Đề Thi HSG Môn Ngữ Văn Lớp 8 Năm 2019, Phòng GD&ĐT Huyện ...
Có thể bạn quan tâm
PHÒNG GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LỚP 8
HUYỆN HOẰNG HÓA NĂM HỌC 2018-2019
Môn thi: Ngữ văn
Thời gian: 150 phút (Không kể thời gian giao đề)
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi:
“- Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầ sẹo và vết cắt.
- Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu, không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè… Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của học để tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẫu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. Tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi.
Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Cũng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…”
(Trích “Trái tim hoàn hảo” – Khuyết danh)
Câu 1: (1.0 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính trong đoạn trích trên.
Câu 2: (1.0 điểm). Tác giả đã sử dụng biện pháp tu từ gì trong câu văn sau: “Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…”. Hãy phân tích hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ đó?
Câu 3: (2.0 điểm). Theo em, hành động “Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già” của chàng trai có ý nghĩa gì?
Câu 4: (2.0 điểm). Trong đoạn trích trên, thông điệp nào có ý nghĩa nhất đối với em? Vì sao?
PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (14,0 điểm)
Câu 1 (4.0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của mình về “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
Câu 2 (10.0 điểm)
“Mỗi tác phẩm văn học là một bức thông điệp của người nghệ sỹ gửi đến cho bạn đọc”.
Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Dựa vào hiểu biết của em về bài thơ Nhớ rừng của Thế Lữ hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.
----------HẾT----------
HƯỚNG DẪN GIẢI CHI TIẾT
PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)
Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: Tự sự.
Câu 2.
- Biện pháp tu tư: ẩn dụ chuyển đổi cảm giác “tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh”.
- Tác dụng:
- Biện pháp ẩn dụ tinh tế, đặc sắc gợi sự liên tưởng mới lạ. Giúp cho người đọc cảm nhận được tình yêu thương của cụ già đã tràn ngập trong trái tim “anh”.
- Tình yêu từ trái tim cụ già đã truyền đến cho “anh” sự ấm áp, ngọt ngào, hạnh phúc.
Câu 3. Học sinh trình bày những ý sau:
- Sự thay đổi về nhận thức của chàng trai.
- Sự cảm động trước tình yêu thương mà cụ già đã dành cho mọi người.
- Lòng thành kính và tình yêu thương chân thành đối với cụ già.
Câu 4. Học sinh có thể trả lời nhiều cách như:
- Thông điệp về cho và nhận.
- Thông điệp về đức hi sinh.
- Lí giải vì sao đó là thông điệp ý nghĩa nhất đối với bản thân.
PHẦN II: TẠO LẬP VĂN BẢN (14,0 điểm)
Câu 1 (4.0 điểm). Viết đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về vấn đề “cho” và “nhận” trong cuộc sống.
Yêu cầu chung:
a. Đảm bảo thể thức của một đoạn văn
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: “cho” và “nhạn”trong cuộc sống.
Yêu cầu cụ thể:
c. Triển khai hợp lí nội dung đoạn văn: vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng.
Có thể viết đoạn văn theo hướng sau:
* Giải thích:
- Cho: là sự sẻ chia, ban tặng…
- Nhận: là sự thu về, được hưởng…
- → Mỗi quan hệ giữa cho và nhận.
* Bàn luận:
- Trao yêu thương, giúp đỡ người khác là điều cần làm trong cuộc sống. Vì trong cuộc sống còn rất nhiều người khó khăn, bất hạnh cần ta giúp đỡ.
- Cho đi thực chất là nhận lại, nhận lại tình cảm chân thành, sự quí mến của mọi người dành cho mình, giúp cuộc sống chúng ta thêm ý nghĩa.
- Biểu hiện trong cuộc sống: Biểu hiện của cho đi và nhận lại trong cuộc sống thực sự không hiếm. Mỗi người chúng ta hằng ngày đang cho đi và cũng nhận lại nhiều, đôi khi chính bản thân mình cũng không nhận ra được. Đó chính là điều kỳ diệu của cuộc sống này. Khi mỗi người sống tốt, sống có ích thì sẽ nhận lại được một cuộc sống đủ đầy, hạnh phúc. Đóc chính là cho và nhận (dẫn chứng).
- Phê phán: Những người chỉ biết nhận mà không biết cho đi, nhận mà không trân trọng. Ngược lại cũng có những người lợi dụng lòng tốt của người khác để trục lợi…
* Bài học rút ra: Cần sống hòa đồng, yêu thương mọi người xung quanh và phải biết chia sẻ.
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, có suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
Câu 2 (10.0 điểm)
Yêu cầu chung:
a. Đảm bảo thể thức của một bài văn nghị luận có bố cục ba phần: Mở bài, Thân bài, Kết bài
b. Đảm bảo kiến thức về lí luận văn học, tác phẩm văn học, kĩ năng tạo lập văn bản, khả năng cảm nhận văn chương để làm bài.
Yêu cầu cụ thể:
c. Thí sinh có thể cảm nhận và kiến giải theo những cách khác nhau, nhưng phải làm sáng tỏ những nội dung cơ bản sau:
1. Giải thích nhận định:
- Khái niệm tác phẩm văn học: Là con đẻ tinh thần của nhà văn, nhà thơ, nói cách khác nghệ sĩ là người sáng tạo ra tác phẩm văn học.
- Nhà văn, nhà thơ lấy chất liệu từ hiện thực cuộc sống, bằng tài năng sáng tác văn chương mà phản ánh cuộc sống đó trong tác phẩm của mình.
- Bức thông điệp người nghệ sĩ gửi đến cho bạn đọc: Là sự phản ánh không phải sao chép nguyên vẹn lại hiện thực, đó là quá trình phản ánh có chọn lọc, có cảm xúc, suy ngẫm của người nghệ sĩ. Thông qua bức tranh về hiện thực cuộc sống được phản ánh trong tác phẩm, nghệ sĩ thể hiện một cách nhìn, một cách nghĩ, một lời nhắn nhủ đến cho bạn đọc.
- Vì vậy ý kiến cho rằng mỗi tác phẩm văn học là bức thông điệp ý nghĩa mà người nghệ sỹ gửi cho bạn đọc là hoàn toàn đúng đắn, thể hiện sự am hiểu sâu sắc về mối quan hệ giữa tác phẩm với bạn đọc.
2. Phân tích, chứng minh bức thông điệp mà nhà thơ Thế Lữ gửi đến cho bạn đọc qua bài thơ “Nhớ rừng”:
- Giới thiệu khái quát về bài thơ:Là một trong những bài thơ được sáng tác theo bút pháp lãng mạn có vị trí rất quan trọng trong sự nghiệp sáng tác của Thế Lữ nói riêng và phong trào Thơ mới nói chung. Bài thơ ra đời đã góp phần khẳng định được chỗ đứng vững chắc và sự toàn thắng của thơ mới. Bài thơ ra đời và xuất bản lần đầu năm 1935, trong hoàn cảnh đất nước bị thực dân Pháp đô hộ nên tác giả đã mượn lời con hổ bị nhốt trong vườn bách thú để diễn tả tâm trạng phẫn uất trước cảnh sống giả dối tầm thường, tù túng và bộc lộ niềm khát khao tự do mãnh liệt, lòng yêu nước sâu sắc.
- Qua bài thơ Nhớ rừng, thông điệp mà Thế Lữ muốn gửi đến người đọc là tâm trạng đau xót, uất hận, chán ghét thực tại tầm thường, giả dối, từ túng vì mất tự do, bị giam cầm của con hổ khi sa cơ. Đó cũng chính là sự khát khao tự do của chính tác giả (Dẫn chứng - phân tích đoạn 1, đoạn 3)
- Qua hình tượng con hổ, nhà thơ thể hiện niềm khao khát tự do mãnh liệt, cháy bỏng qua sự hồi tưởng về núi rừng oai nghiêm, bí ẩn; nhớ tiếc quá khứ vàng son đầy quyền uy (Tập trung phân tích đoạn 2, đoạn 3). Hình ảnh chúa sơn lâm hiện lên uy nghi, lẫm liệt ngự trị tối cao trong vương quốc của chính mình. “Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu? – câu cảm thán, câu hỏi tu từ diễn tả nỗi lòng day dứt, tâm sự u uất, tuyệt vọng của con hổ về quá khứ huy hoàng hay cũng chính là của tác giả, của người dân Việt Nam về thời oanh liệt, lừng lẫy của cha ông.
- Nhà thơ gửi dòng hoài niệm về quá khứ vàng son, oai hùng đã lùi vào dĩ vãng, đẹp như một giấc mơ. Đáng quý hơn đó là khát vọng vượt lên trên những điều tầm thường, nhỏ bé để vươn tới những điều gì đẹp đẽ, cao cả, thiêng liêng (dẫn chứng – phân tích đoạn thơ cuối)
- Bài thơ có lời đề tựa là “Lời con hổ ở vườn bách thú” nhưng khát vọng tự do là khát vọng của con người. Tâm trạng của con hổ cũng chính là tâm sự của tác giả, là một cách khẳng định cái tôi cá nhân của con người. Cảnh vườn bách thú tầm thường, giả dối chính là thực tại xã hội lúc bấy giờ. Nỗi uất hận, đau xót đến tuyệt vọng của con hổ đã trở thành tâm trạng chung của người dân Việt Nam mất nước đang sống trong cảnh nô lệ. Bức thông điệp của nhà thơ đã được công chúng say sưa đón nhận ngay từ khi mới ra đời. Như vậy bài thơ chính là tâm sự yêu nước thâm kín được gửi gắm qua hình tượng con hổ.
3. Đánh giá khái quát:
- Nghệ thuật đặc sắc: Cảm hứng lãng mạn, phóng khoáng; hình ảnh thơ đậm tính tạo hình, đẹp và mang ý nghĩa biểu tượng cao; ngôn ngữ thơ giàu sức biểu cảm.
- Bức thông điệp mà Thế Lữ gửi đến người đọc đã được đón nhận và làm lay động bao trái tim của người Việt Nam yêu nước vì tâm sự của nhà thơ cũng chính là tâm sự kín đáo của những người dân mất nước khi đó.
- Khẳng định giá trị, sự cần thiết phải đọc tác phẩm văn học vì “Mỗi tác phẩm văn học là một bức thông điệp của người nghệ sỹ gửi đến cho bạn đọc”.
d. Sáng tạo: cách diễn đạt độc đáo, só suy nghĩ riêng về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt.
Lưu ý chung:
1. Đây là đáp án mở, thang điểm có thể không quy định chi tiết đối với từng ý nhỏ, chỉ nêu mức điểm của phần nội dung lớn nhất thiết phải có.
2. Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết đáp ứng đầy đủ những yêu cầu đã nêu ở mỗi câu, đồng thời phải được triển khai chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc.
3. Khuyến khích những bài viết có sáng tạo nhưng phải có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục.
4. Không cho điểm cao đối với những bài chỉ nêu chung chung, sáo rỗng.
5. Cần trừ điểm với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.
Ngoài ra, các em có thể tham khảo thêm:
Đề thi HSG môn Ngữ văn lớp 8 năm 2019, Phòng GD&ĐT Huyện Hoằng Hóa
Từ khóa » đề Thi Hsg Văn 8 Cấp Huyện Năm 2019
-
Đề Thi HSG Ngữ Văn 8 Cấp Huyện Năm 2019-2020 Có đáp án
-
Đề Thi Chọn HSG Cấp Huyện Môn Ngữ Văn Lớp 8 Năm Học 2019
-
Đề Thi Chọn Học Sinh Giỏi Cấp Huyện Lớp 8 Môn Ngữ Văn Năm Học 2019
-
Top 15 đề Thi Hsg Văn 8 Cấp Huyện Năm 2019
-
Đề Thi HSG Ngữ Văn 8 Cấp Huyện Có đáp án - DeThiHsg247.Com
-
Đề Thi Hsg Văn 8 Cấp Huyện Có đáp án - Hàng Hiệu
-
Đề Thi HSG Môn Ngữ Văn 8 - TaiLieu.VN
-
Đề Thi HSG Ngữ Văn 8 Cấp Trường, Quận Huyện, Tỉnh Thành Phố
-
Đề Thi Học Sinh Giỏi Môn Ngữ Văn Lớp 8 - Vt-.vn
-
Đề Thi Học Sinh Giỏi Văn 8 Hoằng Hóa 2021
-
Bộ đề Thi Học Sinh Giỏi Môn Ngữ Văn Lớp 8 Cấp Huyện Năm 2020 ...
-
Đề Thi HSG Lớp 8.pdf (.docx) | Tải Miễn Phí