Đền Bà Triệu, Lăng Tháp Vua Bà Và Đình Phú Điền, Cụm Di Tích Lịch ...

Bà Triệu (226- 248) tên thật là Triệu Thị Trinh, quê tại miền núi Quan Yên, quận Cửu Chân, nay thuộc làng Quan Yên (Yên Thôn), xã Định Công, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Bà là người có sức mạnh, giỏi võ nghệ, lại có chí lớn.

Thấy quan quân xâm lược nhà Đông Ngô Trung Quốc (là một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc, năm 220 – 280) tàn ác, người dân khổ sở, Bà cùng với anh trai là Triệu Quốc Đạt (huyện lệnh tại Quan Yên, Cửu Chân, mất năm 248) chiêu mộ tráng sĩ chống lại. Cuộc khởi nghĩa lan rộng ra cả vùng Giao Chỉ, Cửu Chân, kéo dài vào tận Nhật Nam. Ngô vương Tôn Quyền (182- 252, sáng lập nhà Đông Ngô) đã cử viên tướng tên là Lục Dận làm Thứ sử đem quân sang trấn áp.

Sau nhiều trận chiến ác liệt, nghĩa quân không thể chống với cường địch. Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), khi mới tròn 23 tuổi. Hiện núi Tùng vẫn còn di tích lăng mộ của bà.

Bà Triệu được người đời ghi nhận với hình ảnh mặc áo giáp, đi guốc ngà, cài trâm vàng, cưỡi voi và được tôn là Nhụy Kiều tướng quân. Bà Triệu cũng được noi gương với câu nói nổi tiếng: “Tôi chỉ muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”.

Về sau, vua Lý Nam Đế (tức Lý Bí hoặc Lý Bôn, vị vua đầu tiên của nhà Tiền Lý và nước Vạn Xuân, trị vì năm 544- 548, Anh hùng dân tộc Việt Nam) khen Bà Triệu là người trung dũng, sai lập miếu thờ, phong là "Bậc chính anh liệt hùng tài trinh nhất phu nhân".

Khu di tích Bà Triệu bao gồm đền Bà Triệu, Lăng tháp Vua Bà và đình Phú Điền, tại xã Phú Điền, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Vương Bà Triệu Thị Trinh trên tranh Đông Hồ, Việt Nam

Đền Bà Triệu

Đền được xây dựng vào thế kỷ 6, do vua Lý Nam Đế lập để tưởng nhớ Bà Triệu.Sau nhiều lần bị tàn phá theo các biến cố lịch sử, tới thời vua Minh Mạng (hoàng đế thứ 2 triều Nguyễn, trị vì năm 1820 – 1841), đền được di chuyển về vị trí hiện tại và có diện mạo như ngày nay.

Lễ hội đền Bà Triệu được tổ chức từ ngày 21 đến ngày 23 tháng 2 âm lịch.

Đền Bà Triệu nằm trên núi Gai, thuộc địa phần làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Đền được xây dựng hướng Bắc, về phía núi Tùng, nơi đặt Lăng tháp Bà Triệu. Đền gồm các công trình: Nghi môn ngoại, Hồ nước, Bình phong, Nghi môn trung, Nghi môn nội, Tả Hữu mạc, Điện thờ và các công trình phụ trợ.

Nghi môn ngoại

Nghi môn ngoại của đền Bà Triệu được xây kiểu tứ trụ bằng các phiến đá nguyên khối. Trên đỉnh cột trụ cao là hình tứ phượng, trụ thấp hình nghê chầu. Thân trụ là lồng đèn chạm hình tứ linh. Tường hai bên trụ biểu là hai bức chạm nổi tượng voi chầu.

Sau Nghi môn ngoại là hồ nước hình chữ nhật rộng 30m, dài 42m, ba mặt hồ xây lan can thấp, mặt đối diện với khu đền chính được tạo bậc lên xuống, bậc thềm có rồng chầu.

Nghi môn ngoại, đền Bà Triệu

Hồ phía sau Nghi môn ngoại, đền Bà Triệu, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Nghi môn trung

Phía sau hồ có một tấm bình phong lớn bằng đá nguyên khối, tạo tác theo kiểu hình cuốn thư dài 4,07m, cao 2,37m. Sau bình phong là Nghi môn trung, kiến trúc kiểu tứ trụ truyền thống, tương tự như Nghi môn ngoại.

Nghi môn trung và tấm bình phong, đền Bà Triệu, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Nghi môn nội

Đối diện với Nghi môn trung qua khoảng sân trước đền là Nghi môn nội. Sân trước Nghi môn nội dài 49,8m rộng 12, lát gạch. Hai bên sân có miếu Sơn thần và Thổ thần.

Nghi môn nội nằm trên một bậc thềm cao 17 bậc so với sân trước đền.

Nghi môn nội có kiểu dáng như tam quan của chùa, ba lầu cổng ra vào. Lầu cổng chính giữa cao 2 tầng. Mái của cả 3 lầu cổng dạng 2 tầng mái, 8 mái, lợp ngói âm dương. Mỗi lầu cổng có hai trụ biểu hai bên. Hai bên cửa chính của Nghi môn nội đặt hai tượng nghê chầu cổ bằng đá.

Nghê chầu phía trước Nghi môn nội, đền Bà Triệu, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Điện thờ

Điện thờ đền Bà Triệu gồm 3 tòa đặt song song với nhau: Tiền đường, Trung đường và Hậu đường.

Tiền đường nằm sau Nghi môn nội, trên nền cao 9 bậc so với sân. Sân trước nhà Tiền đường dài 51,4m, rộng 11,5m, nền lát bằng đá tảng đục nhám. Trên sân đặt 1 bát hương đá hình tròn, hai bên có 2 cây đèn đá hình trụ, phía ngoài đặt 2 tượng voi chầu bằng đá khối. Hai bên sân có nhà Tả mạc, Hữu mạc, mỗi nhà 5 gian, tường hồi bít đốc, 2 mái, là nơi khách sửa soạn đồ lễ. Tòa Tiền đường 3 gian, 2 chái, tường hồi bít đốc, 2 mái. Hệ cột đỡ kèo bằng đá. Kết cấu mái đơn giản, ít trang trí, mang đậm kiến trúc thời Nguyễn. Bên trong Tiền đường có ban thờ Công đồng và các Thánh quan.

Trung đường nằm phía sau Tiền đường, trên nền cao 9 bậc so với sân lát đá. Trên bậc có hàng lan can là rồng và mây bằng đá xanh nguyên khối, theo phong cách thời Lê. Công trình dạng 3 gian, 2 chái, 2 tầng mái, 8 mái. Kết cấu cột kèo bằng gỗ kiểu “chồng rường, giá chiêng” được trang trí các bức chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý... Chính giữa tòa Trung đường là nơi thờ Bà Triệu cùng người anh ruột là tướng quân Triệu Quốc Đạt. Bên trái là ban thờ Hội đồng quan võ và ba tướng họ Lý, bên phải là bàn thờ Hội đồng quan văn. Một chiếc trống đồng được bày trang trọng phía trước ban thờ chính giữa tòa Trung đường.

Hậu đường nằm sau tòa Trung đường, trên nền cao 13 bậc so với sân. Đây là công trình nằm tại vị trí cao nhất trong quần thể đền Bà Triệu. Trên bậc có hàng lan can rồng và mây như tòa Trung đường. Công trình dạng 3 gian, 2 tầng mái, 8 mái. Kết cấu cột kèo bằng gỗ kiểu “chồng rường, giá chiêng” được trang trí các bức chạm khắc đề tài tứ linh, tứ quý... Chính giữa Hậu đường có ban thờ với linh vật là tượng Vua Bà ngồi trên ngai. Bên phải thờ phụ thân của bà, bên trái thờ phụ mẫu của bà.

Phối cảnh tổng thể 3 tòa điện thờ, đền Bà Triệu, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Phối cảnh tồng thể nhìn từ phía sau đền Bà Triệu, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Tòa Tiền đường, đền Bà Triệu, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Bên trong tòa Tiền đường, đền Bà Triệu

Tòa Trung đường, đền Bà Triệu

Ban thờ bên trong tòa Trung đường, đền Bà Triệu

Tòa Hậu đường, đền Bà Triệu

Ban thờ Bà Triệu tại Hậu đường, đền Bà Triệu, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Lăng tháp Vua Bà

Lăng tháp Vua Bà hay Lăng Bà Triệu nằm trên núi Tùng, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa.

Lối vào Lăng bắt đầu từ Nghi môn nằm dưới chân núi với 4 trụ biểu, có hình thức như Nghi môn trung đền Bà Triệu: 2 trụ biểu chính giữa cao, đỉnh trụ hình tứ phượng. Đỉnh của trụ biểu hai bên hình nghê chầu. Thân trụ là lồng đèn chạm hình tứ linh. Chân trụ hình cổ bồng.

Sau Nghi môn, cạnh lối lên Lăng tháp có ba ngôi mộ của anh em họ Lý, người làng Bồ Điền (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), là tuỳ tướng của bà Triệu.

Lối lên Lăng có cặp voi đá trấn giữ hai bên.

Qua một đường dốc với 312 bậc đá lên tới khu vực Lăng tháp.

Khu vực Lăng tháp có 3 tòa tháp đá: Tháp vua, Tháp chúa và Tháp bà.

Tháp vua hay Tháp chính là một ngọn tháp 2 tầng, cao 5,8m. Bên trong tháp đặt bàn thờ bằng đá. Đây là nơi thờ chung của Vua Bà và các quan tướng.

Tháp chúa đặt phía sau Tháp vua, là một tháp đặc, có cấu trúc hình trụ vuông bốn mặt làm bằng đá nguyên khối, cao 1,45m, 4 mặt được chạm khắc trang trí. Trên đỉnh tháp đặt bát hương.

Tháp bà hay mộ phần Bà Triệu, là một ngôi tháp thấp, vuông bốn mặt, có kích thước 1,5m x 4m, chiều cao 2,3m, cao hơn 0,50m so với nền. Tháp được mở cửa hình vòm ra 4 phía, mái tạo dáng cong ở các góc, đỉnh tháp gắn quả cầu tròn.

Nghi môn, Lăng tháp Vua Bà, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Cặp voi đá hai bên đường lên Lăng tháp Vua Bà

Đường lên Lăng tháp Vua Bà, Hậu Lộc

Tháp vua, Lăng tháp Vua Bà, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Tháp chúa, Lăng tháp Vua Bà, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Tháp bà - Lăng mộ Bà Triệu, Lăng tháp Vua Bà, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Đình Phú Điền

Đình Phú Điền thuộc làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.

Đình là một công trình kiến trúc cổ truyền ở làng quê Việt Nam, là nơi hội họp của người dân và thờ Thành hoàng làng. Thành Hoàng làng của làng Phú Điền là Vua Bà Triệu Thị Trinh.

Đình được dựng vào năm 1772, hướng Tây Bắc, về phía núi Tùng, nơi đặt Lăng tháp Bà Triệu.

Đình gồm Nghi môn, Chính điện với 2 tòa Tiền đường và Hậu đường đặt sát cạnh nhau tạo thành hình chữ “đinh” hay chữ T.

Nghi môn gồm 4 trụ biểu, có hình thức như Nghi môn trung đền Bà Triệu: 2 trụ biểu chính giữa cao, đỉnh trụ hình tứ phượng. Đỉnh của trụ biểu hai bên hình nghê chầu. Thân trụ là lồng đèn chạm hình tứ linh. Chân trụ hình cổ bồng. Nghi môn đặt trên nền cao 5 bậc so với sân trước.

Tòa Tiền đường gồm 3 gian, 2 chái, 2 mái, đầu hồi bít đốc, mái hiên phía trước, cửa bức bàn. Tại tường hồi nhô ra hai trụ biểu với đỉnh trụ có trang trí nghê chầu.

Tòa Hậu cung gồm 3 gian, 2 mái, đầu hồi bít đốc.

Trong đình có nhiều mảng chạm khắc gỗ, đá hình tượng tứ linh (long, ly, quy, phụng), tứ quý (mai, lan, cúc, trúc), cá chép hóa rồng, hoa sen, chim sáo, hươu nai, gà trống, hình tượng người trong sinh hoạt đời thường...vô cùng đẹp đẽ, tinh xảo, thể hiện trình độ nghệ thuật chạm khắc ở mức độ cao thời bấy giờ.

Đặc biệt, tại đình Phú Điền hiện vẫn còn lưu giữ 64 sắc phong cổ có ấn chỉ của nhiều triều đại phong kiến, được xem như là một trong những báu vật của cộng đồng.

Bên trong tòa Tiền đường, đình Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Chạm khắc gỗ bên trong đình Phú Điền, Hậu Lộc, Thanh Hóa

Khu di tích Bà Triệu không chỉ là nơi lưu giữ các di tích vật thể kiến trúc, chạm khắc, sắc phong, thần phả, quạt ngà, lược đồi mồi, trâm ngà, long cung sơn son thếp vàng, tượng đồng… có giá trị, mà còn là nơi lưu giữ các sự tích, huyền thoại, câu đối, ca dao, thơ…đặc sắc.

Khu di tích Bà Triệu bao gồm Đền Bà Triệu, Lăng Vua Bà và Đình Phú Điền tại Hậu Lộc, Thanh Hóa là quần thể công trình gắn với Bà Triệu, nhân vật có ảnh hưởng to lớn đối với tiến trình lịch sử dân tộc.

Khu di tích Bà Triệu là quần thể kiến trúc, nghệ thuật có giá trị tiêu biểu cho đền, đình Việt Nam thế kỷ thứ 19.

Đặng Tú, Bộ môn KTCN, ĐHXD

Nguồn: Bộ môn Kiến Trúc Công Nghệ

Ths Nguyễn Thy Ngà

Từ khóa » Di Tích đền Bà Triệu