Đền Cô Chín Giếng ở Thanh Hoá - - Văn Hóa Tâm Linh

MỤC LỤC BÀI VIẾT

Đến tham quan và đi lễ Đền Cô ngoài việc dâng hương tại cung thờ Cô Chín quý khách còn được tham quan dòng suối trong mát (tương truyền là chín miệng giếng thiêng).

Linh thiêng đền Cô Chín Giếng

Đền Chín Giếng (còn gọi là đền Cô Chín Giếng) là nơi thờ Cửu Thiên Huyền Nữ – con gái thứ chín của Ngọc Hoàng Thượng Đế. Đền Chín Giếng cách đền Sòng Sơn 1 km về phía Đông, thuộc Trang Cổ Đam, Phú Dương, Phủ Tống Sơn, Thanh Hóa; nay là phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Được khởi dựng cùng thời với Đền Mẫu Sòng Sơn (Thời Cảnh Hưng, triều vua Lê Hiển Tông 1740 -1786). Đền được tu sửa vào năm 1939. Năm 1993 được Bộ Văn Hóa – Thông tin công nhận là Di tích lịch sử – văn hóa cấp Quốc Gia. Năm 2004 được trùng tu tôn tạo.

Đền Cô Chín (Chín Giếng) ở Thanh Hoá

Khấn cầu tại đền Cô Chín

Trong trận chiến giữa Tiền Quân Thánh và Chúa Liễu Hạnh tại Sòng Sơn, Liễu Hạnh lâm nạn, biến thành con rồng ẩn về nơi Cửu Thiên Công Chúa đang ngự là chín cái giếng thiêng; Chúa Liễu Hạnh được Cửu thiên Huyền Nữ hóa phép che chở; được Phật Bà Quan Âm ra tay cứu đỡ , nên Liễu Hạnh thoát được lưới vây của Tiền Quân Thánh.

Cảm tạ đức từ bi của Phật bà Quan Âm Bồ Tát, Chúa Liễu quy y theo Phật, và cảm tình cưu mang của Cửu Thiên Huyền Nữ, chúa Liễu Hạnh kết nghĩa chị em với Cửu Thiên Huyền Nữ. Bởi vậy, hàng năm khi lễ rước bóng Thánh Mẫu Liễu Hạnh bao giờ kiệu rước Thánh Mẫu cũng được rước đi từ Đền Sòng sang đến Cô Chín, như muốn nói lên hình ảnh chị đến thăm em – Một nét đẹp truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Để ghi nhớ và tri ân đối với Cửu Thiên Huyền Nữ đã có công cứu hộ Chúa Liễu Hạnh, nhân dân lập đền thờ ngay bên cạnh chín cái giếng thiêng. Vì vậy ngồi đền đó được dân quen gọi là Đền Chín Giếng, hoặc Đền Cô Chín.

Trước đền là suối Sòng (Dòng suối tự nhiên chảy qua đền Sòng và Đền Chín Giếng). Dưới mặt suối thiên nhiên kiến tạo nên cảnh quan kỳ vĩ với 9 miệng giếng sâu quanh năm dâng nguồn nước trong xanh, không bao giờ vơi cạn.

Hầu đồng Cô Chín Giếng – Sòng Sơn

Lễ hội Đền Cô Chín Giếng

Đền Cô Chín là một trong những ngôi đền linh thiêng nhất xứ Thanh. Đền đã được nhà nước xếp hạng di sản lịch sử cấp quốc gia. Đến tham quan và đi lễ Đền Cô ngoài việc dâng hương tại cung thờ Cô Chín quý khách còn được tham quan dòng suối trong mát (tương truyền là chín miệng giếng thiêng).

Hàng năm có rất nhiều du khách khắp bốn phương đến tham quan và dâng lễ tại đền Cô Chín. Vào ngày 26 tháng 2 âm lịch thường có lễ hội truyền thống (lễ rước kiệu từ đền Sòng Sơn sang đền cô Chín rồi lên đèo Ba Dội). Ngày 9 tháng 9 Âm lịch là chính hội của đền Cô chín nhưng ngay từ những ngày đầu xuân năm mới người dân cả nước đã nô nức chảy hội về đền Cô Chín để cầu xin Sức Khoẻ – Bình An – Tài Lộc – Làm Ăn Kinh Doanh.

Chuẩn bị lễ vật Đền Cô Chín Giếng

Tại Đền cô có rất nhiều địa chỉ bày bán phong phú nhiều đồ lễ. Bên cạnh những mâm lễ mặn là những mâm vàng mã, cây tiền, những cành vàng, cành bạc. Mâm lễ được sắp tuỳ tâm đôi khi là thẻ hương, bông hoa và vài tập tiền âm phủ, có người cầu kỳ thì đĩa xôi, con gà, mâm quả đủ đầy không nữa thì dâng nhưng bộ vàng mã đặc trưng. Bước vào cửa Cô thắp nén hương và thành tâm cầu khấn để xin lộc Cô, cầu khấn cho một năm khoẻ mạnh, làm ăn buôn bán phát tài, phát lộc, cầu con cầu của…

Đường đi đến Đền Cô Chín Giếng từ Hà Nội

Từ Hà Nội, quý khách di chuyển theo đường cao tốc Hà Nội – Ninh Bình, tiếp tục theo quốc lộ 1 để đi Bỉm Sơn, Thanh Hóa. Đền Cô Chín thuộc Khu 5, phường Bắc Sơn, thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa, cách Hà Nội khoảng 125 km. Cùng một tuyến đường, quý khách có thể kết hợp lễ đền Sòng, chiêm bái lễ chùa Am Tiên trên Núi Nưa.

Xem thêm
  • Đền thờ Cô Chín Thượng Ngàn ở Bắc Giang
  • Bản văn Cô Chín Thượng Ngàn
  • Sự tích Cô Chín Thượng Ngàn
  • Đền Cô Chín ở Hà Nội – Sòng Sơn Vọng Từ
  • Cách sắm lễ, bài văn khấn Cô Chín Sòng Sơn

Từ khóa » đền Giếng Cô Chín