Đề Xuất Quy định Thế Chấp, Chuyển Nhượng Quyền Sử Dụng Khu Vực ...

Ảnh minh họa

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Việt Nam là một trong các quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương có tiềm năng khai thác thuỷ sản trên biển. Với bờ biển dài trên 3.260 km, diện tích các vùng biển trên 1 triệu km vuông, có khoảng 4.000 hòn đảo, đá lớn nhỏ. Ngành Thuỷ sản Việt Nam và hoạt động nuôi trồng thủy sản trên biển trong những năm gần đây có nhiều thành công, trở thành Ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp lớn trong giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Tổng diện tích tiềm năng nuôi trồng hải sản trên biển của nước ta khoảng 500.000 ha. Trong đó, diện tích nuôi vùng bãi triều ven biển 153.300 ha; diện tích nuôi vùng vũng, vịnh, eo ngách và ven đảo là 79.790 ha; nuôi vùng biển xa bờ 100.000 ha, diện tích còn lại phục vụ nuôi khác. Năm 2019 tổng sản lượng thủy sản đạt 8.200,8 nghìn tấn, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 8,578 tỷ USD.

Nuôi biển đang là xu hướng phát triển chung trên thế giới. So với chăn nuôi động vật trên cạn, nuôi thủy sản được đánh giá cao hơn nhiều về hiệu quả kinh tế, môi trường... Về kinh tế, nuôi thủy sản có năng suất cao hơn so với nuôi gia súc, gia cầm, nhờ hệ số chuyển đổi thức ăn (FCR) thấp hơn. Về môi trường, nuôi thủy sản không gây tác hại nhiều tới môi trường như gia súc, gia cầm… Chính vì vậy, phát triển nuôi trồng thủy hải sản đang là xu hướng chung trên toàn cầu nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của người dân. Tuy nhiên, nguồn nước ngọt và đất đai canh tác đang có xu hướng thu hẹp lại. Do đó, nuôi biển đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh.

Thực hiện pháp luật về thủy sản, pháp luật về đất đai, trong những năm vừa qua, nhiều tổ chức, cá nhân đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có biển quyết định giao đất có mặt nước ven biển, mặt nước biển, ký hợp đồng cho thuê đất có mặt nước ven biển, cho thuê mặt nước biển (khu vực biển) có phạm vi nằm ngoài đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm để nuôi trồng thủy sản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chủ trì xây dựng Đề án phát triển nuôi biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do đó trong thời gian tới, hoạt động sử dụng khu vực biển, nhu cầu giao khu vực biển để nuôi biển của các tổ chức, cá nhân ngày càng phát triển và đã xuất hiện nhu cầu được thế chấp khu vực biển tại các tổ chức tín dụng để vay vốn đầu tư phát triển sản xuất; xuất hiện nhu cầu cho thuê khu vực biển; góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển và tài sản gắn liền với khu vực biển được giao giữa các tổ chức, cá nhân đã được Luật Thủy sản quy định và cần có quy định để hướng dẫn, thực hiện và kịp thời điều chỉnh các quan hệ xã hội này.

Trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh trên một số khu vực biển, các cơ quan nhà nước phải thu hồi diện tích khu vực biển đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có biển giao, cho thuê cần có sự bồi thường thiệt hại cho các tổ chức, cá nhân và cần có quy định, hướng dẫn cụ thể về hình thức, đối tượng, mức bồi thường, hỗ trợ, trình tự thủ tục và thẩm quyền thực hiện để bảo đảm quyền lợi của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của pháp luật.

Cho thuê khu vực biển là một chính sách mới trên thế giới

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, chính sách giao, cho thuê khu vực biển là một chính sách mới trên thế giới. Một số quốc gia như: Hà Lan, Bỉ, CHLB Đức, Trung Quốc... đã có những quy định về giao, cấp giấy phép sử dụng biển. Hoạt động giao và thu tiền sử dụng biển, bồi thường những thiệt hại trong quá trình sử dụng biển do các bên liên quan gây ra đã được quy định trong pháp luật ở một số quốc gia như: Bỉ, Hà Lan, Trung Quốc được quy định trong pháp luật hiện hành về trách nhiệm thực hiện giao, chuyển nhượng quyền, việc bồi thường khi sử dụng biển gây ô nhiễm, tính tiền sử dụng khu vực biển khi được giao, cho thuê.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Bộ đã kế thừa, tiếp thu các quy định hợp lý trong các văn bản quy phạm pháp luật đất đai về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quy định về giao dịch bảo đảm; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất; tổng kết, đánh giá thực tiễn hoạt động thế chấp mặt nước biển để nuôi trồng thủy sản của Luật Thủy sản năm 2003; tham khảo kinh nghiệm quốc tế; bảo đảm tính khoa học, chặt chẽ để hoàn thiện dự thảo Nghị định với 4 Chương và 83 điều.

Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất quy định cụ thể về thế chấp, cho thuê, góp vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thủy sản; quyền của nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao, được thuê, nhận góp vốn, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng khu vực biển từ tổ chức, cá nhân Việt Nam để nuôi trồng thủy sản (gồm 4 mục lớn); bồi thường khi Nhà nước thu hồi khu vực biển được giao để nuôi trồng thủy sản vì mục đích công cộng, quốc phòng, an ninh...

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Tuệ Văn

Từ khóa » đất Nuôi Trồng Thủy Sản Có được Thế Chấp