Đề Thi Môn Ngữ Văn Có Cấu Trúc Quen Thuộc, độ Khó Rất 'đúng Tầm'

Cô Đinh Thị Thúy Nga - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội

Cô Đinh Thị Thúy Nga - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Ban Mai-Hà Đông, Hà Nội

Cô Đinh Thị Thúy Nga, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Ban Mai, Hà Đông, Hà Nội nhận định: Nhìn chung đề thi Ngữ văn của Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 bảo đảm đúng các yêu cầu về nội dung, hình thức của một đề thi tốt nghiệp.

Đề thi về cơ bản không thay đổi so với mọi năm, cấu trúc đề vẫn gồm có hai phần. Phần Đọc hiểu 3 điểm, phần Làm văn 7 điểm (câu viết đoạn văn nghị luận xã hội 2 điểm, bài nghị luận văn học 5 điểm).

Phần Đọc hiểu (3 điểm) gồm 4 câu hỏi nhỏ. Bốn câu hỏi đọc hiểu đã lần lượt đặt ra yêu cầu theo các mức độ của Nhận biết (câu 1 và 2), nhận biết kết hợp thông hiểu (câu 3), vận dụng và vận dụng cao (câu 4). Đó là các mức độ bám sát cấu trúc đề thi tham khảo, phù hợp với năng lực đọc hiểu của học sinh. Riêng câu 4 là ở mức độ vận dụng cao yêu cầu học sinh phải thể hiện được những cảm nhận về vấn đề được đặt ra trong ngữ liệu đọc hiểu, từ đó vận dụng những trải nghiệm và quan điểm cá nhân để đưa ra suy ngẫm về ý nghĩa sự hi sinh của tuổi trẻ trong xã hội hôm nay.

Phần Làm văn (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm) Đoạn văn nghị luận xã hội yêu cầu học sinh nghị luận về một khía cạnh của vấn đề rút ra từ phần Đọc hiểu đó là trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước các thế hệ đi trước. Về hình thức, học sinh cần đảm bảo yêu cầu của việc tạo lập đoạn văn nghị luận xã hội 200 chữ cùng với đó cần kết hợp các thao tác lập luận để làm sáng rõ vấn đề nghị luận.

Về nội dung, học sinh cần giải thích được khái niệm trách nhiệm; phân tích được trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc tiếp bước thế hệ đi trước (biết ơn, kế thừa, phát huy, có ý thức trau dồi kĩ năng, thái độ, phẩm chất tốt đẹp của thế hệ đi trước…); vận dụng những hiểu biết xã hội để chỉ ra những dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp với vấn đề nghị luận; từ đó đưa ra những giải pháp, liên hệ thực tiễn bản thân. Nhìn chung, đề nghị luận xã hội trong đề thi phù hợp với yêu cầu của đề thi tốt nghiệp, với tình hình thực tế trong xã hội ngày nay.

Câu 2 (5 điểm) Câu nghị luận văn học chiếm quỹ điểm cao nhất (5 điểm). Đề yêu cầu học sinh phải vận dụng những kiến thức và kĩ năng làm bài nghị luận văn học để giải quyết vấn đề nghị luận. Yêu cầu của đề bài vẫn bám sát đề thi minh họa. Tuy nhiên đề có điểm mới ở vế phụ, học sinh cần phải liên hệ với hình ảnh chiếc thuyền trong đoạn trích đó với hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi với sóng gió giữa phá được miêu tả trong truyện trước khi rút ra thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống.

Khi triển khai bài làm, ở vế chính, học sinh cần có kiến thức vững vàng về tác giả, tác phẩm cũng như đoạn trích để từ đó phân tích chi tiết phát hiện thứ nhất của nghệ sĩ Phùng – biểu tượng cho nghệ thuật, cho cái đẹp. Ở vế phụ, hình ảnh chiếc thuyền đang chống chọi giữa phá tượng trưng cho hiện thực cuộc sống, cho những khó khăn mà con người phải trải qua.

Từ đó, học sinh cần rút ra được thông điệp về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống (nghệ thuật chân chính luôn bắt nguồn từ cuộc đời và vì con người; khi nhìn cuộc sống, người nghệ sĩ cần có cái nhìn đa chiều để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có giá trị ….). Trong quá trình làm bài, học sinh cần kết hợp chỉ ra những giá trị nghệ thuật đặc sắc được sử dụng để làm sáng rõ giá trị nội dung.

Nhìn chung, đề thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn năm 2022 phù hợp với tình hình học sinh học trực tuyến do chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Tuy nhiên, đề vẫn có tính phân hóa cao ở câu nghị luận văn học, do đó tạo điều kiện thuận lợi để các trường đại học sử dụng kết quả thi cho công tác tuyển sinh.

Hiếu Nguyễn

Từ khóa » đề Văn Thpt Quốc Gia 2021 Khó Hay Dễ