Đền Diên Cờ - Điểm Hẹn Văn Hóa Tâm Linh

Cao Sơn tên thật là Cao Hiển, tự là Văn Trường, quê ở Bảo Sơn, quận Nam Hải, Tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc, sinh ngày 20-08 năm Bính Ngọ. Cao Hiển là người thông minh, chính trực, học rộng hiểu sâu, văn võ song toàn, đậu Tiến sĩ năm 29 tuổi dưới Triều Vua Hi Ninh nhà Tống, làm quan đến chức Thượng Thư.

Lúc bấy giờ, vùng biên giới nhà Tống có giặc quấy phá, Cao Hiển được cử đi chinh phạt. Ông đã nhanh chóng dẹp yên bọn phản loạn, giúp dân yên ổn làm ăn. Với công lao to lớn đó ông được Vua Tống phong làm Đại Thừa Tướng, được Triều đình cử sang làm Trấn thủ nước An Nam với chức mới là Tuyên Phó sứ. Ông nhậm chức ở Trấn Nghệ An. Thời gian ở An Nam, Cao Hiển luôn quan tâm tới đời sống nhân dân và ngày đêm chăm lo cho mối bang giao hòa hảo giữa hai nước. Một mặt ông xin Vua Tống giảm bớt các khoản triều cống, mặt khác giúp nhân dân ta làm nhà ở chống thú dữ, dạy cách trồng trọt chống sâu bọ và phát triển chăn nuôi, sản xuất. Nhờ đó cuộc sống của nhân dân ngày được ổn định.

Khi tuổi cao sức yếu, Cao Hiển xin thôi chức sứ thần An Nam trở về quê nhà và mất lúc 103 tuổi. Vua Tống phong cho ông là “An Nam Quốc Vương”, giao cho nhân dân An Nam lập đền thờ, bốn mùa phụng sự1.

Cao Các sinh ngày 06-01-938 ở Châu Ái, làng Cao Xá, huyện Thọ Xuân, Phủ Thanh Đô, mẹ là Lê Thị Điền, cha là Cao Trạch. Cao Các vốn thông minh, có sức khỏe phi thường, dung mạo hơn người, được nhân dân gọi là “thần đồng”. Trước nạn binh đao khói lửa khiến nhân dân khổ cực, ông bỏ làng đi tìm minh chủ. Đinh Bộ Lĩnh thấy Cao Các có tư chất thông minh, chính trực, giỏi võ nghệ nên đã phong cho ông đảm nhận chức Giám Nghị Đại Phu và đảm trách dẹp loạn. Với tài thao lược dụng binh, liệu sự như thần ông đã góp công lớn giúp Vua ổn định đất nước, đưa non sông thu về một mối, giúp Đinh Bộ Lĩnh sáng lập nên triều đại nhà Đinh.

Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi, ban cho Cao Các trấn thủ vùng đất An Ninh. Thấy vùng đất sơn thủy hữu tình, dân cư ôn hòa, ông quyết định cho quân sĩ lập quân cư tại đây. Ông vừa tổ chức luyện tập võ nghệ cho binh sĩ, vừa tăng cường công tác phòng thủ, vừa hướng dẫn cho nhân dân trồng trọt chăn nuôi, chữa bệnh cho người nghèo. Vì vậy, ông được Vua tin yêu, dân kính trọng. Khi giặc Chiêm Thành đem quân sang quấy nhiễu nước ta, một lần nữa Vua Đinh lại mời Cao Các về Triều và giao cho ông thống lĩnh năm vạn tinh binh đi đánh giặc. Vẫn bằng sức trẻ, tình yêu nước nồng nàn, lòng căm thù giặc sâu sắc và tài trí quân sự, ông đã chỉ huy quân sĩ đánh đuổi quân giặc ra khỏi biên cương tổ quốc, giành thắng lợi vẻ vang. Ghi nhận công lao của ông, Nhà vua đã phong thưởng và giữ ông lại làm quan trong Triều nhưng ông xin về quê sống một cuộc sống an bình cho đến khi qua đời. Sau khi ông mất, Triều đình cho lập miếu thờ, muôn đời hương khói. Vua Lý Thái Tổ đã ban sắc, phong là Mỹ Tự Đại Vương. Các triều đại phong kiến tiếp theo đều truy phong làm Thượng đẳng thần, tối linh tôn thần2.

Người dân ở đây còn lưu truyền nhiều truyền thuyết ly kỳ về sự linh thiêng của thần Cao Sơn – Cao Các tại đền Diên Cờ. Điển hình là việc giúp dân làng chữa khỏi nhiều căn bệnh, nhất là căn bệnh về mắt. Tài liệu “đền Diên Cờ” do 2 soạn giả Đào Tam Tỉnh và Hoàng Anh Tài biên soạn sau nhiều năm điền giã tại các làng thuộc tổng Thượng Xá xưa cho biết: “thuở y học chưa phát triển, mỗi khi dân làng bị bệnh, họ chỉ cần lấy những cây cỏ trong khuôn viên đền Diên Cờ đưa vào làm lễ, sau đó đem về uống thì hầu hết khỏi bệnh. Nhiều mẩu chuyện về việc thần đền Diên Cờ chữa khỏi bệnh cho cư dân địa phương còn lưu truyền đến ngày nay”3. Vì vậy, các Ngài không chỉ được nhân dân tôn thờ mà còn được các triều đình phong kiến ghi nhận công lao, sự linh ứng bằng sắc phong với phẩm trật đã được nâng tới hàng “thượng, thượng đẳng tối linh đại vương”.

Ngoài ra, tại đền còn phối thờ Tam tòa Thánh Mẫu và các vị thần trong đạo mẫu...

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử và sự ác liệt của các cuộc chiến tranh, đền đã bị hoang phế. Năm 2011, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, đặc biệt có sự đóng góp của gia đình cụ Nguyễn Đăng Cẩn, đền đã được phục dựng lại trên nền đất cũ và khung nhà làm theo nguyên bản của ngôi đền xưa với quy mô hoành tráng hơn.

Hàng năm, vào ngày 19-22 tháng 1 Âm lịch, tại đền diễn ra lễ hội với quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân trong vùng, vùng phụ cận và du khách thập phương về dự. Nhiều trò chơi dân gian vào dịp đầu năm như: Đánh đu, đấu vật, chơi cù, đánh cờ tướng, đánh cờ người, đá cầu, múa sư tử, múa lân. Làng Đông Chử xưa phổ biến việc hát đối (hát ghẹo) theo giọng hát đò đưa (âm điệu hát phường vải), diễn chèo, tuồng, đặc biệt các vở Trưng Trắc, Trưng Nhị, Trương Viên. Đây là hoạt động văn hoá tâm linh ý nghĩa không chỉ nhằm tôn vinh và tri ân các vị thần có công với dân, với nước, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của người dân địa phương nói riêng và cả xứ Nghệ nói chung, mà đây còn là dịp để mọi thế hệ người dân tạm gác mọi lo âu, phiền muộn của cuộc sống để đắm mình vào thế giới tâm linh, nơi họ được thoải mái bày tỏ ước mơ, khát vọng, một trong những nét văn hoá đặc sắc, góp phần bảo lưu và gìn giữ những giá trị văn hoá phi vật thể mà cha ông đã dày công sáng tạo và vun đắp.

Trải qua bao biến động của lịch sử, đền Diên Cờ vẫn giữ nguyên vị trí ban đầu, xung quanh là làng mạc sầm uất, con người nơi đây sống giản dị mà nặng ân tình. Vì vậy, du khách đến với di tích không những được thăm viếng những bậc danh nhân đã có nhiều cống hiến cho quê hương đất nước mà còn được tham quan vãn cảnh một vùng quê thôn dã, giàu chất trữ tình!

Võ Thị Kim Dung

Từ khóa » đền Diên Nhất