Để Việt Nam Không Lỡ Nhịp So Với Thế Giới | Kinh Tế

Để Việt Nam không lỡ nhịp so với thế giới NGUYỄN LONG 07/11/2021 04:00

Trong giai đoạn 2020 khi cả nền kinh tế thế giới tăng trưởng âm, thì Việt Nam là điểm sáng khi duy trì tăng trưởng dương, nhưng sang năm 2021 chúng ta lại đang lỡ nhịp so với thế giới.

TS. Võ Trí Thành.

TS. Võ Trí Thành.

Tại Diễn đàn Nhịp đập Kinh tế Việt Nam, TS.Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế trung ương (CIEM) đã có những nhìn nhận, đánh giá về tổng quan kinh tế Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh và các phản ứng chính sách.

Theo đó, TS. Võ Trí Thành đánh giá, cuộc khủng kép về y tế và kinh tế nghiêm trọng chưa từng có. Điều này khiến thế giới phải nhìn nhận lại cách thức phát triển: Tư duy lại, Thiết kế lại, Xây dựng lại. Trong khi đó về chính sách ứng phó ông Võ Trí Thành cũng cho biết đợt dịch đã đưa ra những chính sách chưa tiền lệ.

“Đã có sự tiếp cận khác nhau giữa cân bằng chống dịch và mở cửa nền kinh tế. Bên cạnh đó, là cuộc chạy đua nâng cao năng lực y tế, sản xuất, tiếp cận vắc-xin, thuốc đặc trị. Đằng sau là gói hỗ trợ kinh tế chưa có tiền lệ với quy mô lớn, khi có nước trích đến 40% GDP, phạm vi hỗ trợ rộng”, ông Võ Trí Thành cho biết.

Việc phục hồi của các nước cũng trắc trở, giá cả nguyên liệu đầu vào tăng, đối mặt với nhiều rủi ro về chính sách tài chính, lạm phát. Các thị trường tài chính, chứng khoán, bất động sản, vấn đề nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp, nợ của người dân đều tăng mạnh.

Và Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, bức tranh kinh tế Việt Nam cho thấy mức tăng trưởng 2 năm liên tiếp thấp, năm 2021 dự kiến tăng trưởng GDP đạt 2,5% và năm 2020 trước đó là 2,9%, đây là mức thấp nhất trong 35 năm đổi mới của Việt Nam.

“Đối với các nước đang phát triển không phải chờ 2 quý liền tăng trưởng âm mới là suy thoái, một nước như Việt Nam chúng tôi coi tăng trưởng 2% là suy thoái. Do đó, đây là 2 năm suy thoái của nền kinh tế”, ông Võ Trí Thành cho biết.

Tuy nhiên, ông Thành cũng chỉ ra rằng, mặc dù năm 2020 Việt Nam tăng trưởng 2,9% nhưng lại là điểm sáng của nền kinh tế thế giới khi kinh tế thế giới tăng trưởng âm 4%. Tuy nhiên đến năm 2021, dự tính GDP Việt Nam tăng 2-2,5%, trong khi đó thế giới là từ 5-6%.

Bên cạnh đó, bức tranh kinh tế Việt Nam cũng có điểm tích cực khi vĩ mô ổn định, tăng trưởng xuất khẩu nhìn chung khả quan, cam kết FDI tiếp tục tăng. Nhưng đằng sau tích cực là hỗ trợ trước mắt nhằm vào kích thích tiêu dùng, đầu tư tư nhân, câu chuyện phục hồi của doanh nghiệp.

Theo nguyên viện trưởng CIEM, ông góp ý về “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế” gồm 3 yếu tố chính: Đầu tiên, cần đảm bảo quy mô đủ lớn, diện bao phủ rộng bên cạnh đó quan tâm tập trung vào một số lĩnh vực, ngành; chương trình thời gian đủ dài (2022 – 2023). Thứ hai, về nguồn lực, dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa. Giả sử nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2% thì chúng ta có thêm 7 tỷ USD vay mượn trong nước, các tổ chức quốc tế, chưa kể có thể vay NHNN một chính sách tiền tệ bất thường, sử dụng 1 phần dự trữ ngoại tệ. Bên cạnh đó, tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Thứ ba, về thực thi khi thực sự đồng hành vào cuộc Chính phủ - Quốc hội, phối hợp giữa các bộ ngành, TW địa phương, cùng với đó là quản trị rủi ro (đánh giá tác động; báo cáo thường xuyên; đảm bảo ổn định và cân đối vĩ mô về tổng thể, nhất là trong trung hạn).

“Trên bàn của chúng ta đã có đầy đủ cải cách từ thể chế, tái cấu trúc, chuyển đổi số… vấn đề là phải đi sâu vào cái đang làm"- TS. Võ Trí Thành nói và đề xuất

Chọn slogan “Vượt nguy tận cơ” trong bối cảnh hiện nay. Ông Thành nhấn mạnh tới việc đi sâu cải cách và tạo dựng thể chế mới. Trong đó, về khung khổ pháp lý, cần tạo dựng thị trường nhân tố sản xuất, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, có tính đột phá, vượt trội (dữ liệu, thúc đẩy start up, thu hút nhân tài, các trung tâm sáng tạo…); hoàn thiện môi trường kinh doanh cạnh tranh, chế tài hợp đồng kinh doanh và xử lý tranh chấp…; mô hình kinh doanh mới.

Có thể bạn quan tâm

  • [Infographic] Thấy gì từ các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 10/2021?

    05:00, 06/11/2021

  • Góp ý Dự thảo sửa đổi Nghị định 82: Nhiều ưu đãi cho khu công nghiệp sinh thái chưa thiết thực

    03:00, 06/11/2021

  • Nhịp độ phục hồi kinh tế Việt Nam

    11:00, 05/11/2021

Từ khóa » Diễn đàn Nhịp đập Kinh Tế Việt Nam