Đề Thi Thử THPT Quốc Gia 2022 Môn Văn Mẫu Số 1

Bạn muốn tải về tài liệu đề thi thử tốt nghiệp thpt môn văn 2022 để thử sức mình? Hãy cùng chúng tôi tham khảo đề thi thử môn văn 2021 mẫu số 1 dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi môn văn của Bộ GD&ĐT đã ra.

Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử thpt quốc gia 2022 này:

Đề thi thử thpt quốc gia 2022 môn văn số 1

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc bài thơ sau:

“Ngày xưa chào mẹ, ta đi

Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười

Mười năm rồi lại thêm mười

Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ?

“Ông ai thế? Tôi chào ông!”

Mẹ ta trí nhớ về… mênh mông rồi

“Ông có gặp thằng con tôi?

Hao hao tôi nhớ nó người… như ông”

Mẹ ta trở nhớ về không

Trả trăm năm lại bụi hồng

Rồi đi…”.

(“Mẹ ta trả nhớ về không” - Đỗ Trung Quân)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định thể thơ được sử dụng trong bài thơ ?

Câu 2. Anh/chị hãy lí giải những trạng thái cảm xúc trái ngược của người mẹ và người con trong 4 dòng thơ:

“Ngày xưa chào mẹ, ta đi

Mẹ ta thì khóc, ta đi thì cười

Mười năm rồi lại thêm mười

Ta về ta khóc, mẹ cười… lạ không ?”

Câu 3. Qua bài thơ, nhà thơ muốn bộc lộ nỗi niềm gì đối với người mẹ của mình ?

Câu 4. Đọc xong bài thơ, anh / chị có rút ra được bài học gì cho bản thân không ?

II. LÀM VĂN (7,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Từ nội dung bài thơ ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về chủ đề: Nếu một ngày ta không còn mẹ…

Câu 2 (5,0 điểm)

Trong truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của nhà văn Nguyễn Minh Châu có đoạn:

“Lần đầu tiên trên khuôn mặt xấu xí của mụ chợt ửng sáng lên như một nụ cười - vả lại, ở trên thuyền cũng có lúc vợ chồng con cái chúng tôi sống hòa thuận, vui vẻ.

- Cả đời chị có một lúc nào thật vui không ? Đột nhiên tôi hỏi.

- Có chứ, chú ! Vui nhất là lúc ngồi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no…”.

***

Trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân có đoạn:

“Bà lão đặt bát đũa xuống, nhìn hai con vui vẻ:

- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ.

Bà lão lật đật chạy xuống bếp, lễ mễ bưng ra một cái nồi khói bốc lên nghi ngút. Bài lão đặt cái nồi xuống bên cạnh mẹt cơm, cầm lấy cái môi vừa khuấy vừa cười:

- Chè đây. - Bà lão múc ra một bát - Chè khoán đây, ngon đáo để cơ.

Người con dâu đón lấy cái bát, đưa lên mắt nhìn, hai con mắt thị tối lại. Thị điềm nhiên và vào miệng. Tràng cầm lấy cái bát thứ hai mẹ đưa cho, người mẹ vẫn tươi cười, đon đả:

- Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”.

Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ qua hai đoạn trích trên, từ đó bình luận ngắn gọn về giá trị nhân đạo trong hai tác phẩm.

--- Hết ---

Đặt bút và làm bài thi này trong 120 phút để tự đánh giá xem hiện tại mình đã đáp ứng được bao nhiêu phần trăm khối lượng kiến thức em nhé!

Đáp án đề thi thử THPT quốc gia 2022 môn văn mẫu số 1

I. ĐỌC HIỂU

Câu 1. Thể thơ: Lục bát

Câu 2. Lý giải những trạng thái cảm xúc trái ngược của người mẹ và người con trong 4 dòng thơ:

- Buổi ra đi: người mẹ khóc vì phải xa con, vì lo lắng cho con; người con cười vì sắp được dấn bước vào cuộc đời, làm một con người tự do, trưởng thành, được cống hiến sức trẻ cho đời.

- Lúc trở về: người con khóc vì xúc động khi được gặp lại mẹ, nỗi nhớ mẹ, nhớ nhà bao nhiêu năm xa cách đã trào ra thành những giọt nước mắt; người mẹ cười như một cử chỉ xã giao trước một người lạ, bởi “trí nhớ về… mênh mông rồi”.

Câu 3. Qua bài thơ, nhà thơ muốn bộc lộ tấm lòng yêu thương cũng như nỗi niềm day dứt của người con đối với mẹ của mình.

Câu 4. Học sinh tự do rút ra bài học, miễn là hợp lí, liên quan đến nội dung bài thơ.

II. LÀM VĂN

Câu 1

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn ngắn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh / chị về chủ đề: Nếu một ngày ta không còn có mẹ…

Tham khảo một số ý sau:

- Mẹ là người có công mang nặng đẻ đau, sinh thành dưỡng dục; là người yêu thương ta vô điều kiện; là người mà không ai có thể thay thế trong cuộc đời này.

- Nếu không còn mẹ, ta sẽ không còn được che chở, được yêu thương một cách vô điều kiện

- Nếu không còn mẹ, mỗi khi vấp ngã, mỗi khi gặp sóng gió trong cuộc đời, ta sẽ không còn bến đậu bình yên để trở về

- Không còn mẹ, ta sẽ không còn người đưa đường chỉ lối, dạy ta điều hay lẽ phải để có được hướng đi đúng đắn.

- Bởi vậy, khi còn mẹ, hãy biết trân trọng, yêu thương, chăm sóc; đừng để một mai khi không còn mẹ, lúc đó hối tiếc cũng đã muộn màng.

v.v…

Câu 2

1. Nêu những nét khái quát nhất về hai tác giả và hai tác phẩm

2. Cảm nhận về vẻ đẹp tâm hồn người mẹ qua 2 đoạn trích:

a. Đoạn 1: Vẻ đẹp tâm hồn của người mẹ vùng biển

- Trong toàn bộ câu chuyện của mình, chỉ có một lần duy nhất người đàn bà hàng chài nhắc đến niềm vui, đó chính là ở đoạn trích trên, khi nói về những đứa con: “vui nhất là khi nhìn đàn con tôi chúng nó được ăn no”.

- Những đứa con chính là chiếc phao cứu sinh, là niềm hy vọng để người đàn bà bám víu vào, có thêm sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh. Vì cuộc sống của đàn con, chị sẵn sàng hy sinh tất cả, chịu đựng tất cả:

+ Chị nhất quyết không chịu bỏ chồng là vì con: chị cần một người đàn ông để chèo chống chiếc thuyền lúc phong ba bão táp, để nuôi nấng con cái; chị cần chồng để giữ cho toàn vẹn mái ấm gia đình, để con có cha có mẹ.

+ Chị chịu hành hạ, đánh đập mà không chống cự, không kêu van nửa lời cũng là vì con: chị không muốn con cái biết mình đau đớn. Chị xin với chồng lên bờ mà đánh cũng là vì con: chị không muốn những tâm hồn non nớt phải chứng kiến cảnh bạo lực, từ đó để lòng thù hận bóp méo nhân cách.

=> Ở người phụ nữ này, dù cho phải trải qua bao nhiêu sự hành hạ tàn tệ, trải qua bao nỗi vất vả nhọc nhằn trong cuộc mưu sinh, vẫn luôn tràn ngập một tấm lòng yêu thương, bao dung, một đức hy sinh cao cả. Đó chính là vẻ đẹp của người mẹ Việt Nam nói riêng và của người phụ nữ Việt Nam nói chung.

b. Đoạn 2: Vẻ đẹp tâm hồn của bà cụ Tứ

- Giống như người mẹ vùng biển, niềm vui nỗi buồn của bà cụ Tứ cũng đều xoay quanh cuộc sống của những đứa con.

- Vì hạnh phúc của con, bà cũng sẵn sàng làm tất cả:

+ Bà đã cố gắng xoay xở, chắt chiu để có được nồi cháo cám giữa nạn đói thảm khốc, khi mà “xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn”.

+ Bà đã tự vực dậy tinh thần của chính mình, trở nên hoạt bát vui vẻ để cổ vũ, truyền niềm tin, niềm hy vọng giúp các con vượt qua nạn đói:

  • Bà vui vẻ khi vào bếp bưng nồi cháo cám
  • Khi bưng nồi cháo cám lên, bà vừa khuấy vừa cười
  • Khi múc cho Tràng, bà vẫn tươi cười đon đả
  • Lời nói của bà với Tràng, vừa là lời giới thiệu, vừa là lời thanh minh, đồng thời cũng là lời động viên để cho các con ăn không cảm thấy buồn tủi trong bữa cơm ngày đói.

=> Ở bà cụ Tứ, ta thấy hình ảnh một người mẹ lam lũ vất vả nhưng giàu lòng yêu thương, giàu đức hi sinh. Đó cũng là hình ảnh tiêu biểu của người mẹ Việt Nam nói riêng và người phụ nữ Việt Nam nói chung.

3. Bình luận về giá trị nhân đạo:

- Cả hai tác phẩm đã tập trung phản ánh cũng như gián tiếp tố cáo hiện thực bi đát đã đẩy con người vào nghịch cảnh, khiến họ phải chịu đau khổ về cả đời sống vật chất lẫn tinh thần.

- Cả hai tác phẩm đã tập trung thể hiện vẻ đẹp tâm hồn của những người mẹ: những con người giàu lòng yêu thương, giàu đức hy sinh, dành cả cuộc đời để lo cho con cái, làm tất cả chỉ vì mong muốn hạnh phúc sẽ đến với những đứa con mình.

- Qua hai tác phẩm, hai nhà văn đã truyền tải đến người đọc những thông điệp sâu sắc:

+ Cuộc đời dù có lúc khó khăn, thậm chí nghiệt ngã, nhưng chính tình thương yêu sẽ cho con người sức mạnh để vượt qua nghịch cảnh.

+ Và trên đời này, không có thứ tình yêu nào cao thượng hơn, bao la hơn tình yêu của người mẹ dành cho con cái.

4. Khái quát vấn đề.

-/-

Nguồn đề: GV Tạ Xuân Hải

Vậy là Đọc tài liệu đã giới thiệu thêm một mẫu đề thi thử thpt quốc gia 2022 số 1 có đáp án theo cấu trúc chuẩn của Bộ Giáo dục tại đây. Các em có thể tham khảo thêm nhiều bộ đề thi thử thpt quốc gia môn văn của các tỉnh/thành phố trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Chúc các em một kì thi đạt kết quả cao nhất!

Từ khóa » Phận Tích Bài Thơ Mẹ Ta Trả Nhớ Về Không