Đề Thi Thử Môn Văn Bài Vợ Nhặt Kim Lân - Thư Viện Văn Mẫu

ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

BẠN CÓ NGHÈO KHÔNG ?

Một ngày nọ, người cha giàu có dẫn con trai đến một vùng quê để thằng bé thấy những người nghèo ở đấy sống như thế nào. Họ tìm đến một nông trại của một gia đình nghèo nhất nhì vùng. “Đây là một cách để dạy con biết quý trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình” – người cha nghĩ đó là bài học thực tế cho đứa con bé bỏng của mình.

Sau khi ở lại và tìm hiểu về đời sống ở đây, họ trở về nhà. Trên đường về, người cha nhìn con trai mỉm cười: “Chuyến đi như thế nào hả con?”

– Thật tuyệt vời bố ạ!

– Con đã thấy người nghèo sống như thế nào rồi đấy!

– Ồ, vâng.

– Thế con rút ra được gì từ chuyến đi này?

Đứa bé không ngần ngại:

Con thấy chúng ta có một con chó, họ có bốn. Nhà mình có một hồ bơi dài đến giữa sân, họ lại có một con sông dài bất tận. Chúng ta phải đưa những chiếc đèn vào trong vườn, họ lại có những ngôi sao lấp lánh vào đêm. Mái hiên nhà mình chỉ đến trước sân thì họ có cả chân trời. Chúng ta phải có người phục vụ, còn họ lại phải phục vụ người khác. Chúng ta phải mua thực phẩm, còn họ lại trồng ra những thứ ấy. Chúng ta có những bức tường bảo vệ xung quanh, còn họ có những người bạn láng giềng che chở lẫn nhau…

Đến đây người cha không nói gì cả.

  • “Bố ơi, con đã biết chúng ta nghèo như thế nào rồi…” – cậu bé nói thêm.

(Nguồn: hoathuytinh.com)

Câu 1 (0,5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2 (0,5 điểm). Trong câu chuyện, người cha giàu có đưa con đến vùng quê của những người nghèo sinh sống để làm gì ?

Câu 3 (1,0 điểm). Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong đoạn văn: “ Con thấy chúng ta….che chở lẫn nhau…”

Câu 4 (1,0 điểm). Người cha và con trai trong câu chuyện có đồng nhất quan niệm về “giàu’, “nghèo” không ? Vì sao ?

LÀM VĂN (7.0 điểm)

  Câu 5 (2.0 điểm).

            Bài học cuộc sống mà anh/chị tâm đắc nhất được gợi ra từ văn bản trên ?

Trình bày dưới hình thức một đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ).

  Câu 6 (5.0 điểm).

      Bàn về tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Đó là một tình thế bi kịch xót xa. Lại có ý kiến cho rằng: Đó là khoảnh khắc thiết tha của bài ca sự sống.

Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

———-Hết———–

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI- ĐỀ SỐ 10

Phần Câu Nội dung Điểm
I ĐỌC HIỂU 3.0
1 Phương thức tự sự 0.5
2 Người cha giàu có đưa con trai đến vùng quê của những người nghèo sống để: “…. dạy con biết quý trọng những người có cuộc sống cơ cực hơn mình” 0.5
3 – Đối lập tương phản, điệp,…à Cậu bé nhận thấy sự đối lập giữa cuộc sống giữa gia đình cậu và những người nông dân. Cậu thích thú với cuộc sống của họ. 1.0
4 – Không.

– Vì người cha quan niệm giàu có về vật chất; cậu bé lại hướng về đời sống tinh thần, sống gần gũi với thiên nhiên, con người, cái mà cậu và gia đình đang thiếu (con sông, những ngôi sao, những người bạn láng giềng…, …)

1.0
II   LÀM VĂN 7.0
5 Bài học cuộc sống mà anh/chị tâm đắc nhất được gợi ra từ văn bản trên ? 2.0
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn:

HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, qui nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Bài học cuộc sống tâm đắc nhất được gợi ra từ nội dung văn bản. 0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận:

– Từ nội dung văn bản, HS rút ra bài học tâm đắc:  Đó là bài học gì ?(vd: Bài học về quan niệm giàu nghèo; bài học giá trị sống;….) Bài học đó có ý nghĩa như thế nào đối với bản thân ? ….;….

1.0

d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, đặt câu. 0.25
e. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc. 0.25
2 Bàn về tình huống truyện trong tác phẩm Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân, có ý kiến cho rằng: Đó là một tình thế bi kịch xót xa. Lại có ý kiến cho rằng: Đó là khoảnh khắc thiết tha của bài ca sự sống.

Từ việc phân tích tình huống truyện của tác phẩm, anh/ chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

5.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận: Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài kết luận được vấn đề. 0.5
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận:

Tình huống truyện “Vợ nhặt” là một tình thế bi kịch xót xa; là khoảnh khắc thiết tha của bài ca sự sống.

0.5
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; các luận điểm được triển khai theo trình tự hợp lí, có sự liên kết chặt chẽ; sử dụng tốt các thao tác lập luận để triển khai các luận điểm; biết kết hợp giữa nêu lí lẽ và d ẫn chứng:

1.   Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

2.   Giải thích ý kiến:

–   Tình huống truyện: Là sự kiện đặc biệt của đời sống mà nhà văn mô tả trong tác phẩm. Tại sự kiện đó nhà văn đã làm sống dậy một tình thế bất thường có tính chất éo le và gây bất ngờ trong quan hệ giữa các nhân vật. Tại sự kiện đó, tính cách nhân vật được bộc lộ rõ nét, ý tưởng nhà văn gửi gắm cũng hiện hình khá trọn vẹn.

   “Tình thế bi kịch xót xa”: là tình thế khó khăn, ngặt nghèo, khi con người phải đối diện với những cảnh ngộ éo le.

    ” Bài ca sự sống”: là bài ca ngợi ca niềm khát vọng sống, sức sống.

à Hai ý kiến đã đưa ra hai cái nhìn khác nhau về tình huống truyện trong tác phẩm.

3.   Chứng minh:

*  Nêu tình huống: Tràng – một người dân ngụ cư nghèo khổ, nghề nghiệp không ổn định, mang tiếng ế vợ….bỗng nhiên nhặt được vợ giữa nạn đói khủng khiếp.

*    Tình huống truyện “Vợ nhặt” là một tình thế bi kịch xót xa:

– Chuyện dựng vợ gả chồng là sự kiện thiêng liêng, nhưng ở đây diễn ra ngẫu nhiên, chóng vánh, dễ dàng đến xót xa.

–  Việc nhặt vợ lại diễn ra giữa đói khát, tăm tối…

–  Việc Tràng nhặt vợ đã gợi lên trong tất cả mọi người nỗi xót xa, ngậm ngùi về thân phận…

* Nhưng tình huống truyện này lại cũng là khoảnh khắc thiết tha của sự sống:

– Con người nỗ lực đi tìm cơ hội sống…

– Dù trong tận cùng đói khổ, con người vẫn khát khao hạnh phúc, vẫn tìm đến với nhau để xây mái ấm….

– Con người vẫn giữ được niềm hy vọng, niềm tin vào tương lai tươi sáng…

4.   Đánh giá:

–   Hai ý kiến đối lập nhưng thống nhất. Bởi đã chỉ ra vẻ đẹp của tình huống truyện trong tác phẩm: Ngợi ca vẻ đẹp của niềm khát vọng sống ngay trong tình thế ngặt nghèo, bi đát.

– Tình huống truyện đã thể hiện cái nhìn nhân ái, tràn đầy niềm tin của Kim Lân với con người, thể hiện tài năng của Kim Lân trong xây dựng tình huống truyện.

–   Hai ý kiến đã gợi ý cho người đọc chìa khoá tiếp nhận truyện ngắn theo đặc trưng thể loại.

3.0

d. Sáng tạo: có cách diễn đạt độc đáo; suy nghĩ, kiến giải mới mẻ … 0.5
e. Chính tả, dùng từ đặt câu: đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp, ngữ nghĩa tiếng Việt. 0.5

                                               ………………..Hết……………..

 

Từ khóa » Bạn Có Nghèo Không