Đề Thi Thử Tốt Nghiệp THPT Môn Văn 2020 THPT Lý Thường Kiệt Lần 2

   Đề thi thử tốt nghiệp THPT môn văn 2020 có đáp án của trường THPT Lý Thường Kiệt tỉnh Bắc Ninh dựa theo chuẩn cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT từng ra. Cùng Đọc tài liệu tham khảo đề thi thử THPT Quốc gia 2020 và đối chiếu với đáp án phía dưới bạn nhé.

Đề thi thử

PHẦN I: ĐỌC - HIỂU: (3 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Bài học về việc đón nhận thành công luôn thật dễ hiểu và dễ thực hiện. Nhưng đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng. Với tất cả mọi người, thất bại - nhất là thất bại trong cấc mối quan hệ - thường vẫn tạo ra những tổn thương sâu sắc. Điều này càng trở nên nặng nề đối với các bạn trẻ. Nhưng bạn có biết rằng tất cả chúng ta đều có quyền được khóc? Vậy nên nếu bạn đang cảm thấy cô đơn, tuyệt vọng thì hãy cho phép mình được khóc. Hãy để những giọt nước mắt ấm nồng xoa dịu trái tim đang thổn thức của bạn. Và hãy tin rằng ở đâu đó, có một người nào đó vẫn đang sẵn lòng kề vai cho bạn tựa, muốn được ôm bạn vào lòng và lau khô những giọt nước mắt của bạn... Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa... Vì thế, hãy tin ngày mai nắng sẽ lên, và cuộc đời lại sẽ ươm hồng những ước mơ của bạn, một khi bạn còn giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin.

(Theo Hạt giống tâm hồn dành cho tuổi teen, tập 2 -

Nhiều tác giả, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2012, tr.02)

Câu 1: (0,5 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản trên?

Câu 2: (0,5 điểm) Chỉ ra và nêu tác dụng biện pháp tu từ trong câu: Muốn nhìn thấy cầu vồng, ta phải đi qua cơn mưa…

Câu 3: (1,0 điểm) Anh/ chị hiểu như thế nào về câu nói: đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng.

Câu 4: (1,0 điểm) Thông điệp mà Anh/ chị tâm đắc nhất qua văn bản là gì? Tại sao chọn thông điệp đó?

PHẦN II. LÀM VĂN: (7,0 điểm)

Câu 1: (2,0 điểm)

Hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý nghĩa việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin trong cuộc sống được gợi ở phần Đọc hiểu.

Câu 2: (5,0 điểm)

Phân tích diễn biến tâm trạng nhân vật bà cụ Tứ trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân.

HẾT 

Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.

Vậy là Đọc tài liệu đã tổng hợp giúp các em một đề thi thử tốt nghiệp THPT 2020 môn Văn khá hay của tỉnh Bắc Ninh. Hãy thử sức làm đề thi trong 120 phút và thử so sánh đối chiếu với đáp án chính thức bên dưới em nhé!

Đáp án

Phần I: Đọc - hiểu (3 điểm).

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính: nghị luận (0,5đ)

Câu 2: (0,5đ)

- Biện pháp tu từ: ẩn dụ: Cầu vồng (thành công), cơn mưa (khó khăn, thất bại)

- Tác dụng: làm cho cách diễn đạt trở nên gợi hình ảnh cụ thể, nhằm gợi liên tưởng một điều: Muốn có được thành công, chúng ta phải trải qua những thử thách, gian khổ.

Câu 3: (1,0đ)

Cách hiểu về câu nói: đối mặt với thất bại, nhất là thất bại đầu đời, lại là điều không hề dễ dàng: Khi gặp phải một vài thất bại đầu đời, nhiều người có thể cảm thấy cả thế giới như sụp đổ vì họ không đủ sức để chịu đựng sự thật phũ phàng, không đủ bản lĩnh để đối diện với những gì đã diễn ra, đi ngược với niềm hy vọng của họ.

Câu 4: Học sinh có thể trình bày và lí giải thông điệp tâm đắc nhất theo ý riêng, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Sau đây là vài gợi ý: (1,0đ)

- Có niềm tin vào cuộc sống sẽ mang lại nhiều điều tốt đẹp cho chúng ta;

- Muốn có thành công, phải chấp nhận thất bại

Phần II. Làm văn (7,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn nghị luận 200 chữ (0,25đ)

Có đủ các phần mở đoạn, phát triển đoạn, kết đoạn. Mở đoạn nêu được vấn đề, phát triển đoạn triển khai được vấn đề, kết đoạn kết luận được vấn đề.

( Nếu HS viết từ 2 đoạn trở lên thì không cho điểm cấu trúc)

b. Xác định đúng vấn đề cân nghị luận về một tư tưởng đạo lí: ý nghĩa việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin trong cuộc sống (0,25đ)

c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; các phương thức biểu đạt, nhất là nghị luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; rút ra bài học nhận thức và hành động. Cụ thể: (1.0đ)

c.1. Câu mở đoạn: Dẫn ý liên quan (có thể lấy ý thể hiện trong phần Đọc hiểu ) để nêu vấn đề cần nghị luận.

c.2. Các câu phát triển đoạn:

- Giải thích:

+ Niềm tin: sự tin tưởng, tín nhiệm vào những điều có thể làm trong cuộc sống dựa trên cơ sở hiện thực nhất định.

+ Giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin là trong bất cứ hoàn cảnh nào, con người cũng có niềm tin làm sức mạnh tinh thần để thực hiện những điều mong ước, hoàn thành những dự định.

- Phân tích, bình luận, chứng minh:

+ Vì sao con người phải giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin?

++ Có niềm tin sẽ tạo ra sức mạnh để vượt qua những khó khăn, trắc trở.

++Vì cuộc đời không bao giờ lường hết cho ta những hiểm nguy, gian nan, thử thách nên cần có niềm tin để vượt qua.

+ Ý nghĩa của việc giữ trong lòng ánh sáng của niềm tin:

++ Làm cho chúng ta luôn lạc quan, yêu đời, không gục ngã trước bất kì khó khăn, thử thách nào.

++ Rèn cho chúng ta có ý chí, nghị lực để đối mặt và vượt qua những khó khăn, tỉnh táo để tìm những lời giải cho những bài toán mà cuộc sống đặt ra.

- Bàn bạc mở rộng:

+ Niềm tin là sức mạnh để vượt qua những thử thách nhưng không phải chỉ cần niềm tin là đủ. Niềm tin ấy phải dưa trên những cơ sở thực tế. Tin vào điều trống rỗng, mơ hồ sẽ càng làm chúng ta ảo tưởng vào bản thân mà thôi.

+ Phê phán những người sống bi quan, trong lòng đầy đố kị, nhỏ nhen…

c.3. Câu kết đoạn: đưa ra bài học nhận thức và hành động phù hợp: Tuổi trẻ cần nhận thức ánh sáng niềm tin như ngọn đèn dẫn đường để vượt qua thử thách và thất bại. Vì thế, cần tích cực học tập, rèn luyện, sống có lí tưởng cao đẹp…

d. Sáng tạo

Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận. (0,25đ)

e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu. ( Sai từ 2 lỗi trở lên sẽ không tính điểm này) (0,25đ)

Câu 2. (5,0 điểm)

I. Mở bài : (0,5đ)

- Kim Lân là một trong những nhà văn xuất sắc của nền văn xuôi hiện đại Việt Nam trước và sau Cách mạng tháng Tám. Một trong những tác phẩm tiêu biểu của Kim Lân được viết ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công là truyện ngắn “Vợ nhặt”,được in trong tập truyện “Con chó xấu xí”. ây là tác phẩm mà Kim Lân đã tái hiện thành công bức tranh ảm đạm và khủng khiếp về nạn đói Ất Dậu ( 1945) của nước ta.

- Trên cái nền tăm tối và đau thương ấy, nhà văn đã viết rất hay về tâm trạng của bà cụ Tứ - một người mẹ già, nghèo khổ nhưng giàu tình thương con và giàu lòng nhân hậu.

 II. Thân bài : (4,0đ)

1.Khái quát về cuộc đời của bà cụ :Trước hết, xuất hiện trong tác phẩm, bà cụ Tứ hiện lên là một người mẹ có một cuộc đời thật nhiều thương cảm: nhà nghèo, goá bụa, sống gian khổ, thầm lặng. (0,25đ)

2.Bối cảnh – tình huống và diễn biến tâm trạng của bà cụ: Bà cụ Tứ lần đầu tiên xuất hiện trong thiên truyện là lúc bóng hoàng hôn tê tái phủ xuống xóm Ngụ cư giữa ngày đói.

Cùng lúc đó, người con trai đáng thương của bà làm nghề đẩy kéo xe trên huyện, đưa một người đàn bà lạ về nhà.

a. Khởi đầu , bà ngỡ ngàng trước việc có một người phụ nữ lạ xuất hiện trong nhà mình. Trạng thái ngỡ ngàng của bà cụ được nhà văn diễn tả bằng hàng loạt những câu nghi vấn : “Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con trai mình thế kia? Sao lại chào mình mình bằng u?...”

Thái độ ngạc nhiên của người mẹ, phải chăng cũng là nỗi đau của nhà văn trước một sự thật: chính sự cùng quẫn của hoàn cảnh đã đánh mất ở người mẹ sự nhạy cảm vốn có trước hạnh phúc của con (0,75đ)

b. Sau khi hiểu ra là con trai đã có vợ, bà lão không nói gì mà chỉ “cúi đầu im lặng”- một sự im lặng chứa đầy nội tâm : đó là niềm xót xa, buồn vui, lo lắng, thương yêu lẫn lộn. Bà mẹ đã tiếp nhận hạnh phúc của con bằng kinh nghiệm sống, bằng sự trả giá của một chuỗi đời nặng nhọc, bằng ý thức sâu sắc trước hoàn cảnh. (1,5đ)

- Bằng lòng nhân hậu thật bao dung của người mẹ, bà nghĩ :“Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau qua được cơn đói khát này không?”.Trong chữ “chúng nó” , người mẹ đã đi từ lòng thương con trai để ngầm chấp nhận người đàn bà lạ làm con dâu của mình.

- Rồi tình thương lại chìm vào nỗi lo , tạo thành một trạng thái tâm lý triền miên day dứt: bà nghĩ đến bổn phận chưa tròn , nghĩ đến ông lão, đến con gái út, nghĩ đến nỗi khổ của đời mình, nghĩ đến tương lai của con …để cuối cùng dồn tụ bao lo lắng – yêu thương trong một câu nói giản dị: “ Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá”.

c. Đặc biệt là sau một ngày con trai có vợ, người mẹ giàu lòng thương con ấy thật sự vui và hạnh phúc trước hạnh phúc của con: (1,5đ)

- Bà cùng con dâu dọn dẹp, thu vén căn nhà; trong bữa cơm ngày đói, bà toàn nói chuyện vui để xua đi thực tại hãi hùng, để nhen nhóm niềm tin vào cuộc sống cho con:“ Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà ”.

- Thật cảm động, khi Kim Lân để cái ánh sáng kỳ diệu của tình mẫu tử toả ra từ nồi cháo cám: “Chè khoán đây, ngon đáo để cơ”.Chữ ‘ngon” này không phải là xúc cảm về vật chất ( xúc cảm về vị cháo cám) mà là xúc cảm về tinh thần : ở người mẹ, niềm tin về hạnh phúc của con biến đắng chát của cháo cám thành ngọt ngào .

=> Chọn hình ảnh nồi cháo cám, Kim Lân muốn chứng minh cho cái chất NGƯỜI của người dân lao động: trong bất kỳ hoàn cảnh nào , tình nghĩa và hy vọng của con người vẫn không thể bị tiêu diệt – con người vẫn muốn sống cho ra sống.Chính chất NGƯỜI đã thể hiện ở cách sống tình nghĩa và hy vọng. Tuy nhiên niềm vui của bà cụ Tứ trong hoàn cảnh ấy vẫn là niềm vui tội nghiệp, bởi thực tại vẫn nghiệt ngã với nồi cháo cám “đắng chát và nghẹn bứ”.

Xem thêm: Phân tích diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ trong Vợ nhặt

III/ Kết bài : (0,5đ)

- Có thể nói, nhân vật bà cụ Tứ là một nhân vật tiêu biểu cho vẻ đẹp tình người và lòng nhân ái mà Kim Lân đã gửi gắm trong tác phẩm “ Vợ nhặt”.Thành công của nhà văn là đã thầu hiểu và phân tích được những trạng thái tâm lý khá tinh tế của con người trong một hoàn cảnh đặc biệt .Vượt lên hoàn cảnh vẫn là một vẻ đẹp tinh thần của những người nghèo khổ.

=>“Vợ nhặt” là ca về tình người của những người nghèo khổ, đã biết sống cho ra người ngay giữa thời túng đói quay quắt .

-/-

Các em có thể tham khảo thêm đề thi thử THPT Quốc Gia 2020 môn Văn của các tỉnh khác trên cả nước đã được chúng tôi cập nhật liên tục.

Từ khóa » Bài Học Về Việc đón Nhận Thành Công