xám dữ tợn. Ngựa Trắng mếu máo gọi mẹ. Sói xám cười man rợ và phóng đến.

- Ôi! - Tiếng Sói xám rống lên - Một cái gì từ trên cao giáng rất mạnh vào giữa trán Sói xám làm Sói ta hốt hoảng cúp đuôi chạy mất. Thì ra đúng lúc Sói vồ Ngựa, Đại Bàng núi từ trên cao đã lao tới kịp thời. Ngựa Trắng òa khóc, gọi mẹ. Đại Bàng núi dỗ dành:

- Nín đi! Anh đưa em về với mẹ!

- Nhưng mà em không có cánh - Ngựa Trắng thút thít. Đại Bàng cười, chỉ vào đôi chân của Ngựa Trắng:

- Cánh của em đấy chứ đâu! Nếu phi nước đại em chạy như bay ấy chứ!

Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 có đáp án (Đề 3)

Đại Bàng núi sải cánh. Ngựa Trắng chồm lên. Bốn chân chú như bay trên không trung.

(Bài làm của học sinh)

Em trả lời câu hỏi, làm bài tập theo một trong hai cách sau:

- Khoanh tròn vào chữ cái trước ý trả lời mà em chọn.

- Viết ý kiến của em vào chỗ trống.

Câu 1. Ngựa mẹ dạy con điều gì? (0,5 điểm)

A. Dạy con phi nước đại.

B. Dạy con hí vang.

C. Dạy con đá hậu mạnh mẽ.

D. Dạy con rèn luyện sức khoẻ.

Câu 2. Vì sao ngựa mẹ chỉ dạy con hí vang mà không dạy vó phi dẻo dai, đá hậu mạnh mẽ? (0,5 điểm)

A. Vì để mẹ yên tâm khi biết chú luôn bên cạnh.

B. Vì ngựa con không đủ sức khoẻ để học phi vó, đá hậu.

C. Vì ngựa con đã có mẹ luôn bảo vệ nên không cần học phi vó, đá hậu.

D. Vì ngựa mẹ không muốn con bị thương khi luyện tập những bài khó.

Câu 3. Ngựa con ao ước điều gì? (0,5 điểm)

A. Biết phi nước đại và đá hậu mạnh mẽ.

B. Biết rống vang rừng như Sói xám.

C. Vồ mồi nhanh như Đại Bàng.

D. Được bay như Đại Bàng.

Câu 4. Vì sao Đại Bàng lại chỉ vào đôi chân của Ngựa Trắng và nói đó là đôi cánh của chú? (0,5 điểm)

A. Vì khi Ngựa Trắng phi nước đại thì đôi chân ấy cũng chạy như bay.

B. Vì đôi cánh của Đại Bàng cũng là do đôi chân biến thành.

C. Vì Ngựa Trắng có thể bay bằng đôi chân ấy.

D. Vì tất cả các loài trong rừng đều dùng đôi chân để bay.

Câu 5. Câu nói của Đại Bàng núi dành cho Ngựa Trắng “Phải đi tìm chứ, cứ quấn chặt lấy mẹ biết bao giờ mới có cánh.” có nghĩa là gì? (1,0 điểm)

Câu 6. Em hãy nêu ý nghĩa của câu chuyện trên. (1,0 điểm)

Câu 7. Câu nào dưới đây thuộc mẫu câu kể “Ai thế nào?” ? (0,5 điểm)

A. Ngựa Trắng xin phép mẹ lên đường cùng Đại Bàng.

B. Ngựa Trắng òa khóc gọi mẹ.

C. Chú Ngựa Trắng trắng nõn nà như một đám mây.

D. Ngựa Mẹ gọi Ngựa Con suốt ngày.

Câu 8. Hãy viết một câu cảm thể hiện sự vui thích của Ngựa Trắng khi đã biết phi nước đại như bay trên không trung. (1,0 điểm)

Câu 9. Chọn từ trong ngoặc đơn điền vào chỗ trống trong các câu sau cho thích hợp: (1,0 điểm) (Tuần 22, Bài Mở rộng vốn từ: Cái đẹp)

a. Chú Ngựa Trắng có bộ lông vô cùng … (mềm mại, diễm lệ).

b. Ngựa Trắng … (rạng rỡ, hớn hở) vì được đi khám phá khu rừng cùng Đại Bàng núi.

Câu 10. Ngựa Trắng muốn xin phép mẹ lên đường cùng Đại Bàng. Ngựa Trắng phải nói với mẹ như thế nào? (0,5 điểm)

A. Mẹ ơi, mẹ hãy cho con đi xa.

B. Con phải đi xa cơ.

C. Mẹ đừng có mà giữ con.

D. Mẹ phải cho con đi xa.

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe – viết (2 điểm – 15 phút)

Cửa sổ Cửa sổ là mắt của nhà Nhìn lên trời rộng, nhìn ra sông dài. Cửa sổ là bạn của người Giơ lưng che cả khoảng trời bão mưa. Cửa sổ còn biết làm thơ Tiếng chim cùng ánh nắng ùa vào em. Tắt đèn, cửa mở vào đêm Trời cao thành bức tranh riêng treo tường. Cho em màu sắc hương thơm Nhận về nắng gió bất thường ngày đêm.

(Phan Thị Thanh Nhàn)

II. Tập làm văn (8 điểm – 35 phút)

Hãy tả một đồ vật gắn bó với em hoặc gắn bó với một người trong gia đình em.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 9)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng

II. Đọc thầm và trả lời câu hỏi:

CÔ GIÁO VÀ HAI EM NHỎ

Nết sinh ra đã bất hạnh với bàn chân trái thiếu ba ngón. Càng lớn, đôi chân Nết lại càng teo đi và rồi Nết phải bò khi muốn di chuyển.

Khi em Na vào lớp Một, ở nhà một mình Nết buồn lắm, chỉ mong Na chóng tan trường về kể chuyện ở trường cho Nết nghe. Na kể rất nhiều về cô giáo: tà áo dài của cô trắng muốt, miệng cô cười tươi như hoa, cô đi nhẹ nhàng đến bên từng học sinh dạy các bạn viết, vẽ...Nghe Na kể, Nết ước mơ được đi học như Na.

Trong một tiết học vẽ, cô giáo cầm vở vẽ của Na. Na vẽ một cô gái đang cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một cô gái. Na giải thich: “ Em vẽ một cô tiên đang gõ đôi đũa thần chữa đôi chân cho chị em, để chị em cũng được đi học”. Cô giáo ngạc nhiên khi biết chị gái Na bị tật nguyền. Tối hôm ấy, cô đến thăm Nết. Biết Nết ham học, mỗi tuần ba buổi tối, cô dạy Nết học.

Còn một tháng nữa là kết thúc năm học. Mấy hôm nay, cô giáo thường kể cho 35 học trò của mình về một bạn nhỏ. Đôi chân bạn ấy không may bị tê liệt nên bạn phải ngồi xe lăn nhưng bạn vẫn quyết tâm học. Có lúc đau tê cứng cả lưng nhưng bạn vẫn cố viết và viết rất đẹp. năm học sau, bạn ấy sẽ vào học cùng các em. Nghe cô kể, mắt Na sáng lên, Na vui và tự hào về chị mình lắm.

Bố mẹ Nết rơm rớm nước mắt khi biết nhà trường sẽ đặc cách cho Nết vào học lớp Hai. Còn Nết, cô bé đang hình dung cách cô giáo cùng các bạn nhỏ xúm xít đầy chiếc xe lăn.

(Theo Tâm huyết nhà giáo)

* Khoanh tròn vào chữ cái đặt trước ý trả lời đúng:

Câu 1: Nết là một cô bé: (0,5 điểm)

a. Thích chơi hơn thích học.

b. Có hoàn cảnh bất hạnh.

c. Yêu mến cô giáo.

d. Thương chị.

Câu 2: Hoàn cảnh của bạn Nết có gì đặc biệt? (0,5 điểm)

a. Bị tật bẩm sinh và càng lớn đôi chân càng teo đi .

b. Gia đình Nết khó khăn không cho bạn đến trường.

c. Nết mồ côi cha mẹ từ nhỏ.

d. Nết học yếu nên không thích đến trường.

Câu 3: Vì sao cô giáo lại biết được hoàn cảnh của Nết mà giúp đỡ bạn? (0,5 điểm)

a. Vì cô gặp Nết đang ngồi xe lăn trên đường đi dạy về .

b. Vì Na đã kể cho cô nghe về hoàn cảnh của chị mình.

c. Vì ba mẹ đến trường kể cho cô nghe và xin cho Nết đi học.

d. Vì cô đọc được hoàn cảnh của nết trên báo.

Câu 4: Cô giáo đã làm gì để giúp Nết? (0,5 điểm)

a. Mua cho bạn một chiếc xe lăn.

b. Cho Nết sách vở để đến lớp cùng bạn.

c. Đến nhà dạy học, kể cho học trò nghe về Nết, xin cho Nết vào học lớp Hai

d. Nhờ học sinh trong lớp kèm cặp cho Nết việc học ở nhà cũng như ở trường.

Câu 5: Câu chuyện muốn nói với chúng ta điều gì? (1 điểm)

Câu 6: Em học được điều gì từ bạn Nết qua câu chuyện trên? (1 điểm)

Câu 7: Nhóm từ nào dưới đây chỉ gồm những từ miêu tả vẻ đẹp của thiên nhiên? (0,5 điểm)

a. đằm thắm, lộng lẫy, dịu dàng

b. tươi đẹp, hùng vĩ, sặc sỡ

c. Xanh tốt, xinh tươi, thùy mị

d. hùng vĩ, dịu dàng, lung linh

Câu 8: Câu: “Na vẽ một cô gái đang cầm đôi đũa nhỏ đứng bên một cô gái” thuộc kiểu câu kể nào? (0,5 điểm)

a. Ai là gì?

b. Ai thế nào?

c. Ai làm gì?

d. Không thuộc câu kể nào.

Câu 9: Chủ ngữ trong câu: “Năm học sau, bạn ấy sẽ vào học cùng các em” là: (1 điểm)

a. năm học sau

b. năm học sau, bạn ấy

c. Bạn ấy

d. Sẽ vào học cùng các em

Câu 10: Trong giờ học, một bạn bên cạnh nói chuyện không nghe cô giảng bài, em đặt một câu khiến đề nghị bạn giữ trật tự trong giờ học: (1 điểm)

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả nghe - viết: (3 điểm) - Thời gian viết: 15 phút

Sầu riêng

Sầu riêng là loại trái quý của miền Nam. Hương vị nó hết sức đặc biệt, mùi thơm đậm, bay rất xa, lâu tan trong không khí. Còn hàng chục mét nữa mới tới nơi để sầu riêng, hương đã ngào ngạt xông vào cánh mũi. Sầu riêng thơm mùi thơm của mít chín quyện với hương bưởi, béo cái béo của trứng gà, ngọt cái vị của mật ong già hạn. Hoa sầu riêng trổ vào cuối năm. Gió đưa hương thơm ngát như hương cau, hương bưởi tỏa khắp khu vườn.

II. Tập làm văn: (7 điểm) - Thời gian: 40 phút

Đề bài: Tả một cây hoa mà em yêu thích.

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề thi chất lượng Học kì 2

Năm học 2024 - 2025

Bài thi môn: Tiếng Việt lớp 4

Thời gian làm bài: 60 phút

(Đề 10)

A. Kiểm tra Đọc, Nghe, Nói

I. Đọc thành tiếng: (3 điểm)

- Cho HS đọc một đoạn khoảng 85 tiếng/ phút ở các bài tập đọc đã học.

GV ghi tên bài, số trang vào phiếu, cho HS bốc thăm, đọc và trả lời câu hỏi.

Bài 1: Thắng biển (từ đầu ... chống giữ)

(SGK Tiếng Việt 4 – tập II – trang 76)

Bài 2: Con sẻ (Sẻ già lao đến cứu con .. lòng đầy thán phục)

(SGK Tiếng Việt 4 – tập II – trang 90/91)

Bài 3: Đường đi Sa Pa (từ đầu ... lướt thướt liễu rủ.)

(SGK Tiếng Việt 4 – tập II – trang 102)

Bài 4: Ăng-co Vát (đoạn: Toàn bộ khu đền ... toả ra từ các ngách.)

(SGK Tiếng Việt 4 – tập II - trang 123/124)

Bài 5: Con chuồn chuồn nước (từ đầu .... trên mặt hồ.)

(SGK Tiếng Việt 4 – tập II – trang 127)

Bài 6: Vương quốc vắng nụ cười (từ đầu ... trên những mái nhà.)

(SGK Tiếng Việt 4 – tập II – trang 132)

Bài 7: Ăn "mầm đá" (từ rồi Trạng Nguyên dọn cơm đến hết.)

(SGK Tiếng Việt 4 – tập II – trang 157)

II. Kiểm tra đọc hiểu kết hợp kiểm tra kiến thức tiếng Việt (7điểm)

Đọc thầm câu chuyện và trả lời câu hỏi:

CÂU CHUYỆN VỀ CHỊ VÕ THỊ SÁU

Vào năm mười hai tuổi, Sáu đã theo anh trai tham gia hoạt động cách mạng. Mỗi lần được các anh giao nhiệm vụ gì Sáu đều hoàn thành tốt. Một hôm, Sáu mang lựu đạn phục kích giết tên cai Tòng, một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lần đó, Sáu bị giặc bắt. Sau gần ba năm tra tấn, giam cầm, giặc Pháp đưa chị ra ở Côn Đảo.

Trong ngục giam, chị vẫn hồn nhiên, vui tươi, tin tưởng vào ngày chiến thắng của đất nước. Bọn giặc Pháp đã lén lút đem chị đi thủ tiêu, vì sợ các chiến sĩ cách mạng trong tù sẽ nổi giận phản đối. Trên đường ra pháp trường, chị đã ngắt một bông hoa còn ướt đẫm sương đêm cài lên tóc. Bọn chúng kinh ngạc vì thấy một người trước lúc hi sinh lại bình tĩnh đến thế. Tới bãi đất, chị gỡ bông hoa từ mái tóc mình tặng cho người lính Âu Phi. Chị đi tới cột trói: mỉm cười, chị nhìn trời xanh bao la và chị cất cao giọng hát.

Lúc một tên lính bảo chị quỳ xuống, chị đã quát vào mặt lũ đao phủ "Tao chỉ biết đứng, không biết quỳ".

Một tiếng hô: "Bắn".

Một tràng súng nổ, chị Sáu ngã xuống. Máu chị thấm ướt bãi cát.

Trích trong quyển Cẩm nang đội viên

* Khoanh vào chữ cái trước câu trả lời đúng:

Câu 1: (0,5 điểm) Chị Sáu tham gia hoạt động cách mạng khi chị bao nhiêu tuổi ?

a. Mười một tuổi.

b. Mười hai tuổi.

c. Mười ba tuổi.

d. Mười bốn tuổi.

Câu 2: (0,5 điểm) Điền từ còn thiếu vào đoạn văn sau:

Một hôm, ............. mang lựu đạn ....................... giết tên cai Tòng, một tên Việt gian bán nước ngay tại xã nhà. Lần đó, Sáu bị giặt bắt.

Câu 3: (0,5 điểm) Khi bị giam trong ngục, thái độ của chị sáu như thế nào?

Thông tin Đúng/sai
a. Chị luôn mỉm cười, cất cao giọng hát.
b. Chị vẫn hồn nhiên, vui tươi
c. Chị nhìn trời xanh bao la.
d. Chị luôn lạc quan, yêu đời tin tưởng vào ngày chiến thắng.

Câu 4: (0,5 điểm) Vì sao bọn giặc Pháp phải lén lút đem chị đi thủ tiêu?

a. Vì sợ bị phục kích.

b. Vì sợ người dân phản đối.

c. Vì sợ các chiến sĩ cách mạng trong tù sẽ nổi giận phản đối.

d. Vì sợ chị Sáu thoát thân.

Câu 5: (1,0 điểm) Viết cảm nhận của em khi đọc bài "Câu chuyện của chị Võ Thị Sáu”

Câu 6: (1,0 điểm) Là một học sinh, em sẽ làm gì để đền đáp công lao của những người có công với cách mạng như chị Võ Thị Sáu? (viết 2-3 câu)

Câu 7: (0,5 điểm) Nối câu ở cột B phù hợp với kiểu câu ở cột A:

Đề thi Tiếng Việt lớp 4 Học kì 2 có đáp án (Đề 5)

Câu 8: (0,5 điểm) Hãy cho biết nghĩa của từ "lạc quan" là gì?

a. Luôn vui vẻ, thoải mái

b. Luôn buồn bã, lo âu.

c. Không biết buồn phiền.

d. Cách nhìn, thái độ tin tưởng ở tương lai tốt đẹp.

Câu 9: (1 điểm) Điền trạng ngữ thích hợp vào chỗ chấm:

a/ ............................................................., em giúp bố mẹ quét dọn nhà cửa.

b/ ............................................................., mặt đất lúc nào cũng khô ráo.

Câu 10: (1 điểm) Viết một đoạn văn ngắn (3-5 câu) nói về người yêu nước, dũng cảm mà em biết. Trong đoạn văn có sử dụng câu kể Ai là gì?

B. Kiểm tra Viết

I. Chính tả: (nghe viết) Bài: Con chuồn chuồn nước (2 điểm)

Con chuồn chuồn nước

Ôi chao ! Chú chuồn chuồn nước mới đẹp làm sao ! Màu vàng trên lưng chú lấp lánh. Bốn cái cánh mỏng như giấy bóng. Cái đầu tròn và hai con mắt long lanh như thuỷ tinh. Thân chú nhỏ và thon vàng như màu vàng của nắng mùa thu. Chú đậu trên một cành lộc vừng ngả dài trên mặt hồ. Bốn cánh khẽ rung rung như đang còn phân vân.

Rồi đột nhiên, chú chuồn chuồn nước tung cánh bay vọt lên. Cái bóng chú nhỏ xíu lướt nhanh trên mặt hồ.

Nguyễn Thế Hội

II. Tập làm văn: (8 điểm) Thời gian: 35 phút

Cho đề bài sau: Em hãy tả lại một con vật mà em yêu thích nhất.

................................

................................

................................

Trên đây tóm tắt một số nội dung miễn phí trong bộ Đề thi Tiếng Việt lớp 4 năm 2024 mới nhất, để mua tài liệu trả phí đầy đủ, Thầy/Cô vui lòng xem thử:

Xem thử Đề CK2 Tiếng Việt 4

Từ khóa » đề Thi Môn Văn Kì 2 Lớp 4