ĐỀ VÀ ĐÁP ÁN MÔN VĂN THI THỬ THPT QG LẦN 1

ĐỀ VÀ ĐÁP ÁN MÔN VĂN THI THỬ THPT QG LẦN 1

TRƯỜNG THCS – THPT PHẠM NGŨ LÃO

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA – LẦN 1 (11/3/2015)

MÔN NGỮ VĂN – THỜI GIAN 90 PHÚT – ĐỀ 1

Họ và tên: ………………………………………….., lớp 12A …

Câu 1 (2,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Con yêu quí của cha, suốt mấy tháng qua con vùi đầu vào mớ bài học thật là vất vả. Nhìn con nhiều lúc mệt ngủ gục trên bàn học, lòng cha cũng thấy xót xa vô cùng. Nhưng cuộc đời là như thế con ạ, sống là phải đối diện với những thử thách mà vượt qua nó. Rồi con lại bước vào kì thi quan trọng của cuộc đời mình với biết bao nhiêu khó nhọc. Khi con vào trường thi, cha chỉ biết cầu chúc cho con được nhiều may mắn để có thể đạt được kết quả tốt nhất. Quan sát nét mặt những vị phụ huynh đang ngồi la liệt trước cổng trường, cha thấy rõ được biết bao nhiêu là tâm trạng lo âu, thổn thức, mong ngóng…của họ. Điều đó là tất yếu vì những đứa con luôn là niềm tự hào to lớn, là cuộc sống của bậc sinh thành.

Con đã tham dự tới mấy đợt dự thi để tìm kiếm cho mình tấm vé an toàn tại giảng đường đại học. Cái sự học khó nhọc không phải của riêng con mà của biết bao bạn bè cùng trang lứa trên khắp mọi miền đất nước. Ngưỡng cửa đại học đối với nhiều bạn là niềm mơ ước, niềm khao khát hay cũng có thể là cơ hội đầu đời, là bước ngoặt của cả đời người. Và con của cha cũng không ngoại lệ, con đã được sự trải nghiệm, sự cạnh tranh quyết liệt đầu đời. Từ nay cha mẹ sẽ buông tay con ra để con tự do khám phá và quyết định cuộc đời mình. Đã đến lúc cha mẹ lui về chỗ đứng của mình để thế hệ con cái tiến lên. Nhưng con hãy yên tâm bên cạnh con cha mẹ luôn hiện diện như những vị cố vấn, như một chỗ dựa tinh thần vững chắc bất cứ khi nào con cần tới.

(Trích “Thư gửi con mùa thi đại học”, trên netchunetnguoi.com)

a) Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?

b) Xác định các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản.

c) Khái quát nội dung của đoạn văn bản trích trên.

d) Hãy tìm nhan đề phù hợp để đặt tên cho đoạn trích.

Câu 2 (8,0 điểm):

“Văn xuôi những năm kháng chiến chống Mỹ xứng đáng là bản anh hùng ca ca ngợi những con người miền Nam anh hùng, kiên cường, bất khuất, căm thù giặc cháy bỏng, yêu thương quê hương đất nước thiết tha, thủy chung, nghĩa tình son sắt với cách mạng, với kháng chiến”

Qua việc phân tích 2 nhân vật trong 2 tác phẩm tiêu biểu đã học trong giai đoạn chống Mĩ cứu nước, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

--- HẾT ---

TRƯỜNG THCS – THPT PHẠM NGŨ LÃO

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA – LẦN 1 (11/3/2015)

MÔN NGỮ VĂN – THỜI GIAN 90 PHÚT – ĐỀ 2

Họ và tên: ………………………………………….., lớp 12A …

Câu 1 (3,0 điểm):

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Trái tim hoàn hảo

Có một chàng thanh niên đứng giữa thị trấn và tuyên bố mình có trái tim đẹp nhất vì chẳng hề có một tì vết hay rạn nứt nào. Đám đông đều đồng ý đó là trái tim đẹp nhất mà họ từng thấy. Bỗng một cụ già xuất hiện và nói: “Trái tim của anh không đẹp bằng trái tim tôi”. Chàng trai cùng đám đông ngắm nhìn trái tim của cụ. Nó đang đập mạnh mẽ nhưng đầy những vết sẹo. Có những phần của tim đã bị lấy ra và những mảnh tim khác được đắp vào nhưng không vừa khít nên tạo một bề ngoài sần sùi, lởm chởm; có cả những đường rãnh khuyết vào mà không hề có mảnh tim nào trạm thay thế. Chàng trai cười nói: - Chắc là cụ nói đùa! Trái tim của tôi hoàn hảo, còn của cụ chỉ là những mảnh chắp vá đầy sẹo và vết cắt. - Mỗi vết cắt trong trái tim tôi tượng trưng cho một người mà tôi yêu không chỉ là những cô gái mà còn là cha mẹ, anh chị, bạn bè… Tôi xé một mẩu tim mình trao cho họ, thường thì họ cũng sẽ trao lại một mẩu tim của họ cho tôi đắp vào nơi vừa xé ra. Thế nhưng những mẩu tim chẳng hoàn toàn giống nhau, mẩu tim của cha mẹ trao cho tôi lớn hơn mẩu tôi trao lại cho họ, ngược lại với mẩu tim của tôi và con cái tôi. Không bằng nhau nên chúng tạo ra những nếp sần sùi mà tôi luôn yêu mến vì chúng nhắc nhở đến tình yêu mà tôi đã chia sẻ. Thỉnh thoảng tôi trao mẩu tim của mình nhưng không hề được nhận lại gì, chúng tạo nên những vết khuyết. tình yêu đôi lúc chẳng cần sự đền đáp qua lại. Dù những vết khuyết đó thật đau đớn nhưng tôi vẫn luôn hy vọng một ngày nào đó họ sẽ trao lại cho tôi mẩu tim của họ, lấp đầy khoảng trống mà tôi luôn chờ đợi. Chàng trai đứng yên với giọt nước mắt lăn trên má. Anh bước tới, xé một mẩu từ trái tim hoàn hảo của mình và trao cho cụ già. Cụ già cũng xé một mẩu từ trái tim đầy vết tích của cụ trao cho chàng trai. Chúng vừa nhưng không hoàn toàn khớp nhau, tạo nên một đường lởm chởm trên trái tim chàng trai. Trái tim của anh không còn hoàn hảo nhưng lại đẹp hơn bao giờ hết vì tình yêu từ trái tim của cụ già đã chảy trong tim anh…

(Theo Trí Quyền – Quà tặng cuộc sống, NXB Trẻ TPHCM, 2006)

1. Nội dung chính của văn bản trên là gì? (1 điểm)

2. Em hiểu như thế nào về nhan đề “Trái tim hoàn hảo”? (1 điểm)

3. Hãy giải thích về “giọt nước lăn trên má” của chàng trai. (1 điểm)

Câu 2 (7,0 điểm):

“Văn xuôi những năm kháng chiến chống Mỹ xứng đáng là bản anh hùng ca ca ngợi những con người miền Nam anh hùng, kiên cường, bất khuất, căm thù giặc cháy bỏng, yêu thương quê hương đất nước thiết tha, thủy chung, nghĩa tình son sắt với cách mạng, với kháng chiến”

Qua việc phân tích 2 nhân vật trong 2 tác phẩm tiêu biểu đã học trong giai đoạn chống Mĩ cứu nước, anh/chị hãy làm sáng tỏ ý kiến trên.

--- HẾT ---

TRƯỜNG THCS – THPT PHẠM NGŨ LÃO

ĐỀ THI THỬ THPT QUỐC GIA – LẦN 1 (11/3/2015)

MÔN NGỮ VĂN – THỜI GIAN 90 PHÚT

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ 1:

Câu 1 (2,0 điểm):

Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi: …………………

Điểm

a.

Văn bản trên được viết theo phong cách ngôn ngữ sinh hoạt.

0,5

b.

Các phương thức biểu đạt được sử dụng trong văn bản: tự sự, miêu tả và biểu cảm.

0,5

c.

Khái quát nội dung của đoạn văn bản trích:

- Đoạn trích là sự thấu hiểu và tình yêu thương, sẵn sàng sẻ chia của người cha trước những vất vả của con trước ngưỡng cửa thi đại học.

- Đồng thời, đó cũng là lời động viên, khích lệ, tin tưởng của cha dành cho những nỗ lực của con.

0,5

d.

Nhan đề phù hợp là nhan đề ngắn gọn, hàm súc, khái quát được nội dung của đoạn trích và có tính hấp dẫn. Ví dụ: Mùa thi bên con,…

0,5

Câu 2 (8,0 điểm): (áp dụng cho cả đề 2, có điều chỉnh điểm ở phần chứng minh ý kiến)

Câu

Ý

Nội dung

Điểm

Chứng minh nhận định “Văn xuôi những năm kháng chiến chống Mỹ xứng đáng là bản anh hùng ca ca ngợi những con người miền Nam anh hùng, kiên cường, bất khuất, căm thù giặc cháy bỏng, yêu thương quê hương đất nước thiết tha, thủy chung, nghĩa tình son sắt với cách mạng, với kháng chiến”.

8

Yêu cầu:

- Câu này kiểm tra năng lực viết bài nghị luận văn học của thí sinh, đòi hỏi thí sinh phải huy động kiến thức về tác phẩm văn học, lí luận văn học, kĩ năng tạo lập văn bản và khả năng cảm thụ văn chương.

- Thí sinh có thể lấy dẫn chứng từ 2 tác phẩm tiêu biểu: “ Rừng xà nu”- Nguyễn Trung Thành và “ Những đứa con trong gia đình”- Nguyễn Thi

1.

KHÁI QUÁT CHUNG:

1,0

- Ý kiến trên đề cập đến chủ nghĩa anh hùng cách mạng – nguồn cảm hứng chủ đạo trong văn học Việt Nam, đặc biệt là văn học giai đoạn 1945- 1975.

- Cả hai tác giả Nguyễn Trung Thành và Nguyễn Thi đều gắn bó với cuộc chiến đấu chống Mĩ, là những nhà văn chiến sĩ ở tuyến đầu máu lửa. Tác phẩm của họ mang hơi thở nóng hổi của cuộc chiến đấu với những hình tượng nhân vật sinh động, bước vào văn học từ thực tế chiến đấu.

- Hai truyện ngắn “Rừng xà nu” ( 1965), “Những đứa con trong gia đình” (1966) đều ra đời trong giai đoạn ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi đế quốc Mĩ đổ quân vào miền Nam nước ta, dân tộc ta đứng trước trận chiến một mất một còn để bảo vệ độc lập tự do, bảo vệ quyền sống. Ra đời trong bối cảnh đó, hai tác phẩm ngợi ca chủ nghĩa anh hùng cách mạng, với chất sử thi đậm đà (Thông qua 2 nhân vật Tnú và Việt)

2

CHỨNG MINH Ý KIẾN:

6,0 (đề 2 5,0)

* Những con người miền Nam chịu nhiều đau thương, mất mát – nỗi đau tiêu biểu cho đau thương của cả dân tộc. Ở họ, có tình yêu quê hương đất nước và lòng căm thù giặc sâu sắc:

- Tnú phải chứng kiến cảnh vợ con bị kẻ thù tra tấn đến chết, bản thân bị giặc đốt mười đầu ngón tay.

- Việt chứng kiến cái chết của ba má: ba bị chặt đầu, má chết vì đạn giặc. =>Những đau thương đó hun đúc tinh thần chiến đấu, lòng căm thù giặc sâu sắc của con người Việt Nam. Biến đau thương thành sức mạnh chiến đấu cũng là một biểu hiện của chủ nghĩa anh hùng cách mạng:

+ Tnú lên đường đi “lực lượng” dù mỗi ngón tay mất đi một đốt.

+ Việt vào bộ đội, coi việc đánh giặc trả nợ nước thù nhà là lẽ sống.

=> Họ chiến đấu bởi sức mạnh của lòng căm thù giặc, cũng là bởi sức mạnh của tình yêu thương, vì: chỉ có cầm vũ khí đứng lên, ta mới có thể bảo vệ được những gì thiêng liêng nhất, bảo vệ tình yêu và sự sống. Chân lí đó đã được minh chứng qua số phận và con đường cách mạng của những người dân Nam Bộ trong hai tác phẩm trên, chân lí đó cũng được rút ra từ thực tế đau thương mất mát nên nó càng có giá trị, càng phải khắc sâu vào lòng người.

2,5 (đề 2 2,0)

* Những con người miền Nam anh hùng, kiên cường, bất khuất, thủy chung, nghĩa tình son sắt với cách mạng, với kháng chiến:

- Nhân vật Tnú:

+ Từ nhỏ đã gan dạ, đi liên lạc bị giặc bắt được, tra tấn dã man vẫn quyết không chịu khai.

+ Anh vượt ngục trở về, lại là người lãnh đạo thanh niên làng Xô Man chống giặc, bị đốt mười ngón tay vẫn không kêu rên trước mặt kẻ thù.

=> Ở Tnú toát lên vẻ đẹp của người anh hùng trong sử thi Tây Nguyên và vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại chống Mĩ.

- Nhân vật Việt: bị thương trong trận đánh lại lạc mất đơn vị, vẫn chắc tay súng quyết tâm tiêu diệt kẻ thù. Đối với chị, Việt ngây thơ, nhỏ bé. Còn trước kẻ thù, Việt vụt lớn lên, chững chạc trong tư thế người anh hùng.

2,5 (đề 2 2,0)

Tóm lại, hai nhân vật của hai truyện ngắn đều đã vượt lên nỗi đau và bi kịch cá nhân để sống có ích cho đất nước. Những đau thương của họ cũng chính là đau thương của dân tộc trong những năm tháng chiến tranh. Tinh thần quả cảm, kiên cường của họ cũng chính là tinh thần của cả dân tộc Việt Nam, là biểu hiện cao đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.

1,0

3

ĐÁNH GIÁ CHUNG:

1,0

-Với nghệ thuật miêu tả và khắc họa nhân vật tài tình, các tác giả đã dựng nên những chân dung anh hùng rất sinh động; đồng thời tái hiện lại không khí và tinh thần của dân tộc trong thời đại chống Mĩ cứu nước.

- Qua đó chúng ta cảm nhận được tấm lòng yêu nước của các nhà văn. Họ đã khơi dậy trong mỗi con người Việt Nam lòng yêu nước, tự hào dân tộc, ý thức trách nhiệm với vận mệnh non sông.

Lưu ý chung: Bài làm có thể trình bày theo những cách khác nhau, dẫn chứng khác nhau nhưng cần làm nổi bật được chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong văn học thời chống Mĩ cứu nước. Bài viết đảm bảo bố cục 3 phần, luận điểm rõ ràng, logic chặt chẽ, không mắc lỗi diễn đạt, dẫn chứng xác thực, không xa rời văn bản

Đề 2

Câu 1 (3,0 điểm):

Đọc đoạn văn và trả lời câu hỏi: …………………

Điểm

1.

Nội dung chính của đoạn văn trên là ca ngợi tình yêu sự sẻ chia giữa con người với con người.

1,0

2.

Nhan đề “Trái tim hoàn hảo”: Một trái tim hoàn hảo không phải là trái tim nguyên vẹn, đẹp đẽ về hình thức mà nó chỉ hoàn hảo khi biết cho và nhận, khi được nhận yêu thương và biết sẻ chia yêu thương.

1,0

3.

“Giọt nước lăn trên má” của chàng trai là giọt nước mắt cảm động, ngưỡng mộ trước trái tim, tấm lòng của cụ già. Đồng thời, nó còn là giọt nước mắt tủi hổ về bản thân mình vì trước nay chàng trai luôn ngộ nhận trái tim mình là hoàn hảo khi chưa hiểu đúng về nó.

1,0

Câu 2: 7 điểm (Xem đề 1)

Các tin khác

  • THÔNG BÁO: LỊCH KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ 1 - NĂM HỌC 2024 - 2025 ( 15.10.2024 )
  • THÔNG BÁO: LỊCH KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ 2 - NĂM HỌC 2023 - 2024 ( 22.02.2024 )
  • THAM QUAN BƯU ĐIỆN THÀNH PHỐ - HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH 10A6 ( 22.05.2023 )
  • THAM QUAN BẢO TÀNG CÁCH MẠNG - HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH 10A4 ( 17.05.2023 )
  • THAM QUAN CHỢ BẾN THÀNH - HƯỚNG DẪN VIÊN DU LỊCH 10A3 ( 15.05.2023 )

Từ khóa » đọc Hiểu Văn Bản Con Yêu Quý Của Cha