Đề Thi Thử THPT Quốc Gia 2021 Môn Văn Liên Trường Nghệ An

Tải mẫu đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn file word vừa diễn ra của hệ thống liên trường THPT Nghệ An. Đề thi chủ yếu kiến thức trong chương trình THPT (đặc biệt là lớp 12) theo chuẩn cấu trúc đề thi của Bộ GD&ĐT.

Chi tiết đề thi như sau:

Đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn văn Liên trường Nghệ An

SỞ GD&ĐT NGHỆ AN LIÊN TRƯỜNG THPT KÌ THI THỬ TỐT NGHIỆP THPT NĂM  2021 Môn thi: NGỮ VĂN Thời gian: 120 phút (không kể thời gian giao đề)

I. ĐỌC HIỂU (3.0 điểm)

Đọc văn bản:

Mùa xuân về trên mộ hai lính trận

Chử Văn Long

Mùa xuân về trên mộ hai người lính

Một phía bên kia, một phía bên này

Những sợi cỏ gà bò lan chầm chậm

Như những bàn tay tìm gặp bàn tay

Dường như tất cả đã xóa đi mọi điều thù hận

Ai nỡ phân chia ranh giới ở nơi này!

Hoa đồng nở bừng lên quanh hai nấm mộ

Cánh bướm ngây thơ cũng tới vẽ vòng,

Cả tiếng sáo tận bờ tre êm ả

Ru vọng về giấc ngủ ngàn năm...

(Thơ hay Việt Nam thế kỉ XX,             

NXB Văn hóa thông tin, 2006, tr. 253)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra các hình ảnh gợi tả không khí mùa xuân trong khổ thơ cuối.

Câu 3.Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh trong hai câu thơ:

Những sợi cỏ gà bò lan chầm chậm

Như những bàn tay tìm gặp bàn tay

Câu 4. Lí giải về thông điệp cuộc sống mà anh/chị nhận được qua văn bản.

II. LÀM VĂN (7.0 điểm)

Câu 1. (2.0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức lan tỏa của lòng vị tha trong cuộc sống.

Câu 2. (5.0 điểm)

… “Còn xa lắm mới đến cái thác dưới. Nhưng đã thấy tiếng nước réo gần mãi lại réo to mãi lên. Tiếng nước thác nghe như là oán trách gì, rồi lại như là van xin, rồi lại như là khiêu khích, giọng gằn mà chế nhạo. Thế rồi nó rống lên như tiếng một ngàn con trâu mộng đang lồng lộn giữa rừng vầu rừng tre nứa nổ lửa, đang phá tuông rừng lửa, rừng lửa cùng gầm thét với đàn trâu da cháy bùng bùng. Tới cái thác rồi. Ngoặt khúc sông lượn, thấy sóng bọt đã trắng xóa cả một chân trời đá. Đá ở đây từ ngàn năm vẫn mai phục hết trong lòng sông, hình như mỗi lần có chiếc thuyền nào xuất hiện ở quãng ầm ầm mà quạnh hiu này, mỗi lần có chiếc nào nhô vào đường ngoặt sông là một số hòn bèn nhổm cả dậy để vồ lấy thuyền. Mặt hòn đá nào trông cũng ngỗ ngược, hòn nào cũng nhăn nhúm méo mó hơn cả cái mặt nước chỗ này. Mặt sông rung rít lên như tuyếc-bin thủy điện nơi đáy hầm đập. Mặt sông trắng xóa càng làm bật rõ lên những hòn những tảng mới trông tưởng như nó đứng nó ngồi nó nằm tùy theo sở thích tự động của đá to đá bé. Nhưng hình như Sông Đà đã giao việc cho mỗi hòn. Mới thấy rằng đây là nó bày thạch trận trên sông. Đám tảng đám hòn chia làm ba hàng chặn ngang trên sông đòi ăn chết cái thuyền, một cái thuyền đơn độc không còn biết lùi đi đâu để tránh một cuộc giáp lá cà có đá dàn trận địa sẵn. Hàng tiền vệ có hai hòn canh một cửa đá trông như là sơ hở, nhưng chính hai đứa giữ vai trò dụ cái thuyền đối phương đi vào sâu nữa, vào tận tuyến giữa rồi nước sóng luồng mới đánh khuýp quật vu hồi lại. Nếu lọt vào đây rồi mà cái thuyền du kích ấy vẫn chọc thủng được tuyến hai, thì nhiệm vụ của những boong-ke chìm và pháo đài đá nổi ở tuyến ba phải đánh tan cái thuyền lọt lưới đá tuyến trên, phải tiêu diệt tất cả thuyền trưởng thủy thủ ngay ở chân thác. Thạch trận dàn bày vừa xong thì cái thuyền vụt tới. Phối hợp với đá, nước thác reo hò làm thanh viện cho đá, những hòn đá bệ vệ oai phong lẫm liệt. Một hòn ấy trông nghiêng thì y như là đang hất hàm hỏi cái thuyền phải xưng tên tuổi trước khi giao chiến. Một hòn khác lùi lại một chút và thách thức cái thuyền có giỏi thì tiến gần vào…”

(Trích Người lái đò sông Đà, Nguyễn Tuân, Ngữ văn 12, 

Tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2018, tr. 187-188)

Phân tích hình tượng dòng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân.

--- Hết ---

Đáp án đề thi thpt quốc gia 2021 liên trường Nghệ An

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Câu 1. Thể thơ: Tự do.

Câu 2. Hình ảnh gợi tả không khí mùa xuân : hoa đồng, cánh bướm, tiếng sáo.

Câu 3.Tác dụng của biện pháp tu từ so sánh:

+ Khắc họa hình ảnh những sợi cỏ gà trên hai nấm mộ gợi liên tưởng của tác giả về sự tìm gặp của hai con người...

+ Tăng sức gợi hình, gợi cảm cho câu thơ...

Câu 4. 

- Trình bày thông điệp cuộc sống mà anh/chị nhận được.

- Lý giải hợp lý, thuyết phục.

II. LÀM VĂN

Câu 1. 

Viết đoạn văn trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự lan tỏa của lòng vị tha trong cuộc sống.

a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng - phân - hợp, móc xích hoặc song hành.

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Sức lan tỏa của lòng vị tha trong cuộc sống.

c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận về lòng vị tha theo nhiều cách, nhưng nên hướng đến những nội dung:

- Vị tha là biết sống vì người khác; đây là lối sống đẹp mà con người luôn hướng tới nên nó có sức lan tỏa mạnh mẽ..

- Sống vị tha sẽ giúp con người gần nhau hơn; người biết sống vị tha thì cuộc sống sẽ trở nên nhẹ nhàng, dễ chịu hơn…

- Sự lan tỏa của lòng vị tha sẽ giúp hạn chế những muộn phiền lo âu trong cuộc sống, khiến ta thấy hạnh phúc, yêu đời hơn,...

………

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Câu 2. Còn xa lắm mới đến…… có giỏi thì tiến gần vào.

Phân tích hình tượng dòng Sông Đà trong đoạn trích trên. Từ đó, nhận xét về nét đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân.

a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Hình tượng dòng sông Đà trong đoạn văn.

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

* Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm “Người lái đò sông Đà”, đọan trích và vấn đề cần nghị luận.

*Phân tích hình tượng dòng sông Đà qua hình ảnh thác nước và thạch trận trên sông (chú ý bám vào các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ...)

- Thác nước sông Đà: tiếng nước réo, rống; hình ảnh sóng bọt trắng xóa -> như một loài thủy quái khổng lồ...

- Thạch trận trên sông, sự kết hợp của nước và đá: cả một chân trời đá, đá mai phục, dàn trận-> dữ dội, nham hiểm...

* Đánh giá:

Con sông Đà không còn là một thực thể vô tri vô giác mà dưới ngòi bút tài hoa của Nguyễn Tuân nó trở thành một sinh thể sống động với những cá tính rõ nét: rất hùng vĩ mà cũng rất hung bạo, hiện thân của thứ kẻ thù số một của con người.

=>  Hình tượng Sông Đà tiêu biểu cho vẻ đẹp hùng vĩ dữ dội của thiên nhiên Tây Bắc qua cảm nhận của cái tôi uyên bác, giàu tính thẩm mĩ, độc đáo về phong cách, tha thiết trong tình yêu quê hương đất nước của Nguyễn Tuân.

* Từ đó, nhận xét về đặc sắc trong ngôn ngữ tùy bút của Nguyễn Tuân:

- Ngôn ngữ phong phú, điêu luyện; giàu giá trị tạo hình, giàu tính thẩm mĩ; chính xác, súc tích; đặc biệt phóng khoáng, tinh tế và mới mẻ…

- Câu văn trùng điệp, giàu hình ảnh, giàu tính nhạc; giọng văn thiết tha, sôi nổi, hào hứng,…

- Sử dụng linh hoạt, đa dạng các biện pháp tu từ; vận dụng tri thức tài hoa, uyên bác...

d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

-/-

Vậy là Đọc tài liệu đã gửi tới các lời giải chi tiết đề thi thử tốt nghiệp môn văn THPT 2021 của hệ thống liên trường THPT Nghệ An vừa diễn ra. Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT quốc gia 2021 môn Văn khác được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em thành công!

Từ khóa » Tới Là Viên đá Mọn Không Tên Xác định Thể Thơ