ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI LỚP 9 MÔN NGỮ VĂN

Câu 1: (4,0 điểm)

          Cảm nhận của em về những câu thơ sau trong tác phẩm “Truyện Kiều” của Nguyễn Du:

- Cỏ non xanh tận chân trời,

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa.

- Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

(Ngữ văn 9 – tập một)

Câu 2: (6,0 điểm)

                 “Sống chậm lại, nghĩ khác đi và yêu thương nhiều hơn”. Suy nghĩ của em về lời nhắn trên với tuổi trẻ ngày nay.

Câu 3: (10,0 điểm)

          Hình ảnh trăng trong hai bài thơ “Đồng chí” của Chính Hữu và “Ánh trăng” của Nguyễn Duy.

 

 

 

 

——————————————– Hết ——————————————–

 

 

 

 

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN

KỲ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI CẤP HUYỆN

LỚP 9 NĂM HỌC 2016 – 2017

Câu 1: (4,0 điểm)

A. Yêu cầu:

1. Về kiến thức:

Học sinh có thể có nhiều cách trình  bày khác nhau, nhưng phải cảm nhận được vẻ đẹp riêng biệt của hai câu thơ. Về cơ bản, bài viết phải:

* Giới thiệu vị trí hai câu thơ trong tác phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du.

* Chỉ ra nét tương đồng: Hai câu thơ đều mở ra bức tranh phong cảnh với một không gian mênh mông từ mặt đất đến chân mây, ngập tràn sắc cỏ.

* Chỉ ra nét riêng biệt:

+ Câu thơ:

Cỏ non xanh tận chân trời

Cảnh lê trắng điểm một vài bông hoa.

- Là bức tranh mùa xuân tươi đẹp, trong sáng, hài hòa, tràn đầy sức sống (màu xanh của cỏ gợi sức sống, màu trắng của hoa gợi sự trong sáng, tinh khôi). Đằng sau bức tranh ấy là tâm trạng vui tươi của Thúy Kiều.

- Nghệ thuật thể hiện: Bút pháp chấm phá, kế thừa tinh hoa của văn học cổ, từ ngữ giàu chất tạo hình.

+ Câu thơ:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

- Là bức tranh thiên nhiên mênh mang, héo úa, đơn điệu (“Rầu rầu” thể hiện sự héo úa của cảnh, “xanh xanh” gợi sự mênh mang, mờ mịt). Đằng sau bức tranh ấy là tâm trạng cô đơn, hoảng loạn của Thúy Kiều.

- Bút pháp tả cảnh ngụ tình, từ ngữ giàu sức gợi.

* Giải thích lí do tạo nên sự khác biệt ấy:

+ Ở câu đầu:

- Thiên nhiên là đối tượng miêu tả.

- Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt của người con gái tài sắc, đang sống trong những tháng ngày tươi đẹp.

+ Ở câu sau:

- Thiên nhiên là phương tiện, là cách thức để thể hiện tâm trạng nhân vật.

- Thiên nhiên được cảm nhận qua con mắt của một người trong tâm trạng của kẻ tha hương, biết mình bị lừa bán vào chốn lầu xanh.

2. Về kĩ năng:

Học sinh biết cách làm bài nghị luận văn học về thơ. Văn viết trôi chảy, cảm xúc, thể hiện được chất văn chương. Không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ, chính tả…

B. Cách cho điểm:

- Điểm 4: Đạt được hầu hết những yêu cầu trên, không mắc lỗi.

- Điểm 3: Đạt được 2/3 yêu cầu, còn mắc một số lỗi.

- Điểm 2: Đạt được 1/2 yêu cầu, còn một số lỗi.

- Điểm 1: Đạt được dưới 1/2 yêu cầu, còn mắc nhiều lỗi

- Điểm 0: Không nhận thức được đề hoặc không viết gì.

 

Câu 2. (6,0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

- Xây dựng một bài văn nghị luận xã hội chặt chẽ, hợp lí.

- Không mắc lỗi diễn đạt về các mặt chính tả, dùng từ, đặt câu. Cách lập luận chặt chẽ, văn sắc bén, thuyết phục, có nét riêng.

II. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Có thể giải quyết được những nội dung sau đây:

 

Nội dung

Điểm

- Giới thiệu vấn đề cần nghị luận và trích dẫn câu nói

1,0 đ

- Giải thích, chứng minh:

+ Sống chậm không phải là lãng phí thời gian mà là sống một cách kĩ lưỡng để cảm nhận những điều tốt đẹp trong cuộc sống, để nghĩ về cuộc sống và người xung quanh nhiều hơn; cho ta khoảng lặng để rút ra kinh nghiệm từ những thất bại và hi vọng cho tương lai; để lấy lại cân bằng trong cuộc sống, giúp tâm hồn mỗi người tuổi trẻ trở nên thâm trầm, sâu sắc, chín chắn và trưởng thành hơn.

+ Nghĩ khác đi: biết cách nhìn nhận, đánh giá, lựa chọn những lối đi riêng, có thể hiểu là những lối suy nghĩ tích cực, vượt lên trên hoàn cảnh khó khăn để không rơi vào chán nản tuyệt vọng, giúp con người có thêm nghị lực, tự tin.

+ Yêu thương nhiều hơn: biết sống vị tha, bao dung, biết nghĩ, biết quan tâm chăm sóc và hướng tới người khác nhiều hơn.

+ Ý nghĩa câu nói: khuyên con người xây dựng lối sống tốt đẹp, tích cực, nhân ái.

2,0 đ

- Bàn bạc mở rộng:

+ Sống chậm không phải là chậm chạp, lạc hậu; không nên đánh đồng sống chậm là trái nghịch với lối sống hết mình, sống một cách tận độ, sống sao cho có ý nghĩa nhất.

+ Nghĩ khác không phải là những cách suy nghĩ, cách nhìn lập dị, quái đản, “bệnh hoạn” mà phải là những suy nghĩ đem lại sự sống cho bản thân, có sắc thái tích cực và có ích, đem lại những điều ý nghĩa, lớn lao cho cuộc sống, xã hội.

+ Yêu thương nhiều hơn: cho đi nhiều hơn thì ta lại được nhận về nhiều hơn.

+ Phê phán lối sống thực dụng, cá nhân, cơ hội, sống thử, sống gấp, thờ ơ, vô cảm… trong một bộ phận tuổi trẻ hiện nay.

2,0 đ

- Bài học nhận thức và hành động: thấy được ý nghĩa của việc sống chậm, nghĩ khác đi, yêu thương nhiều hơn; đề xuất phương hướng phấn đấu, rèn luyện của bản thân.

1,0 đ

 

Câu 3: (10,0 điểm)

I - Yêu cầu về kĩ năng

- Học sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận văn học kiểu phân tích, so sánh.

- Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

II - Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Có thể giải quyết được những nội dung sau đây:

Nội dung

Điểm

- Nêu được vấn đề cần nghị luận: Giới thiệu khái quát về hai tác phẩm Đồng chí của Chính Hữu và Ánh trăng của Nguyễn Duy. Chủ đề của hai bài thơ không phải viết về trăng nhưng hình ảnh trăng vẫn neo đậu lại một khoảnh khắc đáng nhớ, đáng yêu trong lòng người đọc.

1,0 đ

- Hình ảnh trăng trong hai bài thơ Đồng chí và Ánh trăng

+ Trăng trong bài thơ Đồng chí: hình ảnh thiên nhiên đẹp lại mang những ý nghĩa biểu tượng của hiện thực, lãng mạn, cuộc sống đất nước quê hương.

+ Hình ảnh trăng trong bài Ánh trăng: như một người bạn tri âm, tri kỉ gợi nhắc con người về thái độ, tình cảm đối với những năm tháng quá khứ gian lao, tình nghĩa, đối với thiên nhiên đất nước bình dị, hiền hậu.

+ Điểm giống nhau: đều là những hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp, trong sáng; đều là người bạn tri âm, tri kỉ đối với con người trong lao động, trong chiến đấu và trong sinh hoạt hằng ngày.

+ Điểm khác nhau:

  • Trăng trong bài thơ Đồng chí:
  1. Là biểu tượng đẹp của tình đồng chí keo sơn gắn bó trong cuộc chiến đấu gian khổ thời kì đầu kháng chiến chống Pháp.
  2. Là biểu tượng của hiện thực và lãng mạn, là biểu tượng cho cuộc sống hòa bình, là hình ảnh đất nước, quê hương.
  3. Là vẻ đẹp tâm hồn của người chiến sĩ: bình tĩnh, lạc quan, dũng cảm, lãng mạn.
  4. Trăng hiện ra chỉ trong chốc lát, soi rọi vào phần tươi đẹp của thiên nhiên, đất nước, của lí tưởng sống tốt đẹp của con người.
    • Trăng trong bài thơ Ánh trăng
  1. Trăng trong quá khứ: gắn với tuổi thơ hạnh phúc, là người bạn chiến đấu tri kỉ.
  2. Trăng trong hiện tại: là “người dưng” đột ngột gặp lại trong một đêm thành phố mất điện khiến nhà thơ giật mình, day dứt, suy nghĩ về cách sống hiện tại của mình, nhắc nhở lương tâm của con người: không được lãng quên quá khứ, phải sống ân nghĩa, thủy chung.
  3. Trăng gắn bó suốt cả cuộc đời của con người từ quá khứ đến hiện tại, tương lai. Trăng soi rọi vào chính phần “phản diện” của cuộc đời, vào góc khuất tâm hồn con người để thức tỉnh lương tri, giúp con người biết sống ân nghĩa thủy chung.

 

2,0 đ

 

 2,0 đ

 

 

 2,0 đ

 

 

 2,0 đ

- Hình ảnh ánh trăng được viết ở hai thời kì khác nhau nhưng đều là những hình tượng đẹp, để lại những miền cảm xúc dạt dào mà sâu lắng vô bờ.

1,0 đ

 

@ Lưu ý : Bài làm đạt điểm tối đa khi diễn đạt đầy đủ các ý, không mắc lỗi diễn đạt, dùng từ…. Cần khuyến khích những bài làm sáng tạo.

Từ khóa » đề Thi Hsg Về ánh Trăng