Đề Văn 6: Tả Cơn Bão Theo Trí Tưởng Tượng Của Em

[toc:ul]

Bài mẫu 1: Tả cơn bão theo trí tưởng tượng của em

Đề văn 6: Tả cơn bão theo trí tưởng tượng của em

Dàn ý

1. Mở bài

  • Cảm nhận của em về tác hại của bão lụt.
  • Giới thiệu đối tượng định tả: cơn bão lụt em từng chứng kiến ở quê

2. Thân bài

  • Khái quát những nét chung về cơn bão: mức độ to hay nhỏ, tính chất nguy hại nhiều hay ít, kéo dài trong bao lâu.
  • Tả cảnh trước cơn bão: bầu trời mấy hôm âm u, xám xịt; mây đen vần vũ đầy trời...
  • Tả cảnh trong cơn bão:
    • Gió thổi ào ào, cây cối ngả nghiêng, rũ rượi
    • Mưa ào ạt trút nước xối xả, bầu trời chuyển qua màu trắng đục. Mưa suốt cả một tuần không dứt sấm, sét.
    • Nước dâng lên cao, cuồn cuộn chảy cuốn phăng mọi thứ nó gặp và nhấn chìm đồng ruộng, những ngôi nhà thấp,...
    • Nhà cửa, cây cối, đồng ruộng, mùa màng bị nước lũ tàn phá, nhấn chìm.
    • Con người: vật lộn chống lại sức mạnh của dòng nước (dầm mưa để đắp đê, chuyển người già và trẻ em đến nơi an toàn, chuyển đồ đạc lên chỗ cao, phát hàng cứu trợ...).
  • Tả cảnh sau cơn lũ:
    • Cây cối nhà cửa tiêu điều, tan tác, xác xơ
    • Con người đang ra sức khắc phục lại những hậu quả do cơn lũ để lại.

3. Kết bài

  • Cảm nghĩ của em về cơn bão lũ đó: bàng hoàng, kinh sợ.
  • Thái độ và hành động để hạn chế những cơn bão lũ.

Bài làm

Từng ngày, từng ngày, đồng bào miền Trung đang phải gánh chịu hậu quả do bão lũ gây ra. Trận lũ năm hai nghìn là một trong những trận lũ có sức công phá mạnh mẽ nhất trong thập kỷ qua.

Bầu trời tối sầm, mưa không ngớt, xung quanh toàn một màn nước trắng xóa. Đó là cảnh tượng của những nơi trận lũ diễn ra.

Tất cả những gì ở nơi đây bao trùm một thứ gì đó đơn điệu mà ẩn chứa bao nguy hiểm cùng với màn trắng của nước là màu xanh của ngọn cây, những cây cổ thụ dám đương đầu với dòng nước lũ và những mái ngói nhấp nhô - nơi duy nhất để người dân bám trụ. Mọi người từ cụ già đến trẻ em đều sống trong tâm trạng lo lắng, hoang mang, lo sợ, làn da xám đi vì lạnh. Có những đứa trẻ mới sinh ra mới vài tháng, cơ thể như không còn chút sinh lực. Họ sống trong tình trạng thiếu thốn không điện, không thức ăn, nước uống. Nhiều thanh niên đi mò trong biển nước những cây lúa còn sót lại một cách vô vọng.

Chính phủ đã kêu gọi tinh thần "lá lành đùm lá rách". Đâu đây, những chiếc xuồng cứu trợ màu da cam tươi cười đến với nhân dân. Rồi cả những chiếc trực thăng cũng được huy động, dù chỉ là những gói mì nhỏ bé nhưng trong đó chan chứa tất cả tình cảm của nhân dân khắp mọi miền hướng về miền Trung thân yêu. Màu áo xanh của bộ đội, của thanh niên tình nguyện; màu áo vàng của các chiến sĩ công an ngày đêm gắn bó với bà con vùng lũ. Nhân dân lấy lại tinh thần và sức lực, dũng cảm vượt qua những tháng ngày gian khổ. Trên những mái nhà ẩm ướt, khói đã bốc lên và nhờ những gói mì và hạt gạo ít ỏi đó mà đôi môi con trẻ trở lại hồng hào. Những chiếc bè đỏ dập dềnh chờ đợi một điều kỳ diệu.

Trận lũ đã đi qua nhưng nó để lại bao cảnh thương tâm. Người nông dân "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", không quản ngại "một nắng hai sương" giờ lại tay trắng. Nhà cửa, ruộng vườn, trâu bò đất trôi theo dòng nước lũ. Chỉ mới tháng trước ở đây còn là một khu dân cư đông đúc mà bây giờ đã là bãi đất bằng. Không chỉ có thế, trận lũ còn cướp đi bao sinh mạng người vô tội. Bao gia đình lâm vào cảnh "tan đàn xẻ nghé": đứa trẻ mắt đỏ hoe gọi cha, người vợ mất chồng, người mẹ mất con. Tôi có thể nhìn rõ gương mặt bạo tàn và nụ cười nham hiểm của Thủy Tinh độc ác. Hắn cười trên nỗi đau khổ của người khác, tiếng cười nghe thật ghê rợn. Những hòm ủng hộ đồng bào lũ lụt ngày ngày vẫn được ăn no để làm vơi đi phần nào đau khổ của người dân nhưng có một điều chắc chắn rằng: nỗi khổ mất đi một người thân là không gì bù đắp được.

Cơn lũ dữ rồi cũng qua đi. Cuộc sống của người dần dần trở lại nhịp thường ngày nhưng nỗi lo âu, phấp phỏng thì vẫn còn đó. Còn tôi, tôi nghĩ rằng trí thông minh do tạo hóa ban cho con người, vậy chúng là sẽ dùng nó để chế ngự thiên nhiên. Tuy nhiên, vẫn còn một câu hỏi mà tôi chưa trả lời được: "Đến khi nào nhân dân ta mới không phải chịu hậu quả của nước lũ, đến khi nào trận lũ như năm 2000 mới không tái diễn?"

Bài mẫu 2: Tả cơn bão theo trí tưởng tượng của em

Đề văn 6: Tả cơn bão theo trí tưởng tượng của em

Dàn ý

1. Mở bài

  • Những ngày tháng bảy âm lịch đối với người dân quê em là khoảng thời gian đầy lo âu, phiền muộn. Bởi đó là thời gian mà hầu như năm nào cũng có thiên lai, lũ lụt.

2. Thân bài

  • Trước cơn bão
    • Còn khoảng hơn chục hải lý nữa thì bão mới vào bờ, những bầu trời đã xám xịt, nước biển cũng nhuốm một màu tối tăm, ảm đạm.
    • Từng cơn gió cứ rít lên qua khe cửa, quật tung những chiếc thùng xốp ướp cá của gia đình, làm chúng bay tung tóe.
  • Trong cơn bão
    • Gió giật phăng mọi thứ, nhìn qua khe cửa trong ủy ban mà mọi người đều không giấu nỗi tiếng thở dài.
    • Những lời than vãn trách cứ đất trời liên tục vang lên kèm theo đó là những dòng nước mắt kèm nhèm lau vội.
    • Bão tan rồi nhưng nước dâng cao, nhà cửa đâu đâu cũng chìm trong biển nước.
  • Sau cơn bão
    • Bão tan, nước cũng rút, mọi người trở về nhà để bắt đầu khắc phục sau bão.
    • Nhà cửa tan hoang, vườn rau, con gà cũng trôi theo cơn lũ dữ.
    • Những chú bộ đội xắn tay áo giúp đỡ người dân dựng lại cửa nhà, dọn dẹp nhà cửa.

3. Kết bài

  • Em sẽ phải cố gắng nhiều hơn, để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ người dân quê mình không còn phải khổ cực trước những cơ giông tố.

Bài làm

Những ngày tháng bảy âm lịch đối với người dân quê em là khoảng thời gian đầy lo âu, phiền muộn. Bởi đó là thời gian mà hầu như năm nào cũng có thiên lai, lũ lụt. Những con thuyền nằm mòn mỏi ở bờ, những gia đình trông ngóng tin tức người thân, những con lợn, con gà lũ lượt bị cuốn trôi theo dòng nước. “Tin bão khẩn cấp! Cơn bão số 10”.

Những thông báo phát ra từ tivi không những không làm an lòng cho người dân mà lại làm cho những thân hình nhỏ bé của con người vùng biển liên tục thổn thức, ngóng nhìn ra biển – nơi bão tiến vào. Còn khoảng hơn chục hải lý nữa thì bão mới vào bờ, những bầu trời đã xám xịt, nước biển cũng nhuốm một màu tối tăm, ảm đạm. Từng cơn gió cứ rít lên qua khe cửa, quật tung những chiếc thùng xốp ướp cá của gia đình, làm chúng bay tung tóe. Chuồng gà đã được kê cao đến gần nóc nhà, những con lợn cũng tranh thủ đưa lên độ cao có thế. Để như thế thôi chứ biết rằng mỗi lần bão về là mất trắng, chẳng con vật nào có thể tồn tại sau những cơn bão cay nghiệt ấy. Mẹ đi tới đi lui, hết chạy ra sau chằng chống cái cửa thì chạy lên xã nghe ngóng tin tức anh hai đang trú bão ở Philippines không biết thế nào.

Nhà được các chú bộ đội chằng chống từ hôm trước, cát được cho vào bao để đặt trên mái nhà, dây thừng buộc bốn góc đóng vào cọc sâu, thuyền thúng được mang lên buộc vào vách nhà kỹ lượng, đồ đạc, quần áo được cho vào bao sẵn để khi có lệnh sơ tán là khuân đồ mang lên ủy ban xã ngay. Em chỉ có mỗi một chiếc bọ ni lông đựng sách vở nên lúc nào cũng mang theo bên cạnh, không dám buông ra vì lo rằng nếu ướt sẽ chẳng còn thứ gì để học, mẹ phải tốn thêm khoản tiền thiệt hại sau bão. Rồi bão cũng đến, gió giật phăng mọi thứ, nhìn qua khe cửa trong ủy ban mà mọi người đều không giấu nỗi tiếng thở dài. Ai cũng lo lắng, ai cũng buồn rầu: “Thế này thì mất thật!”, “Thôi mất, mất cả rồi”, “Trời ơi vốn liếng biết bao nhiêu năm trời!”, “Trời ơi rồi biết sống sao đây hở trời!”. Những lời than vãn trách cứ đất trời liên tục vang lên kèm theo đó là những dòng nước mắt kèm nhèm lau vội. Người này động viên an ủi người kia, người mất ít ôm vai người mất nhiều, người trẻ làm chỗ tựa đầu cho người cao tuổi cứ thế, mọi người nương tựa nhau vượt qua nỗi đau trước giông gió của cơn bão lòng. Bão tan rồi nhưng nước dâng cao, nhà cửa đâu đâu cũng chìm trong biển nước.

Đứng từ ủy ban xã, em có thể nhìn thấy căn nhà của mình chìm trong biển nước. May là những con lợn con đặt trong thau còn nổi bồng bềnh không thì mất trắng. Đoàn cứu trợ từ khắp nơi đổ về với khẩu hiệu thân thuộc “Vì miền Trung ruột thịt”. Những gói mì được chia nhau, những bịch cháo ăn liền cũng được phân phát, những chiếc chăn được trao cho những cụ già và em nhỏ mọi người đồng lòng giúp đỡ người dân quê em vượt qua cơn khốn đốn trong những ngày giông bão. Bão tan, nước cũng rút, mọi người trở về nhà để bắt đầu khắc phục sau bão. Nhà cửa tan hoang, vườn rau, con gà cũng trôi theo cơn lũ dữ. Những chú bộ đội xắn tay áo giúp đỡ người dân dựng lại cửa nhà, dọn dẹp nhà cửa. Thế nhưng mọi người đều thở phào vì người nhà vẫn được bình yên.

Cơn bão này không to như những cơn bão trước đó, thế nhưng cũng đủ khiến mọi người trở nên khốn đốn vô cùng. Đó là do thiên nhiên, là do khí hậu. Nhưng bản thân chúng em được học đó là cơ thịnh nộ của môi trường. Có lẽ em sẽ phải cố gắng nhiều hơn, để giúp đỡ gia đình, giúp đỡ người dân quê mình không còn phải khổ cực trước những cơ giông tố.

Bài mẫu 3: Tả cơn bão theo trí tưởng tượng của em

Đề văn 6: Tả cơn bão theo trí tưởng tượng của em

Dàn ý

1. Mở bài

  • Hai ngày cuối tuần vừa qua, bão về quê em. Trận bão vừa rồi để lại trong kí ức em vô cùng rõ nét.

2. Thân bài

  • Trước cơn bão
    • Mọi người đã được thông báo tinh thần cách đó gần một tuần nên nhà ai cũng có những sự chuẩn bị nhất định ngoài sự chuẩn bị chung của cộng đồng.
    • Những cây cao đã được buộc cành cho cẩn thận, nhà ai cũng kiểm tra lại mái nhà, cống thoát nước, những cửa sổ được buộc chặt phòng khi bão có thể bật tung.
    • Mây đen bắt đầu kéo đến trên bầu trời đen kịt. Gió mới gọi là hú hồn, thổi mạnh và không ngớt, sấm đùng đoàng và chớp rạch trên nền trời.
  • Mưa bắt đầu như trút nước, xối xả, ào ạt trong giây lát
    • Trong mưa, tiếng sấm, ánh chớp cứ vậy mà lùa vào không gian khiến cả đêm khó có ai ngủ được ngon giấc.
    • Ngày hôm sau mưa, gió, sấm và chớp vẫn không ngừng nổi lên, cả ngày không thấy mặt trời ló rạng mà chỉ thấy toàn mưa là mưa.
  • Sau khi bão tan
    • Bầu trời trở nên xanh trong vào ngày hôm sau và khi ấy, không gian hiện ra trong tan xác, tiêu điều.
    • Sau cơn bão, việc đầu tiên mà mọi người làm đó là tu sửa lại những thiệt hại mà bão gây ra.

3. Kết bài

  • Cơn bão đã đi qua mà còn để lại nhiều thiệt hại cho làng quê. Tôi mong rằng những cơn bão sẽ càng ít ghé thăm quê mình để ít những cảnh lụt lội và thiệt hại như vậy nữa.

Bài làm

Hai ngày cuối tuần vừa qua, bão về quê em. Vì là một vùng quê có khí hậu ôn hòa thuận lợi nên từ nhỏ em chưa từng thấy quê mình phải trải qua bất kì một trận bão lớn nào vì thế mà trận bão vừa rồi để lại trong kí ức em vô cùng rõ nét.

Về thông tin của cơn bão, mọi người đã được thông báo tinh thần cách đó gần một tuần nên nhà ai cũng có những sự chuẩn bị nhất định ngoài sự chuẩn bị chung của cộng đồng. Những cây cao đã được buộc cành cho cẩn thận, nhà ai cũng kiểm tra lại mái nhà, cống thoát nước, những cửa sổ được buộc chặt phòng khi bão có thể bật tung. Gần đến cơn bão, chiều hôm ấy, trời mùa hè mà mới ba giờ chiều đã bắt đầu tối xầm lại, mây đen bắt đầu kéo đến và dần vần vũ trên bầu trời đen kịt. Gió mới gọi là hú hồn, thổi mạnh và không ngớt khiến cho bụi bay tứ tung, cây lá nghiêng ngả trong chốc lát. Rồi sấm đùng đoàng và chớp rạch trên nền trời những ranh giới mông lung. Điện các nhà được cắt để bảo đảm an toàn trong cơn sấm chớp nên trong nhà lại càng tối.

Chỉ một lát sau, mưa bắt đầu như trút nước, xối xả, ào ạt trong giây lát. Tôi ngồi trong nhà chỉ nghe tiếng mưa rơi thôi cũng cảm thấy như âm thanh của cả thế giới như chỉ còn là mấy thanh âm nhẹ thoáng qua. Trong mưa, tiếng sấm, ánh chớp cứ vậy mà lùa vào không gian khiến cả đêm khó có ai ngủ được ngon giấc. Ngày hôm sau mưa, gió, sấm và chớp vẫn không ngừng nổi lên, cả ngày không thấy mặt trời ló rạng mà chỉ thấy toàn mưa là mưa. Có lẽ lúc này ngoài đường chỉ toàn là nước bởi các ống thoát nước đã quá tải. Nước của dòng sông chắc cũng dềnh lên bờ vì mưa suốt.

Nhưng rồi cơn bão cũng đi qua, bầu trời trở nên xanh trong vào ngày hôm sau và khi ấy, không gian hiện ra trong tan xác, tiêu điều. Nước lũ phải nửa ngày mới rút hết, khi rút để lộ ra những cành cây khô, những mái tôn bị bão cuốn phăng. Cây cối gần như không có cây nào còn nguyên vẹn, đến cả cột điện cũng có cái tang hoang. Nhưng có một may mắn đó là tuy thiệt hại nhiều về của nhưng có một thiệt hại nào về người. Sau cơn bão, việc đầu tiên mà mọi người làm đó là tu sửa lại những thiệt hại mà bão gây ra.

Cơn bão đã đi qua mà còn để lại nhiều thiệt hại cho làng quê. Tôi mong rằng những cơn bão sẽ càng ít ghé thăm quê mình để ít những cảnh lụt lội và thiệt hại như vậy nữa.

Từ khóa » đoạn Văn Tả Cơn Bão