Đền Ghềnh, Nơi Thờ Phụng Bắc Cung Hoàng Hậu Tây Sơn, Ngọc ...

Đền Ghềnh “Thiên quang Linh từ” ở thôn Ái Mộ xã Bồ Đề , Gia Lâm , bên bờ sông Hồng mênh mông trời nước - Đền thờ đủ các chư vị đức ông , thánh mẫu và ba vị nữ thần - Đó là ba bà Chúa Việt Nam :

Bà Chúa Liễu Hạnh , từ thượng giới xuống và lưu lại cõi trần , vân du khắp nơi trừ ác cứu độ chúng sinh , nhiều nơi đã thờ bà như Đền Sòng , Phủ Dầy , phủ Tây Hồ , Phố Cát .....

Bà Chúa An Bình ( bloger mantico sửa : La Bình ) là mẫu thương Ngàn , con thần Tản Viên . Bà đã có công âm phù các đời Lý , Trần , Lê đánh thắng các giặc Tống , Nguyên và Minh . Tại các núi non , hang động linh thiêng đều đã thờ bà

Công chúa Lê Ngọc Hân con vua Lê Hiển Tông và bà Chúa Nành (Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền) ở làng Nành - Tiên Sơn - Bắc Ninh . Bà là bắc cung Hoàng Hậu vua Quang Trung.

Công Chúa Ngọc Hân là con gái của Vua Lê Hiển Tông. Nàng từ nhỏ đã nổi tiếng xinh đẹp và đủ tài cầm kỳ thi họa. Công chúa được coi là một nữ thi sĩ tài sắc của nền văn chương cổ Việt Nam. Năm 16 tuổi (năm 1786), nàng được vua cha gả cho Bắc Bình vương Tây Sơn Nguyễn Huệ. Ba năm sau, Công chúa được Quang Trung tấn phong Bắc Cung Hoàng Hậu.

Công chúa Lê Ngọc Hân, nổi tiếng về tài, đức và sự trinh liệt. Cho đến nay, trong dân gian vẫn lưu truyền sự tích đền Ghềnh gắn với số phận bi thương của công chúa Ngọc Hân, người được cả kinh thành Thăng Long gọi là "Chúa tiên" bởi dung nhan xinh đẹp, cầm kỳ thi họa đủ tài xuất chúng.

Bức họa sơn dầu Ngọc Hân công chúa.

Cuộc tình giữa Ngọc Hân và Hoàng đế Quang Trung chỉ kéo dài 6 năm, sự ra đi đột ngột của vị hoàng đế tài ba đã khiến mẫu nghi thành Thăng Long đổ máu khóc chồng với tác phẩm bất hủ "Ai tư vãn" bất hủ. Bảy năm sau, ở tuổi 29, nàng lặng lẽ đi theo Quang Trung vào cõi vĩnh hằng.

Nhà Nguyễn lên ngôi đã tìm cách tận diệt những người có liên quan đến triều đại Tây Sơn. Bà Chiêu nghi Nguyễn Thị Huyền, xót phận con gái Ngọc Hân sau khi mất, vẫn phải gửi thân ở Phú Xuân - Huế nên đã tìm cách bí mật đưa được hài cốt Bắc cung Hoàng hậu nhà Tây Sơn về an táng tại quê nhà (làng Nành, Gia Lâm).

Bất chấp sắc lệnh cấm thờ phụng của nhà Nguyễn, hơn 200 năm nay nhân dân đã bí mật thờ Công Chúa tại đền này dưới danh nghĩa Mẫu Thoải.

Tượng Bắc cung Hoàng hậu Lê Ngọc Hân được thờ kín ở đền Ghềnh.

Không ngờ đến đời vua Minh Mạng có người đã đem việc "ngụy hậu" Tây Sơn vẫn đang được "mồ yên mả đẹp" ở quê mẹ, thoát việc "trả thù 9 đời" do vua Gia Long khởi xướng và thực thi. Triều đình Huế ra lệnh lập tức đào mộ Ngọc Hân lên, san đất thành bình địa cho cỏ gai mọc đầy, còn xương cốt thì đem vứt xuống sông. Hài cốt Ngọc Hân bị đổ xuống sông Hồng thuộc địa phận làng Ái Mộ.

Thương xót Bắc cung Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân Ái Mộ lập miếu thờ bà chính nơi bờ sông vớt được hài cốt. Dòng sông bên lở, bên bồi; ít lâu sau, ngôi miếu nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi.

Cho đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản đã công đức để tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú Viên. Năm 1872, đền lại bị giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh Thành Hà Nội.

Trong cung còn lưu đôi câu đối ca ngợi Lê Ngọc Hân:

Sơn nhạc chung linh, Lê thị chí kim lưu tự điển

Phong vân trường lộ, Nhĩ Hà dĩ bắc ngật sùng từ

Dịch nghĩa:

Núi Nhạc linh thiêng, gương bà họ Lê truyền ghi sử sách.

Sóng gió lặng yên, đền dựng to cao đẹp bến sông Hồng.

Đền Ghềnh thực chất là nơi thờ Công chúa Ngọc Hân – Bắc cung Hoàng hậu của Vua Quang Trung, mẫu thân là Hoàng hậu Nguyễn Thị Huyền và hai con của công chúa.

Dốc lòng với việc tín nghĩa, cụ lại đi quyên góp xây lại đền. Trải bao phen binh lửa, can qua, đền Ghềnh vẫn được con cháu cụ Ðặng Thị Bản trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày nay.

Đền hiện có các hạng mục chính như: điện mẫu, điện sơn trang, nhà tổ, nhà khách và khu vực phụ trợ. Trong Đền còn lưu giữ được nhiều di vật quý: quả chuông được đúc vào thời Tự Đức, hai cỗ kiệu được trang trí bằng nghệ thuật chạm trổ, các bức đại tự, cuốn thư, hoành phi và câu đối.

Cùng với các di vật quý, di tích Đền Ghềnh ngày nay đã trở thành một công trình kiến trúc cổ kính, được đông đảo du khách cả nước biết đến.

Bên cạnh những giá trị vật thể, tại di tích này, hàng năm đều diễn ra Lễ hội Đền Ghềnh nổi tếng khắp cả nước với nhiều hoạt động mang đặc trưng của vùng đồng bằng sông Hồng. Lễ hội thể hiện ước nguyện của người dân về mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc; đồng thời tưởng nhớ đến nỗi đau của Hoàng hậu Lê Ngọc Hân. Lễ hội Đền Ghềnh lần đầu tiên được tổ chức vào đời Thành Thái, khoảng năm 1889; bắt đầu từ ngày 1 tháng 8 và kết thúc vào ngày 12 tháng 8 âm lịch hàng năm.

Các phần chính trong Lễ hội Đền Ghềnh là: sáng mồng 3-8, làm lễ rước nước sông Hồng về đền; sáng mồng 6-8, vào chính hội, hội làng tươi vui trong đám rước kiệu bát cống của trai tân và kiệu võng của các cô gái đồng trinh; mồng 7-8, đặc sắc nhất là 5 người đóng 5 ông quan Ðệ Nhất, Ðệ Nhị, Ðệ Tam, Ðệ Tứ, Ðệ Ngũ ngồi trước cửa Ðền hay còn gọi là Lễ Kiều Năm quan. Buổi tối có hát văn ca ngợi Thánh Mẫu, trong đó có lồng lời ca, ca ngợi vua Quang Trung, anh hùng áo vải và nỗi lòng bi thương của công chúa Ngọc Hân dựa vào bài thơ "Ai tư vãn" nổi tiếng.

Sau lễ tạ là các cuộc thi bơi trải vượt sông Hồng. Các lễ vật được lựa chọn để dâng trong lễ hội là bánh đa và khế ngọt. Năm 2013, thiết thực chào mừng kỷ niệm 10 năm quận Long Biên, lễ hội Đền Ghềnh đã được tổ chức với quy mô lớn, phục dựng lại hầu hết các nghi lễ của Lễ hội Đền Ghềnh truyền thống xưa, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng du khách thập phương.

Nguồn: Ảnh Vikimapia Hoàng Giang, Cổng thông tin Điện tử phường Bồ Đề,

Từ khóa » đền Ghềnh Hà Nội Thờ Ai