Đền Đông Cuông - Yên Bái | Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam

Đăng nhập

Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam Trang chủ Diễn đàn > Tín ngưỡng Tứ phủ > Di tích và Danh thắng > Đền Đông Cuông - Yên Bái

Thảo luận trong 'Di tích và Danh thắng' bắt đầu bởi kuangtuan, 26/5/11.

Lượt xem: 9,240

  1. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    [​IMG] Từ lâu, Đền Đông Cuông xã Đông Cuông nổi tiếng là ngôi đền linh thiêng, thờ Mẫu Thượng Ngàn, hàng năm thu hút đông đảo nhân dân cả nước đến dâng hương, vãn cảnh đền và cầu nguyện cho mình và người thân một năm gặp nhiều may mắn… [​IMG]​ Những ngày đầu xuân này, du khách thập phương đổ về huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái không chỉ để tận hưởng cảnh đẹp hùng vĩ của mùa xuân ở vùng Tây Bắc mà còn để tham dự lễ hội Đền Đông Cuông, để được sống lại những giờ phút lịch sử với lễ mổ trâu khao quân, lễ rước Mẫu sang sông và cùng tham gia các trò chơi dân gian như đánh đu, ném còn, kéo co… [​IMG] Cách thành phố Yên Bái khoảng 50 km, Đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, xung quanh có đại ngàn bao phủ, phía trước đền là dòng sông Hồng. Với dáng dấp kiến trúc của đền chùa truyền thống, góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền được làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thiếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Theo Đại Nam nhất thống chí, đền Đông Cuông thờ Cao Quan Đại Vương, huý là Thổ Lệnh và Thạch Khanh, đã có công chu du thiên hạ, tìm phương thuốc quí để chữa bệnh cho nhân dân. Đến khi mất lại rất linh ứng, ngầm theo để giúp các vị tướng lĩnh đánh giặc ngoại xâm bảo vệ biên cương, được nhân dân suy tôn, vua gia phong là “Thần vệ quốc” và đã hoá thân thành Mẫu Thượng Ngàn, là người mẹ của vũ trụ. Năm 1258, nghĩa quân của tướng Hà Đặc sau khi thắng trận đã tập kết quân tại đền Đông Cuông và tổ chức mổ trâu khao quân. [​IMG] Xuân Kỷ Sửu này cũng vậy, ngay từ những ngày đầu xuân, tuy chưa phải là chính hội nhưng đã có hàng ngàn du khách đến thắp hương tế lễ. Lễ hội đền Đông Cuông mở đầu bằng lễ mổ trâu tế Mẫu, được thực hiện vào thời khắc đầu tiên của ngày mão đầu năm. Trâu dùng để tế lễ là trâu trắng được tuyển chọn kỹ từ nhiều tháng trước. Trâu mổ ra lấy 9 chén tiết trâu xuống bến sông để tế, sau đó trâu được thui và được chủ tế dâng lên cầu mưa thuận gió hoà mùa màng tốt tươi, người dân khoẻ mạnh, làm ăn phát tài… Sau khi cúng, thịt trâu được đem ra chế biến thành các món ăn mời du khách đến đền làm lễ. Tiếp sau lễ mổ trâu là lễ rước Mẫu sang sông, đây là một trong ba lễ chính của hội đền Đông Cuông. Lễ rước tượng Mẫu sang sông để thắp hương cúng tế linh hồn tướng quân Hà Đặc được bắt đầu vào lúc 8 giờ sáng. Trước đó đã có hàng ngàn người dân địa phương và du khách tập trung trước cửa đền cùng tham gia rước. Tượng Mẫu được rước sang sông bằng chiếc bè lớn làm bằng nứa dại. Khi tượng Mẫu đã sang tới miếu Ghềnh Ngai thăm Đức ông thì các thầy cúng cũng làm thủ tục tế lễ, sau đó tượng Mẫu lại được rước quay về đền vào đúng 10 giờ và cũng là lúc bắt đầu lễ dâng hương tế Mẫu. [​IMG] Lúc này, hàng ngàn du khách thập phương và nhân dân trong vùng lần lượt dâng hương, cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình, người thân, bạn bè trong cả năm. Sau lễ dâng hương sẽ có các hoạt động thi đấu thể thao, các chò trơi dân gian như: kéo co, đẩy gậy, ném còn, chọi gà… Những hình thức sinh hoạt văn hoá mang đậm màu sắc dân gian đã tạo cho ngày hội của nhân dân vùng thượng lưu sông Hồng thêm sống động, đây thực sự là nơi giao lưu văn hoá của các dân tộc. Lễ hội đền Đông Cuông còn là một trong những lễ hội chính của Chương trình Du lịch về cội nguồn hợp tác giữa 3 tỉnh Yên Bái – Phú Thọ – Lào Cai. Đền Đông Cuông đã thực sự trở thành điểm đến hấp dẫn, thu hút nhân dân và du khách ở khắp nơi đến thưởng ngoạn và dâng hương. Quang Thiều​ Nguồn: traitimyenbai.net​ Đền Đông Cuông[​IMG] Đền Đông Cuông là một trong hai đền lớn ở thượng lưu sông Hồng, đã tồn tại từ lâu đời, tọa lạc tại xã Đông Cuông huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái. Ngày 3/02/2009, Đền Đông Cuông đã đón nhận bằng công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia. Ngôn từ dân gian trước đây định danh "Đền Đông", "Đền Mẫu Đông". Khánh tự và sớ văn ghi rõ "Đông Quang linh từ", còn bây giờ là "Đền Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn". Trong Kiến Văn Tiểu Lục quyển X mục "Linh tích" thời hậu Lê, cụ Lê Quý Đôn viết: "Văn Châu, một người thuyền hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba (nay thuộc địa phận Lâm Thao- Phú Thọ) là học trò Hiệu như Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên tỉnh Yên Bái) bến sông này có miếu thờ Đông Quang Công Chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền Công Chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi (sau đổi là huyện Lâm Thao). Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người từ trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ, gọi tên mình và bảo rằng: " Khi thuyền nhà người trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại vương, Chúa bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để đại vương biết". Nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba, bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm, thuyền đi như tên bay, đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm) Văn Châu theo lời thầy dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi". Thần Tích của dòng mo họ Hà coi việc giữ đền và tế tự chép: Đông Quang Công Chúa là Lê Thị Kiểm. Bà là vợ ông Hà Văn Thiên, người Tày Đông Cuông được triều đình giao cai quản vùng Đông Cuông và ngoại vi. Ông Thiên, hậu duệ của Hà Đặc, Hà Bổng (Trại chủ Quy Hoá) bị hy sinh trong chiến tranh chống Nguyên. Ông bà sinh hạ được một con trai. Khi Ông tạ thế, bà Kiểm và con trai ở lại Đồng Cuông rồi mất tại đấy. Dân lập miếu thờ ông bên Ghềnh Ngai (hữu ngạn sông Hồng) và thờ hai mẹ con bà bên tả ngạn, đối diện với miếu. Trong nhân dân hai xã Đông Cuông và Ngòi A lưu truyền một huyền thoại: ở xóm Đá Ôm thôn Đồng Dẹt xã Đông Cuông có một giếng nước sâu trong vắt. Giếng ở chân gò, nơi chúa họ Cầm ở (tù trưởng bộ tộc Tày). Một hôm, con gái tù trưởng là Cầm Thị Lả (Cầm Thị Lê) ra giếng gội đầu. Lỡ tay đánh rơi lược xuống giếng, nàng vội nhào theo vớt lược. Lược chẳng thấy chỉ thấy đáy giếng lộ ra một con đường rộng, sâu hút. Nàng theo đường ấy, đi mãi đến Thuỷ Cung rồi gặp Long Vương lấy làm chồng và sinh hạ được một trai. Nhớ nhà, nàng bế con trở lại dương thế và hứa với Long Vương hàng năm sẽ xuống thăm chồng một lần và chỉ đi một mình không đem con đi cùng. Giếng Đồng Dẹt trở thành giếng thần. Tháng Giêng ngày mão, xã chọn thanh niên chưa vợ đi tát sạch giếng để lọc lấy nước trong thanh khiết cúng lễ. Năm Giáp Dần (1914) nghĩa quân Kinh - Dao - Tày huyện Trấn Yên khởi nghĩa chống Pháp thất bại bị chính quyền thống trị Pháp hành hình trong đó có năm ông người Tày họ Hà, Hoàng, Lương, Nguyễn quê ở Đông Cuông, các vị được tôn thờ tại đền. Theo tục truyền, xã Đông Cuông cổ xưa là Mương Khà đã có từ lâu đời do các dòng họ Hà, Hoàng Tày Khao sáng lập; đồng thời họ Hà dựng đình để làm nơi cúng thần Sông , Núi, Thổ địa, Thành Hoàng Làng. Hai họ Hà và Cầm từng thay nhau đảm lãnh công vụ chính quyền và cúng lễ của toàn mường. Đình Mường Khà cũng là nơi làm việc của thổ tù, chức dịch, phiên quan gánh nhận chức năng "Đình Trạm" chuyên tống đạt công văn thư chỉ hai chiều giữa cấp trên và cấp cơ sở. Thời Trần, Tổng binh Quy Hoá Hà Bổng và thuộc viên của ông từ Thanh Sơn lên biên ải vẫn thường dừng chân ở Quán Tuần và Đình trạm Mường Khà. Hệ thống đình Mường Khà gồm: đình cả (sau này là đền Đông Cuông) và các đình thôn, đình xóm thượng - hạ. Đình cả do dòng họ Hà quán xuyến, đình nhỏ do dòng họ Hoàng, họ Lương đăng nhang. Dòng họ Hà cho biết tổ phụ của họ là Hà Văn Thiên đã từng lãnh đạo địa phương đánh giặc Nguyên thời Trần sau bị tử trận và được dân làng lập miếu thờ bên Ghềnh Ngai (xã Tân Hợp huyện Văn Yên ). Miếu làm theo kiểu nhà sàn chân thấp, to hơn miếu hiện nay. Vợ ông là Lê Thị Kiểm và con trai ông khi tịch diệt cũng được dân thờ bên Ghềnh Ngai và ít lâu sau, ban thờ mẹ con được di sang đình cả bên Đông Cuông. Kế từ khi triều đình phong sắc, đình được mở rộng, tông trang, dần dà cải đổi thành miếu mà Cụ Lê Quý Đôn thời Hậu Lê đã ký lục. Triều Nguyễn, miếu được nâng thành đền và thánh từ trong Đại Nam Nhất Thống chí định danh là "Đền Thần Vệ Quốc" gọi theo sắc phong. Đền lúc này vẫn bằng gỗ làm theo kiểu nhà sàn chân thấp. Sau sự biến Giáp Dần (1914), dân tổng Đông Cuông góp tiền đón thợ Hà Đông, Nam Định lên đúc tượng đồng Vua Mẫu và Vua Con. Năm 1924, một nhà buôn lâm sản ở mấy cửa ngòi quanh Đông Cuông bỏ tiền riền và vận động thiện nam tín nữ góp của đón thợ Hương Canh (Vĩnh Yên) lên gạch đền Mẫu và tu sửa đền Ông Ngềnh Ngai. Dịp này, con nhang đệ tử cung tiến khá nhiều đồ thờ phong phú: chuông, đỉnh, lư, hoành phi, đại tự, câu đối, bát bửu, y môn, rèm cung, tán họng, hạc nến, mâm bồng... mang đậm yếu tố văn hoá - tín ngưỡng đồng bằng. Tinh tuý và màu sắc Việt Tày hoà trộn sâu sắc từ thời điểm này. Năm 1979, nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc. Đền dỡ đi để xoá mục tiêu. Đồ thờ cất giữ cẩn thận. Năm 1980, Hội người cao tuổi ở khu Bến Đền tái dựng đền bằng vật liệu tranh tre nứa lá. Thể theo nguyện vọng nhân dân, ngày 4/01/1995, UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cho phép nhân dân xã Đông Cuông huyện Văn Yên "xây dựng lại ngôi đền Đông Cuông... đúng trên nền ngôi đền cũ… để phục vụ việc tôn kinh thờ cúng. Đền được Nhà nước và nhân dân dành cho một khu đất khá rộng: 17.600 m2, tạo thành khuôn viên lý tưởng: Tiền diện là sông Hồng và nản đá Ghềnh Ngai luôn gợn sóng, sau lưng là đồng ruộng xen đồi bát úp, phía phải là Khe Ao Sen, bên trái là con đường đất từ đường sắt Yên Bái - Lào Cai chạy vào đền. Đền hướng mặt ra sông, chếch tây nam, nhìn thẳng sang miếu Ghềnh Ngai. Miếu hiện được tách khỏi đền, giao cho xã Tân Hợp quản lý. Theo bản "tóm tắt lịch sử đền mẫu Đông Cuông" ngày 01/6/1998 của nhà Đền Đông Cuông thì "nội thất bên trong... được sắp đặt các bàn thờ như sau: Trong cung cấm có một tượng Mẫu, một tượng Quan Hoàng và hai tượng hầu cận. Gian giữa bệ thờ Công Đồng Tứ Phủ có 5 tượng quan. Nhìn theo hướng nhà đền bên phải là toà sơn trang thờ 12 cô sơn trang. Bên trái xây toà thờ Trần Triều và hai cô hầu cận". Tượng Quan Hoàng chính là tượng "Vua Báo" mà đồng bào Tày thường gọi nôm na. Thời phong kiến, chư thần Đông Cuông được bốn đời vua sắc phong về công lao "bảo vệ đất nước, che chở nhân dân" và xã Đông Cuông được đặc cách chuẩn y cho theo trước phụng thờ chư thần và chăm non miếu đền: Năm Tự Đức thứ 33 ngày 11 tháng 4 âm lịch; năm đồng Khánh thứ 2 tháng 7 ngày 1; năm Duy Tân thứ 3 tháng 8 ngày 11; năm Khải Định thứ 9 tháng 7 ngày 25. Ngoài tuần rằm mồng một, tứ thời bát tiết, đền Đông Cuông có hai lễ chính: ngày Mão tháng giêng mổ trâu trắng, ngày Mão tháng chín mổ trâu đen. Tại lễ lớn, thỉnh tôn thần 12 ngọn núi, 12 ngọn sông, 18 "nước chư hầu" và Vua tổ Hùng Vương và Tế nam theo chế thức cung đình. Khai mạc lễ từ sớm trước tiết rước kiệu: 6 đến 8 giờ sáng. Lễ phẩm chính là trâu trắng mổ nguyên tươi. [​IMG] Lễ rước kiệu được triển khai sau tế đến giờ Ngọ: rước kiệu Thành Hoàng Làng ở miếu hạ Khe Chàm, Cầu Có và miếu giáp thượng đồi Pù Ả xóm Lẫm. Rước kiệu Mẫu (mẹ) từ đền qua sông sang miếu Ghềnh Ngai (nay thuộc xã Tân Hợp huyện Văn Yên) thăm Đức Ông. Hai kiệu gồm kiệu Mẫu và kiệu Báo (con) bao sái thanh khiết, trang trí đẹp. Lúc Kiệu đi, đông đảo tín nữ Kinh - Tày bao quanh kiệu khấn chúc hai mẹ con Mẫu "Thăm đức Ông" mừng vui trọn vẹn. Trống dong cờ mở, bát âm tấu nhạc. Bốn thiếu nhi Tày thắt lưng đỏ cầm cờ múa đi trước. Thiếu nhi ngoài cuộc được già làng động viên reo hò khích lệ "Vua Me"- "Vua Báo" (Vua mẹ, Vua con). [​IMG] Một thuyền đinh lớn hoặc một bè lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước Kiệu Vua con ở lại trên bờ, chỉ kiệu Vua mẹ xuống thuyền sang Ghềnh Ngai. Toán người gồm thổ đạo, mo đền, trung hội, tín nữ, người cầm lọng kiệu.... Tới nản đá Ghềnh, để kiệu Mẫu ở dưới thuyền, thổ đạo mo, và các thành viên lên tảng đá thắp hương khấn tiếng Tày xen tiếng Kinh; " Nhân ngày... bàn dân đề tử chúng con rước Mẫu sang với Đức Ông..Vậy mong ngài....” sau đó xin âm dương bằng hai đồng tiền kẽm để nài Đức Ông chấp nhận rồi xuống thuyền trở về. Lễ diễn nửa giờ, tới bờ, kiệu Mẫu khiêng khỏi thuyền cùng kiệu Con rước vào đền. Bốn trẻ vẫn đi trước múa cờ mừng nhưng đám trẻ ngoài không hò reo nữa. Đồng bào Tày Đông Cuông và các vùng lân cận quan niệm đây là "lễ cưới lại" của Mẫu với Đức Ông mà hậu duệ phải đứng ra tổ chức. [​IMG] Múa dân tộc cử hành lúc kiệu rước từ đền ra bờ sông (để sang Ghềnh Ngai). Múa được đàn tính và nhạc chùm đệm, phần nhiều do bà con Tày đảm nhiệm. Ngoài ra còn có ném còn, "tức Xiến" (đánh yến), đánh vật; hát chèo, diễn tích Lưu Bình Dương Lễ; chào mừng chúc đàn anh chức dịch và toàn dân thu hoạch lúa tốt, gia súc đầy chuồng, bình an khoẻ mạnh. (Báo Yên Bái)
    Bài viết mới Womans in your town - Authentic Damsels Womans in your town - Authentic Damsels bởi vanluongtb, 2/11/24 lúc 01:22 Find Sexy Girls in your city for night - Real-life Females Find Sexy Girls in your city for night - Real-life Females bởi vanluongtb, 17/10/24 lúc 07:50 kuangtuan, 26/5/11 #1

    Bình Luận Bằng Facebook

  2. nguoinamdinh

    nguoinamdinh New Member

    mình cũng mới đi cúng trên chùa ngọc tháp 1 đàn lễ giải oan cắt kết,đền ngọc tháp thì bên cạnh,cảnh đền đẹp ! nằm ngay bên bờ sông thao
    nguoinamdinh, 26/5/11 #2
  3. o0oatmo0o

    o0oatmo0o Công thần

    nguoinamdinh nói: ↑
    mình cũng mới đi cúng trên chùa ngọc tháp 1 đàn lễ giải oan cắt kết,đền ngọc tháp thì bên cạnh,cảnh đền đẹp ! nằm ngay bên bờ sông thaoClick to expand...
    Bạn là Thầy cúng :D
    o0oatmo0o, 26/5/11 #3
  4. đôngcuôngtuầnquán

    đôngcuôngtuầnquán New Member

    hình như ảnh có mẫu thượng ngàn em đoán ko nhầm là ở đền đông cuông nhưng ở đền vọng ở chỗ tuần quán. Còn ở chính cung đền đông cuông phía trong thì cung cấm ko mở cửa nên ko nhìn thấy mẫu.
    đôngcuôngtuầnquán, 7/6/11 #4
  5. Thanh Tùng

    Thanh Tùng Thành viên Bị cấm

    đôngcuôngtuầnquán nói: ↑
    hình như ảnh có mẫu thượng ngàn em đoán ko nhầm là ở đền đông cuông nhưng ở đền vọng ở chỗ tuần quán. Còn ở chính cung đền đông cuông phía trong thì cung cấm ko mở cửa nên ko nhìn thấy mẫu.Click to expand...
    Bài viết có pic cung thờ mẫu thượng ngàn nhưng ko phải cung thờ ở Đông Cuông hay Tuần Quán em ak. Đấy là cung thờ Sơn Trang trên đền Hoàng Bảy. Còn tượng mẫu trong cung cấm đền Đông Cuông thì chính là pho tượng đc rước kiệu đấy, theo sau là tượng quan hoàng Báo Đông Cuông vận y phục hoàng anh đấy em.
    Thanh Tùng, 7/6/11 #5
  6. kuangtuan

    kuangtuan New Member

    Đền Đông Cuông một điểm khởi đầu của tục thờ Nữ Thần Việt Vượt qua “thời gian chiêm bao” mà tư duy con người còn chìm trong không gian hoang dã với hiện tượng thờ các lực lượng “hồn nhiên” như cây cỏ, đất đá, một khúc của ngã ba sông,...để rồi con người tiến lên xây dựng một tổ chức mang tính xã hội. Trên đường đi đó dần dần con người định hình nhân dạng cho các thần linh mà trong đó một vị thần linh cơ bản đầu tiên là nữ thần. Có thể tin được điều đó, bởi trong buổi hồng hoang, sự phân công lao động sớm nhất là phân công lao động nam - nữ. Nam thì săn bắn/bắt, công việc này bấp bênh, hôm được hôm không, thiếu tính chất thường xuyên để đảm bảo cuộc sống. Còn nữ giới với hái lượm rau củ trong rừng, đó là lương thực cơ bản để nuôi sống gia đình. Mặc nhiên vai trò của nữ trở nên cực kỳ quan trọng, do đó đã dẫn đến một hiện tượng khi nhân dạng hóa thần linh thì vị thần đó tất yếu mang dạng nữ. Khởi đầu, người Việt trông cậy vào của cải được thu lượm từ rừng nên người ta tôn trọng thần rừng, hội các điều kiện lại thì vị thần nhân dạng đầu tiên có thể nghĩ được là bà chúa rừng với nhiều chức năng khác nhau - Trước hết là thần của cải - Trong quá trình tồn tại, người ta hội dần vào bà nhiều chức năng, đầu tiên là bà “mẹ Thiêng liêng” với quyền năng vô bờ bến; một bà “mẹ Thế gian”, bởi người ta coi từ bà mà muôn loài nảy sinh và phát triển. Đồng thời bà là một thần linh đứng đầu bách thần nên bà còn mang tư cách là một đấng “vô cùng” - người Việt đã dần hội tất cả những gì linh thiêng liên quan vào chính bà Đông Cuông - một bà mẹ vũ trụ khởi nguyên của người Việt. Trên bước đường phát triển của đạo thờ Mẫu, người ta nhận thấy rằng, chính bước thăng trầm của các vị nữ thần đã liên quan trực tiếp đến những mốc phát triển của dân tộc, cụ thể là: Như trên đã nói, bà chúa rừng là bà mẹ khởi nguyên gắn với buổi sơ khai của người Việt, xã hội còn mang nặng tính chất hoang sơ và bước đầu đã có yếu tố nông nghiệp. Một tất yếu liên quan đến sự tồn tại của người Việt là phải theo dòng sông phù sa mà lùi xuống phía dưới để định hình bằng được nền nông nghiệp lúa nước. Con đường đi đó cũng quyết định tới sự hình thành và phát triển của đạo thờ Mẫu. Hay đúng hơn, tín ngưỡng dân gian dân tộc này, ở một giới hạn nào đó đã phản ánh bước phát triển của dân tộc. Cụ thể với sự hình thành của hệ Tứ Pháp và Tứ Phủ là những dấu ấn về giao lưu văn hóa với bên ngoài, hay phản ánh kết quả về sự ổn định nền kinh tế nông nghiệp ở đồng bằng. Song suy cho cùng, bao giờ cũng thấy đỉnh điểm khởi nguồn của tín ngưỡng này là tục thờ bà chúa rừng, từ đó chúng ta thấy sự quan trọng của đền Đông Cuông đã như một khởi đầu của mọi điện thờ nữ thần nối tiếp trong lịch sử. Toạ lạc tại tả ngạn thượng lưu sông Hồng, đền Đông Cuông thuộc địa phận thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, vốn là một ngôi đền lớn, cổ kính mang đầy những dấu vết, huyền tích thiêng liêng về Mẫu Thượng Ngàn. Rõ ràng ở đất Đông Cuông đã có những dấu tích liên quan đến sự phát triển của dân tộc, trong đó ít nhiều có biểu hiện liên quan đến nông nghiệp sơ khai. Vào năm 1989, người đầu tiên tìm được những mảnh công cụ thời kỳ đá giữa ở nơi đây là cố giáo sư Trần Quốc Vượng. Không gian này là một thung lũng không rộng lớn lắm, vừa đủ cho một bộ phận dân cư không đông, nhưng có khả năng tập trung để phát triển ra các vùng khác. Giữa thung lũng là dòng sông Hồng cuộn phù sa càng giúp cho ý thức nông nghiệp định hình để dần dần các thần linh mang tư cách của một cặp phạm trù âm - dương đối đãi hình thành, như với bên này là đền Bà, bên kia là đền Ông. [​IMG] Đền Đông Cuông cổ kính nép mình bên gốc đa già, xung quanh là đại ngàn bao phủ, phía trước là thượng nguồn dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa. Đền Đông Cuông mang dáng dấp kiến trúc đền chùa truyền thống, với góc mái ngói cong và hình lưỡng long chầu nhật. Các cột đền làm bằng gỗ tứ thiết, được sơn son thếp vàng hình rồng cuốn trang nghiêm. Trên các đầu dư, đầu bẩy, xà ngang, cốn nách, câu đầu... được chạm khắc hình tứ linh và hoa lá... Chính cảnh quan địa thế đã mang lại cho đền một không gian thoáng rộng, hoà mình vào với thiên nhiên để từ đó truyền tải những thông điệp linh thiêng về một trong những bà mẹ quyền năng - Mẫu Thượng Ngàn. Đến nay, qua sự phát triển của tín ngưỡng nông nghiệp mà bà nhập vào đạo thờ Tứ phủ của người Việt, thờ Bà Trời (các tên khác: Mẫu Thượng Thiên, Thiên Mụ/Mẫu, Bà Chúa Xứ), Bà Nước (tên khác: Mẫu Thuỷ/Thoải, Bà Chúa Lạch), Bà Đất (tên khác: Mẫu Địa, cai quản một trong những lĩnh vực quan trọng nhất của xã hội nông nghiệp), Bà Rừng (Mẫu Thượng Ngàn). Đền có nhiều tên gọi khác nhau, như: Mẫu Đông, Đông Cung, Đông Quang, Vệ Quốc (phụ thờ các vị có công chống giặc Nguyên Mông ở thế kỷ XIII, đó là một số tướng người địa phương), người Tày Khao ở đây thì gọi là đền Đông Cuông. Từ các tên gọi khác nhau của di tích, chúng ta thấy, đền Đông Cuông còn gắn liền với tên gọi chỉ phương hướng, đấy chính là phương Đông, phương của hành mộc, của màu xanh, của đại ngàn. Theo truyền thuyết thì khởi đầu đền Đông Cuông là một ngôi miếu được dựng vào thời nhà Đường, phát triển dần thành đền, muộn nhất vào thời Lê sơ. Lê Quý Đôn trong sách Kiến văn tiểu lục, quyển X, mục “Linh tích” có ghi: “Văn Châu, một người bá hộ xã Kính Chủ, huyện Thanh Ba nay thuộc địa phận Lâm Thao (Phú Thọ) là học trò Nguyễn Đình Kính. Giữa niên hiệu Bảo Thái (1720 - 1729) đi buôn ở Đông Quang (nay thuộc huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái), bên sông này có miếu thờ Đông Quang Công chúa vẫn nổi tiếng anh linh. Tục truyền công chúa là vợ Đại vương miếu Ngọc Tháp huyện Sơn Vi, sau đổi là huyện Lâm Thao. Một hôm trời đã tối, Văn Châu thấy một người trong miếu Đông Quang đi ra đến chỗ thuyền đỗ gọi tên hắn và bảo rằng: Khi thuyền nhà ngươi trở về qua miếu Ngọc Tháp, phiền nhà ngươi nói giúp là kính tạ Đại Vương, chúa Bà đã sinh con trai rồi, gửi lời về báo để Đại Vương biết. Nói xong liền biến mất. Đường thuỷ mà thuyền buồm đi từ Đông Quang đến Ngọc Tháp phải ba bốn ngày, thế mà ngày hôm ấy, Văn Châu bắt đầu đi từ sáng sớm, thuyền đi như tên bay, đến giờ Thân đã tới Ngọc Tháp (chỗ này có núi đá mọc nhô ra bến sông như hình ruột ốc, miếu ở trên núi, bên cạnh miếu có chùa Lăng Nghiêm), Văn Châu theo lời thần dặn, đứng ở đầu thuyền nói lại rồi đi….”(1). Theo truyền thuyết thì Mẫu là con gái của Sơn Tinh (tức Tản Viên Sơn Thánh) và công chúa Mỵ Nương tên là La Bình, khi Tản Viên và Mỵ Nương, theo lệnh của Ngọc Hoàng Thượng đế về trời, trở thành hai vị thánh bất tử, thì Ngài cũng phong La Bình là Công chúa Thượng Ngàn, thay cha đảm nhận công việc dưới trần, nghĩa là trông coi tất cả 81 cửa rừng và các miền núi non hang động, các miền trung du đồi bãi trập trùng của nước Nam ta. Mẫu đã âm phù các triều đại phong kiến trong kháng chiến vệ quốc, lịch sử nước Việt các thời đã từng ghi lại các chiến công âm phù lừng lẫy của Mẫu, như: âm phù tướng sĩ của nhà Lý đánh quân Tống, tướng sĩ nhà Trần đánh quân Nguyên Mông, che chở nghĩa quân Lam Sơn lúc khó khăn… Các triều đại phong kiến sau này đều có sắc phong tạ ơn Mẫu. Ngoài thờ Mẫu đệ nhị Thượng Ngàn, đền Đông Cuông còn thờ thần Vệ Quốc (các vị thần người bản địa có công trong kháng chiến chống quân Nguyên Mông như Hà Đặc, Hà Chương,...), các ban thờ Công đồng công chúa, Sơn trang, Ngũ vị tôn ông (Năm Giáp Dần (1914), nghĩa quân Tày, Nùng, Dao huyện Trấn Yên khởi nghĩa chống Pháp thất bại, bị chính quyền thống trị Pháp hành hình, trong đó có 5 ông người Tày họ Hà, Hoàng, Lương, Nguyễn quê ở Đông Cuông. Các vị đó được nhân dân tôn thờ tại đền) và Đức Thánh Trần. Điều đặc biệt ở đây, Mẫu Thượng Ngàn đã được nhân dân khoác lên mình một tấm áo khác mang màu sắc của nhân dân địa phương, hoá thân thành thần bản địa để nâng đỡ, che chở cho người dân ở đây. Theo thần tích dòng họ Hà (việc giỗ đền và tế tự) thì tổ phụ của họ là Hà Văn Thiên từng lãnh đạo nhân dân chống giặc Nguyên Mông bị tử trận. Để ghi nhớ công trạng của ông, nhân dân lập miếu thờ bên Ghềnh Ngai (xã Tân Hợp, huyện Văn Yên). Vợ ông là bà Lê Thị Kiếm cùng con trai khi mất cũng được thờ bên Ghềnh Ngai, ít lâu sau ban thờ của mẹ con bà mới được di chuyển sang đền Đông Cuông. Trong tâm thức của bà con nơi đây, Mẫu Thượng Ngàn đã trở thành con người thực, gắn liền với sông núi. Nhìn chung, theo dòng trôi chảy của lịch sử, truyền thuyết về Mẫu Thượng Ngàn ngày một thay đổi, mà chúng tôi ngờ rằng, hiện tượng này đã chịu sự chi phối của các luồng thương mại nội địa để chuyển hoá dần bà mẹ khởi nguyên sang một thần của cải. Lễ hội đền Đông Cuông được tổ chức vào ngày Mão đầu tiên của tháng Giêng và tháng Chín, tế vật là trâu trắng (tháng Giêng) và trâu đen (tháng Chín) mổ nguyên con vào đêm hôm trước. Trong lễ hội tháng Giêng, chủ tế đem 9 chén tiết trâu trắng xuống bến sông để tế vào đêm trước lễ, sau khi tế ông liền quay đầu đi thẳng một mạch về phía đền mà không ngoảnh mặt lại nhìn. Nhân dân địa phương kể lại khi thu dọn đồ tế ở bến sông, 9 chén tiết trâu bao giờ cũng cạn hết. Lộc là thịt trâu tươi được tán hết trước giờ Ngọ ngày chính lễ. Giải mã hiện tượng lễ hội này, tạm có thể thấy, số 9 là số cực dương, mang tính chuyển động, biến đổi, phát triển, dùng tiết đỏ để cầu hạnh phúc mọi mặt, sức khỏe dồi dào (vì màu đỏ của máu được đồng nhất với sinh khí), con người muốn qua hành động lấy tiết, chính là lấy sức sống của con vật để tế thần và như cầu mong thần rừng ban phát ân huệ. Tháng Giêng, mực nước sông Hồng hạ thấp, làm thành một bãi lễ hội bằng cát phẳng rộng trước đền Mẫu. Ngày nay, nhân dân rước kiệu Mẫu (Mẹ) từ đền Đông Cuông sang miếu Ghềnh Ngai (nay thuộc xã Tân Hợp, huyện Văn Yên) thăm Đức Ông. Kiệu Báo (Con) đi tiếp sau kiệu Mẹ. Lúc kiệu đi, đông đảo tín nữ Kinh - Tày bao quanh kiệu khấn chúc hai mẹ con Mẫu thăm Đức Ông mừng vui trọn vẹn. Trống rong cờ mở, bát âm tấu nhạc. Bốn thiếu nhi Tày thắt lưng đỏ cầm cờ múa đi trước, thiếu nhi ngoài cuộc được già làng động viên reo hò khích lệ hô “vua Mẹ vua Báo” (“vua Mẹ vua Con”). Một thuyền lớn hoặc một bè lớn túc trực dưới sông đón kiệu. Đến mép nước, kiệu vua Con ở lại trên bờ, chỉ có kiệu vua Mẹ xuống thuyền cùng 11 người sang Ghềnh Ngai. Toán người gồm thổ đạo, mo đền, tín nữ, người cầm lọng che kiệu tới tảng đá ghềnh, để kiệu Mẫu ở dưới thuyền; thổ đạo, mo và các thành viên lên đền thắp hương khấn bằng tiếng Tày xen lẫn tiếng Kinh, sau đó xin âm dương bằng 2 đồng tiền kẽm để nài Đức Ông chấp nhận, rồi xuống thuyền trở về. Lễ diễn khoảng nửa giờ, khi trở về kiệu Mẫu và kiệu Con được rước vào đền, bốn trẻ cầm cờ vẫn đi trước múa mừng, nhưng đám trẻ ở ngoài không hò reo nữa. [​IMG] Đồng bào Tày ở Đông Cuông và các vùng lân cận quan niệm đây là “lễ cưới lại” của Mẫu và Đức Ông, mà hậu duệ phải đứng ra tổ chức. Trong lễ hội tổ chức nhiều trò chơi dân gian truyền thống như múa dân gian (cử hành lúc rước kiệu từ đền ra bờ sông để sang Ghềnh Ngai được đàn tính và nhạc chũm đệm), hát chèo, diễn tích, ném còn, đánh vật,... nhằm mong cho toàn dân thu hoạch lúa tốt, gia súc đầy chuồng, bình an khoẻ mạnh. Lễ hội đền Đông Cuông là một cuộc sinh hoạt tinh thần, mang đậm màu sắc dân gian, là dịp giao lưu, vui chơi của nhân dân trong vùng và các vùng lân cận. Trong lễ hội, yếu tố hồn nhiên của tín ngưỡng cổ truyền, thể hiện sự hòa nhất giữa thần và người. Vì thế, duy trì những hình thức lễ hội độc đáo ở Đông Cuông là duy trì một sản phẩm văn hóa, phục vụ du lịch văn hóa cộng đồng, đấy cũng chính là yếu tố mà lý thuyết bảo tàng hiện đại hướng đến. [​IMG] Với tín ngưỡng thờ Mẫu và các anh hùng có công với đất nước, đền Đông Cuông mang ý nghĩa giáo dục truyền thống lịch sử, văn hoá sâu sắc. Đây là một di tích lịch sử văn hoá lâu đời, một điểm du lịch văn hoá, sinh thái lý khá tưởng dành cho du khách trong những chuyến hành hương về nguồn. Là điểm mốc tâm linh văn hoá đoàn kết các tộc người anh em trong cộng đồng dân tộc Việt Nam nơi giáp biên cương của Tổ quốc. --------------------- Tài liệu tham khảo: 1 - Lê Quý Đôn: Kiến văn tiểu lục, Dịch giả Phạm Trọng Điềm, Hà Nội, Sử học, 1962. 2 - “Đền Đông Cuông - di tích văn hoá lịch sử độc đáo của Yên Bái”, Báo điện tử Hải Phòng ngày 7/4/2005. 3 - Tư liệu tại di tích. Nguồn: Tạp chi Di sản (Số 3/2006)
    kuangtuan, 8/6/11 #6
  7. Trí Minh

    Trí Minh Active Member

    Hồ sơ xếp hạng di tích đền Đông Cuông DI TÍCH LỊCH SỬ ĐỀN ĐÔNG CUÔNG I. Tên di tích: Đền Đông Cuông- Tên gọi khác: Đền Thần Vệ Quốc, Đông Quang. II. Địa điểm và đường đi đến di tích - Địa điểm phân bố: Thuộc thôn Bến Đền, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái. - Đường đi đến di tích: Cách trung tân tỉnh lỵ Yên Bái về phía Tây Bắc 52 km, cách huyện lỵ Văn Yên 18 km về phía Tây Bắc và cách ga Trái Hút 4 km về phía Tây Nam. Đường đi đến di tích đều rải nhựa, bê tông, phương tiện du khách đi bằng ô tô, xe máy đến di tích khá thuận lợi. III. Sơ lược lịch sử và thuộc tính của di tích: Đền Đông Cuông là cụm di tích gồm 4 điểm: Ngoài đền Chính còn có Miếu Cô, Miếu Cậu và Miếu Đức Ông (Miếu Đức Ông tọa bên hữu ngạn sông Hồng đối diện với ngôi đền Chính về hướng nam cách 150m đường chim bay thuộc cụm di tích đền Đông Cuông).Đền có từ lâu đời, qua sử sách thư tịch được biết, đền có muộn nhất vào đời Lê, được phát triển từ một Miếu cổ (thuộc trung tâm trại Quy Hóa thời Trần), các thư tịch cổ như Kiến văn tiểu lục, Đại nam Nhất thống chí đều có ghi chép về ngôi đền Đông Cuông này. Đền và khu vực đền có liên quan đến đền Ngọc Tháp và đền Hùng (Phú Thọ).Đền Đông Cuông sơ khởi là miếu thờ Đông Quang công chúa do các dòng họ Hà, Hoàng, là người Tày Khao sáng lập và thay nhau đảm lãnh công vụ chính quyền, đồng thời là nơi làm việc của Thổ Tù, chức dịch, phiên quan và đảm nhiệm chức năng “Đinh Trạm” chuyển tống đạt công văn thư chỉ hai chiều giữa triều đình trung ương và cơ sở. Thời Trần Tổng dinh Quy Hóa Hà Bổng và thuộc viên của ông từ Ngọc Tháp- Thanh Sơn lên trấn giữ biên ải. Hiện nay, trước là đình, nay là đền dòng họ Hà quán xuyến bởi tổ phụ của dòng họ Hà là Hà Văn đã từng lãnh đạo địa phương đánh giặc Nguyên Mông lấy 7 vạn quân, 500 chiến thuyền, 6.000 quân Vân Nam và 1 vạn 500 quân ở 4 châu ngoài bể và sai thái tử Thoát Hoan làm đại nguyên soái, A Bát Xích làm tả thừa, A Lỗ Xích làm bình trương chính sự, Ô Mã Nhi, phần tiếp làm chính sự đem tất cả hơn 30 vạn quân sang tiến đánh nước Nam.Trước tình thế đó Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Trần Nhân Tông đã sắc phong Hưng Đạo Vương Quốc Trần Quốc Tuấn làm Quốc công tiết chế chỉ huy toàn bộ quân dân Đại Việt khánh chiến chống quân xâm lược Nguyên – Mông. Đạo quân Nguyên – Mông do Nạt Tốc Lạt Đinh chỉ huy chạy ngược sông Lô về Vân Nam, khi chạy qua địa phận Phù Ninh (nay là huyện Phong Châu tỉnh Phú Thọ) chúng bị quân dân địa phương do anh em Hà Đặc, Hà Chương đã rút quân lên đánh địa căn cứ núi Chỉ (thuộc tỉnh Phú Thọ) dẫn đến, từ trên núi đưa dân binh xông vào đồn quân tiên phong của giặc tập kích bất ngờ bằng nhiều mưu lược quân sự. Hà đặc sai người dùng tre đan thành những hình người to lớn cho mặc áo quần như người thật rồi cứ tối thì dẫn ra dẫn vào. Ông lại sai người dùi thủng thân các cây to rồi cắm vào đấy những mũi tên thật lớn, quan giặc trông thấy tưởng rằng đang gặp những người khổng lồ có sức mạnh phi thường bắn thủng cả những cây cổ thụ, hoảng loạn mà không dám đánh.Quân của Hà Đặc, Hà Chương đuổi giặc tới tận A Lạp (chưa xác định được A Lạp ở đâu, con sông Phù Ninh có lẽ là sông Lô ngày nay, theo Đồng Khánh địa dư chí lược (Sơn Tây tỉnh) huyện Lập Thạch có các xã A Lạp, Đức Lạp, phải chăng A Lạp là ở đây) thì bị đạo quân đi sau của giặc chặn đánh, Hà đặc anh dũng hy sinh, Hà Chương bị bắt. Nhân đêm tối lúc sơ hở Hà Chương đã lấy cờ xí và y phục quân giặc trốn về, đem dây lên triều đình xin dùng cờ và y phục giả làm quân giặc tới doanh trại của chúng, giặc bị tập kích bất ngờ không kịp đề phòng bị quân của Hà Chương đánh từ trong ra. Quân Nguyên - Mông tan vỡ thiệt hại nặng, số sống sót rút chạy về Vân Nam.Chiến thắng quân Nguyên Mông lần thứ hai là một chiến thắng hiển hách, địa danh tiêu biểu Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, Cự Đà sẽ mãi còn ghi trong sử sách. Những đóng góp của nhân dân các dân tộc miền núi phía Bắc dưới sự chỉ huy của các thủ lĩnh lỗi lạc: Hà Đặc, Hà Chương thể hiện sức mạnh đoàn kết dân tộc.Theo gia phả của dòng họ Hà, vốn gốc người Tày Khao thuộc dòng họ Hà Đặc, Hà Chương thời Trần. Nay tụ cư tại An Bồi- Kiến Xương- Thái Bình, Hà Khâm và Hà Chương là hai anh em, khi đánh giặc, Hà Chương hăng hái truy kích địch tới vùng Yên Bái hy sinh tại đó. Ông được phong hầu là “Bình Nguyên thượng tướng trung dũng hầu”, tại làng An Bồi còn có một nhà thờ tổ có hai câu đối:“ Thác Nhược tận trung lưu vạn đại Hải môn chí dũng kỷ thiên thu” Tại Ghềnh Ngai xã Tân Hợp đối diện với đền còn ban câu đối đá mục còn lưu lại 3 chưa âm lưu, các cụ cao niên tại xã Quế Hạ truyền miệng lại Hà Chương… trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông đã đuổi quân Nguyên từ Phú Thọ theo sông Hồng lên Yên Bái, tới Châu Quế Thổ (tức Châu Quế Hạ ngày nay) Hà Khắc Chương chiêu mộ thêm thổ binh địa phương tiếp tục truy kích địch, đóng bè mây mang ra cắm chốt tại cửa ngòi Thác Nhược. Sau một tuần quân địch lọt vào trận địa mai phục, quân ta từ mọi hướng xông ra phá tan quân địch trong lúc quyết chiến. Hà Chương bị thương nặng và hy sinh, đã được đưa sang sông chôn cất tại cửa Thác Nhược Sơn. Hậu duệ của ông rước hồn về thờ tại Đền Đông Cuông. Tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, Yên Bái. Qua 5 lần khai quật, giải mã phát hiện nơi đây là một trung tâm phật giáo thời nhà Trần sau khi thắng trận khải hoàn được xây dựng phải chăng đây là kế sách của nhà Trần nhằm bảo vệ miền biên viễn của Tổ Quốc.Sau khi tử trận và được dân làng lập miếu thờ bên Ghềnh Ngai, vợ ông là Lê Thị và con trai ông (là Hoàng Báo) khi mất cũng được dân làng thờ bên Ghềnh Ngai và ít lâu sau, ban thờ mẹ và con được di chuyển sang đình cả Đông Cuông (nơi đền Đông Cuông ngày nay). ---------- Post added at 10:24 PM ---------- Previous post was at 10:23 PM ---------- Kể từ khi di dời, đình được mở rộng và cải đổi trở thành đền cụ Lê Quý Đôn thời Hậu Lê đã có kỷ lục. Sách Đại nam Nhất thống chí có địa danh là “đền Thần Vệ Quốc” gọi theo sắc phong. Sự biến cuộc khởi nghĩa Giáp Dần (1913- 1914) năm 1914 nghĩa quân Mán quần trăng, Mán đại bản và người Tày, người Nùng tỉnh Yên Bái tổ chức tập hợp lực lượng và nổi dậy năm Giáp Dần tấn công các đồn Pháp trên đại bàn tỉnh Yên Bái và Lao cai. Cùng thời gian này công nhân hỏa xa và thương gia Việt Kiều tại tỉnh Vân Nam - Trung Quốc hưởng ứng lời kêu gọi của Phan Bội Châu và những người Việt Nam quang phục hội, lập hội ái hữu và hội yêu nước ở hải ngoại, bí mật ủng hộ phong trào đấu tranh chống Pháp ở trong nước. Một số đồn binh của Pháp dọc biên giới Việt Trung, địa phận Lao Cai bị nghĩa quân tấn công.Cuộc nổi dậy thất bại, do thiếu tổ chức đúng đắn, chính quyền thống trị Pháp thiết lập, tòa án quân sự đặc biệt trong thời ký chiến tranh… xét xử những chiến sỹ yêu nước, hầu hết bị tử hình, chung thân hoặc khổ sai lưu đày, một số bị hành quyết lén lút.Một lần nữa nhân dân toàn tổng Đông Cuông góp sức, của, đón thợ Hà Đông, Nam Định lên đúc tượng đồng và phong vua mẫu, vua con (đúc tượng Hà Chương thờ tại nơi Mộ Thác Nhược Sơn, xã Châu Quế Hạ được xếp hạng di tích cấp quốc gia năm 2006). Tục gọi là đền Thác Nhược. Như vậy thời Lê hình thành đền thờ nhân thần mẹ con bà Lê Thị, thời Nguyễn suy tôn vua Mẫu và giờ đây trở thành đền Mẫu Đông Cuông “Mẫu đệ Nhị Thượng Ngàn”Năm 1924, bà Lái Lộc một nhà buôn lâm sản bỏ tiền riêng xây gạch cho đền Mẫu và sửa miếu Đức Ông bằng gỗ lim.Năm 1978- 1979 nổ ra chiến tranh biên giới phía Bắc, đền dỡ đi để xóa mục tiêu, đồ thờ được thủ từ Hà Văn Giấy cất giữ cẩn thận.Năm 1982 tình hình tạm yên. Hội người cao tuổi ở thôn Bến đền đã dựng lại trên nền đền cũ bằng vật liệu tranh tre, nứa lá.Năm 1995 UBND tỉnh Yên Bái ra quyết định cho phép nhân dân xã Đông Cuông, huyện Văn Yên “xây dựng lại ngôi đền Đông Cuông đúng trên nền ngôi đền cũ cúng đã được sự đồng ý của Cục Bảo tồn, bảo tàng, nay là Cục Di sản Văn hóa để nhân dân các dân tộc Tây Bắc tôn kính, thờ cúng các vị nhân thần có công trấn ải giữu nước phía Bắc, là điểm giáo dục lịch sử rất có giá trị ở nơi miếu biên niên”.Năm 2000 sở văn hoá thông tin, bảo tàng tỉnh Yên Bái (nay là sở văn hoá thể thao và du lịch tỉnh Yên Bái) lập hồ sơ trình tỉnh xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh có diện tích trên 17.600m[SUP]2[/SUP].Đền Đông Cuông khó định danh nhân vật thời chính cũng chỉ vì tồn tại khá lâu đời (bên cây đa ngót 800 năm tuổi). Và ít điểm thờ tự cho nên nhiều thế kỷ đi đôi với phối thờ nhiều nhân vật nhân thần và nhiên thần có công dựng, giữ nước ở phía bắc. ---------- Post added at 10:25 PM ---------- Previous post was at 10:24 PM ---------- IV- Loại di tích: Đền Đông Cuông, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái thuộc loại di tích lịch sử - văn hoá .V- Khảo tả di tích. Đền Đông Cuông được xây dựng trên một thế đất rộng tọa sát bên đôi bờ sông Hồng xung quanh là đồng ruộng và núi rừng bao bọc. Vậy nên từ xa đã khiến du khách nhận ngay được bóng dáng cây đa khoảng 800 tuổi, ngôi đền tuy cổ mà không cũ, tuy hiện đại mà mang tính dân tộc cao.1- Về hướng của di tích.Đền Đông Cuông được cổ nhân chọn phương cắm hướng trên một thế cát địa vạn niên. Tán phong tụ thuỷ quanh phía phải đền có đoạn sông tạo hình bán nguyệt, bốn mùa nước đỏ phù sa màu mỡ.Như vậy: Nguời xưa đã chọn phương cắm hướng tìm đất làm nơi toạ lạc của đền Đông Cuông nhất thể tuân theo thuyết truyền "Phong thuỷ" mà ở phía hữu lại thờ dương Đức Ông, phía tả thờ thánh mẫu, âu cũng là điều dễ hiểu, bộc lộ quan niệm về âm dương đối đãi ở quê hương đồng bào tày nói riêng, một điển hình ở phương đông nói chung.2- Niên đại xây dựng.Việc tìm hiểu chính xác việc xây dựng ngôi đền Đông Cuông là công việc mà xưa nay đã nhiều người dày công tra cứu, nhưng kết luận cuối cùng thì còn tranh cãi nhiều. Như vậy có thể có thể kết luận rằng đền Đông Cuông sơ khởi chỉ là một miếu rồi thông thánh quán và đã định niên đại xây dựng từ năm vĩnh huy. Từ miếu quán ban đầu được đổi tên thành đền ở thời Lê và đền ấy trải qua những lần tu sửa mới toàn bộ vào các năm 1790, 1922, 1995, sau khi được xếp hạng di tích cấp tỉnh địa phương và du khách xa gần đã xây dựng lại theo mẫu cũ làm nơi thờ tự khang trang bề thế vững trãi.3- Về kết cấu kiến trúc.Theo dân tộc Tày Khao gọi là đình Đông Cuông với chức năng thờ mẫu và vị đại vương người Tày cho là thành hoàng làng là chính không kiêm nhiệm nhiều chứ năng khác và không tập trung thể hiện mỹ thuật. Trang hoàng lộng lẫy mà chỉ là những vân mây, sóng nước điểm xuyến đôi hình hoa lá, hoa dây. Đền Đông Cuông có kết cấu hình chữ Đinh gồm 2 toà Đại Bái và hậu Cung cấm. Trước sự ngưỡng mộ của chính quyền địa phương và toàn thể nhân dân xa gần, toà Đại Bái mới được xây dựng trên nền móng cũ (1995-2002) gồm 3 gian 2 trái làm kiểu quá giang gối đầu, tường cao 5m, nền lát gạch hoa, mái rằng hoàng gỗ, cột xi măng giả gỗ cốt thép, toàn mái lợp mái vẩy hương canh …Qua bố trí kết cấu không và ở toà cung cấm là dạng đình ở trên mang dáng dấp kiến trúc của thời Nguyễn với lối sử dụng cổ truyền có hiệu quả là nét điển hình nghệ thuật kiến trúc cổ dân gian mà tới hôm nay dù xây dựng có công nghệ kỹ thuật hiện đại song vẫn ứng dụng kiểu hệ thống cổ truyền này, chỉ có điều biến dạng vị trí đi với một tên gọi khác "con sơn" mà ta thường bắt gặp. ---------- Post added at 10:25 PM ---------- Previous post was at 10:25 PM ---------- VI- Các hiện vật trong di tích. A, Toà hậu cung cấm:Do có sự biến thiên của lịch sử. Ngôi đền cổ xưa không còn nguyên vẹn về nhân vật thờ cúng như hình thứcToà hậu cung còn bảo lưu 2 pho tượng đồng cỡ lớn, một pho tượng mẫu, một pho tượng là quan hoàng báo. Nói đến mẫu chúng ta tự hiểu giản đơn là người mẹ, song là người mẹ của vũ trụ, của toàn thể nhân loại là tối thượng thần chi phối đến tư duy của toàn thể nhân loại. Trong đó có người Việt nói chung và người Tày Khao nói riêng, mẫu là một lực lượng siêu đẳng là hiện thân của một sự kính trọng là nguồn của cải vô biên, là linh hồn của vũ trụ, từ mẹ mà muôn vật nảy sinh muôn loài tồn tại. B, Toà Đại Bái:- Ban thờ Ngũ vị tiên ông.- Ban Trần Triều.- Phủ Sơn Trang.- Toà Công Đồng Chúa.- Đại tự. VII- Giá trị lịch sử khoa học. Như trên đã trình bày đền Đông Cuông được thành lập từ thập kỷ 60 của thế kỷ thứ 7, cho dù sơ khởi chỉ là một miếu thờ Đông Quang công chúa rồi phát triển dần thêm lên thành đền ở thời Lê rồi thờ mẫu Thượng Ngàn chúa tể rừng xanh.Đền Đông Cuông cho ta biết được việc thờ thần vệ quốc thờ mẫu nhằm sự kính trọng nguồn của cải vô biên, muôn vật nảy sinh muôn loài tồn tại và trở thành một vị mẫu đầu tiên góp phần hoàn chỉnh từ phủ đạo mẫu ở Việt Nam. Xuất hiện từ miền núi đồng thời góp phần tạo ra một tình thế xã hội ổn định, phát triển mở rộng khối đoàn kết cao quyết tâm đưa cuộc kháng chiến chống giặc (Nguyên - Mông) đi đến thắng lợi để rồi xuất hiện những anh hùng người dân tộc thiểu số như Hà Đặc, Hà Chương, Hà Bổng…Đền Đông Cuông là nơi thờ Thần Vệ Quốc có tác dụng đánh đổ tư tưởng sợ địch, tạo sự đoàn kết và lòng quyết tâm cao bảo vệ quê hương như cuộc khởi nghĩa năm Giáp Dần (1913-1914) của người Dao, Tày chống Pháp.Với những giá trị kể trên đền Đông Cuông thực sự đã trở thành một ngôi đền miền núi nổi bật trên núi rừng trùng trùng điệp điệp bao bọc mà sơn thuỷ hữu tình. Nguồn bảo tàng tỉnh Yên Bái
    Chỉnh sửa cuối: 15/1/12 Trí Minh, 15/1/12 #7
  8. hieubom

    hieubom New Member

    đền đông cuông đức đại tối linh. em ở yên bái. các anh chị cô chú lúc nào có dịp qua miền sơn cước thượng ngàn yên bái liên hệ với em em đưa đi chơi và giao lưu luôn ạ:p
    hieubom, 24/1/12 #8
  9. TuPhuThanhCo

    TuPhuThanhCo New Member

    diễn đàn mình có ai đi dự lễ mão đầu ko ạh. Đêm mùng tám cậu em dâng trâu nếu ai ở diễn đàn đi trẩy hội mão đầu thì gặp nhau và dự đâm trâu nhé.
    TuPhuThanhCo, 24/1/12 #9
  10. ConTraiThánhMẫu

    ConTraiThánhMẫu New Member

    hiếu bom ở chỗ nào yên bái vậy?
    ConTraiThánhMẫu, 24/1/12 #10
  11. hieubom

    hieubom New Member

    ConTraiThánhMẫu nói: ↑
    hiếu bom ở chỗ nào yên bái vậy?Click to expand...
    dạ thưa anh em là hiếu bờm ạ. chứ không phải hiếu bom. em ở tp yên bái ạ
    hieubom, 24/1/12 #11
  12. ConTraiThánhMẫu

    ConTraiThánhMẫu New Member

    a vậy à xin lỗi bạn nha,bạn ở phường nào vây? bạn bao tuổi rồi
    ConTraiThánhMẫu, 25/1/12 #12
  13. hieubom

    hieubom New Member

    ConTraiThánhMẫu nói: ↑
    a vậy à xin lỗi bạn nha,bạn ở phường nào vây? bạn bao tuổi rồiClick to expand...
    mình chẳng biết tính tuổi đâu. mình sinh năm 90. mình ở tp yên bái 2:))=))
    hieubom, 25/1/12 #13
  14. lethanhhp

    lethanhhp New Member

    úi giời . trâu trắng to được treo lên cành mít . khi giết máu chảy ra mọi người dân chạy ra lấy máu trâu bôi hết lên mặt trong ai lấy đều đỏ . dưới ánh điện vào ban đêm nhìn mặt đỏ với máu của trâu trông cứ nhu ma ấy
    lethanhhp, 24/9/12 #14
  15. Lãng

    Lãng New Member

    lạy Mẹ bao giờ cho con về cửa Mẹ :(
    Lãng, 25/9/12 #15
(Bạn phải Đăng nhập hoặc Đăng ký để trả lời bài viết.) Show Ignored Content

Chia sẻ trang này

  • Facebook
  • Twitter
  • Google+
  • Tumblr
  • Reddit
  • Email
  • Login with Facebook
Tên tài khoản hoặc địa chỉ Email: Bạn đã có tài khoản rồi?
  • Tích vào đây để đăng ký
  • Vâng, Mật khẩu của tôi là:
  • Bạn đã quên mật khẩu?
Duy trì đăng nhập Đăng ký!
  • Thành viên trực tuyến

    Tổng: 81 (Thành viên: 0, Khách: 75, Robots: 6)

    Thống kê diễn đàn

    Đề tài thảo luận: 7,003 Bài viết: 61,751 Thành viên: 28,763 Thành viên mới nhất: thienphuc nb
  • Diễn Đàn Hát Văn Việt Nam Trang chủ Diễn đàn > Tín ngưỡng Tứ phủ > Di tích và Danh thắng >

    Từ khóa » đền Ghềnh Ngai