Đền Cổ - Đền Quan Lớn Tuần Tranh Xưa Và Nay - Hội Nhất Tâm

      Trong tín ngưỡng thờ Tam – Tứ phủ, Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh là một trong các vị quan lớn. “Ngài” có vai trò rất quan trọng, với nhiều quyền, phép thần thông. Khi “Ngài” giáng đồng rất uy phong, lẫm liệt. “Ngài” được các thanh đồng, đạo quan và nhân dân tôn kính, phụng thờ ở nhiều nơi. Một trong những nơi nổi tiếng nhất ở nước ta đó là: đầu tiên là Tranh Giang Linh Từ (đền Đoan) hay còn gọi là Đền Quan Lớn Tuần Tranh lập bên bến sông (bến đò) Tranh ở Ninh Giang, Hải Dương (là nơi chính quán quê nhà) và Đền Kì Cùng lập bên bến sông Kì Cùng, qua cầu Kì Lừa (là nơi ông bị lưu đày). Ngày tiệc chính của Quan là ngày 25/5 âm lịch (là ngày ông bị lưu đày và bảo nhân dân quê ông làm giỗ vào ngày này), ngoài ra vào ngày 14/2, các đền thờ ông cũng mở tiệc ngày Đản sinh. Trải qua biết bao thăng trầm của thời cuộc, đền đã được di dời, trùng tu nhiều lần. Đến nay, tồn tại ba nơi thờ tự nằm gần nhau,… để hiểu hơn về Đền Cổ – Đền Đoan – Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh, chúng ta cùng ngược dòng theo những tư liệu lịch sử được ghi chép lại cùng những dấu tích được lưu trữ trong dân gian, để hiểu hơn về “một giai thoại lẫy lừng”,…

Hoi Nhat Tam Hau Gia Quan De Ngu Tuan Tranh2

Gốc tích cổ xưa

Ngược dòng lịch sử, Hải Dương xưa có tên gọi là bộ Thanh Tuyền, đời Tần Hán thuộc Giao Chỉ. Đến đời nhà Trần đổi là Lộ Hải Đông vì đất ấy có chỗ là biển. Năm Quang Thuận thứ 7 đặt Nam Sách thừa tuyên gồm 4 phủ là Thượng Hồng, Hạ Hồng, Nam Sách và Kinh Môn và có tất cả 18 huyện. Phủ Hạ Hồng có 4 huyện là Trường Tân, Tứ Kỳ, Vĩnh Lại, Thanh Miện (Theo Đại Nam nhất thống chí, sách đã dẫn). Đền Tranh hay đền Quan Lớn Tuần Tranh thuộc xã Tranh Xuyên, tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại (thị trấn Ninh Giang hiện nay). Trong tài liệu còn lưu giữ đến ngày nay, cụ thể là “Đồng Khánh Địa dư chí”, được biên soạn từ đời Vua Đồng Khánh, Triều Nguyễn (1885-1888) có ghi rõ trong bản đồ vùng Hồng Châu xưa (bao gồm một phần đất Hải Dương, Hưng Yên, Hải Phòng ngày nay), tại huyện Vĩnh Lại (một phần huyện Ninh Giang và Vĩnh Bảo ngày nay) chỉ rõ vị trí ngôi đền “Tranh giang thần từ” nằm ngay tại ngã ba sông Tranh, nhưng không ghi rõ nó đã tồn tại trước đó từ bao giờ. Đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh thờ Quan Lớn Đệ Ngũ Tuần Tranh. Hay còn gọi là Ông Lớn Tuần Tranh. Ông là con trai của Vua thủy quốc Động Đình (Vua Cha Bát Hải)…

Thời Hùng Định Vương (Vua Hùng Vương thứ 18), người xưa có tích kể rằng: “Quan Lớn quê ở phủ Ninh Giang, ông là vị tướng quân tài ba kiêm lĩnh thuỷ bộ, được giao quyền trấn giữ miền duyên hải sông Tranh. Ông đã lập được nhiều công lao to lớn nên được sắc phong công hầu. Tại quê nhà, ông có cảm tình với một người thiếu nữ xinh đẹp, người thiếu nữ ấy vốn là vợ lẽ của quan huyện ở đó, nhưng vốn không hạnh phúc với cảnh “chồng chung”, nàng cũng đáp lại tình cảm của ông mà không hề nói cho ông biết là nàng đã có chồng. Vậy nên Quan Lớn Tuần Tranh vẫn đinh ninh đó là một tình cảm đẹp, hẹn ngày đưa nàng về làm vợ. Đến khi viên quan huyện kia biết chuyện, vu oan cho ông đã quyến rũ vợ mình. Quan Lớn Tuần Tranh bỗng nhiên mắc hàm oan, bị đem đày lên chốn Kì Cùng, Lạng Sơn. Tại đây, ông đã tự sát mong rửa oan, chứng tỏ mình vô tội, ông hoá xuống dòng sông Kì Cùng rồi xuôi dòng về lại bến sông xưa,…

TrichlucTrích lục bản đồ

Về lại nơi quê nhà, ông hiện thành đôi bạch xà, thử lòng ông bà nông lão, (ở đây có tích kể chi tiết mang tên “sự tích ông Dài ông Cụt”) sau đó được ông bà nông dân nuôi nấng như thể con mình. Nhưng khi quan phủ biết chuyện ông bà nông lão tậu gà để nuôi đôi bạch xà, liền bắt ông bà phải lên cửa công chịu tội và giết chết đôi rắn kia đi. Hai ông bà thương xót, xin thả rắn xuống dòng sông Tranh, lạ thay khi vừa thả đôi bạch xà xuống thì chỗ đó tạo thành dòng xoáy dữ dội…

Đến thời Thục Phán An Dương Vương, vua tập hợp thuyền bè để chống giặc Triệu Đà ở ngay bến sông Tranh, nhưng tại chỗ dòng xoáy đó, thuyền bè không tài nào qua được mà lại có cơn giông tố nổi lên giữa dòng. Vua bèn mời các vị lão làng đến lập đàn cầu đảo thì lập tức sóng yên bể lặng, hơn nữa, quân sĩ ra trận cũng được thắng to. Ghi nhớ công đức, vua Thục giải oan cho ông và phong là Giảo Long Hầu. Sau này ông còn hiển Thánh linh ứng, có phép nhà “Trời”, cai quản Thiên binh, ra oai giúp dân sát quỷ trừ tà, dẹp hết những kẻ hại nước hại dân.

Nhân dân tôn kính, lập đền thờ bên bến sông xưa, tên gọi Tranh Giang Thần Từ…

Trong hàng Ngũ Vị Tôn Ông, cùng với Quan Lớn Đệ Tam, Quan Lớn Đệ Ngũ cũng là một vị quan lớn danh tiếng hết sức lẫy lừng, được nhân dân xa gần tôn kính phụng thờ. Tuy trong hàng Năm Toà Ông Lớn, ông được thỉnh cuối cùng nhưng lại hay ngự về đồng nhất (bất cứ ai hầu Tứ Phủ, bất cứ dịp tiệc, đàn lễ nào đều phải thỉnh Quan Tuần Tranh về ngự). Khi ngự đồng ông mặc áo lam thêu rồng, hổ phù; làm lễ tấu hương, khai quang, chứng sớ tán đàn rồi múa thanh long đao. Khi có đại đàn mở phủ hay các vấn hầu thì Quan Lớn Tuần là người tán đàn mã Tam – Tứ Phủ. Sau đó sớ trạng và đàn mã mới được đem đi hỏa hóa.

Những thăng trầm lịch sử

Theo những tư liệu còn lại đến ngày nay, Tranh Giang Thần Từ, là một ngôi đền cổ Việt Nam, thờ vị thần sông nước cai quản khúc sông ở gần bến đò Tranh, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay,… Tranh Giang Thần Từ là nơi tập trung và phong phú nhất về tín ngưỡng dân gian mà điển hình là nhân vật huyền thoại Quan Lớn Tuần Tranh...

Lại nói thêm rằng, Ninh Giang xưa kia rất phát triển so với các nơi khác trên đất nước Việt Nam ta; tại ngã ba sông Tranh, trên bến dưới thuyền người người mua bán tấp nập, nhân dân quanh vùng buôn bán làm ăn rất phát đạt. Rồi, đến thời Pháp thuộc, Pháp đặt sở thu thuế (gọi là Nhà Đoan hay Sở Đoan) ngay tại Tranh Giang Thần Từ, mà không dám phá đi bởi sự linh thiêng của ngôi đền cùng sự đồng lòng bảo vệ của nhân dân; cũng từ đó, người dân quen miệng gọi là Đền Đoan… Người ta có thể gọi Đền Cổ – Đền Đoan – Tranh Giang Cổ Từ hay Tranh Giang Chính Từ… khi nói về ngôi cổ từ bên dòng sông Luộc hiện nay đều là tên gọi một nơi thờ tự Quan Lớn – Tranh Giang Thần Từ (Đồng Khánh địa dư chí, đã dẫn). Nhưng, gọi thế nào đi nữa, thay đổi thế nào đi chăng nữa, thì đấy là cách con cháu gọi mà thôi… Quan Lớn vẫn là Quan Lớn Tuần uy nghiêm lẫy lừng trong lòng dân chúng!

Song song với những tư liệu trên, những ghi chép của dòng họ Nguyễn Quang thể hiện một cách chi tiết về những thay đổi của Tranh Giang Thần Từ qua những đời thủ từ,… Hiện, người dân nơi đây còn nhớ được tên của các cố đồng đền thế kỉ trước là cụ đồng Vừng rồi tới cụ Lý Lụa là những cụ đồng trông coi Đền Cổ (Tranh Giang Thần Từ) từ khoảng những năm đầu của thế kỷ 20. Trong đó, không thể không kể đến cố đồng đền Nguyễn Quang Thoại là thủ nhang đồng đền của ngôi Đền Cổ này. Cụ Nguyễn Quang Thoại là thủ nhang đồng đền của ngôi đền này từ trước năm 1945 cho tới tháng 8/1970. Đến năm 1953, ngôi đền được Cụ Nguyễn Quang Thoại trùng tu xây dựng khang trang nhất thời bấy giờ. Hiện bản đền còn giữ bức ảnh chụp ngôi đền năm 1953-1954

Den Co Den Tranh Xua Va Nay2

Cụ Thoại là người mặc áo the đen

Nhắc đến cụ Đồng Thoại, người ta thường nhớ đến những đóng góp của Cụ trong việc công đức xây dựng nhiều ngôi đền lớn trên khắp đất nước Việt Nam, trong đó phải kể đến việc Cụ Thoại là người trực tiếp phát tâm xây dựng Đền Chầu Lục Lạng Sơn vào khoảng những năm 1955-1956…

Cụ đồng Thoại trông giữ Đền Cổ trong vòng 30 năm, trong những năm ấy, cụ cùng các con nhang đệ tử đã ra sức cùng nhau chống đỡ những trận nước lũ dâng cao, gây ảnh hưởng rất lớn tới ngôi đền,… Đến ngày 31/7/1970 theo lệnh của chính quyền yêu cầu tháo dỡ ngôi đền, di dời các đồ thờ vào Phủ Bà trong thị trấn Ninh Giang (Hiện nay Phủ Bà vẫn đang còn tồn tại và thờ phụng Thánh Mẫu và Bà Thủ đền – Chầu Bà Đệ tứ Khâm sai, thủ nhang đồng đền Phủ Bà là ông Nguyễn Quang Tòng, con trai trưởng cố lão đồng đền Nguyễn Quang Thoại). Cụ cũng buộc phải dừng việc thủ Đền Cổ không lâu sau đó. Và những tháng năm tiếp theo, di tích Đền Cổ đã bị rơi vào tình trạng “đền mất, đất còn”. Mặc dù vậy, gia đình cụ Nguyễn Quang Thoại vẫn duy trì việc thờ phụng Quan lớn tại Phủ Bà (1970-1978). Nhưng, gian truân nối tiếp gian truân, như cuộc đời Quan Lớn Tuần Tranh vậy, sau khi “đền mất” không bao lâu thì lại đến thời kỳ “chống mê tín dị đoan”,… Việc thờ cúng không được trọn vẹn như trước, nhưng với lòng tôn kính Quan Lớn, gia đình cụ Thoại vẫn duy trì việc thờ cúng và phụng sự Quan Lớn tại tư gia trong thị trấn Ninh Giang (1978-2010). Toàn bộ các cổ vật của Quan Lớn được gia đình cụ gìn giữ chu đáo, quý hơn cả mạng sống của mình. Cụ Thoại mất năm 1981, khi đó Cụ 75 tuổi. Có thể nói, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, chân nhang ngọn khói thờ Quan Lớn chưa bao giờ ngừng cháy với sự gìn giữ bằng trái tim và cả tính mạng của một gia tộc họ Nguyễn Quang…

Và quá trình 10 năm phục hưng Đền Cổ…

Trải qua sự khắc nghiệt, tàn phá của thời tiết như lũ lụt, nắng mưa, những hạn chế về nhận thức giữ gìn, bảo tồn các di tích đền chùa trong giai đoạn lịch sử đã làm cho ngôi đền thờ Quan Lớn Tuần Tranh bị phá hủy hoàn toàn. Trời cao thương xót, đến tháng 12 năm 1994, thuỷ điện Sông Đà hoàn thành, lũ dữ không còn hoành hành, và cũng từ đó không còn xảy ra lũ lụt lớn tại khu vực ngôi đền toạ lạc. Nhà nước cũng xoá bỏ bờ kè phía ngoài sông và xây dựng đường ven sông như hiện nay…

Nhưng, cũng từ đây lại nảy sinh những vấn đề nan giải, không hiểu vì lý do gì,… khoảng những năm 2000, trong lúc Đền Cổ – Đền Đoan – Đền Quan Lớn Tuần Tranh chưa được phục hưng xây dựng lại thì người ta tự ý xây dựng ngôi miếu nhỏ để thờ rồi dần dần xây thành ngôi đền thờ Quan Lớn bên ngoài mép sông. Nền đất xưa vẫn nằm im hoang phế,… trong khi khắp nơi người ta lập đền thờ phụng Quan Lớn Tuần Tranh, thì tại nền đất quê nhà, Quan nằm xót xa bởi “nền còn – nhà mất”…

Tiếc một nỗi, chốn xưa vẫn hoang phế,…

Đau lòng vì những đổi thay của thời cuộc đã dẫn đến những đổi thay ở nơi thờ tự Quan Lớn Tuần, từ những năm 2008-2009, căn cứ vào các tài liệu còn lưu giữ, gia đình ông Nguyễn Quang Dư là con trai của cố lão đồng đền Nguyễn Quang Thoại đã làm hồ sơ xin phép xây dựng lại ngôi Đền Cổ trên nền đất xưa…

 Được sự đồng ý của chính quyền địa phương các cấp, công đức đóng góp của thập phương bách gia trăm họ, ngôi đền được khởi công xây dựng mới. Sau đây là một số cột mốc quan trọng: ⁃ Đêm 30.5 rạng sáng 1.6 năm 2009: Đặt viên gạch đầu tiên xây bệ thờ Quan Lớn ⁃ Tháng 10.2010: Xây nhà tạm mái tôn và rước bát hương, tượng pháp, cổ vật của Quan Lớn từ tư gia về đền (Tháng 11 năm 2010) ⁃ 2011-2012: Khởi công xây dựng kiên cố và khánh thành cung Cấm, cung Đức Vua, cung thờ Mẫu ⁃ 2013-2014: Xây dựng và khánh thành cung Công Đồng ⁃ 2016: Xây mới phủ Mẫu và Nhà thờ Tổ (khánh thành 21.4.2016) ⁃ 2018: Xây dựng và khánh thành “Sông Tranh Bến Ngự” (khánh thành 14.9.2018)

Sau 10 năm liên tục xây dựng và phát triển, trước hết là sự quyết tâm và công sức rất lớn của thủ nhang đồng đền hiện tại (ông Nguyễn Quang Dư), sau đó là công đức đóng góp của toàn thể bách gia trăm họ nên Đền Cổ – Đền Tranh xưa kia đã được hoàng dương khang trang tố hảo như ngày hôm nay, xứng đáng là nơi tôn nghiêm thờ phụng để ghi nhớ công đức của đức Thượng đẳng Thần Long Cung Hiển Thánh Giảo Long Hầu – Tranh Giang Đại Vương.

Về nơi cửa sông Ninh Giang, Hải Dương ngày nay, bách gia trăm họ được chiêm bái ngôi đền nguy nga lộng lẫy, cảnh sông nước vốn đã nên thơ nay lại được tô điểm thêm bức hoạ “Sông Tranh Bến Ngự’ đẹp như trong tranh, làm bồi hồi xúc động cho bất cứ ai có nhân duyên được về bái yết Quan Lớn Tuần Tranh. Đền Cổ – Đền Quan Lớn Tuần Tranh hiện nay đã và đang tái hiện lên đúng như những gì mà các bản văn dâng Quan Lớn đã thể hiện:

Ninh Giang chính quán quê nhà,

Danh lam Thánh tích một tòa ngôi cao.

Cảnh Thiên thai Quan Tuần ngự giá

Trừ tà sát quỷ nổi danh tướng tài...

BOX: Bài viết được viết lại dựa trên những tư liệu của đồng nghiệp. Một số nội dung trong bài viết được trích dẫn theo những tư liệu lịch sử – tích truyền còn lưu giữ đến ngày nay…

Một số hình ảnh Hội Nhất Tâm Hầu giá Quan Lớn Tuần Tranh

Hoi Nhat Tam Hau Gia Quan De Ngu Tuan Tranh1

Hoi Nhat Tam Hau Gia Quan De Ngu Tuan Tranh3

Hoi Nhat Tam Hau Gia Quan De Ngu Tuan Tranh4

Người viết: Ae Hội Nhất Tâm

Từ khóa » đền Cổ Ninh Giang Hải Dương