Để Vẽ Tốt Hình Họa Cơ Bản

Để Vẽ Tốt Hình Họa Cơ Bản Share |

7. Mảng đặc và khoảng trống

Nhiều bạn khi vẽ hình họa thường chỉ quan tâm tới mảng đặc, nhưng lại bỏ qua khoảng trống, mà không biết rằng mối quan hệ giữa mảng đặc và khoảng trống là rất mật thiết.

Khồi cầu, khối hộp
Khối cầu và khối hộp

Khoảng trống nói chung có thể là những phần mặt tranh hoàn toàn trống rỗng không có hình… khi mà sự hiện diện của một chủ thể chiếm chỗ nổi bật trên nền giấy. Nói một cách khác, khi hình vẽ của bạn đang đóng vai trò choán chỗ và phần được chừa lại chính là khoảng trống.

Khoảng trống xuất hiện song song ngay sau thao tác đưa một hình choán chỗ vào tranh… như một điều hiển nhiên và có lẽ vì vậy vô tình bạn đã không mấy quan tâm tới nó (người khoét cái lỗ tròn đầu tiên lên tượng trong nền điêu khắc hiện đại là Acsipencô người Nga. Ông nhận ra tác dụng của nó một cách tình cờ. Ông tự thuật như sau: “một hôm thân sinh tôi mua về hai chiếc lọ hoa hoàn toàn giống nhau, tiện tay, tôi đặt chúng cạnh nhau. Bỗng tôi, phát hiện ra một chiếc lọ thứ ba, trong suốt, vô thể chất, do khoảng không giữa hai chiếc lọ kia tạo thành. Đó là điểm xuất phát để tôi đi đến lý thuyết về một không gian trống rỗng được tượng trưng bằng sự vắng mặt của vật thể. Từ đó nhìn vào đâu tôi cũng thấy hư không gợi cho mình vô vàn những khối tượng và tôi đưa nó vào điêu khắc” – Dẫn theo Thái Bá Vân - Điêu khắc Đình làng).

Lão Tử – Triết gia vĩ đại Trung Quốc nói: “Ba mươi sáu cái “bức” (nan hoa) quanh một cái “cốc” (trục) nhờ chỗ “không” mà “có” công dụng của cái xe. Nặn đất thó làm chén bát, nhờ chỗ “không” mà “có” công dụng của chén bát. Trổ cửa và cửa sổ để làm nhà nhờ chỗ “không” mà “có” công dụng của cái nhà. Cho nên “có” để làm điều lợi, “không” để làm công dụng”.

Tinh thần “có” “không”, “thường hữu”, “thường vô” được các họa sĩ Trung Hoa xưa biểu đạt cực kỳ phong phú, tài tình trên cơ sở quan hệ giữa mảng đặc và khoảng trống. Những khoảng trống đầy biểu cảm là nơi gửi gắm hoài bão và tình cảm, tinh thần thanh khiết cao vợi của nhiều thế hệ họa sĩ Trung Hoa. Tuy vậy ở đây tôi chỉ giới thiệu với bạn về những khoảng trống có giá trị hỗ trợ giúp cho bạn xây dựng được bài hình họa vững vàng.

Hình họa
Khoảng trống với hình họa người

Trước hết bạn cần đưa những khoảng trống trở về những hình thức đơn giản tới mức tối đa. Nghĩa là có xu hướng hình học như: hình vuông, hình tròn, hình tam giác, hình thang, hình thoi…Và bây giờ bạn hãy để ý tới những khoảng trống được tạo ra bởi quan hệ giữa những hình đơn hay bộ phận cơ thể với nhau. Ví dụ: ở mẫu vẽ cơ bản bao gồm hai khối hộp và cầu này, nếu bạn chỉ dựng hình trên cơ sở quan sát tương quan tỉ lệ giữa hai khối cầu và hộp thì theo tôi, bạn vẫn cần so sánh tương quan tỉ lệ giữa hai khối này với phần khoảng trống, (phần được gạch đậm ở hình vẽ minh họa). Tỉ lệ giữa mảng đặc và khoảng trống ở bức vẽ của bạn phải có tính đồng bộ thống nhất và đồng dạng với tổng thể nơi mẫu vẽ.

Đối với một hình họa người, có thể bạn sẽ gặp nhiều khoảng trống hơn nữa, đó là những khoảng trống bị kẹp bởi hai hay ba bộ phận cơ thể. Quan sát ví dụ về khoảng trống trong bức vẽ phác hình họa người mà tôi đưa ra ở đây, hẳn bạn có thể nhận thấy: quan sát và sử dụng những khoảng trống, đôi khi thay vì vẽ phần thực, tức là vẽ trực tiếp vào bộ phận cơ thể, thì bạn có thể vẽ ngược lại nghĩa là vẽ khoảng trống hoặc vẽ cùng lúc cả mảng đặc lẫn khoảng trống, sau đó vẽ khoảng trống (nếu nó tiện lợi cho việc nhìnvà so sánh tỉ lệ của hình), phần còn lại sẽ là mảng đặc.

Với cách vẽ phối trợ xen kẽ không tách rời giữa mảng đặc và khoảng trống như vậy, đôi khi bạn có thể xây dựng được bức vẽ hình họa (dừng lại ở nét phác) đơn giản đến bất ngờ.

Bạn cũng nên phối hợp nhiều khả năng quan sát khác phối hợp với nhau cho thật linh hoạt. Tuy nhiên tôi vẫn lưu ý bạn không nên bỏ qua cách nhìn những khoảng trống. Bởi chính nó sẽ gợi mở và dẫn dắt bạn khám phá điều hòa quan hệ giữa mảng đặc và khoảng trống ở một phạm vi rộng hơn với đầy đủ ý nghĩa của nó.

8. Tâm lý thị giác của hình

Sẽ là thiếu sót khi chúng ta dựng hình họa mà không hiểu biết về tâm lý thị giác của hình.

Tác giả Nguyễn Quân đã có nhiều bài viết và có hẳn một cuốn “Tiếng nói của hình và sắc” qua đó tác giả phân tích kỹ tâm lý thị giác của hình. Chỉ tiếc (vì nhiều lý do) hình như những tài liệu này còn ít tới tay các em học sinh, sinh viên. Để tìm hiểu kỹ hơn các em có thể tìm đọc “Tiếng nói của hình và sắc” của Nguyễn Quân. ở đây (trong khuôn khổ bài viết) tôi chỉ có thể nói tới một cách sơ lược.

- Hình vuông – Khối vuông tĩnh – Tạo ấn tượng về một cố kết vững vàng chắc chắn nhưng cũng nặng nề kém linh hoạt đôi khi lạnh lùng.

- Hình chữ nhật đứng có hướng chuyển động chính là, trên dưới bởi vậy tạo cảm giác và ấn tượng tốt về chiều cao, sự hướng thượng và thăng thiên. Tuy vậy do bị kéo dài theo trục đứng nên cũng có xu hướng không chắc chắn và dễ đổ vỡ.

- Hình chữ nhật nằm ngang có xu hướng chuyển động mạnh về chiều nằm ngang, bởi vậy đôi khi có cảm giác bị đè bẹp, và cũng không chắc chắn. Tuy vậy nó tạo nên ấn tượng về sự thanh bình, nghỉ ngơi nếu quá đà có thể rơi vào cảm giác quên lãng.

Hình họa nghiên cứu
LEONARDO DA VINCI. Hình vẽ người

- Hình Tròn – Khối cầu: Chứa đựng cả hai đặc tính động và tĩnh, hình tròn cũng như khối cầu cho ta cảm giác nhẹ, nhỏ, có cảm giác nhỏ về thể tích. Đường tròn êm ái và gây cảm giác về nhục cảm. Khi có nhiều vòng tròn kết hợp còn tạo nên cảm giác màu mè.

- Hình Ô van: Hình ô van năng động hơn hình tròn, nó gợi sự chuyển động. Khi bị doãng rộng nó tạo cảm giác uể oải. Khi bị kéo dài về chiều cao nó cũng tạo cảm giác về sự đổ vỡ.

- Hình tam giác: Có cảm giác chắc chắn ổn cố đôi khi lạnh lùng nếu đó là tam giác đều. Hình tam giác chuyển động mạnh hơn về phía có góc nhọn nhỉnh hơn trong tổng thể. Hình tam giác có đáy trùng với phương nằm ngang tạo cảm giác trang nghiêm, nâng lên về tinh thần, sự cao sang, sự thăng thiên và tán dương. Hình tam giác ngược, hoặc hình thoi làm nảy sinh cảm giác không chắc chắn và mong manh.

- Hình xoáy trôn ốc: Vô cùng năng động, có sức hút lớn và chuyển động mạnh mẽ, có khả năng tạo ảo giác nhưng cũng vì thế nó lại là hình không ổn định và bền vững. Các hình cơ bản khi trục tự nhiên bị thay đổi thường trở nên động hơn so với trạng thái bình thường.

Việc nắm được chiều hướng chuyển động và trạng thái động, tĩnh của hình không những giúp bạn trong việc xây dựng một bố cục cơ bản cũng như trong những bước tìm hiểu sáng tạo mà còn hỗ trợ bạn rất nhiều trong quá trình xây dựng một hình họa cơ bản.

9. Cân bằng

Từ tổ tiên xa xưa đến con người ngày nay đều sống trong môi trường tự nhiên có sự cân bằng. Dù cho điều kiện tự nhiên ngày nay có thể đã khác xưa, con người ngày nay cũng sáng tạo tự trang bị cho mình những phương tiện để cải thiện điều kiện sống đối với môi trường khắc nghiệt. Tuy vậy con người thực ra vẫn sống trọn trong môi trường có quy luật của tự nhiên. Tự nhiên bao giờ cũng có khả năng điều tiết tốt nhất để có sự cân bằng, sự cân bằng đó diễn ra qua chu kỳ của ngày và đêm, nóng và lạnh, thức và ngủ…

Cũng xuất phát từ đó, trong môi trường cân bằng của tự nhiên – nhu cầu cân bằng xã hội và tự cân bằng của con người như một tất yếu. Lý luận Đông y về cơ bản lấy cân bằng và hài hòa âm dương làm căn bản để ngăn chặn và chữa trị đối với mọi biểu hiện bệnh lý.

Trong hội họa cũng vậy, bức vẽ của bạn bao giờ cũng đòi hỏi có sự cân bằng thị giác. Cơ sở cơ bản của cân bằng thị giác là dựa vào trục tung và hoành. Điểm cân bằng của một bức vẽ về nguyên tắc thường ở giữa bức tranh.

Về cơ bản có 3 cách cân bằng và qua đó phát sinh hình thức thứ 4.Khi vẽ một bức tranh theo trục đứng (trục tung) tức là bức vẽ của bạn đang có xu hướng thiếu trục hoành, nhu cầu tự thân ở đây là bạn phải bổ sung cho nó thêm những đường hướng của trục hoành. Ngược lại khi bạn vẽ bức tranh trục ngang tức là bức vẽ của bạn đang có xu hướng thiếu đường hướng của trục tung, nhu cầu tự thân ở đây là bạn phải bổ sung cho nó những đường hướng theo trục tung. Kiểu cân bằng này bạn sẽ bắt gặp khá nhiều qua những họa phẩm của các họa sĩ Trung Hoa xưa. Kiểu cân bằng trên tạo nên những trạng thái tình cảm mực thước ổn cố, nhịp nhàng và hài hòa, hiếm khi nó tạo nên những bất ngờ năng động. Tôi tạm gọi đó là hình thức cân bằng ổn định có chu kỳ.

Kiểu cân bằng thứ hai tôi sẽ giới thiệu sau đây tạo nên những bất ngờ về xử lý thông tin thị giác.

Hình A - hai nhóm: tín hiệu thị giác (mảng, hình, khối, nét, màu sắc…) có xu hướng mất cân bằng rõ rệt. Để tạo nên sự cân bằng tương đối ta có thể xê dịch một trong hai nhóm hình vào gần hoặc rời xa vị trí trung tâm của bức vẽ và ở hình B là một khả năng cân bằng, tuy vậy xu hướng cân bằng vẫn chưa thật sự ổn định. Ta có thể đưa thêm hình hoặc tiếp tục xê dịch hai hình. Giả sử ta đưa thêm hình (hoặc nhóm tín hiệu thị giác) vào góc trái của khuôn hình (hình vẽ C), lúc này thay vì được cân bằng ta nhận thấy việc đưa thêm một hình vào góc trái khuôn hình đã tạo nên mất cân bằng trầm trọng.

Bây giờ chuyển hình được đưa thêm này vào góc đáy bên phải khuôn hình ta nhận thấy khuôn hình lúc này đã có sự cân bằng cần thiết (hình D). Với đặc tính của lối cân bằng này tôi tạm gọi là: cân bằng động. Các họa sĩ hiện đại ưa dùng lối cân bằng này. Vì nó có khả năng tạo nên những xử lý khoáng đạt và bất ngờ.

- Cân bằng theo chiều sâu: Là lối cân bằng giữa các nhóm thông tin thị giác thuộc các lớp theo chiều sâu của bức tranh. Sự choán chỗ nhóm hình hay mầu sắc… quá nhiều ở phía trước, trong khi hậu cảnh của nó quá trống vắng rất có thể sẽ cần đến nhu cầu cân bằng.

- Lối cân bằng thứ tư:  Có thể được sinh ra bởi khả năng phối hợp hài hòa từ 2 đến 3 khả năng cân bằng nói trên với những mức độ phối trợ khác nhau có thể sẽ tạo ra những bất ngờ nhất định về khả năng của sự cân bằng.

10. Điều hòa đậm nhạt – giải quyết chính phụ

Hình họa bán thân
PIERRE PAUL PRUD'HON. Hình họa bán thân nữ. Than đen và than trắng trên giấy xám. 28x21,5cm

Những họa sĩ thuần thục có thể cùng lúc xử lý hàng loạt những thao tác như dựng hình, cân bằng, bố cục, lên đậm nhạt… nhưng bạn là người mới học vẽ bạn không nên làm như vậy. Bạn hãy bóc tách để hoàn thiện từng phần một và tất nhiên sẽ có lúc bạn cần phải xâu chuỗi những thao tác đó sao cho nó gắn kết đồng bộ hữu cơ. Sau khi dựng hình xong, bạn cần phân chia hệ thống đậm nhạt. Bạn hãy dim mắt để làm mờ đi các bộ phận chi tiết và tìm những điểm nổi bật. Bạn hãy phân chia rõ hệ thống sáng tối và cả hệ thống phản quang (nếu có). Sau đó dùng chì (hay than) làm đậm sơ bộ toàn bộ hệ thống bên tối (và thường ưu tiên cho những bộ phận có độ đậm mạnh hơn được lên đậm trước). Khi có độ đậm ở mức trung bình bạn bắt đầu lên đậm cho hệ thống bên sáng (và cũng bắt đầu từ những bộ phận đậm nhất của hệ thống sáng). Mỗi khi lên đậm cho bên sáng bạn đừng quên thêm cho bên tối những độ đậm cần thiết để có được sự phân biệt hệ thống sáng tối.

Tôi không gọi thao tác này là đánh bóng mà gọi là: điều hòa đậm nhạt. Bạn hãy suy nghĩ đến cách gọi đó. Bí quyết trong khi đánh bóng chính là điều hòa đậm nhật. Chỉ có thông qua điều hòa đậm nhạt bạn mới có được bức vẽ có hệ thống sáng tối trong trẻo và thuận mắt; Và cũng chỉ có thông qua điều hòa đậm nhạt bạn mới chủ động chọn vị trí hoặc bộ phận thích hợp làm điểm nhấn, điểm hút mắt hay nhóm chính cho bức vẽ.

Có thể bạn đã làm quen với việc giải quyết mối quan hệ chính phụ trong quá trình làm một bài tập bố cục người hoặc phong cảnh. Nhưng hầu như các bạn đã quên đặt vấn đề chính phụ và điều hòa đậm nhạt trên một bức vẽ hình họa.

Sở dĩ có điều này, có lẽ xuất phát từ hai cách nghĩ. Khi bạn tiến hành phác thảo bố cục, và khi bạn đứng trước một mẫu vẽ. Một bên, bạn phải chủ động đưa vào mặt tranh những nhân vật, cây cối, nhà cửa hoặc đồ vật… ngược lại khi đứng trước mẫu hình họa bạn thường bị rơi vào thế thụ động. Thực ra khi vẽ hình họa tất nhiên bạn vẫn cần bám sát mẫu, nhưng không để mình rơi vào thế thụ động bằng việc sao chép mẫu. Bạn hãy quan sát, so sánh hệ thống hình khối… rồi bắt đầu nét phác trên thế chủ động.

Bạn hãy thử nhìn vào hai người (hoặc hai đồ vật) đứng gần nhau và cùng cách mắt bạn một khoảng xấp xỉ bằng nhau. Trước hết bạn hãy nhìn vào khoảng giữa (điểm chia đôi đoạn thẳng nối từ vị trí của người này tới vị trí của người kia) hai người. Bạn sẽ không nhìn thấy thật rõ người nào, cả hai đều hơi mờ phải không? Bây giờ thay vì cách nhìn trên bạn hãy hướng cái nhìn của bạn tập trung vào một người duy nhất. Bạn sẽ thấy rất rõ người này, còn người kia chỉ nhìn thấy rất mờ (như một dấu hiệu nhận biết) và không rõ một chi tiết nào. Với cách nhìn vào khoảng giữa hai nhân vật, nếu một trong hai người có những chi tiết như màu quần áo hoặc sự đối lập sáng tối mạnh sẽ gây sự chú ý của bạn hơn.

Tình hình chung khi lên đậm nhạt cho bức hình họa của bạn cũng vậy. Khi quan sát để lên khối cho một bộ phận cơ thể nào đó, tất nhiên bạn không thể không hướng cái nhìn của bạn tập trung vào vị trí bộ phận đó. Như đã nói ở trên, lúc này bạn sẽ thấy rất rõ tương quan sáng tối của bộ phận này. Bạn ghi nhận nó, rồi sau đó lên đậm nhạt cho bộ phận này đúng như tương quan mà bạn vừa quan sát được? Bạn đã mắc lỗi quan sát rất lớn ở điểm này. Nếu bạn tiếp tục xử lý như trên cho nhiều bộ phận khác, thì bức vẽ của bạn chỉ là sự lắp ghép những tương quan rõ nét như nhau, thành một tổng thể khô khan, cứng nhắc.

Không gian trong hội họa phương Tây có thể liên hệ đơn giản như khi bạn đứng trước một khối cầu. Toàn bộ khối cầu chỉ duy nhất một điểm gần nhất với vị trí mắt nhìn của bạn. Những điểm còn lại đều không cùng vị trí. Qua đó có thể nói: không một điểm nào trên mẫu có đậm nhạt như nhau hay có tương quan sáng tối như nhau. Trong khi đó cơ thể con người hoặc tĩnh vật thì không phải bộ phận nào cũng có tương quan giống nhau. Chẳng hạn, tay và mặt bao giờ cũng có độ rắn chắc hơn ngực, đùi, không những thế nó còn có thể bị rám nắng. Vì vậy, tương quan về chất cũng như tương quan sáng tối của nó phải hoàn toàn khác biệt với ngực và đùi. Hai tay tuy có độ rắn chắc và mầu sắc như nhau, nhưng một tay đặt trong bóng tối còn tay kia đặt ngoài sáng lại tạo nên những tương quan hoàn toàn trái ngược. Gộp một vài vấn đề tôi vừa nêu trên, hẳn bạn đã thấy bức vẽ hình họa ở tình trạng mà tất cả các tương quan sáng tối tại mọi vị trí đều như nhau là hoàn toàn không thuận mắt.

MICHALANGELO BUONARROTI. Phán xét cuối cùng (Trích đoạn). Nhà thờ Sistine. Nề họa

Mỗi khi quan sát chi tiết quan hệ sáng tối của một bộ phận nào đó bạn nên ghi nhớ rằng: cái ấn tượng rõ ràng (mà bạn nhận được bởi sự chú tâm của cái nhìn mà bạn dành cho nó), chỉ có giá trị giúp bạn nhận biết và phân chia khối hình cho mạch lạc. Công việc tiếp theo, bạn phải dim mắt lại, rồi đưa chi tiết, bộ phận vừa quan sát vào tổng thể – từ tổng thể này (tức là áp dụng cái nhìn cùng lúc đồng bộ tổng thể), bạn sẽ có điều kiện nhận biết, so sánh cấp độ chênh lệch sáng tối của bộ phận với tổng thể. Qua đó bạn có thể phân vùng sáng tối với những tương quan mạnh nhẹ, chênh lệch khác nhau hợp lý. Với cách làm việc như vậy không những bạn có thể điều hòa đậm nhạt hợp lý mà còn có thể lựa chọn điểm nhấn mạnh, điểm buông thả và nhắc lại… để tạo dựng chính phụ cho bức vẽ. Khi bạn chưa thật vững tay, thì việc yêu cầu bức vẽ của bạn có chính phụ quả là đã hơi cao một chút. Tuy vậy bạn vẫn cần biết đến và tập tiếp cận với nó. Và có thời điểm bạn sẽ làm chủ được nó.ở mức sơ lược, trong khi dim mắt để so sánh tương quan đậm nhạt bạn đã nhận ra những vị trí, bộ phận, hay vùng có tương quan mạnh. Đồng thời bạn cũng nhận ra những vùng có tương quan thật nhẹ, rồi cả những vùng lặp lại tương quan mạnh, nhẹ nữa phải không? Những vùng có tương quan mạnh thường có khả năng hút mắt của bạn hơn cả. Căn cứ vào đó, bạn hãy chọn lựa một vị trí, bộ phận có sự gợi cảm thẩm mỹ và có sức thu hút cái nhìn của bạn hơn cả, miễn là vị trí này không ở quá gần 4 góc tranh và 4 cạnh hông của bức vẽ,. Thông thường, điểm nhấn này được đặt vào một trong 4 vị trí có lợi cho mắt nhìn (4 điểm này được xác định bằng cách đơn giản là bạn hãy chia mỗi cạnh hông của bức tranh làm 3 phần bằng nhau, rồi nối các điểm đó với nhau theo những đường song song với trục ngang và trục dọc, giao điểm của 4 đường này chính là 4 điểm cần tìm). Trong khi, bạn chủ động nhấn mạnh gây sự chú ý về phía bộ phận nào đó của bức vẽ thì tất nhiên bạn cũng cần gia giảm hay điều hòa đậm nhạt cho những vùng hoặc bộ phận khác. Qua đó ít nhiều bạn đã bước đầu làm quen với cách đặt vấn đề chính phụ trong khi vẽ hình họa. Hy vọng bạn sẽ không dừng ở bước này mà tiến xa hơn ở những mức xử lý chính phụ phức tạp hơn nữa.

11. Bố cục

Sẽ là thiếu sót khi bạn vẽ hình họa mà không đặt vấn đề bố cục. Tại sao phải bố cục? hiểu đơn giản thì bố cục giống như việc bạn cố gắng tìm ngôn từ để diễn đạt cho người khác hiểu nội dung mà bạn muốn trao đổi. Nhưng vì ngôn ngữ của bạn không cố kết tập hợp thành những câu, những ý có nghĩa. Ngược lại lộn xộn, không tổ chức thì tất nhiên bạn không thể làm cho người đối chuyện có thể hiểu được nội dung bạn muốn trao đổi. Vậy bố cục là rất cần thiết

A.A.IVANOV. Hình họa nữ. Cuối 1983-đầu 1984. Bút chì và than trên giấy

Bố cục là sự phối hợp những tín hiệu thị giác (hình khối, màu, nét và các biến thể v.v…) từ dạng tự do đơn lẻ, đến phức tạp trở nên một tổng thể có sự phối hợp hài hòa và chủ động trong một không gian cụ thể, nhằm biểu lộ định hướng nhất định trạng thái tình cảm của nghệ sỹ.

Có vô số kiểu bố cục, tuy vậy ta có thể nhóm chúng thành một vài loại bố cục cơ bản như sau:

- Bố cục đối xứng

Kiểu bố cục này thường được tạo ra từ trục tự nhiên của hình ảnh. Trong khi các yếu tố phụ được phân chia ít nhiều đối xứng ở cả hai bên. Kiểu bố cục này thường được các họa sỹ Trung cổ ưa sử dụng. Nó tạo nên những giá trị có tính quyền lực, trang trọng…

- Bố cục lệch tâm

Bố cục này xuất phát điểm từ kiểu bố cục đối xứng, bằng cách xê dịch yếu tố được ưu tiên của hình ảnh lệch đôi chút khỏi trục tự nhiên. Cách bố cục này được các họa sỹ Phục Hưng sử dụng, sau đó được các họa sỹ ấn Tượng rất ưa dùng. Nó năng động và gần gũi, tự nhiên hơn hẳn so với bố cục đối xứng.

- Bố cục chéo góc

Bố cục chéo góc hết sức năng động. Chúng như kéo mắt người xem trượt xuống dốc hoặc vượt lên dốc tùy thuộc vào chiều chéo lên hay chéo xuống. Chẳng hạn bức “Maja khỏa thân” của F. Goya (1716 – 1828) được bố cục có xu hướng hút mắt người xem theo trục chéo đi lên. Ngược lại bức vẽ “Ngụ ngôn về những người mù” – Bruegel Le Vieux (1525 – 1569) lại bố cục có xu hướng kéo mắt người xem theo trục chéo đi xuống.

- Bố cục trục ngang

Tình cảm ổn định, có điều kiện phối trợ với những hướng chéo lên nhất định tạo ấn tượng vui vẻ thanh thản và mạnh mẽ. Nếu phối trợ với những hướng chéo đi xuống tạo cảm giác đổ vỡ, u ám.

- Bố cục tam giác

Nếu bố cục nằm gọn trong tam giác thường gây cảm giác tôn nghiêm nhưng lạnh lùng. Ngược lại bố cục nằm tương đối trong hình tam giác, gây cảm giác đi lên thăng hoa và phấn chấn…

- Bố cục tam giác đôi khi cũng gây nên những xung đột mạnh mẽ (bức chạm Chọi gà trong điều khắc Việt Nam. Ngoài ra còn có bố cục có xu hướng là hình tròn, bố cục có xu hướng là hình chữ nhật…những bố cục này bắt gặp khá nhiều ở mỹ thuật cổ Việt Nam… Tuy nhiên tất cả những hình thức bố cục trên sẽ trở nên vô cùng phong phú tùy thuộc vào sức sáng tạo của nghệ sỹ, mỗi chủ đề, mỗi họa sĩ đều có sở trường và ưa dùng những kiểu bố cục khác nhau.

(Tiếp theo kỳ trước)

Phạm Huy Hùng

Tags :hình họa, thông tin mỹ thuật, LEONARDO DA VINCI Các bài viết khác trong Thông tin Mỹ thuật số 11-12 Vài Suy Nghĩ Về Tính Truyền Thống Trong Tranh Sơn Mài Việt Nam Hiện Đại Sắp Đặt, Trình Diễn Và Nghệ Thuật Thân Thể Top 10 Khuynh Hướng Nghệ Thuật Đương Đại Nét, Nhịp Điệu Trong Tranh VAN GOGH Hợp Tác Đức - Việt Trong Dự Án Bảo Tồn Tranh Tường An Định Cung Lớp Hội Họa Đầu Tiên Của Ban Tuyên Huấn Khu Trung Nam Bộ (Khu 8) Nghề Chạm Khác Gỗ Chợ Thủ (Chợ Mới - An Giang) Những Chiếc Mặt Nạ Vàng Phát Hiện Ở Giồng Lớn - Long Sơn Thăm Minh Trị Thôn Nghĩ Về Việc Bảo Tồn Di Sản Kiến Trúc Ở Huế Tư Liệu Về Nhà Cổ Nam Bộ

Từ khóa » Hình Khối Cơ Bản Hội Họa