Đề Thi Thử Môn Văn Năm 2020 THPTQG Số 4 Có đáp án Chi Tiết

Dưới đây, ban tư vấn tuyển sinh của các Trường Cao Đẳng Dược TPHCM tổng hợp các đề thi thử môn Văn 2020 THPTQG số 4 để các em tham khảo. Phương pháp ôn luyện bằng cách giải các đề thi thử sẽ giúp các em thống kê lại được kiến thức trọng tâm, qua đó sẽ chuẩn bị tốt nhất trong các kì thi. Cùng tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 dành cho môn Ngữ văn đề số 4 cùng đáp án tham khảo dưới đây.

Đề thi thử

  1. Đọc hiểu (3,0 điểm)

Đọc đoạn văn bản sau:

"2/10/1971

Nhiều lúc mình cũng không ngờ rằng mình đã đến đây. Không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá (…). Hai mươi tám ngày trong quân ngũ mình hiểu được nhiều điều có ích. Sống được nhiều ngày có ý nghĩa. Dọc đường hành quân, có dịp xem lại lòng mình, soát lại lòng mình… Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp. Bản nhạc này đây, bao lần mình đã nghe, đã cúi đầu suy nghĩ. Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!.. Khóc, không phải vì hèn yếu, không phải vì buồn bã, mà vì xúc động. Vì buổi chia tay này thiêng liêng quá. Những người bạn thân yêu nhất của mình không thể tiễn mình đi được. Và bàn tay ấy, và đôi mắt ấy, giọng nói ấy... Lên xe rồi, xe nổ máy. Xe Việt Nam sản xuất, tiếng động cơ như tiếng tim mình vậy."

(Trích Mãi mãi tuổi hai mươi - Nhật kí của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, NXB Thanh niên, 2005)

Thực hiện các yêu cầu nêu ở bên dưới:

Câu 1. Hãy chỉ ra "những điều không ngờ" được tác giả nói đến trong đoạn trích?

Câu 2. Người viết đã thể hiện cảm xúc gì qua câu văn: Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta!..

Câu 3. Nêu tác dụng của phép điệp được sử dụng trong câu văn: Mình đã khóc, nước mắt giàn giụa, khi các bạn tiễn mình đi, khi buổi lễ kết thúc, khi bài Quốc ca rung bầu không khí trong lành trên trường Tổng hợp..

Câu 4. Anh / chị có đồng ý với quan điểm "viết nhật kí không còn cần thiết trong cuộc sống hôm nay" không ? Vì sao?

  1. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung của đoạn trích ở phần Đọc - hiểu, hãy viết đoạn văn nghị luận khoảng 200 từ bàn về tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay.

Câu 2: Cảm nhận của anh/chị về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ

(Trích Vợ chồng A Phủ, Ngữ văn 12, Tập hai). Từ đó, nêu bật tư tưởng nhân đạo của nhà văn Tô Hoài ./.

Đáp án đề thi thử THPT Quốc gia môn Văn

  1. Đọc - Hiểu

Câu 1: "những điều không ngờ" được tác giả nói đến trong đoạn trích:

- không ngờ mình đã đến đây.

- không ngờ rằng trên mũ là một ngôi sao. Trên cổ áo là quân hàm đỏ. Cuộc đời bộ đội đến với mình tự nhiên quá, bình thản quá và cũng đột ngột quá …

Câu 2: Cảm xúc của người viết được thể hiện qua câu văn: Nhưng hôm nay mới thực hiểu, thực cảm một điều giản dị: Bài Quốc ca của ta, của ta! là: Sự xúc động và niềm tự hào về Tổ Quốc

Câu 3:

- Điệp từ được sử dụng qua đoạn trích là: khi

- Tác dụng của phép điệp từ: Nhấn mạnh thời điểm thiêng liêng nhất đối với người viết, trong không khí buổi lễ tiễn quân đầy xúc động, tự hào và đáng nhớ.

Câu 4: Các em đưa ra quan điểm cá nhân của mình sau đó dùng những lập luận để bảo vệ quan điểm đó

Ví dụ:

- Đồng ý vì viết nhật ký là một cách để lưu lại những ký ức, kỷ niệm đẹp mà bất cứ ai, dù sống trong thời đại nào cũng cần; một cách lưu giữ ký ức giản dị, chân thật và giàu cảm xúc;…

- Không đồng ý vì: thời đại 4.0 có nhiều cách để lưu giữ ký ức, kỷ niệm sống động hơn, thuận tiện hơn…

  1. Làm văn

Câu 1: Hướng dẫn làm bài

- Giải thích: "tinh thần yêu nước” là tình yêu đối với quê hương, đất nước; được hình thành từ lòng yêu nước và sự tự nguyện hi sinh vì quê hương, đất nước vô điều kiện; là giá trị cơ bản trong hệ giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam ta.

- Bàn luận:

+ Tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam thời chiến: Sẵn sàng lên đường bảo vệ Tổ Quốc. Cảm thấy tự hào vì mình là người bộ đội cụ Hồ.

+ Tinh thần yêu nước của thanh niên Việt Nam trong thời đại ngày nay: luôn nêu cao tinh thần cảnh giác với các thế lực thù địch; biết đấu tranh vì một cuộc sống hòa bình cho dân tộc; đặc biệt, đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng và bảo về đất nước….

+ Phê phán hiện tượng ngược lại: những kẻ bán nước, phản bội Tổ Quốc.

+ Hành động: Có những đóng góp cho đất nước bằng những hành động cụ thể như: cố gắng học tập vì ngày mai lập nghiệp, Tham gia nghĩa vụ quân sự…

Câu 2: Gợi ý làm bài

a.Giới thiệu tác giả Tô Hoài, trích đoạn tác phẩm Vợ chồng A Phủ

  1. Cảm nhận về sức sống tiềm tàng, sức phản kháng mạnh mẽ của nhân vật Mị trong đêm cứu A Phủ.

- Hoàn cảnh:

+ Những đêm mùa đông trên núi cao dài và buồn, Mị lầm lũi, cô độc.

+ Nhìn A Phủ bị trói đứng, Mị vẫn thản nhiên, vô cảm.

- Sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng và hành động phản kháng mạnh mẽ:

+ Một đêm, khi thấy “một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại của A Phủ”, Mị thức tỉnh, ý thức phản kháng nhen nhóm trong suy nghĩ của Mị:

  • Mị nhớ đến cảnh mình bị trói, cảnh người đàn bà bị trói đến chết trong quên lãng, Mị nhận ra tội ác của cha con thống lý.
  • Mị nghĩ đến thân phận “làm ma nhà thống lý” và sự nghịch lý đối với A Phủ.
  • Mị nghĩ đến cái chết của A Phủ và quyết định cứu A Phủ.

+ Hành động phản kháng mạnh mẽ, quyết liệt:

  • Mị rón rén mà quyết liệt cắt dây trói cứu A Phủ.
  • Mị chợt nhận ra “Ở đây thì chết mất” và chạy theo A Phủ, cùng A Phủ thoát khỏi kiếp nô lệ ở nhà thống lý, đến với cuộc sống tự do.

- Nghệ thuật: Nghệ thuật tạo tình huống, miêu tả tâm lí nhân vật, nghệ thuật trần thuật nửa trực tiếp.

  1. Tư tưởng nhân đạo của nhà văn

- Thấu hiểu, đồng cảm trước số phận đau khổ của người lao động.

- Lên án thế lực thống trị chà đạp quyền sống con người.

- Đề cao sức sống tiềm tàng, mãnh liệt và ý thức phản kháng mạnh mẽ; thấy được khả năng cách mạng và khát vọng hướng đến cuộc sống tự do của người lao động bị áp bức.

  1. Đánh giá chung
  • Sức sống tiềm tàng, ý thức phản kháng mạnh mẽ của Mị thể hiện khát vọng sống và khả năng cách mạng ở người lao động. Đây là điều kiện cần để họ thức tỉnh, đến với cách mạng, tham gia đấu tranh giành lấy tự do.
  • Thể hiện rõ cảm hứng sáng tác, tư tưởng nhân đạo; tài năng nghệ thuật của nhà văn.

Trên đây là mẫu đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn số 4 với những dạng câu hỏi, dạng bài bám sát chương trình học của Bộ GD-ĐT. Còn rất nhiều những bộ đề thi thử THPT Quốc gia 2020 môn Văn thuộc của các tỉnh trên cả nước luôn được chúng tôi cập nhật liên tục để các em tham khảo tại đây!

Từ khóa » đề Thi Thử Văn Thpt 2020