Đề Thi Tuyển Sinh Vào 10 Môn Văn- Nam Định - Thư Viện Văn Mẫu

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ DỰ BỊ

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT NĂM HỌC 2015-2016

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

(Đề thi này có 02 trang)

Phần I: Tiếng Việt (2,0 điểm)

Trong 8 câu hỏi sau, mỗi câu có 4 phương án trả lời A, B, C, D; trong đó chỉ có một phương án đúng. Hãy chọn phương án đúng viết vào tờ giấy làm bài.

Câu 1: Từ nào dưới đây là từ láy?

Bó buộc C. Giam giữ

Nho nhỏ D. Tươi tốt

Câu 2: Trong câu “Chúng tôi ngồi sát vào nhau giống như những chú gà con.”(M.Go-rơ- ki), tác giả sử dụng biện pháp tu từ:

Ẩn dụ. C. So sánh.

Nhân hóa. D. Hoán dụ.

Câu 3: Trong câu “Ông khoe những ngày khởi nghĩa dồn dập ở làng.” (Kim Lân), phần

in đậm là:

A.Cụm danh từ.                                                C. Cụm động từ.

Cụm tính từ. D. Không phải là cụm từ.

Câu 4: Câu “Lão không hiểu tôi, tôi nghĩ vậy, và tôi càng buồn lắm.” (Nam Cao) có sử dụng:

Thành phần gọi – đáp. C. Thành phần cảm thán.

Thành phần tình thái. Thành phần phụ chú.

Câu 5: Khi bác sĩ nói với một bệnh nhân nan y về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân đó thì phương châm hội thoại nào có thể không được tuân thủ?

Phương châm về lượng C. Phương châm lịch sự.

Phương châm về chất D. Phương châm quan hệ

Câu 6: Quan hệ về nghĩa giữa các vế câu trong câu ghép “Ông xách cái làn trứng, cô ôm bó hoa to.” (Nguyễn Thành Long) là:

Quan hệ mục đích. C. Quan hệ bổ sung.

Quan hệ nguyên nhân. D. Quan hệ tương phản.

Câu 7: Xét về cấu tạo ngữ pháp, câu “Buổi chiều, mệt mỏi vì chờ đợi, nó gục xuống bàn ngủ.” thuộc kiểu câu:

A.Câu đơn.                                                         C. Câu ghép.

Câu đặc biệt. D. Câu rút gọn.

Câu 8: Các câu “Ta làm con chim hót/ Ta làm một cành hoa” (Thanh Hải) đã sử dụng phép liên kết:

Phép lặp từ ngữ. C. Phép nối.

Phép thế. D. Phép đồng nghĩa, trái nghĩa.

Phần II: Đọc-hiểu văn bản (3,0 điểm)

Em hãy đọc đoạn văn sau:

Năm 1981, UNICF đã định ra một chương trình để giải quyết những vấn đề cấp bách cho 500 triệu trẻ em nghèo khổ nhất trên thế giới. Chương trình này dự kiến cứu trợ về y tế, giáo dục sơ cấp, cải thiện điều kiện vệ sinh và tiếp tế thực phẩm, nước uống. Nhưng tất cả đã tỏ ra là một giấc mơ không thể thực hiện được, vì tốn kém 100 tỉ đô la. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ gần bằng những chi phí bỏ ra cho 100 máy bay ném bom chiến lược B.1B của Mĩ và cho dưới 7 000 tên lửa vượt đại châu.

Và đây là một ví dụ khác trong lĩnh vực y tế: Giá của 10 chiếc tàu sân bay mang vũ khí hạt nhân kiểu tàu Ni-mít, trong số 15 chiếc mà Hoa Kì dự định đóng từ nay đến năm 2000, cũng đủ để thực hiện một chương trình phòng bệnh trong cũng 14 năm đó và sẽ bảo vệ cho hơn 1 tỉ người khỏi bệnh sốt rét  và cứu hơn 14 triệu trẻ em, riêng cho Châu Phi mà thôi.

            Một ví dụ trong lĩnh vực tiếp tế thực phẩm: Theo tính toán của FAO, năm 1985, người ta thấy trên thế giới có gần 575 triệu người thiếu dinh dưỡng. Số lượng ca-lo trung bình cần thiết cho những người đó chỉ tốn kém không bằng 149 tên lửa MX… Chỉ cần 27 tên lửa MX là đủ tiền trả công cụ cần thiết cho các nước nghèo để họ có được thực phẩm trong các năm tới.

Một ví dụ trong lĩnh vực giáo dục: Chỉ hai chiếc tàu ngầm mang vũ khí hạt nhân là đủ tiền xoá nạn mù chữ cho toàn thế giới…

Và trả lời các câu hỏi dưới đây:

Câu 1: Đoạn văn trên được trích trong văn bản nào? Của tác giả nào? (1,0 điểm)

Câu 2: Đoạn trích nói về vấn đề gì? Tác dụng của việc tác giả đưa vào đoạn trích những  con số cụ thể (như 500 triệu trẻ em, 100 tỉ đô la, 10 chiếc tàu sân bay…) là gì? (1,0 điểm)

Câu 3: Cuộc sống tốt đẹp là cuộc sống hoà bình. Theo em, chúng ta cần phải làm gì để có một cuộc sống hoà bình? (1,0 điểm)

Phần III: Tập làm văn (5,0 điểm)

  Thơ là tiếng lòng (Tố Hữu)

Cảm nhận của em về tiếng lòng của Viễn Phương qua bài thơ Viếng lăng Bác.

VIẾNG LĂNG BÁC

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng.

 

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ.

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân…

 

Bác nằm trong lăng giấc ngủ bình yên

Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền

Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim!

 

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác

Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này.

 

(Ngữ văn 9, tập hai – NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)

 

______________HẾT______________

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ DỰ BỊ

NAM ĐỊNH

                  ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM THI

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10  THPT NĂM HỌC 2015-2016

                                    Môn: NGỮ VĂN

Toàn bài 10,0 điểm, phân chia cụ thể như sau:

Phần I: Trắc nghiệm khách quan (2,0 điểm)

Mỗi câu trả lời đúng được 0,25 điểm:

Câu 1 2 3 4 5 6 7 8
Đáp án B C A D B C A A

 

Phần II: Đọc-hiểu văn bản (3,0 điểm)

Câu 1: Đoạn văn trên được trích trong văn bản nào? Của tác giả nào?

– Đoạn văn trên trích trong văn bản Đấu tranh cho một thế giới hoà bình. (0,5 điểm)

– Tác giả: G.G. Mác-két. (0,5 điểm)

Câu 2: Đoạn trích nói về vấn đề gì? Tác dụng của việc tác giả đưa vào đoạn trích những  con số cụ thể (như 500 triệu trẻ em, 100 tỉ đô la, 10 chiếc tàu sân bay…) là gì?

– Đoạn trích đã làm nổi bật sự tốn kém ghê gớm (0,25 điểm), từ đó làm mất đi khả năng để con người được sống tốt đẹp hơn của cuộc chạy đua vũ trang (0,25 điểm).

– Tác dụng của việc tác giả đưa vào đoạn trích những con số cụ thể: khiến cho vấn đề trở nên thuyết phục bởi dẫn chứng cụ thể, xác thực (0,5 điểm).

Câu 3

Chấp nhận những suy nghĩ khác nhau của thí sinh song phải đúng nội dung; lí lẽ và dẫn chứng thuyết phục. Có thể triển khai các ý sau:

– Cuộc sống hoà bình là cuộc sống không có chiến tranh. Cuộc sống hoà bình mang lại bình yên, hạnh phúc, mang lại nhiều cơ hội sống tốt đẹp cho con người…

– Để có cuộc sống hoà bình, mỗi người, mỗi quốc gia cần có ý thức và phải chung tay dựng xây một thế giới hoà bình.

– Phê phán những hành động đi ngược lại với khát vọng hoà bình của con người.

– Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

Cách chấm điểm:

– Trên đây chỉ là một  hướng triển khai, nếu HS có  những kiến giải khác hợp lí vẫn chấp nhận.

+ Từ 0,75 điểm đến 1,0 điểm: Nêu được những suy nghĩ của bản thân một cách sâu sắc, thuyết phục; diễn đạt sáng rõ.

+ Từ 0,25 điểm đến 0,5 điểm: Nêu được suy nghĩ của bản thân nhưng còn chung chung; còn mắc lỗi diễn đạt.

+ Điểm 0: Không làm hoặc có làm nhưng lạc nội dung.

Phần III: Tập làm văn (5,0 điểm)

          Thơ là tiếng lòng (Tố Hữu)

Cảm nhận của em về tiếng lòng của Viễn Phương qua bài thơ Viếng lăng Bác.

Yêu cầu: Thí sinh hiểu được ý kiến, biết cách làm bài nghị luận thơ. Cần đạt được các ý sau:

  1. Giới thiệu yêu cầu của đề, trích ý kiến (0,5 điểm)
  2. Giải thích ngắn gọn ý kiến (0,5điểm)

– Tiếng lòng là tình cảm, cảm xúc. Thơ là sự thể hiện một cách trực tiếp tình cảm, cảm xúc của người nghệ sĩ.

– Bài thơ Viếng lăng Bác đã thể hiện tiếng lòng Viễn Phương vừa xúc động thiêng liêng, vừa thiết tha thành kính với Bác Hồ khi vào lăng viếng Bác.

  1. Tiếng lòng Viễn Phương trong Viếng lăng Bác
  2. Tiếng lòng Viễn Phương khi ở ngoài lăng

– Niềm xúc động về cảnh bên ngoài lăng với hình ảnh gây ấn tượng đậm nét là hàng tre -hình ảnh vừa gần gũi thân thương, vừa là biểu tượng của sức sống dân tộc. (Khổ 1)

– Xúc cảm lại dâng lên cùng những suy ngẫm trước hình ảnh dòng người vào lăng viếng Bác và hình ảnh mặt trời. (Khổ 2)

  1. Tiếng lòng Viễn Phương khi vào trong lăng

– Cảm nhận sự yên tĩnh, trang nghiêm trong lăng Bác, niềm xúc động vì tin vào sự bất tử của Bác, vừa không khỏi xót xa vì sự ra đi của Người. (Khổ 3)

– Tâm trạng lưu luyến khi sắp phải rời xa lăng Bác để trở về miền Nam. (Khổ 4)

Cách cho điểm:

+ Từ 2,75 điểm đến 3,5 điểm: Hiểu ý kiến, biết cách phân tích để làm sáng tỏ. Hệ thống ý rõ ràng, mạch lạc, sâu sắc.

+ Từ 2,0 điểm đến 2,5 điểm: Hiểu ý kiến, biết cách phân tích song hệ thống ý chưa thật rõ ràng, chưa thật sâu sắc.

+ Từ 1,25 điểm 1,75 điểm: Chưa bám vào ý kiến, chỉ dừng lại ở việc phân tích bài thơ đơn thuần.

+ Từ 0,25 điểm đến 1,0 điểm: Không bám vào ý kiến, phân tích bài thơ còn sơ sài.

  1. Đánh giá chung (0,5 điểm)

– Khẳng định lại tính chính xác của ý kiến trên; khẳng định Viếng lăng Bác tiêu biểu cho quan niệm về thơ của Tố Hữu.

– Bài thơ trở thành tiếng lòng của biết bao người con đất Việt không chỉ bởi sự chân thành của cảm xúc mà còn bởi tiếng lòng của Viễn Phương đã tìm được một hình thức nghệ thuật đặc sắc, phù hợp: giọng điệu trang trọng và tha thiết, sáng tạo nhiều hình ảnh ẩn dụ đẹp và gợi cảm, ngôn ngữ bình dị mà cô đúc…

Lưu ý:

– Ở phần Tập làm văn nếu bài viết không đúng bố cục ba phần (Mở bài, thân bài, kết luận) trừ 0,25 điểm;

– Mắc nhiều lỗi diễn đạt, chính tả trừ 0,25 điểm;

– Toàn bài làm tròn đến 0,25 điểm.

Từ khóa » đề Thi Hsg Viếng Lăng Bác