Đề Thi Tuyển Sinh Lớp 10 Môn Văn Sở GDĐT Hải Phòng 2019-2020 ...

Mục lục nội dung Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn Sở GDĐT Hải Phòng (2019-2020)Phần I. (4,0 điểm)Phần II. (4 điểm)Gợi ý đáp ánPhần I. (4,0 điểm)Phần II. (4 điểm)

Đề thi tuyển sinh lớp 10 môn Văn

Sở GDĐT Hải Phòng (2019-2020)

 

Phần I. (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

Cái mạnh của người Việt Nam ta là sự cần cù, sáng tạo. Điều đó thật hữu ích trong một nền kinh tế đòi hỏi tinh thần kỷ luật rất cao và thái độ rất nghiêm túc đối với công cụ và quy trình lao động với những máy móc, thiết bị rất tinh vi. Tiếc rằng ngay trong mặt mạnh này của chúng ta cũng lại ẩn chứa những khuyết tật không tương tác chút nào với một nền kinh tế công nghiệp hoá chứ chưa nói tới nền kinh tế tri thức. Người Việt nam ta cần cù thì cần cù thật nhưng lại thiếu đức tính tỉ mỉ. Khác với người Nhật vốn cũng nổi tiếng cần cù lại thường rất cẩn trọng trong khâu chuẩn bị công việc, làm cái gì cũng tính toán chi ly từ đầu, người Việt Nam ta thường dựa vào tính tháo vát của mình, hành động theo phương châm “nước đến chân hãy nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”. Do còn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương thức sản xuất nhỏ và cách sống ở nơi thôn dã vốn thoải mái và thanh thản nên người Việt Nam chưa có được thói quen tôn trọng những quy định nghiêm ngặt của công việc là cường độ khẩn trương.

(Ngữ văn 9, tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 27,28) Câu 1. (1,0 điểm) Cho biết tên tác giả, tên văn bản và nội dung chính của đoạn trích trên

Câu 2. (1.0 điểm) Xác định và nêu tác dụng của một nét nghệ thuật trong câu văn sau: Khác với người Nhật vốn cũng nổi tiếng cần cù lại thường rất cẩn trọng trong khâu chuẩn bị công việc, làm cái gì cũng tính toán chi ly từ đầu, người Việt Nam ta thường dựa vào tính tháo vát của mình, hành động theo phương châm “nước đến chân hãy nhảy”, “liệu cơm gắp mắm”.

Câu 3. (2.0 điểm) Từ tinh thần của đoạn trích đã cho, hãy viết một đoạn văn ngắn (khoảng 1/2 trang giấy thi) theo kiểu diễn dịch, trình bày suy nghĩ của bản thân về điểm mạnh và điểm yếu của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.

Phần II. (4 điểm)

Đọc hai khổ thơ sau và thực hiện các yêu cầu:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Hát rằng: cá bạc biển Đông lặng,

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Đêm ngày dệt biển muôn luồng sáng.

Đến dệt lưới ta, đoàn cá ơi!

(Trích Đoàn thuyền đánh cá, Huy Cận, Ngữ văn 9, tập 1, NXB Giáo dục Việt Nam, 2017, trang 139, 40)

Câu 1. (0,5 điểm) Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận ra đời trong hoàn cảnh nào?

Câu 2. (1.5 điểm) Xác định biện pháp tu từ đặc sắc được sử dụng trong câu thơ sau và nêu giá trị biểu đạt của phép tu từ đó:

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

Câu 3. (4,0 điểm) Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của khổ thơ sau:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then, đêm sập cửa.

Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi,

Câu hát căng buồm cùng gió khơi.

Gợi ý đáp án

Phần I. (4,0 điểm)

Câu 1. (1,0 điểm) Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới - tác giả nguyên Phó thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan

Câu 2. (1.0 điểm)

- Nghệ thuật được sử dụng: so sánh

- Tác giả cũng chỉ rõ và so sánh một số đặc tính của người nước Nhật với người nước ta. Người dân nước Nhật cũng rất nổi tiếng bởi tính cần cù, chịu khó, nhưng lại thận trọng trong khâu chuẩn bị, không hấp tấp làm gì họ cũng tính toán chi li từ đầu.

Câu 3. (2.0 điểm) Suy nghĩ của bản thân về điểm mạnh và điểm yếu của thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.

(HS tự tham khảo)

Phần II. (4 điểm)

Câu 1. (0,5 điểm) Bài thơ "Đoàn thuyền đánh cá” của Huy Cận ra đời trong hoàn cảnh:

Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Bài thơ được viết vào tháng 11 năm 1958, khi đất nước đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, miền Bắc được giải phóng và đi vào xây dựng cuộc sống mới. Huy Cận có một chuyến đi thực tế ở vùng mỏ Quảng Ninh, khi nhìn những chiếc thuyền lần lượt ra khơi, với cảm xúc về thiên nhiên đất nước, về lao động và niềm vui trước cuộc sống nên ông đã sáng tác ra bài thơ này.

Câu 2. (1.5 điểm)

Cá thu biển Đông như đoàn thoi

So sánh cá thu biển đông như đoàn thoi => nhà thơ còn gợi lên bức tranh biển cả như một tấm lưới dệt được dệt nên từ hàng nghìn đoàn thoi đưa. So sánh đàn cá như đoàn thoi, Huy Cận đã thể hiện được không gian biển cả giàu có với những đoàn cá đông đúc, nối đuôi nhau trên biển như thoi đưa.

Câu 3. (4,0 điểm) Viết bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày cảm nhận của em về vẻ đẹp của khổ thơ sau:

1. Mở bài

Giới thiệu đôi nét về tác giả và tác phẩ, trích dẫn đoạn thơ.

2. Thân bài: Cảm nhận cảnh ra khơi và tâm trạng náo nức của con người trong bốn câu thơ

* Cảnh hoàng hôn trên biển.

– Cảnh mặt trời lặn được miêu tả thật độc đáo và ấn tượng:

Mặt trời xuống biển như hòn lửa

Sóng đã cài then đêm sập cửa

– Nghệ thuật so sánh nhân hóa cho thấy cảnh biển hoàng hôn vô cùng tráng lệ, hùng vĩ. Mặt trời được ví như một hòn lử khổng lồ đang từ từ lặn xuống. Trong hình ảnh liên tưởng này, vũ trụ như một ngôi nhà lớn, với đêm buông xuống là tấm cửa khổng lồ, những lượn sóng là then cửa. Chi tiết Mặt trời xuống biển có thể gây ra sự thắc mắc của người đọc vì bài thơ tả cảnh đoàn thuyền đánh cá ở vùng biển miền Bắc, mà ở bờ biển nước ta, trừ vùng Tây Nam thường chỉ thấy cảnh mặt trời mọc trên biển chứ không thể thấy cảnh mặt trời lặn xuống biển. Thực ra hình ảnh mặt trời xuống biển là được nhìn từ trên con thuyền đang ra biển hoặc từ một hòn đảo vào lúc hoàng hôn, nhìn về phía tây, qua một khoảng biển thì vẫn có thể thấy như là mặt trời xuống biển. Với sự quan sát tinh tế nhà thơ đã miêu tả rất thực chuyển đổi thời khắc giữa ngày và đêm.

* Khi thiên nhiên bước vào trạng thái nghỉ ngơi thì con người bắt đầu làm việc:

“ Đoàn thuyền đánh cá lại ra khơi

Câu hát căng buồm với gió khơi”

– Đoàn thuyền chứ không phải chỉ con thuyền ra khơi đã tạo ra sự tấp nập trên biển. Chữ “Lại” vừa khẳng định nhịp điệu lao động của người dân chài đã đi vào ổn định, vừa thể hiện sự đối lập giữa sự nghỉ ngơi của đất trời và sự làm việc của con người.

– Tác giả đã tạo ra một hình ảnh khỏe, lạ mà thật từ sự gắn kết 3 sự vật và hiện tượng: Câu hát, cánh buồm và gió khơi. Người đánh cá căng buồm và cất câu hát lên nhà thơ có cảm giác như chính câu hát đó đã làm căng cánh buồm. Câu hát mang theo niềm vui, sự phấn chấn của người lao động trở thành sức mạnh cùng với gió biển làm căng cánh buồm để con thuyền lướt sóng ra khơi.

– Nghệ thuật ẩn dụ trong hình ảnh thơ lãng mạn này đã góp phần thể hiện một hiện thực : Đó là niềm vui phơi phới, tinh thần lạc quan của người dân chài. Họ ra khơi trong tâm trạng đầy hứng khởi vì học tìm thấy niềm vui trong lao động, yêu biển và say mê với công việc chinh phục biển khơi làm giàu cho Tổ quốc.

3. Kết bài: Cảm nhận chung của em với 4 câu thơ và khẳng định tài hoa của tác giả Huy Cận.

Từ khóa » đề Thi Vào Lớp 10 Môn Văn 2020 Hải Phòng